VÁ TRỜI LẤP BIỂN

Hai anh em, Chích lớn, Chích nhỏ, người làng tôi, giá phải sanh ra ở nước nào bên Âu Mỹ, có chịu giáo dục hẳn hòi, thì đã trở nên nhân tài hữu dụng rồi; tiếc thay lại sanh ra trong làng tôi, một làng ở nước Nam, xứ Trung Kỳ!...

Làng tôi, phía bắc có con sông thật sâu, nhưng bực cao quá, từ mặt nước lên đến đất ước chừng năm, sáu thước tây, có chỗ tới chín, mười thước. Con sông thật tốt, kém một điều là chỉ tiện cho việc thuyền bè lại qua mà không tiện cho việc tưới ruộng.

Bực cao quá, làm sao lấy nước lên cho tới ruộng? Vậy mà anh em Chích nói rằng: "Phải lấy nước lên cho tới ruộng!".

Vài mươi năm trước, nghề tằm tơ làng tôi rất thạnh, dâu lá mắt quanh năm. Những đám đất sát trên bờ sông, muốn lấy lợi nhiều, người ta trồng dâu cả. Nhưng xứ tôi là xứ hay gặp hạn hán, hoa màu thường phải chạy nắng.

Một năm, giữa tháng năm, trời đại hạn, một vùng ruộng dâu trên bờ sông, cây cằn, lá xám xịt, như bị mặt trời đè, lên không nổi. Mỗi chiều lại, chủ ruộng đi dạo đồng, trông thấy mà đau ruột, họ mới rủ nhau tưới dâu.

Nhà nào trai bạn nấy, sáng sớm đi ra, trên vai đôi thùng hay đôi hủ, trổ một con đường từ bực cao xuống mặt sông, hì hục gánh nước lên tưới. Có nhà thì lại trồng một cây "cần vọt", giòng cái thùng thiếc ỳ ạch kéo lên thả xuống, chặp lâu mới được một thùng nước đổ vào mương.

Anh em Chích đứng coi, nói rằng: "Làm vậy đâu có được! Làm vậy đâu có được!".

Quả nhiên không được thật. Tưới một buổi sớm mai hết bao nhiêu công cán, mặt trời lên, nó khô hết cả, nước đi đâu hết cả.

Ra về, Chích lớn vừa đi vừa nói với em: "Mình phải nghĩ ra cách gì lấy nước lên tiện hơn họ chớ!".

Chích nhỏ trả lời: "Phải, nếu anh em mình nghĩ được cách ấy, sẽ ngồi đó mà thâu lấy lợi, khỏi vất vả đi mần mướn hằng ngày".

Tối hôm ấy, anh em Chích không ngủ, cứ rầm rì với nhau.

Vợ chồng ông Thủ Hồ ăn nhờ vào bốn bàn tay của hai đứa nó, thấy chúng không đi ngủ thì quát:

‒ Hồi chiều có người đến kêu hai đứa bay sáng đi cuốc cỏ, tao đã chịu với họ rồi, bay còn không ngủ để sáng dậy sớm mà đi sao?

‒ Thì cha cứ ngủ đi, mặc chúng con, chúng con dậy sớm được mà. Nhưng, sáng dậy sớm, chúng con sẽ đi "hồi" người ta, không cuốc cỏ được, vì ở nhà có việc làm lợi bằng mấy cuốc cỏ.

Thưa với cha nó như thế rồi, anh em Chích còn rầm rì mãi, chặp lâu, vùng cười lên, như có sự đắc ý, rồi im luôn cho tới sáng...

Sáng hôm ấy, làng tôi đồn rùm lên rằng anh em Chích làm gì không biết mà đi mua thùng thiếc quá nhiều, tức là thứ thùng đựng dầu hỏa loại ra. Nhà nào có thùng không cũng đem ra bán, cứ ba hào một cái.

Anh em Chích có tích trữ một số tiền được hơn mười đồng bạc, và hôm ấy, soát trong bầu, còn đủ gạo ăn được mười ngày. Cậy vào cái lưng vốn ấy, chúng bắt tay làm một việc to tát và mới mẻ.

