NHẬT THỰC VỚI SỬ

“Cũng nhờ có khoa thiên văn rất tinh vi nên người ta có thể tính mà biết được rất rõ rằng những lúc nào có nhật thực. Sự suy tính được như thế rất có ích. Nhà sử học sẽ nhờ đó mà tính được một cách rất chắc chắn năm, tháng, ngày của những việc quan hệ trong lịch sử xảy ra cùng một lúc với những kỳ nhật thực đã qua”.

Đó là mấy câu của ông Hoài Thanh trong bài "Khoa học thường thức" nói về lần nhật thực ngày 16 Juin vừa rồi đăng ở báo Sông Hương số 2.

Một vị độc giả hiếu học ở Nam Kỳ nhắc lại mấy câu ấy trong một bức thơ gởi cho chúng tôi từ tháng trước. Người bảo chúng tôi viết thêm mà cắt nghĩa cho rõ hơn, và nếu có thể, cử ra ít nhiều chứng cứ cho nghe.

Như thế là đã tự nhiên đưa đến cho chúng tôi một cái đầu đề trong mục sử học này, khỏi phải mất công tìm kiếm. Cái đầu đề ấy là: Nhật thực với sử.

***

 

Nhật thực, ta nên kể là cái hiện tượng thường mà cũng có thể kể là cái hiện tượng phi thường. Vì thường nên nhà thiên văn mới suy trắc mà biết trước được; và vì phi thường nên nhà thiên văn suy trắc cũng có khi sai. Nhưng đó là nói thiên văn thuở xưa, theo lối cũ; chứ thiên văn hiện thời, đã lập lên trên nền khoa học và nhờ có những nghi khí rất tinh vi, thì sự suy trắc không có bao giờ sai được.

Chúng tôi không phải nhà khoa học, cho nên những điều nói về nhật thực ở đây chỉ là thường thức mà không phải khoa học. Tuy vậy, những cái thường thức ấy tưởng cũng tạm đủ cắt nghĩa mấy câu ông Hoài Thanh đã viết ra.

Vả mặt trời và mặt trăng mỗi cái vận hành đều có thường độ. Như thế, sự gặp nhau của chúng nó phải có kỳ nhất định. Mà hễ gặp nhau là tất có thể "thực" nhau. Thế thì sự nhật thực hay nguyệt thực đáng lẽ xảy ra hàng tháng mới phải, cớ sao đến một vài năm mới thấy một lần?

Cố nhiên là nhiều khi mặt trời mặt trăng gặp nhau mà không "thực". Ấy chỉ tại cái độ số vận hành của hai cái hơi có chênh lệch một tơ một hào đủ làm cho không "thực". Cái chỗ giỏi của nhà thiên văn là suy trắc mà biết được sự chênh lệch một tơ một hào ấy.

Nhà thiên văn thuở xưa, cái học của họ không được tinh, cho nên sự suy trắc của họ cũng không được đúng. Nhiều khi quan Thái sử tâu trước rằng ngày ấy giờ ấy sẽ có nhật thực, thế mà rồi không có gì cả. Nói tiên tri mà không ứng nghiệm, quan Thái sử không nhận lỗi của mình, trở lại đổ cho tại nhà vua "tu đức" nên tiên được thiên biến! Khoa thiên văn mà lại đeo cái vẻ huyền bí như thế, còn làm thế nào cho người ta tin?

Thiên văn học của Thái Tây không có lù mù vậy đâu. Về nhật thực, họ tính mà biết đúng từng phút từng giây; chẳng những về tương lai, cũng về ký vãng nữa.

Nhờ sự suy trắc mà biết đúng về ký vãng ấy, cho nên những điều họ đã nghiên cứu về nhật thực rất có bổ ích cho khoa sử học.

Có nhiều việc trong lịch sử xảy ra mấy ngàn năm về trước, bây giờ thấy mỗi sách chép một khác, chúng ta không có thể biết chắc việc ấy đã xảy ra năm nào. Sự rắc rối ấy, nhà thiên văn học đã gỡ hộ cho chúng ta được nhiều lần rồi vậy.

Chỉ có ở nước ta là thiên văn học còn giữ theo lối cũ; chứ bên Tàu từ đời Minh, có bọn giáo sĩ bên Tây sang, người Tàu đã tham chước theo lối mới. Vì đó thiên văn học của Trung Hoa chừng ba trăm năm giở lại đây cũng đã có ích cho sử học được nhiều.

Chúng tôi xin cử ra đây mấy cái chứng cứ.

***

 

Trong sách Sử ký, Tư Mã Thiên có chép chuyện đức Khổng Tử qua nhà Chu gặp ông Lão Tử.

