PHỤ LỤC 2

CÁC TÁC GIẢ KHÁC VIẾT VỀ PHAN KHÔI

---------------------

LỐI TỰ HỌC CỦA NHỮNG BỰC ĐÀN ANH NƯỚC TA

ÔNG PHAN KHÔI HỌC CHỮ TÂY                                               VÀ LÀM QUEN VỚI CÔ LUẬN LÝ

            Bài chúng tôi đăng sau đây là một bài phỏng vấn của Phan Thị Nga về lối tự học của ông PHAN KHÔI. Nó mở đầu cho những bài khác cùng một lối ấy. Chúng tôi gác hết ý kiến về chính trị của các bậc đàn anh ấy, mà chỉ riêng nói về sự học của họ mà thôi. Có một điều chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên và muốn ghi vào đây, là những bậc mà ta có thể gọi là có trí thức trong nước và có công lao với văn học, phần nhiều là những người chưa hề mài đũng quần ở một trường đại học nào, mà chỉ là những người học lấy, như những ông Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.v…

Cái lối tự học đã làm cho họ rạng vẻ đó, chúng tôi thuật ra đây mong chút bổ ích cho những bạn vì điều kiện này nọ không thể theo đuổi sự học ở trường đến kỳ cùng.

HANOI BÁO

 

            Các bạn học chữ Tây bây giờ có thầy, có chương trình rõ ràng để học, mau hiểu, nên không thể lường được cái khó cái khổ của nhà nho học chữ Tây lúc trước. Thể ấy cũng nên biết qua cách học chữ Tây của các ông thâm nho hiện nay có tên tuổi. Dưới đây tôi hãy nói về ông Phan Khôi cho các bạn nghe.

            Ông Phan đậu tú tài hồi 20 tuổi, vào năm 1908. Giá như ông chuyên học để theo khoa cử thì ông cũng có thể đậu cử nhân, tấn sĩ như ai. Nhưng hồi ấy ông đã chán khoa giáp và thích học chữ Tây rồi. Thích học nên không nài tuổi lớn ông cắp sách đến trường ông Phan Thành Tài (1)  cùng học với lớp trẻ con lên 7 lên 10. Học được ba tháng ông đã thấy rõ sức thầy. Tuy học mau hiểu mặc lòng ông Phan không có cái may trong sự học chữ Tây. Bận việc nhà ông phải tạm xếp sách. Qua năm sau rỗi ông lại tìm tới thầy cũ mà học. Được ít lâu ông ra Bắc quyết tâm vừa học vừa cổ động cho phong trào đổi mới. [a] Ông xuống Nam Định học với ông Nguyễn Bá Học. Gặp thầy hay, ông thấy sức học mình tấn tới, nhưng rủi học mới được ba tháng ông bị bắt giải về Quảng Nam. Người ta kết án ông ba năm. Trong lao, ông tìm cách đưa sách vào học như Lecture courante, Manuel, v.v… Đọc sách chỗ nào không hiểu ông lại lật tự vị ra tra. Hồi ấy, ông nghe nói có thầy Ưng Điển dạy giỏi, ông viết thơ nhờ thầy Điển ra bài cho. Làm đâu được vài bài, vừa bị ông án Trần Văn Thống khám xét thấy hết sách Tây, Ta, giấy bút và nói một câu rất ý vị: “Các anh còn học làm gì nữa có ai cho các anh đi thi nữa đâu mà học !”

            Mãn tù ra ông ra Huế xin học trường dòng. Người ta thấy ông lớn quá không biết để ông vào lớp nào, bắt ông thi. Thi xong người ta cho ông vào lớp nhì. Đại để lớp nhì trường dòng hồi ấy là lớp nhất bây giờ, còn lớp nhất hồi ấy là lớp dạy học trò có bằng tiểu học rồi. Ông vô học đứng chót đội sổ trong hai tháng. Qua tháng thứ ba, đến kỳ hạch ông trở lên  đứng đầu. Gặp đại tang ông thôi học về quê mở lớp dạy chữ nho và quốc ngữ. Hai năm sau có nghị định bỏ thi, ông thôi dạy, bảo học trò: “Dạy các anh cho giỏi chữ nho tôi vẫn dạy được, nhưng bây giờ các anh học giỏi ra chẳng làm được gì, hãy học chữ Tây đi”.

            Thôi dạy, ông lại cắp sách tới trường học với thầy Lê Hiển; ông cùng học với lớp học trò của ông. Qua năm sau, ông Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm Nam phong. Ông bước vào nghề báo từ lúc ấy (1918). Viết được một năm, ông xuống Hải Phòng làm thơ ký cho Bạch Thái Bưởi. Đơn từ bằng chữ Tây ngăn ngắn ông có thể xem và viết được.

