TIỂU DẪN

VỀ

SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI

ĐĂNG BÁO TRONG NĂM 1936

            Hoạt động báo chí của Phan Khôi trong năm 1936 gắn với ba tờ báo : Tràng an Sông Hương ở Huế, Hà Nội báo ở Hà Nội. Tháng đầu tiên của năm 1936 cũng là những ngày cuối cùng Phan Khôi làm việc tại Tràng an với tư cách chủ bút ; sau đó ông vẫn cư trú tại Huế, dạy học ở trường tư thục Hồ Đắc Hàm và viết bài gửi ra Bắc cho tuần san Hà Nội báo. Sau khi được cấp giấy phép, ông xuất bản tuần báo Sông Hương từ 1/8/1936.

           

            1/ Với nhật báo Tràng an, Phan Khôi tiếp tục vai trò chủ bút cho đến 31/1/1936. Trên các số Tràng an đầu năm dương lịch 1936, những bài Phan Khôi viết chủ yếu là các thiên xã thuyết về một số sự kiện thời sự xã hội, chẳng hạn, tiếp tục truyền đạt tâm tư bất đồng của kiều dân Việt ở Lào xung quanh việc Khâm sứ Pháp ở Lào ra nghị định đặt kiều dân Việt trực tiếp dưới sự quản lý của quan chức hành chính Lào (Chánh phủ Pháp muốn cho Việt kiều ở Lào thành ra dân Lào cả sao ?// Tràng an, 7/1/1936); luận bàn về yêu cầu củng cố hệ thống bưu chính hương thôn miền Trung (Xin chánh phủ Nam triều chỉnh đốn lại việc hương thơ hay dã trạm // Tràng an, 14/1/1936) hoặc những hệ lụy liên quan đến điều ước 1884 (Chánh phủ Bảo hộ với điều ước 1884 // Tràng an, 10/1/1936), nhận xét về diện mạo kinh tế Việt Nam (Kinh tế xứ ta đã có cơ hồi phục nguyên trạng chưa ? // Tràng an, 17/1/1936), điểm sơ qua thời sự trong và ngoài nước  (Cung chúc tân niên : Chúng ta bước qua năm Bính Tý hay là năm 1936 // Tràng an, 21/1/1936) ; những bài này đều đứng tên tòa soạn. Bài duy nhất ký tên riêng Phan Khôi là bài phê bình văn nghệ đăng 2 kỳ Tràng an, ở số cuối cùng của năm 1935 và số đầu tiên của năm 1936, – bài Nên bài xích lối văn không thành thực – nhân phê bình lối văn tế khoa trương kiểu cũ mà vạch trần loại diễn ngôn xu nịnh tâng bốc bề trên của giới quan văn ăn lộc triều đình. Có thể ngờ rằng bài phê bình này là giọt nước tràn ly khiến Phan Khôi bị gây sức ép phải rời bỏ tòa soạn Tràng an, mặc dù chủ nhiệm báo Tràng an là Bùi Huy Tín phủ nhận những nghi vấn cho rằng lý do của việc Phan Khôi đi khỏi Tràng an là vì ông đã viết những bài động chạm đến nhiều người tai mắt ở Huế.

            Thật ra, nếu xem xét bài vở trên gần 100 số Tràng an suốt 11 tháng đầu tiên mà tòa soạn do Phan Khôi chủ trì, người ta sẽ thấy về căn bản nó có diện mạo một tờ báo đối lập ; xu hướng của nó là kiểm định hiệu năng của toàn hệ thống cũng như của một số cơ chế, một số cơ quan thuộc triều đình Huế, – một nền quân chủ chuyên chế quan liêu già nua, lại bị ách bảo hộ của ngoại bang tước mất một số quyền năng trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế ; tờ báo ấy muốn kiểm định một trong những vấn đề căn bản của cỗ máy ấy là phẩm chất và năng lực của quan trường ; nó cáo giác những quan chức tham lam nhũng nhiều, bênh vực những người dân thường vốn là nạn nhân sự chà đạp và cướp bóc của giới quan chức... Tràng an sẽ mất dần những phẩm chất này sau khi Phan Khôi thôi chức chủ bút.