Bấy lâu các nhà triết học sử nhân khảo về cái thời đại của hai ông giáo chủ ấy, họ muốn biết cái thời đại ấy cho đích xác nên cái ngày hai ngài gặp nhau phải thành ra vấn đề. Rồi họ cứ theo các sách mà suy đoán: người nói năm này, kẻ nói năm khác, sai thù nhau, không biết đâu mà nhất định.

May làm sao trong sách Lễ ký, thiên “Tăng Tử vấn”, có một câu chép lời đức Khổng rằng: "Lúc trước ta có đi theo Lão Tử đưa đám tang trong làng, vừa ra đến đường thì gặp nhật thực".

Nhân câu sách đó, ông Diêm Nhược Cừ, một nhà Pháp học đời Mãn Thanh, suy tính mà biết được lần nhật thực ấy ở vào năm thứ 24 vua Chiêu Công nước Lỗ, tháng năm, ngày mồng một, hồi giờ Tỵ. Rồi ông quyết rằng Khổng Tử gặp Lão Tử ở năm ấy, và bấy giờ Khổng Tử vừa 34 tuổi.

Nhưng, một nhà học giả khác lại bới thêm ra rằng đời vua Chiêu Công còn có một lần nhật thực nữa là năm thứ 31 của vua ấy. Thế thì Khổng Tử gặp Lão Tử ở vào lần nhật thực trước hay sau cũng chưa biết được. Tuy vậy, cái đó cũng chẳng quan hệ mấy. Dù vào lần trước hay lần sau cũng biết chắc được rằng khi gặp Lão Tử, Khổng Tử mới có từ 34 tuổi đến 41 tuổi là cùng. Thế thì về cái thời đại của hai ngài, nhờ thiên văn học giúp cho ta biết được rõ ràng nhiều lắm.

***

Những sách đời xưa còn truyền lại, bây giờ chúng ta làm thế nào biết được sách nào là thật, sách nào là giả? Sự ấy cũng đã có nhờ vấn đề nhật thực mà giải quyết được một vài.

Như trong Kinh Thư có thiên Dân chinh, nhiều nhà nho bên Tàu đã nghi cho là giả. Thì trước đây vài mươi năm, các nhà học giả bên Tây cũng nhân nghiên cứu về nhật thực mà phát kiến thêm ra thiên ấy là giả nữa.

Nhân trong thiên Dân chinh có nói về lần nhật thực thuở vua Trọng Khang nhà Hạ, cách đây ba bốn ngàn năm. Các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu lần nhật thực ấy mà mỗi người nói một thế, không ai hợp với ai. Đến nỗi sau cùng có mấy nhà chuyên môn về Hán học và thiên văn học họp nhau làm một quyển sách, thảo luận về vấn đề ấy mà vẫn không giải quyết được. Rốt lại, người ta phải cho là thiên Dân chinh là ngụy thơ, lần nhật thực chép trong đó không thật, cho nên tính ra không đúng; nếu thật thì tính đã đúng rồi.

Trái lại, trong Kinh Thi, về Tiểu Nhã, có một bài thi mở đầu bốn câu rằng:

 

Bắt đầu sang tháng mười,

Ngày mồng một, Tân Mão,

Mặt trời bị ăn xâm,

Cũng rất là xấu!

 

Các nhà nho bên Tàu từ hồi Tùy Đường đến nay vẫn đã suy toán và hợp nhau, họ đều nói rằng lần nhật thực Kinh Thi nói đó vào năm thứ sáu vua U Vương nhà Chu, tháng mười, ngày mồng một là ngày Tân Mão. Mà các nhà học giả bên Tây cũng công nhận như thế, họ tính ra lần nhật thực ấy vào ngày 29 Août năm 776 trước Giáng sanh và duy có ở phía bắc nước Tàu mới thấy được. Do đó người ta đoán rằng Kinh Thi là sách thật, trong đó có chép những gì, ta có thể tin là sự thật.

Sách Xuân Thu cũng đã nhờ cùng một cách nghiên cứu ấy mà được nhận là sách thật. Sách ấy có chép: "Hoàn Công năm thứ ba, mùa thu, tháng bảy, ngày mồng một, Nhâm Thìn, nhật thực". Lại chép: "Tuyên Công năm thứ tám, mùa thu, tháng bảy, ngày Giáp Tý, nhật thực". Hai lần này đều đã trải qua các nhà học giả Âu châu suy toán: lần trước vào ngày 17 Jullet năm 707 trước Giáng sanh; lần sau vào ngày 20 Septembre năm 604 trước Giáng sanh, mà cũng duy có ở tỉnh Sơn Đông bên Tàu (tức nước Lỗ thuở xưa) thấy được mà thôi. Nhờ đó những sự tích chép trong sách Xuân Thu đều đáng tin cả.

Đó, chúng tôi giãi bày một ít điều mình biết như trên đó, để chất chính cùng bạn đọc và để đáp lại vị độc giả đã hỏi chúng tôi.

P. K.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 2.