TỰ DO GÌ LẠI CÓ TỰ DO XIN?

Ý kiến chúng tôi đối với bức thư tối hậu của Ngày Nay

Đâu đã bốn năm năm nay, lần này người ta mới thấy "cánh Phong hóa, Ngày nay" ‒ nhóm Nguyễn Tường Tam ‒ bắt đầu làm một việc đáng gọi là "lố bịch", việc đưa "tối hậu thư, khai chiến với hết thảy các báo ở Đông Pháp".

Cái gì lại "tối hậu thư"? Cái gì lại "khai chiến"?

Thường thường mỗi khi nước nầy đưa tối hậu thư cho nước kia, hễ không đáp phúc vừa ý thì sự bang giao của hai nước phải trở nên quyết liệt. Nhưng đây là làng báo, nếu các báo không đáp phúc vừa ý thì Ngày nay sẽ làm gì? sẽ quyết liệt bằng cách nào? Hay lại cũng làm thinh?

Khai chiến thế nào? Một bài trong số Ngày nay 31 là đã khai chiến rồi đó phải không? Nếu mở thế công mà chỉ có vậy thì cũng buồn thay cho cuộc chiến tranh!

Nguội lắm! Chúng tôi dám chắc rằng hôm nay các ông ấy đương lo lung lắm: không lẽ đã phóng đại ra một việc như thế rồi ngồi mà xem nó thúc kết chẳng có gì.

Trong bức thư ấy, có chỗ khoe rằng chỉ có một mình các ông là nhìn thấy rõ sự bãi ty kiểm duyệt không phải ngôn luận tự do. Lại có chỗ làm như ra đề bảo các báo làm bài. Những chỗ ấy thật làm cho chúng tôi buồn cười quá, buồn cười như khi nghe một đứa trẻ nói những câu ngộ nghĩnh. Một vài bạn đồng nghiệp như Bắc Hà ở Hà Nội, Nghe thấy ở Sài Gòn, đều có công kích họ về sự vô lễ ấy, nên chúng tôi không nói đến nữa.

Viết bài nầy, chúng tôi chỉ lấy ra từ trong bức thư tối hậu ấy một cái ý chính mà bàn luận. Tức là điều các ông ấy tha thiết bảo hết thảy các báo nên há miệng xin ngôn luận tự do.

Trên chữ tự do mà dám để chữ xin, chúng tôi ít nữa phải lấy làm lạ cho cái óc hành văn của các ông ấy!

Tự do, chúng tôi biết là vật xưa nay chỉ có người ta tự tạo lấy cho mình, khi chưa được thì hẵng nhịn nhục và chờ đợi, chứ chẳng phải là vật có thể xin mà được.

Nếu xin mà được thì cái ấy, chúng tôi quyết nó không phải là cái tự do.

Các báo xứ ta hiện nay ngôn luận không được tự do, điều ấy Chánh phủ vẫn biết, há còn phải đợi kêu ca? Biết mà không để ngôn luận tự do, là vì Chánh phủ thấy chưa có gì buộc mình phải làm như thế. Khi nào Chánh phủ thấy cần thì sẽ để ngôn luận tự do ngay, chớ không đợi chúng ta xin.

Nghiệm điều nầy thì biết: Mấy ngàn chính trị phạm đương bị giam, bị đày, chưa hề mỗi người đều kêu xin ân xá, nhưng Chánh phủ thấy là cần thì vừa rồi đã ban bố luật đại xá.

Thật ra thì cũng có cái tự do xin mà được. Nhưng trong "ca" ấy, không phải là "xin" mà là "yêu cầu".

Cái gì yêu cầu mà chắc được là nhờ có hậu thuẫn. Nhưng chúng ta lại không có hậu thuẫn.

Người ta hay nói quần chúng là hậu thuẫn của một người hay một đoàn thể nào đã được lòng họ, đã biết lợi dụng họ. Nhưng đó là nói quần chúng ở đâu kia. Chứ quần chúng xứ ta chưa có thể làm hậu thuẫn cho ai.

Phải là cái sức mạnh thì mới làm hậu thuẫn được. Mà sức mạnh là gì và quần chúng ta có cái sức mạnh ấy không, điều đó chúng ta biết cả rồi.

Thế thì muốn hiểu chữ "xin" ấy bằng một nghĩa khác nữa, ngày nay cũng còn chưa phải cái ngày xin.

Theo lời các ông ấy thì những báo nào không kêu xin tự do là thích sống trong sự tối tăm. Không, chúng tôi cũng như các ông, không khi nào thích như thế, nhưng cực chẳng đã chúng tôi phải sống. Một điều tự phụ là sống tối tăm mà chúng tôi làm việc sáng láng.

Tiến bộ trong sự ôn hòa và ổn kiện thì hơn là làm ồn, đôi khi lại lố bịch.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 16 (14 Novembre 1936), tr. 1.