Từ Hà Nội, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã nhận thấy những bài nghị luận của Phan Khôi trên Tràng an đề cập “những vấn đề có quan hệ đến thời cuộc” với một thái độ  “cả quyết và cứng cỏi”, “vừa táo bạo vừa sâu xa”, và theo phán đoán của nhà văn họ Vũ thì đấy cũng là những đặc tính sẽ khiến Phan Khôi bị đẩy ra khỏi “nghề báo xứ ta” đương thời! (1)    

            Sau khi thôi việc ở báo Tràng an, Phan Khôi đi dạy ở trường tư thục Hồ Đắc Hàm ở Huế, và dành thời gian tập hợp các bài viết của mình trước đây về thơ, chủ yếu là các bài trong mục Nam âm thi thoại từng đăng các báo Nam phong, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, từ 1918 đến 1932, soạn cho in thành cuốn Chương Dân thi thoại (tác giả xuất bản, nhà in Đắc Lập, Huế, tháng 4/1936), cuốn sách đầu tay của ông.     

           

2/ Với tuần san Hà Nội báo, Phan Khôi có bài gửi đăng từ tháng 4 đến đầu tháng 7/1936. Hà Nội báo là tờ báo của chủ nhiệm Lê Cường, một doanh gia trong nghề in và xuất bản. Ngay từ đầu, vai trò chủ bút Hà Nội báo được giao cho Lê Tràng Kiều (1912-77), và tuần báo này trên thực tế đã trở thành diễn đàn của một nhóm nhà văn gồm Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Phụng, Huy Thông, Thái Can, Trần Bình Lộc, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Văn Kiện, v.v... Có lúc nhóm này tự nhận là “văn phái Phương Đông”, liên kết với nhiều cây bút khác để tranh giành ảnh hưởng với văn đoàn Tự Lực. Hà Nội báo ra số 1 vào ngày 1/1/1936, tuy chỉ tồn tại được trong 1 năm, ra được 55 số trước khi bị đóng cửa (sau số 55 ra ngày 20/1/1937) song trên tuần báo này đã công bố được một loạt tác phẩm xuất sắc của Vũ Trọng Phụng (Giông tố, Số đỏ, Cơm thầy cơm cô,...), Lưu Trọng Lư (Con voi già của vua Hàm Nghi, Gió cây trút lá, ...), Huy Thông (Tiếng địch sông Ô, Anh Nga, Lòng hối hận, ...), v.v...

            Phan Khôi có bài đăng ở Hà Nội báo từ số 17 (29/4/1936) nhưng ở số 10 (11/3/1936) báo này đã có bài về ông do Phan Thị Nga viết, mở đầu loạt bài về “lối tự học của những bậc đàn anh nước ta”. Những bài Phan Khôi viết cho Hà Nội báo thời gian này – đầu năm 1936 – thường chỉ là những bài ngắn, đề tài khác nhau. Ông mở đầu bằng chuyện về một  “me tây”  thời Gia Long-Minh Mạng, nhưng sau các bài bổ sung của Cô Lệ Chi (Me tây đời Gia Long-Minh Mạng: Bà Magdeleine Sen Dõng vợ Philippe Vannier // HNB, s. 20, ngày 20/5/1936) và Thanh Tịnh (Me tây thuở Gia Long-Minh Mạng // HNB, s. 22, ngày 3/6/1936), không thấy ông viết tiếp đề tài này. Lúc khác, ông trò chuyện với độc giả về đề tài tình yêu trong văn chương từ xa xưa, cho thấy ngay ở kinh thánh Thiên Chúa giáo, tình yêu cũng vẫn được xem như đời sống trần tục của con người chứ không hề bị lý tưởng hóa, thần thánh hóa. Lúc khác nữa, ông kể  “chỗ buồn cười” của nhà văn Trung Quốc Lương Khải Siêu (1873-1929), nhắc cho người ta biết ở các vĩ nhân thường có những nhược điểm, nhất là thói tật tự biện hộ thậm chí lấp liếm những lầm lạc trong hoạt động xã hội của mình ở những thời điểm đã qua. Nhưng thông thường hơn, ông phản xạ với các ý kiến trên báo chí đương thời, nhất là về học thuật. Ông thảo luận với Hồ Xanh về những đề xuất cải cách một số vần quốc ngữ ; ông dường như không quên vai trò  “ngự sử đàn văn”  khi nổi đóa với ai kia liều lĩnh đặt ra tên gọi  “văn học tiểu thuyết”, ...

