THỜI SỰ TRONG TUẦN LỄ

[KỲ 7]

TIN THÊM VỀ PHONG TRÀO PHÁT-XÍT Ở PHÁP

            Số trước đã có đăng tin đảng quốc xã vì tổ chức cuộc phản biểu tình ở công viên Princes mà bị truy tố. Nay có tin dại tá De La Rocque, lãnh tụ đảng ấy, bị buộc về hai tội: 1/ Mưu lập lại một đảng đã bị nhà nước giải tán từ tháng Juillet; 2/ Xui giục nhân dân tụ họp để phá cuộc trị an. Phản kháng lại việc truy tố này, De La Rocque tuyên bố: “Dù xảy ra việc gì mặc lòng, tôi cũng yêu cầu các bạn đồng chí của tôi cứ việc theo đuổi công cuộc của mình cho đến cùng”.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

            Tình hình mấy hôm nay rất nghiêm trọng. Loạn quân vẫn thắng thế chung quanh kinh đô Madrid. Nghịch đảng có tuyên bố rằng đương dự định một cuộc tổng công kích về cuối tháng Octobre nầy. Ở Madrid, đàn bà con trẻ đương tìm đường lánh nạn, cảnh tượng rất đáng thương.

NGA TỐ CÁO

            Ai cũng biết rằng cuộc nội loạn ở Tây-ban-nha ngày nay rất có quan hệ đến cuộc hòa bình của thế giới. Tuy là một cuộc xung đột giữa hai chủ nghĩa trong một nước, nhưng chủ nghĩa nào cũng có thầy, nên hễ thấy trò yếu thế thì thầy phải ra tay binh vực. Hitler và Mussolini thì đã ngấm ngầm giúp binh lực cho đồ đệ của mình là tướng Franco. Chính phủ Nga Sô-viết, tuy đã lỡ có chân trong Ủy ban bất can thiệp của các nước, nhưng lúc nào cũng chực sẵn hễ có dịp là nhúng tay vào. Vừa rồi, nhân chính phủ Madrid tố cáo Đức, Ý về việc đã công nhiên trợ chiến cụ cho loạn quân, Nga nắm lấy đó mà kịch liệt tố cáo hai nước tại Ủy ban nói trên. Lại trong cuộc hội đàm với thủ tướng Largo Caballero, viên sứ thần Nga tại Madrid có tuyên bố rồi đây chính phủ Moscou sẽ rút tên khỏi Ủy ban bất can thiệp và sẽ chính thức can thiệp vào việc Tây-ban-nha.

THÁI ĐỘ CỦA PHÁP

            Từ xảy ra cuộc nội loạn ở Tây-ban-nha, nước Pháp vẫn giữ thái độ trung lập, tuy các đảng cực tả ngày nào cũng thúc giục chính phủ Bình dân can thiệp vào. Là vì hễ Pháp can thiệp tức là sẽ chạm trán với Hitler và Mussolini, cuộc chiến tranh do đó sẽ không thể tránh khỏi được. Nhưng nếu một ngày kia Madrid thất thủ, chính phủ Cọng hòa Tây-ban-nha thất bại, thì liệu Pháp có còn giữ mãi thái độ trung lập được không? Miền nam thêm một nước phát-xít nữa, ấy là một sự rất rầy.

BA ĐẠO HUẤN LỆNH GIÚP CÁC NÔNG GIA TIỂU TƯ SẢN

            Trong mấy năm kinh tế khủng hoảng, nhà nước có đặt ra sở cho vay dài hạn, nhưng chỉ cho vay những người nào thiếu nợ trên 5000 $. Muốn sửa lại cái lệ bất công ấy, chính phủ Bình dân vừa rồi có ra ba đạo huấn lệnh đăng trong công báo, thi hành đặc ân đối với những nông gia tiểu tư sản thiếu nợ dưới 5000 $ nữa. Các huấn lệnh ấy cho quan Toàn quyền Đông Dương được phép trích trong ngân sách một số tiền để giúp cho các điền chủ. Số tiền cho mỗi người vay không quá 5000 $, phải hoàn lại trong một kỳ hạn là 10 năm và tính lời 6%.

SẮP CÓ VIỆC SỬA ĐỔI LẠI LƯƠNG CÁC CÔNG CHỨC

            Các báo đăng tin rằng nhà nước đương dự định giảm lương các công chức cũ xuống 20 %. Lại muốn giữ cho ngân sách được thăng bằng, quan Tổng trưởng Thuộc địa Moutet đương xét tình hình để làm giản tiện các công việc trong các công sở và thay dần dần các công chức bản xứ vào chỗ các công chức người Âu.  

LUẬT LAO ĐỘNG MỚI THI HÀNH Ở ĐÔNG DƯƠNG

            Vâng lịnh bên bộ Thuộc địa, quan quyền Toàn quyền Đông Dương ngày 11 Octobre 1936 vừa rồi đã ký một bản nghị định thi hành luật lao động mới ở Đông Dương, như trong số trước đã đăng, nghĩa là hạn định giờ làm việc mỗi ngày, cấm ngặt sự dùng đàn bà và trẻ con dưới 12 tuổi trong các sở, định lệ cho công nhân được nghỉ một ngày trong tuần lễ và được nghỉ giả hạn mấy ngày trong một năm mà vẫn ăn lương trong mấy ngày ấy.

