TIẾP THEO BÀI PHÊ BÌNH TOÀN KỲ HỘI NGHỊ

TRẢ LỜI HAI BÁO “TÂN XÃ HỘI”  VÀ “LE TRAVAIL”

Sau khi bài phê bình Cuộc toàn kỳ hội nghị ra trong Sông Hương số 10, bạn đồng nghiệp Le Travail [a] ở Hà Nội ‒ cố nhiên là viết bằng tiếng Pháp ‒ cũng có bài về cuộc Hội nghị ấy mà mạt sát hết thảy các báo ở Huế, cho là "bán mình = vendus" và "hèn nhát = lâches", trong đó có kể cả Sông Hương.

Có bán mình hay không, cái đó, việc ai nấy biết, có cãi cũng chẳng ai tin. Duy sự hèn nhát thì giữa báo giới quốc văn cả nước Nam ngày nay, giữa báo giới mà cái quyền sinh tử của tờ báo cầm ở tay chánh phủ, có lẽ là sự quả có thật. Nhưng, lấy mình là tờ báo chữ Pháp mà mắng những báo quốc ngữ là hèn nhát, thì, hiểu cái nghĩa hèn nhát cho thâm hơn một chút, chưa biết ai là hèn nhát!

Sau đó, Tân Xã hội, [b] một bạn đồng nghiệp mới cũng ở Hà Nội, mới ra số 1 ngày 10 Octobre, cũng liền có bài nói về cuộc Hội nghị ấy mà cái luận điệu y hệt như báo Le Travail.

Tân Xã hội cũng công kích hết thảy các báo ở Kinh, nghĩa là chẳng những Sông Hương chúng tôi mà luôn cả Tiếng dânTràng An nữa. Vả, đối với việc ấy, các báo ở đây mỗi báo có một ý kiến, lấy một thái độ. Cho nên khi chúng tôi đáp lại đây, chẳng có lẽ nào đi gánh bàn độc mướn mà chỉ muốn bày tỏ riêng về ý kiến và thái độ của mình.

Chúng tôi chẳng thuộc về một đảng phái nào hết. Chính tôi, người viết bài này, có chân trong tiểu ban tạm thời lúc đó, cũng chẳng qua là sự tình cờ. Chớ đối với việc bày tỏ dân nguyện với Ủy ban điều tra là việc tôi không lấy làm sốt sắng cho lắm như tôi có tuyên bố trong một buổi nhóm về báo giới hôm trước. Vì tôi cho cái việc lần nầy cũng giống như mấy lần trước, cũng giống như ông A. Varenne qua làm Toàn quyền và ông P. Reynaud sang viếng Đông Pháp, tôi không muốn bà con ta thất vọng đến nhiều lần bởi sự hy vọng thái quá của mình.

Tuy vậy, người ta đã làm thì mình cũng phải làm. Làm thế nào? Theo ý kiến chúng tôi, chỉ làm vừa đủ việc. Nghĩa là mình đã ngửa tay đi xin kẻ khác, cốt làm sao nói rõ được những điều xin đó, còn cho hay không, quyền ở người ta.

Thấy anh em trong Nam xướng lập Đông Dương đại hội nghị và lập tiểu ban hành động khắp các tỉnh, chúng tôi cũng lấy làm mong lắm, nhưng biết chắc rằng những sự ấy không có thể thực hành được ở Trung Kỳ nên chúng tôi muốn khép cách hành động của chúng ta lại cho vừa gọn gàng mà cũng vừa đầy đủ.

Cuộc toàn kỳ Hội nghị của nhân dân Trung Kỳ ngày 20 Septembre vừa rồi, họp mặt đến năm bảy trăm người (Sông Hương nói hơn 500, các báo khác nói 600 hay 700), đủ các hạng sĩ, nông, công, binh như bạn Tân Xã hội có nói, thế thì chúng tôi cho rằng đủ đại biểu cho toàn kỳ rồi, chứ còn đòi chi nữa? Lấy năm bảy trăm người ấy thảo luận các điều thỉnh cầu của tiểu ban cùng nhiều điều thỉnh cầu khác của đoàn thể hoặc của cá nhân nữa, há chẳng thảo được tập Dân nguyện? Làm thế, ngó như là sấp ép nhưng nó nên việc, vì chiếu theo hoàn cảnh và tình thế, ở xứ nầy không thể làm hơn.