            Thôi làm thư ký ông lại vào Nam viết cho Lục tỉnh tân văn. Làm được ít lâu vì ông viết một bài kịch liệt quá, người ta buộc ông thôi, ông lại ra Bắc làm cho Hội Tin Lành. Ông chuyên dịch Kinh Thánh chữ nho ra quốc ngữ. Cứ theo nguyên văn bên chữ Hán mà dịch, người mình xem kinh không thể hiểu được, vì lối chấm câu của chữ Hán không minh, ông sóng Kinh Thánh Tây với Kinh Thánh Tàu rồi dịch, chấm câu rất rành mạch.

 Làm được một năm ông lại thôi, vào Nam kiếm việc. [b] Gặp hồi chưa có việc, ông dùng thì giờ rỗi để học; ông ở tại đồn điền của một bạn ở Cà Mau. Đồn điền ấy hẻo lánh quá, không có ai nói chuyện cho vui, ông vụt cầm bút viết lần thứ nhất bức thư chữ Tây cho ông Dejean de la Bâtie, một nhà báo có tiếng trong Nam. Tiếp được thư, ông Djean rất ngạc nhiên và khen bức thư của ông viết trôi chảy. Ông Djean bảo ông có thể dạy ông Phan trong sáu tháng ông sẽ viết được báo chữ Tây. Từ đó về sau ông Phan thường dịch những bài của ông Djean viết ở các báo Tây.

Lối học của ông Phan hồi ấy là gặp chữ chi khó thì hỏi, hỏi rồi tra tự vị lại cho chắc chắn và biên vào sổ con, gặp bài gì thích thì dịch; ông Phan bẩm chất thông minh, tính ưa hiểu biết cùng có chí học, nên biết chữ Tây cũng là sự thường vậy.

Điều đáng khen ông là ông hiểu thấu được một phần rất quan trọng trong tinh thần Tây học: khoa luận lý. Cuộc tình duyên của ông với “cô Luận lý” (logique) đầu đuôi như vầy: Một hôm, nhân trong câu chuyện đạo giáo ông Quỳnh nói với ông:

– Các người đi giảng đạo Thiên Chua thường thường luận lý giỏi ít ai bẻ được, vì họ có học khoa lý đoán.

Ông Phan hỏi:

– Lý đoán là gì?

– Lý đoán là … lý đoán.   

Tính ông Phan vốn ưa rành mạch, rõ ràng trong lối viết. Hồi ấy ông đã thấy rõ lối viết bông lông, trôi nổi của các bạn đồng nghiệp có danh hơn. Ông không ưa mà chính ông cũng phải viết theo lối ấy. Nhân nghe ông Quỳnh nói cái lợi của khoa học luận lý, ông tìm ngay sách Tàu học. Nghiền ngẫm đã đến lúc hiểu, ông muốn sóng xem có đúng với sách Tây không; ông giao thiệp với vài người học cao đẳng Hà Nội lấy luận lý làm đề cho câu chuyện; ông đem những điều ông hiểu ở sách Tàu nói cho họ biết. Họ viết cho ông xem những đoạn họ học rồi. Nhờ đó ông rõ hết các các danh từ bên chữ Tây và thâm hiểu khoa luận lý. 

Từ khi ông hiểu khoa ấy, lối viết của ông đổi hẳn. Bao nhiêu bài ông viết ở Nam phong được người xem để ý, ông cho là rườm rà, đẽo gọt cả. Ông bắt đầu viết được lối văn rành mạch sát sóng như lối văn ông hiện giờ, từ hồi ông làm cho Đông Pháp thời báo ở Nam.

Nhờ luận lý học ông Phan đoạn tuyệt hẳn với tinh thần của nền học khoa cử trước. Ông phản động lại với lối viết hào nhoáng, bập bình cũ. Sức phản động của ông có phần quá. Bởi đó mà ông đã nổi danh là người hay lý luận. Nên nói tới lý luận, người ta liên tưởng ngay tới Phan Khôi. Liên tưởng ấy bao giờ cũng kèm theo một nụ cười mỉa. Người ta mỉa ông kể cũng quá đáng.

Đối với cái chí cái tài của ông Phan, người đã gây dựng một lối văn rạch ròi, rành mạch, ta nên trọng ông hơn là mỉa ông.

            PHAN THỊ NGA

Nguồn:

Hà Nội báo, Hà Nội, s. 10 (11 Mars 1936), tr. 2 – 4.

Chú thích

(1)  Ông Phan Thành Tài người Quảng Nam (Bảo An Tây) trước làm phán tòa sau về dạy học, can vào việc vua Duy Tân, bị xử tử (nguyên chú).

[a]  Ký giả dùng cụm từ “phong trào đổi mới” để tránh nói rõ ra việc Phan Khôi tham gia phong trào duy tân, ra Bắc để làm việc cho Đông Kinh nghĩa thục.

[b]  Lưu ý: Đây là bài báo đưa ra hầu như sớm nhất một loạt dữ kiện thuộc tiểu sử Phan Khôi. Tuy vậy ở bài này cũng có những điểm không nhất quán so với các tài liệu khác, xuất hiện muộn hơn.