            Có lẽ, những bài Phan Khôi góp với Hà Nội báo, dù sao cũng chỉ là những trang viết “cho đỡ nhớ nghề”, khi không có tờ báo nào trong tay, từ sau lúc thôi chủ bút Tràng an và đang chờ được giấy phép ra báo Sông Hương.  

             

3/ Tuần báo Sông Hương, do Phan Khôi sáng lập, xuất bản từ ngày 1/8/1936. Đây là tờ báo duy nhất Phan Khôi lập ra, vừa làm chủ nhiệm vừa làm chủ bút, lại cũng làm hầu hết các công việc tòa soạn.

Tương tự nhiều tuần báo đương thời, Sông Hương khai thác tính chất chuyên đề của thể tài tuần báo, hoạt động theo hướng ‟một tờ báo chủ yếu về sự học vấn, tri thức” – như nói trong lời ra mắt, số 1,  ‟một tờ báo văn học” – như nói ở số 7, khi buộc phải ra thêm mục Thời sự trong tuần lễ, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Theo cách nhìn của giới nghiên cứu hiện nay, Sông Hương là tờ báo văn hóa văn nghệ ; trong nội dung đăng tải của nó có tác phẩm văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn), lại cũng có phê bình văn nghệ, khảo cứu ngôn ngữ, sử học, tin tức văn hóa văn nghệ ; tức là có cả các sáng tác văn nghệ lẫn những biên khảo, phê bình, thông tin về các tri thức xã hội-nhân văn.

Tham gia khu vực thể tài này, Sông Hương góp phần làm giàu thêm thành quả của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó, những điều tạo ra được ở khu vực báo chí chuyên đề văn hóa văn nghệ là phong phú, phồn tạp, rõ rệt hơn hẳn so với ở khu vực báo chí thời sự chính luận, do vậy, chân dung nhà báo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nổi bật ở tính cách nhà văn-học giả, hơn là nhà bình luận xã hội chính trị. 

Trong cách tổ chức bài vở trên các số báo, Phan Khôi thường đặt ra nhiều chuyên mục ; tính báo chí (tính định kỳ) thể hiện thông qua sự hiện diện thường xuyên những nội dung mới của từng chuyên mục. Trên Sông Hương ta thấy những chuyện mục dựa theo thể tài như : Sử học, Truyện ngắn, Truyện dài, Thơ, Phê bình, Phỏng vấn hay Điều tra, Về học thuật, Lịch sử ký sự,...; bên cạnh đó lại có những chuyên mục mang những tiêu đề  (còn gọi là ‟tổng đề”) mà thực chất là tên một tác phẩm gồm những phần nhỏ đang được viết tiếp đăng tiếp, như Quốc văn nghiên cứu, Lý luận của tôi, Chương Dân thi thoại, Hán văn độc tu, Ngự sử đàn văn, Sử liệu từng mảnh vụn, Đi học đi thi, Những chuyện oái oăm, v.v... (2)      

Về lực lượng tác giả, khi làm tờ Sông Hương, Phan Khôi nhận được sự cộng tác của khá nhiều tác giả ở các miền gần xa trong nước, từ các nhà nghiên cứu, phê bình như Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trương Tửu, Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Hồ Lê Phồn, đến các nhà thơ nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, Nam Trân, Mộng Huyền, v.v... Với sự cộng tác này, Sông Hương đã công bố được những tác phẩm văn học, sử học đáng kể như tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết Tiếng võng đưa của Thúy Na và Tràng Kiều (sau này in lại với tên Cô gái tân thời của tác giả Lưu Trọng Lư), ký sự lịch sử Tuy Lý Vương của Trần Thanh Mại, v.v...

