VIỆC TÒA SOẠN

TIỂU DẪN – Đối với việc sưu tầm tập hợp tác phẩm đăng báo của Phan Khôi, thời gian ông không chỉ viết bài mà còn làm các công việc của Tòa soạn những tờ báo nhất định, rõ ràng cần phải được tiếp cận khác với thời gian ông chỉ góp mặt với các báo bằng bài viết. Cụ thể là khi ông làm chủ bút Phụ nữ thời đàm (1933-34), Tràng An (1935-36), chủ nhiệm kiêm chủ bút Sông Hương (1936-37) thì phạm vi tác phẩm (đơn vị tác phẩm ngôn từ có thể gồm từ một câu đến những bộ trứ tác hàng ngàn trang) ông viết và đăng không chỉ gồm các bài báo, mà còn các mẩu tin, các lời giao tiếp của tòa soạn với nhiều giới liên quan: các tác giả cộng tác với báo, các tác giả và nhóm tác giả gửi bài “lai cảo” đến tòa soạn, các tác giả gửi sách tặng tòa soạn với dụng ý được báo giới thiệu, phê bình, rồi các khách hàng mua báo với những nhu cầu ít nhiều khác nhau… Những tờ báo mà Phan Khôi từng làm chủ bút đều là những báo tư nhân cỡ nhỏ, tòa soạn rất ít nhân viên, bởi vậy có thể nói hầu hết các thông tin giao tiếp các loại kể trên đều do tay viên chủ bút viết ra; ngay khi giao cho một ai đó thì rốt cuộc mọi văn bản lớn nhỏ đều qua tay chủ bút rồi mới đến được nhà in.

            Bởi lý do ấy, tôi tập hợp vào sưu tập này những đơn vị tác phẩm rất nhỏ mà theo tôi, Phan Khôi đã viết. Những tác phẩm cỡ nhỏ này, theo tôi, sẽ cho các giới nghiên cứu và những ai quan tâm biết thêm nhiều điều, không chỉ về tác gia Phan Khôi trong vai trò một người điều hành một cơ quan ngôn luận, mà còn cho biết nhiều thông tin khác, về muôn mặt cuộc sống đương thời. – N. B. S.   

CÁC SÁCH TẶNG

1. Tình yêu

Một tập thơ mới của ông Nguyễn Huy Quý ở Hà Nội tặng.

Mới có người viết thư phàn nàn với chúng tôi về thơ mới, nói rằng các nhà thơ chọn đề và dùng tài liệu trùng nhau quá. Ai cũng ca tụng cái yêu, cái đẹp, ai cũng "anh anh em em" nên tuồng như đã làm cho người ta chán. Lời nói ấy, chúng tôi muốn biểu đồng tình.

Thơ ông Nguyễn Huy Quý hình như cũng nghe được, nhưng nếu người đọc không lấy làm thích, và nếu ông sẽ không nổi tiếng trong làng thơ vì tập Tình yêu nầy thì cũng chỉ tại thế thôi, chỉ tại thi liệu của ông trùng với người khác thôi. Vì ông cũng ca tụng cái yêu, cái đẹp, ông cũng "anh anh em em".

Phải chăng vì đời nầy là đời hay biến đổi nên chi cái gì mới cũng chóng thành ra cũ.

Cũng bởi không muốn làm cho người đọc dễ chán nên trong báo nầy chúng tôi đăng bài Tôi và ta của tác giả Nam Trân, thật là một bài mà sự mạng ý đã thoát ra ngoài vòng thời thượng bây giờ.

Tập Tình yêu có hơn 30 bài thơ, giá bán 0$30.

2. Giải quyết vấn đề duy tâm duy vật

Đây là một tập giấy khổ nhỏ không đầy 20 trang của Nhà xuất bản Nam Cường ở Mỹ Tho tặng. Tiếng là sách, kỳ thực chỉ lấy ra một bài từ trong cuốn Toàn Chân pháp luận của một tác giả nào đó mà nhà xuất bản đương ấn hành.

Một tập 20 trang nhưng chánh thức chưa đầy 10 trang. Như thế mà muốn giải quyết một vấn đề xưa nay trải qua bao nhiêu cuốn bàn về nó rồi mà được giải quyết thì tưởng cũng khó lòng thay!

