NGUYÊN DO NHỮNG QUÁI TƯỢNG

Ta thường nghe câu chuyện gà ba chân, gấu hai mõm do một tờ hài báo bày ra dạo trước để chế giễu một vài nhân vật có đôi chút tiếng tăm. Đó là một câu chuyện chỉ để cười, nhưng có thể làm đối tượng cho một cuộc nghiên cứu về khoa học.

Tại sao lại có gà ba chân? Tại sao lại có gấu hai mõm? Một đôi trống mái hay đực cái, thân thể không có chi là khác thường, sao lại đẻ ra một đứa con hình thù quái dị? Trên miếng đất khoa học, vấn đề đó xưa nay vẫn chiếm một phần rất quan trọng, và đã gây nên biết bao cuộc tranh luận giữa các nhà sinh vật học.

Ngay từ buổi cổ sơ, những hiện tượng kỳ quái đã đập vào óc hiếu kỳ của loài người. Nhiều thuyết đã nổi lên, cái thì cho là tại ảnh hưởng của các vi tinh, cái thì nhận đó là một hình phạt của trời, cái thì viện lẽ tà ma ám ảnh. Ngày nay, ở xã hội ta, mỗi khi có người đàn bà đẻ ra một cái quái thai hai đầu hay một mắt, vẫn còn có người tin rằng đó là quỷ đầu thai hoặc hung thần ác sát giáng sanh. Nói tóm lại, những thuyết ấy đều là những thuyết vu vơ, có tính cách thần bí hơn là khoa học, nó do ở những bộ óc tối tăm, chưa nhận được một tia ánh sáng nào của khoa học mà ra.

Người ta bắt đầu nghiên cứu hẳn hòi về vấn đề này vào khoảng thế kỷ thứ mười tám. Một cuộc tranh luận đã nổi lên tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp giữa hai nhà giải phẫu học trứ danh là Winslow và Lémery.

Winslow thì cho rằng quái tượng có ngay từ trong nguyên tử. Sinh vật nào lúc đẻ ra mà hình thể bất thường là bởi cái nguyên tử làm ra nó đã bất thường rồi; hay nói một cách khác, trong hai tinh khí âm, dương gặp nhau để kết thành thai, đã có một tinh khí bất thường rồi.

Bác lại cái thuyết ấy, Lémery quả quyết rằng quái tượng không phải sẵn có từ trong nguyên tử, mà trổ ra trong thời kỳ phát đạt của nguyên tử, hoặc vì bị động, hoặc vì bị một ảnh hưởng bên ngoài làm sai lệch, hư hỏng.

Trải hai thế kỷ XVIII và XIX, hai thuyết ấy xung đột nhau, lẽ phải chưa nghiêng hẳn về bên nào. Bước sang đầu thế kỷ XX, nhờ sự tiến bộ của khoa vật lý học người ta mới nhận thấy rằng cả hai đều đúng với sự thực. Sự thực, có hai thứ quái tượng, cái hợp với thuyết của Winslow, cái hợp với thuyết của Lémery.

Cũng nhờ sự nghiên cứu càng ngày càng tinh, người ta lại nhận ra rằng quái tượng theo thuyết của Winslow có thể di truyền được. Những tinh khí bất thường cứ lưu từ đời này sang đời khác mà kết thành những thai vật bất thường. Cho nên chúng ta thường nghe ở ta có nhiều người đàn bà đẻ một dây hai ba cái quái thai, hay có nhiều nhà buồn vì nỗi hết đời ông sang đời cha, hết đời cha sang đời con, thỉnh thoảng lại thấy một "hung thần giáng sanh".

Thuyết của Lémery khiến nhiều nhà vật lý học ngày nay nghĩ ra cách làm những quái thai nhân tạo, nghĩa là dùng phương pháp khoa học làm sai lệch nguyên tử để sau này có những sinh vật bất thường. Hoặc họ dùng cách thay đổi rất gấp khí trời, hoặc họ dùng cách lay chuyển nguyên tử; nhưng những phương pháp ấy phần nhiều không có kết quả chắc chắn, vì khi người ta được như ý nguyện, khi không.

Muốn bổ vào chỗ khuyết điểm đó, nhiều nhà bác học đã ra công tìm một nguyên tử động lực mạnh hơn, để có thể đạt mục đích một cách vững vàng. Vừa rồi một tờ báo Pháp có đăng tin một nhà vật lý học trứ danh ‒ ông Etienne Wolff, sau khi dày công nghiên cứu, đã nhận thấy cái nguyên động lực đó trong quang tuyến X.

Với quang tuyến X, không những ông đi đến sự thành công một cách dễ dàng, ông còn có thể làm cho bất thường bất kỳ bộ phận nào của thân thể cũng được. Và, đặc sắc nữa là những bộ phận bất thường nhân tạo ấy giống hệt những bộ phận bất thường của tạo hóa làm ra. Không những thế, ông lại còn phát kiến ra nhiều quái tượng lạ lùng, từ xưa chưa từng có.

Tóm lại, nguyên do của quái tượng có hai: hoặc vì những nguyên tử làm ra nó đã bất thường sẵn, hoặc vì trong thời kỳ phát đạt, nguyên tử gặp phải một ảnh hưởng bên ngoài làm cho hư hỏng, sai lệch đi. Theo thuyết sau, người ta có thể dùng phương pháp khoa học sai khiến nguyên tử trổ ra quái tượng. [a]

T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 1, 10.

Chú thích

[a] Bài này đăng trong mục “Về khoa học”; bút danh T.T., T., P.T.T. trên Sông Hương có lẽ đều là của Phan Khôi; đây là bài biên dịch theo nguồn tài liệu của báo chí Pháp.