Tuy vậy, ta đừng quên Sông Hương là tờ báo tư nhân và người chủ nhiệm kiêm chủ bút lại là một cây viết lúc này vẫn đang sung sức. Ngoài ra, ta còn nên biết ông chủ báo này không phải nhà giàu làm báo ; ông dành dụm được khoảng một ngàn bạc (tiền đương thời) mới dám đứng tên ra tờ báo này. Bởi vậy, tòa soạn chỉ gồm chính ông và mấy người con. Cũng bởi vậy, một lượng khá lớn bài đăng Sông Hương là bài do ông chủ báo viết ra : trong tư cách tòa soạn, ấy là những bài mang tính xã thuyết ký tên báo (Sông Hương, S.H.) và những bài mục lẻ tẻ có nội dung giới thiệu sách mới báo mới, lời tòa soạn nhắn gởi bạn đọc, hồi đáp một vài người có bài lai cảo, v.v... ; trong tư cách tác giả, ấy là những bài ký các bút danh quen thuộc : Phan Khôi, C.D., K., Bê Ca, và một loạt các bút danh mới (chỉ mới có trên Sông Hương) như Ngự Sử, Thạch Bổ Thiên, Phục Sanh, Tú Vườn, Độc Tại Lâu Chủ Nhân, v.v... ; có thể là cả những bút danh viết tắt : P.T.T., T.T., T., T.M., T.V., H.N.... ; thậm chí nhiều bài không ghi tên tác giả, – việc dưới các bài viết bài dịch không ghi tên ai, trên một tờ báo tư nhân, chỉ có nghĩa là tác quyền các bài ấy thuộc tòa soạn, tức là được viết bởi ngòi bút ông chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Một trong những nét đậm ở Phan Khôi qua tất cả các đề tài và thể tài văn chương, khảo luận, biên dịch suốt 8 tháng hoạt động của tuần báo Sông Hương, – có thể nói, chính là tinh thần tiếp cận lịch sử, – lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử cận đại mà ông can dự với tư cách chứng nhân, – vừa muốn làm hình thành vốn tri thức sử học trong diện mạo càng phong phú phồn tạp và chi tiết hóa càng tốt, lại vừa muốn khám phá tính quy luật của nó theo tinh thần tiến hóa luận lịch sử.   

Ở trên có nói ông chủ nhiệm Sông Hương vận dụng thể tài tuần báo để dựng nên một tờ báo chuyên đề về văn hóa văn nghệ ; điều này cũng có nghĩa người chủ báo này muốn tránh việc trực diện viết và cho đăng các bình luận chính trị xã hội, là khu vực dễ chuốc lấy nguy hiểm, nhất là tờ báo đặt tại Trung Kỳ, nơi mà mặt bằng luật pháp thấp hơn, hẹp hơn hẳn so với Nam, Bắc Kỳ đương thời. Ít ra gần một năm làm nhật báo Tràng an đã cho Phan Khôi kinh nghiệm ấy. Tuy vậy, ông chủ Sông Hương cũng chỉ có thể ‟tạm lánh” thời sự chính trị trong 6 số đầu. Đời sống xã hội chính trị trong và ngoài nước những năm 1936-37 sôi động, không cho phép người làm báo như ông chỉ giới hạn tờ báo của mình, ngòi bút của mình trong phạm vi những biên khảo và luận bàn về ‟sự học vấn, tri thức” như ông tự định ra ban đầu. Từ số 7 Sông Hương bắt đầu có trang Thời sự trong tuần lễ, lấy cớ đáp ứng yêu cầu của độc giả, trong đó chọn và viết lại thật vắn tắt những thông tin  thời sự chính trị trong và ngoài nước, với những tin tức về nội chiến Tây-ban-nha, về những động thái của chính phủ Bình dân Pháp đối với thuộc địa và đối với các phái đối lập trong nước, về chính trường Trung Hoa trong các tương tác xung đột Quốc – Cộng, Hoa – Nhật ; về tin tức trong nước với sự tiến triển các phong trào Đông Dương đại hội nghị, phong trào bãi công bãi thị, v.v... Dần dà, từ đưa tin, Sông Hương có thêm một số trang bình luận thời sự chính trị, tuy vẫn biết tự giới hạn ở góc độ văn hóa. Ấy là khi báo có các bài luận bàn về việc dạy hay không dạy chữ Hán và các ngoại ngữ ở nhà trường, về việc lựa chọn một ‟ngôn ngữ gốc” cho sự học hành, thi cử. Rộng hơn một chút, nhân sự kiện cuộc ‟toàn Kỳ hội nghị”, luận bàn về việc phối hợp hoạt động của các giới nhà báo và nghị sĩ Trung Kỳ. Rồi bình luận về việc báo giới người Việt đòi (hoặc ‟xin”) tự do báo chí cho các báo quốc ngữ, vận động lập nghiệp đoàn báo giới ; rồi tranh luận với các đồng nghiệp khác chính kiến ; rồi bình luận về các bộ luật hộ, luật hình của triều Nguyễn... Ta hãy nghe chủ nhiệm Sông Hương , chẳng hạn, vạch ra tính chất lưỡng thể về chính quyền và pháp luật ở Trung Kỳ, vạch ra sự ‟trái chứng” của nhà cầm quyền trong việc thực thi luật pháp : khi muốn xử nặng thì đưa can phạm cho tư pháp Nam triều là nền pháp luật trung cổ, chứ không cho hưởng nền tư pháp nước Pháp văn minh hơn mà họ đáng được hưởng ở phần lãnh thổ ‟nhượng địa” !  (Về vấn đề pháp luật ở Trung Kỳ // S. H., s. 32, ngày  27/3/1937). Giọng điệu này ở một số bài bình luận trên Sông Hương cho thấy nhà báo Phan Khôi không tự cắt đứt dòng ngôn luận của mình hồi viết trên Tràng an mà tinh thần chung là đối thoại với nền chính trị quân chủ và thực dân đương thời. Trên Sông Hương, thành phần nghị luận loại này là tương đối ít, so với lượng bài vở văn thơ, văn học, sử học, nhưng không phải là không đáng kể.  