Nhà, cửa trong cửa ngoài đóng chặt lại, người qua kẻ lại chẳng biết anh em Chích làm gì, chỉ nghe trong nhà có tiếng: khi thì rè rè, khi thì độp độp.

Luôn ba hôm vắng mặt anh em Chích, bốn phía xóm xầm xì với nhau. Người thì nói: "Ngụy chưa tề! Anh em thằng Chích chắc có làm cái gì trong nhà nó". Nhưng, kẻ thì nói: "Làm cái gì! Thứ đồ Chích, chỉ có đi ăn trộm, chớ làm cái gì!".

Tiếng xầm xì thấu đến tai ông Lý trưởng. Lý trưởng đi trình các ông viên quan: "Không biết cha con anh em thằng Chích làm gì mà đóng cửa làm ầm ạc trong nhà, nó rèn gươm chăng? Nó đúc súng chăng? Làng không đi báo quan thì khốn!".

Một ông viên quan dạy: "Việc gì đi báo quan vội, làng hãy tới nhà nó mà soát và hỏi đã".

Vài bốn ông chức việc tới thình lình, phá cửa ngõ Thủ Hồ mà vào, bắt được một cái ống lớn làm bằng thiếc tây và một khoanh dây xích sắt có bánh xe bằng gỗ.

‒ Dân bay! Trói nó lại, ‒ ông Lý trưởng đứng chống nạnh giữa nhà và thộp nạt: ‒ trói nó lại rồi bắt nó khai. Chà! Nhà bay sắm đồ tuồng khởi ngụy đây!

‒ Lạy ông, chúng con đâu dám. ‒ Thằng Chích lớn đứng thưa sau khi vợ chồng Thủ Hồ hoảng trốn trong buồng. ‒ Chúng con đâu dám, chúng con chỉ muốn làm thử cái máy lấy nước tưới ruộng dâu.

‒ Mày nói dối! Cái ống này đâu là cái ống "hỏa hổ", còn cái dây xích bằng sắt này là cái dây để kéo súng đại bác chớ gì? Mày khai thiệt ra kẻo chết!

Thưa ông không, quả thật là cái máy lấy nước. Thôi thì sẵn các ông đây, để chúng tôi lắp vào mà thí nghiệm xem.

Trước sân nhà Thủ Hồ có cái bể chứa nước phòng lửa. Chích lớn, Chích nhỏ, đứa khuân đứa vác cả đồ tuồng của chúng nó đã cầy cục làm ba ngày đêm ra lắp lại và dựng lên trên mặt bể nước.

Một cái bàn bằng gỗ, có bốn cẳng, thật vững chãi, đặt sát đáy bể, mặt bàn có lỗ tròn chịu lấy cái ống thiếc tây; rồi sợi dây xích có bánh xe luồn trong cái ống; dây xích kiểu liên hoàn, nửa khuất trong ống, nửa lòi ra ngoài, trên mặt nước một ít, có cái tay cầm để quay, ăn với dây xích.

Thấy những khí cụ dàn ra như thế, các ông làng có hơi tin lời thằng Chích lớn: "Thôi, quả không phải nó sắm đồ làm giặc rồi; nhưng tuồng trẻ con! Làm thế này thì ông già chúng mày chết đi sống lại ba lần cũng không lấy nước được, nữa là chúng mày!".

Tuy vậy họ cũng bảo nó làm thế nào mà lấy nước thì làm thử coi.

Chích nhỏ khoanh tay đứng đó, còn Chích lớn hai tay nắm lấy cái tay cầm mà quây đến quây đại, ban đầu rủ rỉ, sau ồ ồ, nước theo lên miệng ống đổ ra có vòi.

Anh em Chích cười ra dáng đắc ý lắm. Các ông làng trở xẵng làm dịu, nói với nhau: "Con nít làm bậy bạ chơi mà được việc cũng chưa biết chừng", rồi kéo nhau ra về.

