THỜI SỰ TRONG TUẦN LỄ

[KỲ 4]

HIỆN TÌNH NGA SÔ-VIÊT

            Bài xã thuyết của tờ báo Daily Herald ở nước Anh ra ngày 2 Septembre chuyên nói về nước Nga. Trong bài ấy có nói rằng: “Việc bỏ hẳn Guépéou (Cơ quan cảnh sát để bảo vệ chế độ Sô-viết) và việc hứa lập một hiến pháp mới để đảm bảo cho quyền tự do cá nhân, đã làm cho người ta tưởng tượng rằng nước Nga bắt đầu bước vào một thời đại mới; nhưng hiện nay rõ ràng các công cuộc đó đều là lừa dối cả. Độc tài cứ vẫn còn và đã thành ra của riêng như độc tài của Hitler hay Mussolini vậy. Guépéou và cách hành động của cơ quan ấy cứ vẫn còn. Việc trừng trị thẳng tay (giam, đày, bắn giết những kẻ nào không hoan nghinh chế độ Sô-viết) bành trướng khắp cả nước Nga không phải là vừa thích hiệp với cách ngự phòng một cuộc âm mưu phiến loạn. Rõ thiệt là để tiêu diệt phái phản đối và hăm dọa tất cả nước Nga để cho ai nấy nhớ rằng Staline chúa tể của nước Nga, mà phản đối Staline là phạm tội nặng nhứt. Rõ thật là Liên bang Sô-viết không phải do chế độ độc tài mà đi lần tới chế độ dân chủ, chánh là do một hình thức độc tài này mà đi tới một hình thức độc tài khác. Như vậy thật là quá ngán. Đó là một cuộc thay đổi rất náo động nhân tâm, nhứt là đối với những người nhiệt thành hâm mộ chế độ Sô-viết xưa nay, vì hy vọng của họ đều đã tiêu tán cả.

TỔNG THỐNG NƯỚC MỸ SUÝT BỊ ÁM SÁT

            Hôm đầu tháng chín tây mới rồi, ở bên Mỹ phát giác ra một vụ mưu sát tổng thống Roosevelt, làm náo động cả nước.  Nhờ có người báo mật nên sở cảnh sát bắt được một người tên Long Kuchnel, một đảng viên cọng sản ngoại quốc với khí cụ ám sát là một ống trái phá gồm có chín ống cốt mìn. Tên Kouchnel khai rằng những khí cụ ấy va dùng để ám sát Roosevelt trong một dịp sẽ tới. Đây rồi sẽ có một cuộc công chúng tiếp rước tổng thống tại nơi kia, anh ta sẽ chen vào đám đông, đứng đầu hàng để bắt tay tổng thống. Hễ tổng thống bắt tay anh ta thì cái ruột gà sẽ bật ra, trái phá nổ, anh ta sẽ chết với ngài. Nhà chức trách  hiện còn điều tra thêm vụ này gắt lắm.

NHẬT VỚI TÀU LẠI GÂY HIỀM KHÍCH

             Trước đây có việc ở Thành Đô và Bắc Hải điều đình chưa xong, thì mới rồi ở Thượng Hải, vào hạ tuần tháng chín tây, một pháo binh Trung Hoa bắn một thủy binh Nhật Bản, làm cho cuộc giao thiệp của hai nước càng khó khăn thêm. Tin ngày 24 Septembre nói bên Nhật đã kéo binh đến đóng tại địa phận Trung Hoa, chỗ tiếp giáp với tô giới quốc tế ở Thượng Hải. Coi bộ lúc nầy bọn quân phiệt Nhật đối với Tàu tỏ ra một cái thái độ cương quyết lắm. Hải quân đại tướng Nhật, ông Nagano vừa rồi có nói: “Từ đây không còn là thời kỳ hội nghị và thỏa hiệp nữa, nhưng đã đến lúc phải hành động rồi”.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

            Ông Azana, tổng thống Tây-ban-nha đã từ chức ngày 25 Septembre; ông Martinez Barrio được cử lên quyền chức ấy. Còn binh lính hai bên thì vẫn chưa phân thắng bại. Hôm 23, quân chánh phủ có dùng kế thủy công, tháo nước các đập đến mười triệu thước vuông đứng để làm dắm nơi địch quân đóng, nhưng có hiệu quả gì không thì chưa rõ.

