VIỆC HỌC CŨNG LÀ VIỆC CẦU DANH LỢI

Trong số báo trước có bài "Danh lợi", người viết, ông Dân Xanh, quyết luận rằng ở đời bất kỳ ai, bất kỳ việc gì, cũng chỉ có một cái mục đích là cầu danh lợi. Rồi ở cuối bài, ông ấy hứa với bạn đọc sẽ bàn tới việc học có phải là có cùng một cái mục đích ấy không.

Tiếp với bài trước, tác giả có bài "Danh lợi trong việc học". Rủi vì một sự bất cẩn của tòa soạn chúng tôi, nay không có bài ấy mà đăng tiếp. Không lẽ đã hứa mà làm thinh, chúng tôi phải nhân đó phát biểu ý kiến của mình.

Cái vấn đề này nghe qua rất thường, rất cũ, hoặc có người cho là vô vị, thấy đầu đề rồi không thèm đọc đến bài nữa. Nhưng trong sự thường cũng có sự phi thường, trong cái cũ biết đâu có cái mới. Chúng tôi nghiên cứu vấn đề này vì muốn cống hiến cho bạn đọc một điều phi thường và mới.

Thánh hiền dạy đời sau, cha dạy con, thầy dạy trò xưa nay đều tránh xa hai chữ "danh lợi" mà không nói đến. Không nói đến, trong sự ấy gồm có hai ý: không thèm và không dám; nghĩa là đối với danh lợi, người ta vừa có ý khinh, vừa có ý nhờm. Tóm lại, người ta tưởng đem danh lợi nói với kẻ học, bảo rằng cái mục đích của sự học ở đó, thì như nó mất cái vẻ thần thánh tôn nghiêm của sự học đi, mà cho đến kẻ dạy cũng không còn dạy được ai.

Thế rồi, người ta mới dựng lên một cái mục đích khác, cắm cho kẻ học một cây nêu khác: học để "làm người". Làm người là thế nào? Tức là ăn ở cho phải đạo, hợp với luân lý.

Nhưng, nực cười quá! Ở đời có nhiều việc chỉ khác nhau là cái tên chứ có một là cái thực. Cứ thực mà nói thì ăn ở cho phải đạo, hợp với luân lý, con người ấy mười phần chắc đến chín sẽ được hưởng lợi và danh. Thế thì học để làm người cũng tức là học để cầu danh lợi mà thôi!

Đức Khổng Tử cũng có dạy rằng: "Học dã lộc tại kỳ trung hĩ": ("học vậy mà lộc ở trong nó rồi"). Sự ăn lộc tức là làm quan ‒ đã ở trong sự học, thế thì dù ngài không nói rõ ra cái mục đích của sự học là để cầu danh lợi, nhưng thực ra thì để cầu danh lợi chứ còn gì nữa?

Sách Luận ngữ chép: Tử Trương học mà có ý cầu lộc. Đức Phu Tử bảo rằng: "... Làm người hễ lời nói ít lỗi, việc làm ít ăn năn, tất nhiên lộc ở trong đó rồi (lọ phải cầu làm chi?)".

Coi mấy lời của thánh nhân đó thì cái học để làm người quả nhiên tức là cái học để cầu danh lợi, một mà chẳng phải hai.

Huống chi sau khi học có thi, thi có đỗ, cái danh tiến sĩ, cử nhân đi theo cái đỗ ấy; đỗ rồi ra làm, lương tháng năm chục, một trăm, cái lợi đi theo cái làm ấy. Vậy thì duy có nói với trẻ con mới nói được rằng học không để cầu danh cầu lợi!

Huống chi trong khi ra làm đó có nhiều người ăn ở không phải đạo, không hợp luân lý, đại để như ăn hối lộ, thụt két, làm cái việc không khác với ăn trộm ăn cướp là mấy, mà những người ấy đều do học mà ra. Vậy mà nói học để làm người, còn có ai tin?

Ở vào những nước hèn yếu, người ta còn xướng lên cái thuyết học để cứu quốc nữa. Vậy sự học còn có một cái mục đích nữa là để cứu quốc.

Nhưng nghĩ cho kỹ, học mà đã đạt đến cái mục đích cứu quốc, người ấy, cái danh cái lợi mà họ chiếm được lại càng to. Thật là kẻ cứu được một nước, hay gọi là cứu được một nước thì kẻ ấy phải làm đến bậc tổng thống, hoặc tổng trưởng một bộ nào. Danh dự lẫy lừng khắp nước đã cố nhiên rồi, mà còn cái số lương tháng kếch xù cũng làm cho người khác thấy mà thèm nữa. Hặc có kẻ không màng đến cái lợi như Tôn Văn ở Tàu, Gandhi ở Ấn Độ thì cái danh của kẻ ấy lại nhân đó mà lớn gấp đôi lên.

Rốt lại, cái học cứu quốc cũng chỉ là cái học cầu danh lợi.

Nói trắng ra một cách thật thà như thế, làm sự học mất cả cái vẻ thần thánh tôn nghiêm. Nhưng theo tôi, tôi tưởng thà nói trắng ra như thế mà hơn đeo mặt nạ, phủ nước sơn, phỉnh phờ lẫn nhau và giả dối lẫn nhau.

Treo lên một cái mục đích rất cao, nói học để làm người, học để cứu quốc mà cứ xô nhau làm những việc như ăn hối lộ, thụt két thì cái hại lại bằng mười sự nói ngay ra rằng học để cầu danh lợi.

Chúng ta chỉ chú ý phân biệt ở cái điều mà trong bài trước, tác giả đã chia ra: "thực danh lợi" và "hư danh lợi", cái trước nên cầu và cái sau không nên cầu.

Một xã hội mà những người đi học đều nhằm ở cái mục đích "thực danh lợi" thì xã hội hẳn phải trở nên tốt và tiến bộ. Mỗi người trong xã hội ấy sẽ có nhân cách cao quý và cho đến quốc thể cũng sẽ bước tới phú cường. Còn như cứ dối mình rằng học để làm người, học để giúp nước mà kỳ thực là lấy "hư danh lợi" làm mục đích thì phải hư hỏng. Cái hiện trạng ấy có lẽ là cái hiện trạng của học giới Việt Nam ta !

P. K.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 10 (2 Octobre 1936), tr. 1, 10.