Thủ Hồ trai ở trong buồng chạy ra, vác cây phang đại hai đứa, vừa phang vừa la: "Bay làm trò gì cho làng đến soát nhà tao? Dẹp đi; không nghe lời, đừng trách số!".

Bà Thủ Hồ chẳng nói chẳng rằng gì hết, chạy lại chỗ bể nước, chực phá "bộ máy" của chúng nó.

Anh em Chích hết sức lạy lục kêu van cùng cha mẹ. Vợ chồng Thủ Hồ mới chịu nhơn tay.

Đó là làm cái nhỏ để thí nghiệm. Coi mòi được, anh em Chích mới làm một cái y như kiểu ấy mà ống cao và lớn hơn, dây xích cũng dài hơn.

Tôi còn nhớ ngày 24 tháng năm năm ấy, lúc mơ mơ sáng, là ngày anh em Chích đem “giàn máy” ra sông thí nghiệm. Bấy giờ người làng rủ nhau đi coi đông lắm, cũng như sau này khi mới có tàu bay, thiên hạ đi coi vậy.

Đặt cái bàn xuống sông cho vững được đã già nửa buổi rồi. Đến chừng quây, một mình Chích lớn quây không nổi, Chích nhỏ phụ lực vào nữa, cái tay cầm nó cũng không thèm rục rịch. Hết thảy người đứng coi đều xùy xuỵt, rồi cười ầm lên.

Số là mỗi cái bánh xe đều có khấc, chỗ khấc có quấn bùi nhùi là thứ thấm nước vào, nhờ bùi nhùi hút nước, nước theo lên, trong khi cái tay cầm quây, cái dây xích chạy. Nhưng trước kia làm cái nhỏ, nó nhỏ sức quây được; bây giờ làm cái lớn, bánh xe lớn, hút nước nhiều, nặng quá, quây sao nổi mà quây?

Chích nhỏ ở bên sông, giữ "giàn máy", chịu bao nhiêu lời mỉa mai nhạo báng của những kẻ bàng quan, còn Chích lớn về nhà, lo cải lương cái máy.

Phen này nó dùng một khúc cây dài thay vào chỗ cái tay cầm ấy, rồi nhè chỗ hai phần ba khúc cây mà tra vào một cái tay cầm khác. Một mình Chích lớn nắm tay cầm quây, quây chạy. Một lát, thấy có ít nước lên. Khi ấy, kẻ coi vỗ tay bốp bốp, như vì anh em Chích vui mừng.

Không ngờ nước lên được chừng giập cái bã trầu, rồi thì "toẹt" một tiếng, cái ống bằng thiếc tây bỗng nứt toét ra. Anh em Chích, cùng cả người chung quanh đều nhận rằng đó là vì sức nước nặng quá, ống không chịu nổi.

Chích lớn bỏ đó, lên bờ, ngồi khoanh tay thở dài và nói: "Phải chi mình có ống bằng sắt như ống khói tàu hỏa thì thôi còn nói gì nữa! Nhưng em ơi! (nói với Chích nhỏ) ngồi đây mà ước ao vô ích!".

Cả Chích nhỏ nữa cũng bỏ đó đi về. Hai anh em cắp nhau đi đâu chẳng ai biết. Cái "giàn máy" bỏ ngổn ngang giữa bờ sông, chẳng ai thèm mó đến làm chi.

Đi non một tháng, anh em Chích trở về nơi bến sông với một chiếc ghe bơi, dòng theo một khúc gỗ lim rỗng ruột, dài và lớn hơn cây cột đình. Đó là vật mà anh em họ định để thay cho cái ống bằng thiếc tây vậy.

Bào, đục, thay dây xích, thay bánh xe khác, mọi việc làm hơn một tháng nữa, rồi các ống gỗ lim mới dựng lên được. Anh em Chích thay phiên nhau quây, thấy nước lên vừa ý lắm. Các chủ ruộng đã giành nhau đặt xối hứng nước vào ruộng dâu mình. Những kẻ đi coi trở lại trầm trồ anh em Chích chuyến này phát tài lớn, giàu lớn!