LỤT LÀM ĐỨT ĐƯỜNG SẮT Ở QUẢNG NAM

            Ở Huế vừa rồi mưa to, nước sông đào Đông Ba lên mấp mé đường cái. Thì tại Quảng Nam, về hạt Thăng Bình, Tam Kỳ lụt to. Nơi đương Thuộc địa số 1 cách Tam Kỳ 36 cây số về phía bắc, nước lên ngập đường đến 1m50, có nhiều lỗ hũng rất nguy hiểm. Còn nơi đường xe lửa, tại cây số PK 833 + 500 khoảng giữa Tourane và Phước Chỉ một đoạn 300 thước đứt ngang. Công việc sửa sang còn lâu, xe tới đó không đi được. Những hàng hóa chở đi, mỗi cu-li chỉ hạn từ 40 kg trở lại thôi.

KẾT LIỄU VỤ HỐI LỘ PHAN THIẾT

            Vừa có chỉ chuẩn định như sau này:     Ông Mai Hữu Lan, nguyên Tuần vũ Bình Thuận, bị giáng một trật và thải hồi. Ông Trườn Ký, nguyên Án sát Bình Thuận, bị giáng một trật và sỹ bổ [a] hai năm không lương. Ông Lê Thượng Văn, nguyên Tri huyện Tánh Linh, bị giáng một trật và thải hồi. Ông Trần Đĩnh, nguyên kinh tịch Bình Thuận, bị sỹ bổ 6 tháng không lương.

KỲ THI THƠ KÝ CÁC TÒA SỨ TRUNG KỲ

            Đến ngày 18 Janvier 1937, 8 giờ sáng, tại các tòa Sứ Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang sẽ có kỳ thi thư ký tập sự của các tòa Sứ Trung Kỳ. Các môn thi như sau này: Một bài luận chữ Pháp, 8 giờ sáng. Một bài ám tả chữ Pháp, 3 giờ chiều. Một bài dịch chữ Pháp, 4 giờ chiều. Thi vấn đáp sẽ mở ở Huế. Đơn từ phải gởi đến phủ Khâm sứ Trung Kỳ trước ngày 3/1/1937. Số trúng tuyển chỉ lấy 15 người.

CÁC VẤN ĐỀ ĐEM RA BÀN TẠI HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN VIỆN DÂN BIỂU NĂM NAY

            1/ Sách kể các khoản đã chi tiêu về ngân sách Trung Kỳ năm 1935.

            2/ Các khoản chi tiêu có lợi ích về xã hội và kinh tế và các khoản công tác dự trù trong dạng bản ngân sách Trung Kỳ năm 1937.  

            3/ Gia bách phần phụ nạp vào thuế đinh An Nam năm 1937.

            4/ Gia bách phần phụ nạp vào thuế điền An Nam năm 1937.

            5/ Gia bách phần chi tạm vào thuế môn bài để sung vào ngân sách các viện Thương mại và Canh nông xứ Trung Kỳ.

            6/ Các khoản công tác dự trù trong dạng bản ngân sách Đông Pháp và ngân sách riêng năm 1937 (phần thuộc về Trung Kỳ)

            7/ Các khoản chi tiêu có lợi ích về xã hội và kinh tế dự trù trong ngân sách các tỉnh năm 1937.

            8/ Dạng bản nghị định sửa đổi nghị định ngày 3 Mai 1935 về thuế công dịch Mọi.

            9/ Các khoản chi tiêu có lợi ích về xã hội và kinh tế dự trù trong ngân sách Nam triều năm 1937.

            10/ Các khoản công tác dự trù về năm 1937 tại Đại nội, tại Kinh và tại các tỉnh, và  vấn đề sửa lại các nha phủ huyện về năm 1936 và 1937.

            Ngoài ra còn các việc bảo cử ban trị sự, bảo cử các đại biểu đi dự Đại hội đồng kinh tế cũng như mọi năm.