Nhưng theo chúng tôi thì dù ta có dùng cuốn sách to bằng bộ Kinh Thánh để giải quyết vấn đề duy tâm - duy vật là vấn đề ấy cũng sẽ không được giải quyết. Vì nó là một vấn đề không chịu giải quyết. Nếu giải quyết được thì chẳng đã giải quyết rồi?

Biết vậy nên chúng tôi chẳng muốn phê bình những sự lý nói trong đó làm chi.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 1 (1 Août 1936), tr. 10.

“LÀM ĐĨ”

Sông Hương số 1 nầy chỉ đăng một cái tiểu thuyết dài; đến số sau sẽ  đăng thêm một cái nữa.

Làm đĩ, tức là một truyện dài về xã hội của Vũ Trọng Phụng viết, sẽ đăng số sau.

Làm đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết, theo lời tác giả nói, mục đích để hô hào những nhà chân đạo đức và những bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm.

Bạn đọc hãy đón xem.

Vũ Trọng Phụng, một tác giả không cần phải giới thiệu nữa.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 1 (1 Août 1936), tr. 10.

CÙNG CÁC ĐẠI LÝ

Sau khi báo gởi tới một vài ngày, báo thừa hay thiếu thế nào, xin tin về cho biết ngay để định số in kỳ tới.

Số 1 nầy nếu thiếu bán, xin đánh tin về nhà báo lấy thêm; còn như bán không hết thì hãy gởi trả lại những số thừa cho nhà báo ngay sau khi tiếp được số 2.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 1 (1 Août 1936), tr. 6.

KÍNH CÁO ĐỘC GIẢ

Sông Hương số 1 nầy chúng tôi có gởi tặng cho ba ngàn vị độc giả ở khắp cõi Đông Pháp. Và đến số 2 cũng sẽ còn gởi tặng một lần nữa.

Chúng tôi xin nói trước ở đây rằng hễ vị nào không bằng lòng mua thì khi tiếp được Sông Hương số 2 xin cứ để nguyên cái băng mà đề chữ "retourné" trả lại cho chúng tôi.

Vị nào đến số 2 mà không gởi trả báo lại, thì dầu chưa có thư và măng-đa mua báo chúng tôi cũng coi như là thuận mua rồi, chúng tôi sẽ ghi tên vào sổ mua đồng niên và gửi báo tiếp luôn luôn.

Trong số 1 nầy mỗi số có gấp theo một tờ "giấy nhận mua báo" đã in sẵn. Vị nào bằng lòng mua xin điền tên vào giấy ấy gởi về cho chúng tôi. Như có tiện thì gởi măng-đa một thể càng hay.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 1 (1 Août 1936), tr. 10.

CÁC SÁCH TẶNG

1. Tình em

2. Những áng thơ hay

Của ông Nguyễn Nhuệ Thủy tặng. Tình em là một tập thơ của ông Nhuệ Thủy, có chừng mười lăm bài thơ in trên 60 trang giấy khổ nhỏ, giá 0$20.

Những áng thơ hay của ông Nguyễn Nhuệ Thủy biên tập, có ông Lê Tràng Kiều đề tựa, gồm nhiều bài thơ của các thi sĩ đương thời như Thái Can, Phạm Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, v.v... cũng có cả ông Nguyễn Khắc Hiếu nữa, giá 0$30.

3. Kỹ nghệ lấy Tây

Của ông Vũ Trọng Phụng tặng.

Ấy là một thiên phóng sự dài tả những thân thế, cách sinh hoạt của những người đàn bà An Nam lấy Tây rất là tinh vi khúc chiết, ai đọc đến cũng phải khen cái tài quan sát của tác giả.

Sự đàn bà An Nam lấy Tây là một vấn đề xã hội trọng yếu lắm nhưng ít ai để ý đến. Ông Vũ ra cuốn sách nầy đã làm cho nhiều người để ý.

Sách dày 130 trang, giá 0$40.

4. Nam nữ bảo toàn

Sách của ông Lê Huy Phách ở Hà Nội tặng. Chia làm hai thiên: thiên thứ nhất nói về các bệnh người nữ, thiên thứ nhì nói về các bệnh người nam, và bày các phương thuốc chữa cho, nên đặt tên là "Nam nữ bảo toàn".

Các phương thuốc ấy, theo tác giả nói, đã kinh nghiệm cả rồi. Muốn soát lại thử có hiệu quả không, những người có bệnh hãy đem dùng ra thì biết.