Té ra cũng chưa xong! Quây thét một buổi rồi bao nhiêu bánh xe vỡ hết, cái nầy đến cái khác, cái không vỡ thì cũng đã rơm rớm vỡ. Vỡ đâu thay đó, nhưng nó cứ vỡ mãi rồi hơi nào mà thay?

Anh em Chích bàn với nhau: sở dĩ bánh xe hay vỡ như thế là tại chỉ có một cái ống. Một cái ống thì khi bánh xe luồn trong nó, có chỗ nương dựa, đến khi ra ngoài lại lệch lạc đi, va chạm vào những vật chung quanh, cho nên không chịu được mà phải vỡ. Tốt hơn là phải làm hai cái ống: một cái để cho dây xích và bánh xe luồn vào trong mà đi xuống, một cái để cho dây xích luồn vào trong mà đi lên. Tính đâu vào đấy rồi, anh em Chích lại đi nữa.

Đem về một khúc gỗ lim khác y như khúc trước, cũng do tay anh em Chích làm lấy rồi dựng lên. Quả nhiên làm cách nầy thì nước lên và bánh xe ít vỡ hơn trước.

Cẩn thận, chưa dám nhận lời đổ nước cho điền chủ, anh em Chích còn cứ để mà thử hoài, thử mãi cho đến ngày thành công chắc chắn.

Cũng chưa được! Lần nầy dây xích phát bệnh: hoặc gẫy hoặc cong queo. Tại chi cái dây ấy làm bằng những quai thùng dầu thì nó chịu sao nổi?

Bệnh ấy chữa xong, lại sanh bệnh khác. Đương chạy, thình lình không chịu chạy. Ấy là tại bánh xe ngâm nước lâu rồi nó nở ra, lớn tràm cả miệng ống, thì còn chạy làm sao được?

Chữa sửa, lại chữa sửa. Chữa sửa hoài không thôi. Chữa sửa ngày nầy qua ngày khác, mà không hay mùa nắng đi qua, mùa mưa đã tới. Vừa bão vừa lụt phát ra trong một đêm, làm cả "giàn máy" của anh em Chích trôi mất, chẳng còn sót lại một cái đinh!

Sau đó, lâu lâu Chích lớn lại một lần ra đứng bờ sông, ngó xuống mà than thở. Và thề không dại gì "làm máy" nữa trong khi mình còn chưa đúc được sắt; bao giờ đúc được sắt, mới lại bắt đầu làm.

Mà nghĩ như Chích lớn vậy cũng phải. Thứ gỗ và tre, và mây, và lá chuối của An Nam mà làm gì được! Có theo đến cùng cũng là luống công vô ích.

Cho đến năm nay, Chích lớn trên bốn mươi tuổi rồi, tìm mãi cách đúc sắt mà không ra. Mới rồi thình lình anh ta bỏ cha già, bỏ vợ con, chỉ từ biệt riêng một chú em đồng tâm đồng chí là Chích nhỏ mà đi đâu mất; anh ta nói với chú em rằng đi học đúc sắt, bao giờ đúc được sắt mới về.

Bà Thủ Hồ chết đã lâu rồi. Ông Thủ Hồ gần tám mươi tuổi đầu, già lụm cụm, mỗi lần ngồi trong nhà ngó ra, nhớ đến con, lại nổi giận mà mắng: "Đồ chó chết! Cái thằng nó không tưởng gì tao, nó chỉ muốn vá trời lấp biển!". [a]

NGỌA DU

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 8, 9.

Chú thích

[a] Theo nhận định của tôi, bài viết về thơ Nam Trân trong mục “Phê bình văn nghệ” ký tên Ngọa Du Nhân ở  Sông Hương số 3 là bài của Phan Khôi; vậy bút danh Ngọa Du chính là của ông; do đó truyện ngắn Vá trời trời lấp biển này cũng thuộc ngòi bút Phan Khôi.