***

 

Trở lên là một số mô tả và nhận xét về hoạt động báo chí của Phan Khôi trong năm 1936.

Về việc tập hợp bài vở vào sưu tập. Các bài của Phan Khôi trên Tràng an những số báo đầu năm 1936, người soạn đã đưa vào sưu tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1935, vì các bài này liên quan nhiều hơn tới dòng mạch các bài viết và các hoạt động của Phan Khôi tại tòa soạn Tràng an từ khởi đầu (tháng 3/1935) cho đến khi ông rời tòa soạn báo ấy. Còn lại, các bài Phan Khôi đăng Hà Nội báo và đăng Sông Hương trong năm 1936, được tập hợp vào sưu tập này.

Văn bản các tác phẩm được rút từ sưu tập tuần báo Sông Hương hiện lưu tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. Sưu tập ấn phẩm báo giấy này đã bị rách ở mức đáng lo ngại, lại bị mất một số trang ; những trang ấy, tôi tham khảo bản microfilm Sông Hương cũng của Thư viện Quốc gia để bổ sung, tuy chưa dám tin là hoàn toàn đầy đủ.

Trong khi thực hiện sưu tập, tôi có tham khảo sưu tập  Sông Hương do Phạm Hồng Toàn sưu tầm, tuyển chọn (Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây thực hiện, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009, 743 trang 19x27cm). 

Như đã làm trong các sưu tập trước, trong sưu tập này người biên soạn tôn trọng hành văn của tác giả Phan Khôi vốn ít nhiều nghiêng về phương ngữ tiếng Việt vùng Trung Kỳ, Nam Kỳ; tuy vậy, tôi có nhận xét là khi viết và biên tập bài vở để đăng trên Sông Hương, tờ báo đặt tại Huế, Phan Khôi cả với tư cách chủ bút lẫn tư cách một trong số các tác giả, đã chú ý nhiều hơn đến sắc thái phương ngữ Bắc Kỳ, – đúng hơn, phương ngữ đàng ngoài, – thường khi sử dụng cả 2 dạng phương ngữ ấy trong cùng một bài (chẳng hạn dùng cả 2 dạng chánh phủ/chính phủ). 

Một số từ khó, hoặc từ Hán-Việt, tôi có tham khảo các sách từ điển hoặc các nhà nghiên cứu quen biết để chú thích, nhưng cũng chưa xử lý được hết mọi trường hợp.

Các chú thích ghi bằng chữ số Arab (1,2,3…) là chú thích của bản gốc (nguyên chú).

Các chú thích ghi bằng chữ cái Latin (a,b,c…) là chú thích của người biên soạn.

18. 03. 2013

LẠI NGUYÊN ÂN

Chú thích

(1)  Văn Tệ (1936) : Ông Phan Khôi // Hà Nội báo, Hà Nội, s. 6 (12 Février 1936), tr. 11 (Văn Tệ là bút danh của Vũ Trọng Phụng khi viết tin tức và tiểu phẩm trên Hà Nội báo).

(2)  Về các bài mục trên tuần báo Sông Hương,  xem thêm sự nhận xét và mô tả khá kỹ lưỡng của Phan An Sa trong cuốn Nắng được thì cứ nắng. Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn, Hà Nội : Nxb. Tri Thức, 2013,  phần thứ nhất : Ông chủ nhiệm Sông Hương, tr. 29-189.