Sách dày 110 trang, giá 0$50.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 2 (8 Août 1936), tr. 2.

TẶNG SÁCH NGƯỜI MUA NĂM

         Muốn thù đáp lại tấm lòng sốt sắng của bạn đọc hoan nghinh Sông Hương trước nhất, nhà báo chúng tôi gởi tặng một cuốn CHƯƠNG DÂN THI THOẠI (giá 5 hào) cho những ai mua năm, bắt đầu từ ngày báo ra đến ngày 15 Septembre 1936 mà trả tiền ngay

            Ai ở xa gởi măng-đa 2$40, xin phụ thêm 0$10 cước phí gởi sách. Sách còn có ít, hễ chậm thì hết.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 2 (8 Août 1936), tr. 2.

CÁC SÁCH CỦA NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG

            Đã xuất bản:

            ‒ Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư: Văn chương và hành động (lời tuyên ngôn của văn phái Phương Đông) giá: 0$40

            Lưu Trọng Lư: Khói lam chiều (tiểu thuyết) giá: 0$25

            Vũ Trọng Phụng: Kỹ nghệ lấy tây (phóng sự) giá: 0$40

            Bán tại nhà xuất bản Phương Đông, 99 Routé de Huế, Hanoi và khắp các hàng sách.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 2 (8 Août 1936), tr. 6.

 SÁCH TẶNG

         Hoa trái mùa, của ông Trần Văn Tấn ở Nam Kỳ tặng.

            Một tập thơ dày 100 trang, gồm có gần 100 bài thơ, đủ cả các lối, cả hồi văn, yết hậu nữa. Vì nó có vẻ cũ kỹ nên tác giả tự cho cái tên như thế.

            Ông Trần Văn Tấn, ta có thể gọi là một thi sĩ hài hước, nối gót ông Học Lạc trong Nam. Như bài Vịnh nguyệt mà ông làm như thế này, ai nghe không buồn cười:

 

                        Ai bảo Hằng Nga là chị Nguyệt?

                        Tớ rằng Ngọc Thỏ ấy thầy Thông.

                        Ba mươi mồng một đi đâu vắng,

                        Lương lãnh đặng rồi, đố kiếm ông!  

            Sách in đẹp, giá bán 40$00

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 3 (15 Août 1936), tr. 3

BÀ VƯƠNG PHI CỦA ĐỨC VUA DUY TÂN

            Tức là bà vợ của vua Duy Tân. Khi vua Duy Tân bị đưa đi, bà có đi theo. Rồi sau đó thế nào? Hiện bây giờ bà ở đâu? Chắc bạn đọc ai nấy muốn biết.

            Nóng muốn biết.

            Nhưng thưa các bạn, cô PHAN THỊ NGA, nữ sĩ viết báo có tiếng trước kia, hiện giờ đã có con rồi, đã trở nên bà rồi – bà Phan Thị Nga bận lắm. Bà ấy đã đi phỏng vấn cho SÔNG HƯƠNG rồi nhưng chưa viết được. Xin nán đợi trong một vài kỳ nữa bà Phan Thị Nga sẽ học chuyện lại cho các bạn nghe.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 3 (15 Août 1936), tr. 4.

LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

            Trong hai số đầu chúng tôi có rao rằng những vị nào gởi báo tặng mà không trả lại, sẽ coi như là mua năm và gởi báo tiếp theo. Nhưng theo hiện tình, chúng tôi không thể làm trọn lời hứa ấy.

            Vì chúng tôi gởi tặng đến 3.000 người mà số trả lại hai tuần lễ nay không đầy 200. Và các nhà đại lý của chúng tôi khắp cõi Đông Pháp mỗi kỳ bán lẻ đến trên 3.000 số. Như thế chúng tôi mỗi kỳ sẽ phải in ra 6.000 số mới đủ, mà rồi không biết về sau sự trả tiền có khỏi lôi thôi không.

            Muốn cho khỏi lôi thôi về sau chúng tôi phải quyết định:

            Chỉ gởi tiếp cho những người không trả báo lại một kỳ này mà thôi. Từ số 4 giở đi, chúng tôi chỉ in ra vừa đủ gởi cho các vị có thơ mua dài hạn rồi và các nhà đại lý bán lẻ. Vị nào muốn đọc xin kíp gởi thơ và măng-đa về mua chúng tôi mới gởi báo cho.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 3 (15 Août 1936), tr. 10.