Giả sử cuộc Hội nghị hôm ấy mà cứ để nó là chánh thức và do nó thảo tập Dân nguyện thì chúng tôi cũng dám chắc rằng tập Dân nguyện ấy là đầy đủ lắm rồi. Cho đi rằng chánh phủ cho phép lập Ủy ban hành động ở các tỉnh và mở hội nghị thứ hai, rồi cái kết quả cũng chỉ thế thôi, chẳng có gì hơn được.

Hỏng việc là tại có sự nghi ngờ và chia rẽ giữa chúng ta. Chia rẽ một đám người ra phú hào và bình dân, rồi ngờ cho rằng trong sự thỉnh cầu có xung đột nhau về quyền lợi, thành thử mới xoay cuộc hội nghị chính thức ra lâm thời.

Tôi viết đến đây mà vừa giận, vừa tức, vừa thương xót. Tôi thấy cả xã hội An Nam đều chịu thống khổ như nhau, thì tôi không biết làm sao người ta lại nỡ lòng chia rẽ nhau như thế!

Họ nghi cho cái tiểu ban lập nên mấy hôm trước là một nhóm phú hào, tất nhiên trong sự thỉnh cầu chỉ vì quyền lợi của phú hào và sẽ phản đối với quyền lợi của bình dân, nên họ không tin mà làm ra như thế. Nhưng, khốn nỗi! Ai nấy thử đọc lời báo cáo của tiểu ban do ông Nguyễn Quý Hương thảo ra, đăng trong ba số báo Tiếng dân, xuất bản ngày 26, 29-9 và 1-10-1936 rồi coi thử bọn "phú hào" ấy thỉnh cầu những gì, có cái gì phản đối với quyền lợi bình dân hay không!

Tờ báo cáo ấy dài lắm, dù lược thuật đủ các điều đại cương cũng còn là dài nữa. Đây tôi chỉ nhắc sơ qua những điều họ xin cho hạng người nông, công, thợ thuyền là hạng người mà theo tiếng mới lưu hành, gọi là bình dân, vô sản, quần chúng để ai nấy thử nghe có khoản nào hại đến hạng ấy không:

"... Chúng ta nên xin:

1. Thi hành pháp luật bảo hộ lao động ở Đông Dương;

2. Quyền tự do lập công đoàn;

3. Thi hành luật mỗi ngày làm 8 giờ, mỗi năm được nghỉ 15 ngày ăn lương;

4. Đãi lao động đàn bà bình đẳng với đàn ông (việc bằng nhau tiền công phải bằng nhau);

5. Bảo hộ lao động trẻ con;

6. Sửa lại chế độ mộ dân đi ra nước ngoài”.

"... Chúng ta nên xin:

1. Khuyến khích viện tế bần, viện dục anh;

2. Thi hành luật xã hội đảm bảo về tật bệnh, lão nhược và thất nghiệp;

3. Mở rộng nhà thương các tỉnh, thêm nhiều phòng bố thí, cho bệnh nhân ăn uống khá hơn;

4. Mở nhiều nhà hộ sinh ở thôn quê.

......"

Thôi, đủ rồi, trong bản thỉnh cầu của Tiểu ban còn không biết bao nhiêu điều xin có ích cho dân nghèo như thế nữa, tôi không thể lục ra cho hết. Mà trong lúc đọc cả tờ báo cáo ấy lên giữa hội nghị cũng chẳng thấy ai có phản đối điều nào, hoặc chỉ có thêm vào một đôi chi tiết mà thôi.

