THỜI SỰ TRONG TUẦN LỄ

[KỲ 15]

 

CHÁNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA PHÁP

            Ngày 4-12-1936 tại Hạ nghị viện có cuộc thảo luận rất quan hệ về chánh sách ngoại giao của Pháp. Đại khái, ấy là một cái chánh sách chú trọng sự hoà bình. Đối với Anh, Pháp sẽ giữ tình thân thiện. Còn đối với Nga thì đã có bản hiệp ước Pháp-Nga làm đảm bảo cho sự bang giao giữa hai nước. Giữa các nước tiểu đồng minh và Pháp, mối giao tình càng thawsst chặt. Và Pháp lúc nào cũng muốn thân thiện với Ý. Với Đức, sự thân thiện ấy lại càng cần hơn, nhưng chỉ thực hành được nếu Đức không có chí muốn giữ bá quyền trong việc bang giao. Đối với việc nội loạn Tây-ban-nha, Pháp vẫn giữ thái độ trung lập. Trên đây là tóm tắt những lời tuyên bố của Ngoại giao Tổng trưởng Yvon Delbos trước nghị viện.

ĐẠO LUẬT MỚI VỀ BÁO GIỚI

            Tiếp theo cuộc thảo luận về chánh sách ngoại giao, nghị viện lại thảo luận đến bản dự án đạo luật mới về báo giới nói về sự trừng phạt rất gắt tội phỉ báng, tội viết những bài báo có hại đến danh dự nước Pháp, tội đăng những tin sai lầm có thể gây sự lộn xộn trong quân ngũ. Những đạo luật mới nầy đều được nghị viện chuẩn y.

TÌNH HÌNH MADRID

            Tình hình ở Madrid vẫn không thay đổi, nghĩa là hai bên quân chánh phủ và quân loạn vẫn còn găng nhau. Nhưng lại có tin, trong vụ lễ Noël sắp tới đây hai bên sẽ tạm đình chiến cho đến đầu năm tây.

VUA EDOUARD VIII ĐÃ THOÁI VỊ

            Vua Edouard VIII nước Anh đã thoái vị  rồi vì vua quyết kết hôn với tình nhân là cô Simpson. Đạo dụ thoái vị truyền ra cho thần dân hôm 10-12, trong đó vua xin từ ngôi và từ bỏ hết những tước vị mà nhường ngôi báu cho hoàng đệ là cong tước York. Cái tên Edouard VIII từ nay sẽ đổi làm Windsor. Có tin chắc chắn rằng vua sẽ bỏ nước mà ra kiều ngụ tại nước ngoài. Vua mới, công tước York, năm nay 41 tuổi, là em kế Edouard VIII. Có lẽ đến ngày 12 Mai 1937, vua mới làm lễ đăng quang. Ngài sẽ lấy hoàng hiệu là Georges VI.

TƯỞNG GIỚI THẠCH BỊ TRƯƠNG HỌC LƯƠNG BẮT GIAM

            Vừa có tin Trương Học Lương, một tay trọng yếu trong chánh giới Tàu, con Trương Tác Lâm ngày xưa, thình lình khởi nghịch lại chánh phủ Nam Kinh ở Tây An phủ thuộc về tỉnh Thiểm Tây. Tưởng Giới Thạch nhân ở nghỉ mát gần đó, bị quân Trương bắt về giam ở Tây An phủ luôn với nhiều bộ trưởng của Tưởng, trong có Tưởng Tác Tân hiện làm tổng trưởng bộ Nội vụ Nam Kinh. Trương Học Lương buộc chánh phủ Nam Kinh phải liên minh với Nga Sô-viết và đánh Nhật. Dư luận Nhật hiện xôn xao về việc nầy lắm.

NHẬT VÀ TÀU

            Tuy có Nhật giúp sức, quân Mông Mãn giao chiến với quân Trung Hoa ở miền Tuy Viễn cứ bị thua hoài.  Một số đông binh lính Mông Mãn đã qua đầu hàng quân Tàu. Thấy vậy, Nhật nhất định tự mình ra tay để mong cuộc xâm lược chóng kết quả. Thành phố Thanh Đảo hiện nay đã bị chúng mang binh đến thị oai và Thiên Tân,  Bắc Bình cũng đương ở trong một tình hình rất nghiêm trọng.

ĐẠI HỘI ĐỒNG KINH TẾ BẾ MẠC

            Sau mấy tuần làm việc, đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương nhóm ở Sài Gòn đã bế mạc hôm 9-12-1936.