PHỎNG VẤN BÀ VƯƠNG PHI CỦA ĐỨC VUA DUY TÂN

            Sông Hương số 5 sẽ có bài ấy, là bài phỏng vấn của bà PHAN THỊ NGA, viết một lối văn rắn rỏi mà lưu lợi, ai đọc đến cũng chịu văn bà ta có tiến bộ lắm, hơn khi bà chưa có con. Bạn đọc hãy đón xem.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 4 (22 Août 1936), tr. 1.

ĐÁP CHUNG NHỮNG LỜI KHUYÊN BẢO

Sông Hương mới ra vài tuần lễ, đã được bạn đọc hoan nghinh một cách nhiệt liệt, thật chúng tôi không ngờ! Trong đó có nhiều bạn gởi thư đến chúc mừng hoặc khuyến khích chúng tôi, và bảo nên làm thế này, làm thế khác. Chúng tôi xin có lời cảm ơn chung tất cả, cái ơn đã lưu tâm đến một tờ báo sinh sau đẻ muộn.

Về những lời khuyên bảo, có điều chúng tôi làm theo, cũng có điều không thể làm theo được, mà không tiện trả lời riêng từng người, vậy xin đáp chung ở đây.

Về khổ báo, nhiều bạn muốn dùng khổ nhỏ hơn mà đóng thành tập. Sự này kỳ thủy chúng tôi cũng vẫn nghĩ như thế, nhưng sau vì tình hình nhà in ở đây nên mới đổi ra khổ bây giờ.

Khổ nhỏ đóng thành tập thì khó làm hơn và mất công nhiều hơn, tốn tiền nhiều hơn. Lối ấy, nhà in ở Huế đây chưa làm được và có làm thì lại tính giá cao quá, không tiện.

In ở đây, không thể làm đẹp được, chỉ cầu làm cho sạch sẽ. Vậy nên Sông Hương mới lấy khổ này và không bìa. Nguyên ý chúng tôi cũng định bắt chước theo các tờ tuần báo lớn bên Pháp như Marianne, Gringoire Les nouvelles littéraires.

Bạn đọc có người phàn nàn cho tờ Sông Hương in lối này thì không thể để dành được. Chúng tôi hơi lấy làm lạ chỗ đó. Nếu lòng mình quyết để dành thì mảnh giấy vụn cũng để được, huống gì tờ báo. Thế thì những tờ báo bên Pháp vừa kể đó, người Pháp đều coi rồi vứt đi cả sao?

Về Hán văn độc tu, có người bảo in như thế cắt ra không tiện, vì sau lưng nó cũng có những bài giá trị, cắt ra thì mất những bài ấy đi; rồi bảo chúng tôi hãy đặt một mớ quảng cáo sau lưng Hán văn độc tu.

Nói thế không được. Xin bạn hãy nghĩ lại cho chúng tôi. Nếu trong một tập báo mà bài nào cũng hay cả, người ta đều muốn cắt cả, mà vì sợ cắt bài này sẽ mất bài kia, thì chỉ có một phép là mua nhiều số báo mà cắt lấy mỗi bài. Chứ còn phàn nàn như bạn thế là quá đáng.

Theo lời bạn mà để một mớ quảng cáo sau lưng nó, chắc hẳn làm cho tờ báo mất vẻ đẹp, chúng tôi không dám tuân.

Hán văn độc tu và truyện dài Tiếng võng đưa, chúng tôi đã in cách như thế là cốt tiện cho ai muốn cắt đóng thành tập thì cắt. Xin bạn đừng phàn nàn nữa.

Về mục thời sự, có người muốn trong Sông Hương cũng có. Điều nầy xin hẵng đợi đã, khi nào Sông Hương ra 12 trang được, chúng tôi sẽ cho mục ấy vào.

Luôn thể cũng xin nói để các bạn biết rằng những bài gởi tới mừng và chúc cho Sông Hương, chúng tôi đều không đăng cả vì nó không có ích gì cho người đọc. Trừ ra mấy bài thơ của cụ Sào Nam, vì chúng tôi kính cụ, không dám bỏ đi nên phải đăng mà thôi.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 4 (22 Août 1936), tr. 10.