                                                                                  BỘ LẠI (cậy đăng)

XE HỎA TỐC HÀNH TRƯỢT BÁNH

            Hôm 22 Septembre, chuyến xe hỏa tốc hành ở phía nam ra hồi 17 giờ 21 phút, đến khoảng cây số 925-512, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, thì bị trượt bánh. Toa máy, toa chở than và toa hành khách đều bị đổ. Hàng hóa hỏng nhiều, một hành khách bị thương. Vì cớ đó chuyến xe ấy về đến Hà Nội trễ mất một ngày.

TRƯỚC TÒA SỨ PHAN THIẾT, DÂN CHÀI LƯỚI NÉM CÁ XUỐNG SÔNG

            Phần nhiều dân nghèo ở Phan Thiết nhờ vào nghề đánh cá bán cho các nhà làm nước mắm để kiếm ăn. Gần đây vì giá muối cao, nghề làm nước mắm ở Phan Thiết thất bại, nhân đó cũng ảnh hưởng đến nghề chài lưới, dân đánh cá chịu thiệt hại rất nhiều. Trước kia họ bán một rổ cá 6 – 7 hào, bây giờ chỉ còn một hào thôi. Một hôm vừa rồi, dân chài lưới đánh được rất nhiều cá, nhưng đem bán thì mấy nhà hàm hộ trả giá rẻ mạt, họ viện cớ rằng giá muối cao, mua cá làm nước mắm không có lời. Bọn dân chài không bằng lòng bán với giá rẻ quá. Họ rủ nhau đẩy thuyền đến trước cửa tòa Sứ rồi kêu gào và ném cá xuống sông.

ÔNG NGUYỄN PHAN LONG SANG PHÁP CHĂNG?

            Theo tin một tờ báo tây trong Nam, hình như hiện nay ông Nguyễn Phan Long, ông Chung Bạch Mai, ông Trịnh Hưng Ngẫu, ba người đương trù liệu ngồi máy bay sang Pháp. Họ định bỏ tiền nhà ra đáp máy bay sang Paris cho gấp để vận động về mọi việc chính trị trong xứ, trước khi Ủy ban Điều tra sang tới đây. Nhưng đó chỉ là một cái tin, chưa lấy chi làm chắc.

MỘT CHIẾC THUYỀN BUÔN LẬU CỦA KHÁCH BỊ BẮT

            Ngày chủ nhật trước, các tuần viên sở Thương chánh Sài Gòn có bắt được tại ngoài mũi biển Cà Mau một chiếc thuyền Khách buôn hàng lậu. Vụ bắt bớ này, viên chức nhà Đoan đã do thám khôn khéo và can đảm lắm mới làm nổi. Trong thuyền Khách có 20 thủy thủ, đủ đồ giáo mác và súng lục để hộ vệ, nhưng phải bó tay chịu bắt. Họ đã phải đem ra xử tại Tòa án Bạc Liêu. Chiếc thuyền đáng giá 17.000 $ và hết thảy hàng hóa trong thuyền đáng giá 40.000 $ nữa đều bị tịch thu. Bọn buôn lậu còn phải nạp 40.000 $ tiền phạt nghĩa là ngang với giá tiền hàng lậu. Tính ra bọn buôn lậu bị bắt chuyến này thiệt hại mất mười vạn đồng.

HAI PHÁI VIÊN TỪ BẮC VÀO NAM BÀN VIỆC DI DÂN

            Vừa rồi quan Thống sứ Bắc Kỳ đã cử quan Tổng đốc Nam Định là ông Trần Văn Thông và quan Tổng đốc Thái Bình là ông Vi Văn Định cùng đi vào Sài Gòn thương thuyết với quan Thống đốc về việc di dân Bắc Kỳ vào Nam Kỳ. Hai vị thủ hiến hai tỉnh ấy đã khởi hành hôm 21 Septembre, trong chừng ba tuần lễ thì trở về. Việc di dân này từ trước chính phủ đã trù liệu đến, nhưng còn có mấy vấn đề chưa giải quyết. Lần này chắc sẽ giải quyết và sẽ thực hành việc di dân. Cũng vì hai tỉnh Thái Bình và Nam Định đông dân hơn hết, nếu có đi vào Nam thì cũng chỉ có người hai tỉnh này đi nhiều, nên hai quan Tổng đốc hai tỉnh ấy được sung vào chức phái viên.                                                    

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 10 (2 Octobre 1936), tr. 8.

Chú thích:

[a]  sỹ bổ chờ để được tái bổ dụng.