NHỮNG TIẾNG PHÂN LOẠI

Ông Từ Ngọc lại mới gởi cho bản báo bài nầy. Xin cứ theo nguyên văn đăng vào mục nghiên cứu.

Chúng tôi đăng bài nầy cốt gợi ra một vấn đề mới để giục giã sự nghiên cứu của những người thích nghiên cứu, chứ không phải đã đăng tức là đồng ý với tác giả.

Để xem dư luận đối với bài ông Từ Ngọc đây ra sao, rồi chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến của chúng tôi, cái ý kiến về những chữ mà tác giả đã mang danh là "tiếng phân loại".

Trong các vấn đề về mẹo luật tiếng ta, chúng tôi tưởng chỉ có vấn đề nầy là rắc rối hơn hết. Mới vừa động đến đã thấy bao nhiêu cái khó bày ra trước mắt mình: tức như hai chữ "phân loại" của ông Từ Ngọc dùng đó, chúng tôi không biết là đã ổn hay chưa.

LỜI TÒA SOẠN

Tôi còn nhớ hồi nhỏ theo học chữ Pháp một người hàng xóm mới bập bẹ tiếng Tây. Người ấy bắt đầu dạy cho tôi và mấy người học trò khác một trong những quyển Machuel thứ nhất. Hàng ngày, ông thầy chữ Pháp đầu tiên của chúng tôi giảng cho:

Mère là mẹ,

La mère là người mẹ;

Vache là bò cái;

La vache là con bò cái;

Café là cà phê

Le café là nước cà phê...

Hồi ấy, thầy bảo sao thì cũng cứ theo thế mà học như con vẹt; về sau nghĩ lại những lời giảng ngô nghê ấy, không thể nín cười được.

Song xét cho kỹ, ông hàng xóm của tôi chắc cũng mất công lắm mới nghĩ ra cách giảng như thế để cho xong việc; vì tiếng ta không chia ra giống cái và giống đực như tiếng Pháp, nên những chữ le, la ở tiếng Pháp dịch ra tiếng ta không có nghĩa gì cả.

Tuy thế, trong tiếng ta cũng có những chữ phân loại, mà những chữ nầy thì nhiều hơn những "articles" của tiếng Pháp.

1. Chữ cái và chữ con - Hai chữ phân loại này thường dùng nhất:

- Chữ cái dùng để chỉ những vật bất động: cái nhà, cái xe, cái áo.

- Chữ con dùng để chỉ các động vật: con người, con voi, con kiến, con cá, con chim.

Lệ ngoại: Những cái công lệ ấy không nhất định; lại có những lệ ngoại sau này:

a/ Chữ cái có thể dùng trước một danh từ chỉ những động vật để tỏ ý khinh bỉ.

Thí dụ: cái anh ấy kể làm gì?

             cái con chó ấy thì giết nó đi!

b/ Chữ con cũng có khi dùng với những chữ không chỉ một động vật.

Thí dụ: con quay (vụ), con mắt, con ngươi, con tim, con thuyền, con sông, con dao, con triện...

Ta nghiệm rằng những danh từ ấy phần nhiều chỉ những vật có thể cử động, đưa đẩy như loài động vật; trừ hai danh từ "dao" và "triện" dùng với con là theo thói quen, có lẽ vì hình dáng chăng?

2. Những chữ phân loại khác - Ngoài chữ con và chữ cái, tiếng ta có thể lấy những danh từ làm chữ phân loại được.

Thí dụ: ngày hội, người Tầu, bữa tiệc, cuộc cờ, đám rước, những chữ ngày, người, bữa, cuộc, đám... đều là danh từ dùng chữ phân loại.

Cũng có khi những danh từ bắt làm những chữ phân loại không dùng theo nghĩa chính, mà lại dùng theo nghĩa mượn.

Thí dụ: cây nêu, quả núi, cánh cửa, bài...

3. Cách đặt tiếng phân loại - những "acticles" của tiếng Pháp bao giờ cũng đặt trước danh từ. Thí dụ: la raison, le livre.

Những tiếng phân loại của chữ Hán, nếu đặt trước, đặt sau phải dùng chữ khác. Thí dụ: trạch kỳ thiện (chọn điều lành); đạo chi bất hành (cái đạo không giữ); thiện giả (người lành, sự lành).

Còn những tiếng phân loại của ta có thể đặt sau hay đặt trước danh từ được nếu trước tiếng phân loại có những chữ chỉ về số.

Thí dụ: hai cái nhà, nhà hai cái - năm con bò, bò năm con - ba bữa cơm, cơm ba bữa - một manh áo, áo một manh - mấy cái bàn, bàn mấy cái - bao nhiêu con gà? gà bao nhiêu con?

4. Những, các - Muốn chỉ những danh từ về số nhiều, tiếng ta cũng có những chữ như les, des của tiếng Pháp là: nhữngcác.

Thí dụ: những điều vô lý, các người ấy.

Chữ những nghĩa rộng hơn chữ các. Khi dùng chữ những, ta không cần biết rõ những vật hay người ta định kể đến: thầy giáo sẽ phạt những trò lười.

Chữ các dùng để chỉ hết thảy những vật hay người mà mình định kể đến: các trò ấy lười, nên thầy giáo phạt.

Chú ý - Chữ những và chữ các có thể dùng trước những chữ cái, chữ con và các chữ phân loại khác.

             những con vật kỳ;

Thí dụ: các cái vặt trong phòng;

             Trong những bữa tiệc

Trong những "ca" ấy, "cái vặt", "con vật", "bữa tiệc" có thể coi như những danh từ ghép (tiếng đôi). [a]

TỪ NGỌC

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 3.

Chú thích

[a] Phần lời tòa soạn là của Phan Khôi; phần bài của tác giả Từ Ngọc ở sưu tập này lẽ ra phải đưa vào phụ lục 2 (bài của tác giả khác có liên quan đến Phan Khôi), nhưng tôi (người biên soạn) xếp chung ở đây, vì nội dung của nó gắn với toàn bộ tiến trình các bài đăng trong mục “Quốc văn nghiên cứu” của tuần báo Sông Hương. Từ Ngọc là bút danh của nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003). – N. B. S.