ĐỒNG BẠC ĐÔNG DƯƠNG SẼ BỊ PHÁ GIÁ

            Việc đồng franc bị phá giá làm cho nhiều người đoán rằng đồng bạc Đông Dương cũng sẽ bị phá giá theo. Lời đoán ấy không sai. Trong Quan báo ngày 2 Octobre có đăng một đạo chỉ dụ nói rõ về việc ấy. Từ nay, cái giá trị 0gr0655 vàng ròng của đồng bạc Đông Dương sẽ không còn nữa, mà cái giá 10 fr của nó cũng sẽ bị thay đổi, bao nhiêu sau này sẽ nhứt định. Tuy vậy trong khi chờ chỉ dụ mới nhà băng Đông Pháp vẫn phải đổi đồng bạc Đông Dương ra 10 fr như bấy lâu.

ĐƠN XIN TẠI NGOẠI HẬU TRA CỦA BA ÔNG THÂU, NINH, TẠO BỊ BÁC                    Trong tuần vừa rồi ở Sài Gòn có tin đồn rằng quan dự thẩm sẽ cho ba ông Thâu, Ninh, Tạo được tại ngoại hậu tra, và mọi người đều hết sức hy vọng. Nhweng sự thực thì ngày thứ bảy 17 Octobre, lá đơn của các nhà lãnh tụ lao động bị bác. Và các ông ấy đã ký tên chống lời bác đơn của quan thẩm án lên phòng buộc tội.

ÔNG TRẦN VĂN THẠCH CŨNG BỊ ĐƯA RA TÒA                                                    

                Ông Trần Văn Thạch, một trong số lãnh tụ lao động, và có chân trong Ủy ban lâm thời Đông Dương đại hội nghị, nhân tháng trước có được mời đến dự cuộc nhóm của anh em sộp-phơ ở Tân Định, tưởng câu chuyện không hệ trọng gì, không ngờ ngày 14 Octobre vừa rồi cũng bị dưa ra tòa tạp tụng. Ông Thạch bị buộc về tội công đồng hội hiệp không xin phép. Sau khi nghe lời biện hộ rất hùng hồn của trạng sư Loye, tòa tuyên bố đình lại một tuần nữa mới tuyên án.

VIỆN DÂN BIỂU TRUNG KỲ LÀM VIỆC

            Bầu ban trị sự xong ngày 10 Octobre thì qua sáng hôm sau, 11, viện Dân biểu bắt đầu làm việc. Chia ra làm sáu tiểu ban như sau nầy: 1/ Tiểu ban thứ nhất xét việc gia bách phần phụ nạp vào thuế đinh điền, việc lấy 3% thuế môn bài phụ cấp cho các phòng canh nông, thương mãi và việc sửa đổi về thuế công dịch Mọi. 2/ Tiểu ban thứ nhì thảo luận các điều thỉnh cầu. 3/ Tiểu ban thứ ba xét bản ngân sách Nam triều và việc dự trù sửa lại các phủ huyện ở Trung Kỳ. 4/ Tiểu ban thứ tư xét bản ngân sách Trung Kỳ năm 1937 và sổ các việc chi tiêu về năm 1935. 5/ Tiểu ban thứ năm xét bản dự trù công tác ngân sách Đông Pháp và ngân sách riêng. 6/ Tiểu ban thứ sáu xét bản ngân sách các tỉnh năm 1937 về các khoản chi tiêu về xã hội và kinh tế. Các cuộc tranh luận có vẻ kịch liệt lắm. Về khoản thuế đinh điền, toàn viện đòi chánh phủ giảm 20 % phụ nạp thuế đinh và 8 % phụ nạp thuế điền. Việc dự định thi hành thuế môn bài mới cũng bị xin bãi. Nhiều ông nghị hăng hái công kích sở Canh nông và Kiểm lâm Trung Kỳ nhất là ông Ngô Đạm công kích rất gay gắt một viên kỹ sư về việc đắp đập ở Quảng Nam. Bộ Kinh tế cũng cùng chung một số phận ấy và bị viện xin bãi, lấy cớ rằng lập ra đã hơn hai năm rồi mà không thấy là được việc gì ích cho dân. Hội đồng đã bế mạc chiều thứ bảy, 17 Octobre 1936.   

VIỆC MẤY HỘI VIÊN CHI NHÁNH ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI HỘI NGHỊ TẠI BẮC KỲ RA TRƯỚC TÒA

            Việc bắt bớ ở chi nhánh Đông Dương đại hội tại Bắc Kỳ, số 32 Hàng Da, Hà Nội, trước đây bản báo đã có đăng. Ngày 14 Octobre các bị cáo đã ra trước tòa án vi cảnh. Bị cáo phần nhiều là dân biểu và nhà làm báo. Sau cuộc thẩm vấn từng người, ông chánh cẩm Fabiani, ngồi ghế biện lý, xin kết án tù các ông Vũ Văn An, Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính, Bùi Ngọc Ái, Trần Đình Long. Trạng sư Trần Văn Chương biện hộ các bị cáo cho là cuộc bắt bớ khám xét nầy trái luật và xin tha bổng mọi người. Tòa hoãn đến 21 Octobre sẽ tuyên án.          

THÊM MỘT ÔNG THẠC SĨ

            Ấy là ông Hoàng Xuân Hãn, người tỉnh Hà Tĩnh, đỗ số 10 bis trong số 23 người trúng tuyển, kỳ thi thạc sĩ toán học vừa rồi tại Paris.

            Năm 1934, ông Hãn tốt nghiệp trường kỹ sư cầu cống. Sau khi về nước được ít lâu, ông trở sang Paris làm một bàng thính học sinh tại trường Cao đẳng Sư phạm. Vốn một thanh niên thông minh xuất sắc, ông Hãn thi đỗ thạc sĩ toán học kỳ vừa rồi một cách rất vẻ vang.

     Ông đã được bổ làm Giáo sư thạc sĩ trường Trung học Bảo hộ Hà Nội. Ông về nước đã được vài hôm nay.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 8.