BẦU CỬ ĐẠI BIỂU Ở THƯỢNG HỘI ĐỒNG THUỘC ĐỊA

            Vì ông  Bùi Quang Chiên năm nay mãn khóa nên ngày 13 vừa rồi ở Sài Gòn có cuộc bầu cử viên đại biểu Việt Nam tại Thượng hội đồng thuộc địa. Ra tranh cử với ông Chiêu, có ông Nguyễn Phan Long, gần đây vì có sự bất đồng về chánh kiến, đã trở nên người địch của ông Bùi. Ông Long có ý ngả về đám thanh niên tân tiến, còn ông Bùi thì vẫn đứng về phe bảo thủ. Kết quả ông Chiêu trúng cử, được 125 phiếu, ông Long được 70.

 

ÔNG DIỆP VĂN KỲ Ở ĐÂU?

            Việc hai ông Diệp Văn Kỳ, chủ bút báo Việt Nam và ông Bùi Thế Mỹ, chủ bút báo Điễn tín ở Sài Gòn bị trục xuất khỏi xứ Nam Kỳ, số trước đã có đăng. Về phần ông Kỳ, thì theo các báo trong Nam, tuy đã nhận được giấy trục xuất nhưng ông còn ở lại Sài Gòn để nhờ trạng sư can thiệp. Nhưng theo Việt báo ngày 13-12-1936, hiện nay ở Bắc người ta đương có lịnh tầm nã ông Diệp Văn Kỳ. Vậy ông Kỳ ở đâu? Còn ông Mỹ, giấy trục xuất vừa nhận xong thì liền bị tống giải ngay về nguyên quán.

DÂN LÀM ĐÁ ĐÌNH CÔNG

            Thấy người ta đình công, dân làm đá ở Biên Hòa, Nam Kỳ, hôm vừa rồi cũng nghỉ việc để yêu cầu chủ tăng tiền công cho mỗi thước đá là 5 xu. Lời yêu cầu ấy không được chủ nhận, vì ông lấy cớ rằng đá độ nầy khó bán.

MỘT ĐỨA BÉ BỊ TÂY ĐOAN BẮN

            Dân làng Nam Khê, tỉnh Thanh Hóa, ở gần bể, vốn sống về nghề muối, nhưng bị sở Thương chánh cấm không cho làm. Nhiều người đánh liều ra bãi bể đào hố để lấy chất muối. Sở Thương chánh thấy thế thường cho người ra bể tuần. Ngày 19-11-1936, một ông tây Đoan, nhân thừa hành phận sự, thấy một đứa bé lui hui bắt ốc ở bãi, tự nhiên ông rút súng lục bắn nó. May đạn chỉ trúng vai nên đứa bé khỏi chết. Nhà chức trách đến xử, ông tây thuận cho Bùi Văn Thanh – tên đứa bé – 20$, nhưng theo lời Thanh thì nó chỉ mới nhận được có mấy đồng. Đứa bé hiện nay nằm điều trị tại nhà thương Thanh Hóa. Thực quả mạng người ở xứ nầy người ta chẳng coi ra gì!

THỢ NHÀ IN NGÔ TỬ HẠ Ở HÀ NỘI ĐÌNH CÔNG

            Phong trào đình công ở Bắc đã lan tới các nhà in. Vừa rồi tất cả thợ nhà in Ngô Tử Hạ ở Hà Nội đã đình công. Họ yêu cầu được hưởng luật lao động và điều yêu cầu quan hệ nhất là sự tăng lương lên 40%. Tăng lương lên 40%, ông Hạ cho là cao quá, ông chịu không thấu, vì gần đây công việc ít, nhà in lãnh thầu không được bao nhiêu.

            Vụ đình công này cũng như các vụ đình công khác, rất yên tĩnh. Tuy vậy có hai người bị bắt, nhưng sau được thả ngay. Thợ có nhờ dân biểu Phạm Tá can thiệp. Ông nầy đến dẫn giải cho hai bên nghe, và khuyên ồn Hạ và thợ nên nhân nhượng cho nhau. Nhưng nghe đâu việc điều đình giữa chủ, thợ chưa được ổn thỏa nên thợ hiện nay vẫn chưa chịu đi làm.

KẾT QUẢ CUỘC CHỢ ĐÊM CỦA HỘI LẠC THIỆN

            Cuộc chợ đêm của hội Lạc Thiện hôm 6 Décembre vừa rồi được kết quả rất tốt đẹp. Tiền thu vào tổng cọng được 2.693$50, mà tiền tiêu chỉ có 155$69. Hoàng thượng nhân dịp nầy có ân ban cho hội 100$. Ngoài ra còn rất nhiều vị vì lòng từ thiện đã cho hoặc tiền hoặc đồ chơi, không thể kể hết. Cuộc xổ số tombola cũng xổ ngay hôm ấy, những người trúng số lấy làm hoan hỉ.             

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 21 (19 Décembre 1936), tr. 8.