Cho nên chúng tôi dám nói quyết rằng nếu có làm hơn nữa, nghĩa là nếu có lập Ủy ban hành động ở các tỉnh, và mở hội nghị lần thứ hai, rồi thì những sự thỉnh cầu cũng chỉ như thế, không hơn được. Vậy thì toan kéo dài công việc ra làm chi để đến nỗi nửa chừng phải bỏ dở?

Đành rằng nếu lập được Ủy ban hành động ở các tỉnh, nếu mở được cuộc hội nghị thứ hai hay là đến thứ ba, thứ tư, thứ năm, thì thật là có lợi cho nhân dân về sự huấn luyện lắm. Nhưng chúng ta tham quá sao được?

Chính tại giữa đất Huế mà có được một cuộc hội nghị như hôm 20 Septembre đó cũng đã hiếm họa lắm rồi, chúng ta nên làm cho lần này thành công trót lọt mới mong có lần khác, chẳng hơn?...

Có kẻ bảo rằng cuộc Toàn kỳ Hội nghị thất bại như thế, chính là phe bình dân đắc thắng. Ấy chẳng qua trong óc họ có chia ra bình dân và phú hào nên mới nói như thế; chớ theo con mắt chúng tôi, cuộc hội nghị này là của hết thảy người Trung Kỳ, chính hết thảy người Trung Kỳ đã thất bại.

Đối với chủ nghĩa cộng sản – nhân tiện cũng nói luôn – chúng tôi không phản đối. Chủ nghĩa ấy đã lập nên một chánh đảng chính thức ở giữa Nghị viện nước Pháp, thì ai còn dại gì mà phản đối nó làm chi. Có điều ở xứ ta đây, thật quả có phe phú hào với phe bình dân mà cái tình trạng sinh hoạt huyền cách nhau và cái quyền lợi phản đối nhau như ở các nước tư bản chủ nghĩa bên Tây không? Ở xứ ta đây, trong những cuộc vận động chánh trị hiện thời quả có phe phú hào nào âm mưu cùng nhau xin chánh phủ Pháp những cái quyền lợi riêng cho mình mà làm hại bình dân không? Điều đó tôi xin các nhà ngôn luận như báo Le TravailTân Xã hội hãy xét cho kỹ rồi hãy nói. Chứ đương giữa khi bình an vô sự, giữa khi cả đám cùng ngửa tay đi xin kẻ khác mà lại tự mình gây hiềm khích cùng nhau, là điều không tốt mà có hại lắm đó...

Nằm gác tay lên trán mà nghĩ xem: cùng một bọn đi xin, những điều đi xin đó chưa chắc có sẽ cho hay không nữa, mà trong họ đã nghi kỵ nhau, hiềm khích nhau, là cái trò gì vậy?...

Viết xong, thấy trong báo Việt Nam ở Sài Gòn ra ngày 13 Octobre có bài ông Trúc Lâm nói về tôi, đại ý cũng tương tự với hai bài báo ở Bắc. Vậy, luôn tiện tôi xin trả lời cho ông cũng bài này.

PHAN KHÔI

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 3.

Chú thích

[a] Le Travail – tuần báo chính trị, kinh tế, chữ Pháp, do một nhóm cộng sản chủ trương, đặt dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ ĐCS Đông Dương; số 1 (16.9.1936), số cuối cùng: s. 30 (16.4.1937); tòa soạn 28 phố Nguyễn Trãi, sau chuyển đến 21 Đường Thành, Hà Nội; giám đốc chính trị Nguyễn Văn Tiến, chủ nhiệm Trịnh Văn Phú. (theo Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945. Hà Nội: Nxb. KHXH., 1984, tr. 340).

[b] Tân xã hội do Nguyễn Bính Nam và Nguyễn Kim Hải sáng lập, xin được giấy phép nhưng chưa ra báo; Vũ Đình Huỳnh và nhóm cộng sản ở Hà Nội đã mua lại giấy phép này, ra được 2 số: s. 1 (10.10.1936), s. 2 (17.10.1936) theo Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Hà Nội, 1984, tr. 339.