SÁCH TẶNG

            Tranh Quốc sử

Của hiệu Hoàn Văn, Hà Nội tặng. Sách chia từng tập, mỗi tập 20 trang, khổ rộng (27x27), có bìa. Mỗi trang chia hai từng, trên là tranh vẽ có màu, dưới là bài bằng quốc ngữ kể chuyện quốc sử từng chuyện một, ăn theo bức vẽ trên.

Tập người ta tặng chúng tôi đây là tập “Thuộc Triệu”, quyển nhất, xuất bản từ năm 1929 tại nhà in Trung Bắc tân văn. Trong đó gồm 20 bức vẽ và chuyện từ “Triệu Đà xưng đế” cho đến “dân Mân Việt giết vua xin hàng”.

Hình như tác giả tặng chúng tôi tập sách này cũng có ý. Có ý ở hai chữ “thuộc Triệu”.

Nguyên vừa rồi, trong một bài sử học ở báo Sông Hương, [a] chúng tôi có đem việc Triệu Đà ra hạch xét lại. Chúng tôi bác cả các nhà làm sử từ trước, bảo rằng không nên nhận dòng họ Triệu làm vua nước ta mà nên bỏ ra ngoài quốc sử. Trong 96 năm nước ta ở dưới quyền thống trị của họ Triệu ấy, ta không được kể là nước độc lập nữa, thà cho là mất nước mà thuộc về họ Triệu cũng như sau đó thuộc Hán, thuộc Ngô còn hơn.

Đó là một cái kiến giải chung mà phàm người nước Nam đời nay đều có thể có được. Chúng tôi đã biết như vậy thì người khác ắt cũng biết như vậy. Cho nên hiệu Hoàn Văn tặng tập sách ấy cho nhà báo chúng tôi để tỏ ra rằng trong nước vẫn đã có người đồng ý với Sông Hương

Thế thì thật là một việc vẻ vang cho báo chúng tôi lắm, vì việc chúng tôi mới xướng ra đây mà đã có người họa trước những bảy năm.

Chúng tôi xin có mấy lời ở đây để cảm ơn hiệu Hoàn Văn một cách thành thật và giới thiệu tập sách có giá trị ấy cùng độc giả.

Sách bán ở hiệu Hoàn Văn, Hà Nội và hiệu Quảng Vạn Thành, Hải Phòng.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 5 (29 Août 1936), tr. 2.

Chú thích

[a]  Đó là bài Hãy bỏ Triệu Đà và dòng dõi y ra ngoài Việt sử của Phan Khôi, đăng Sông Hương s. 3 (15/10/1936).

TIN BUỒN

                Chúng tôi có được tin bà cụ Anne Nguyễn Văn Phúc, hưởng thọ 83 tuổi, thân mẫu ông Nguyễn Văn Đa, nguyên chủ báo Phụ nữ thời đàm, đã tạ thế tại nhà riêng, số 3 đường Lagerquet, Hà Nội, ngày 17 Août vừa rồi và đã làm lễ an táng ngày 19 sau đó. Vậy nên có lời kính viếng vong linh Bà Cụ và chia buồn cùng ông Nguyễn Văn Đa. [a]

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 5 (29 Août 1936), tr. 2.

Chú thích

[a] Năm 1933, chủ báo Phụ nữ thời đàm là ông bà Nguyễn Văn Đa, mời Phan Khôi làm chủ bút tờ báo này,  Phan Khôi đã chuyển nó từ nhật báo sang tuần báo và ra được 26 số, tạo được tiếng vang trong làng báo.   

SÁCH TẶNG

       Biện chứng duy vật luận

Bản báo nhận được cuốn sách này, tác giả nó là ông Phạm Văn Điều, do Văn hóa thơ xã ở Sài Gòn xuất bản. Dày 42 trang, giá bán 0$20.

Sách này thuộc về loại sách luận thuyết, mà luận thuyết về triết học, một thứ sách gần đây ta ít thấy. Gần đây những sách xuất bản nhiều hơn cả chỉ có tiểu thuyết.

Cầm tới cuốn Biện chứng duy vật luận, chúng tôi những tưởng lần này ta được xem một quyển sách luận thuyết. Nhưng, không ngờ, nó cũng vẫn là một thứ tiểu thuyết mà thôi!

Nói thế, chúng tôi có ý bất mãn cho cách lập luận của tác giả không được đúng với sự thực mà chỉ bằng ở tưởng tượng của mình cũng như người viết tiểu thuyết.

Như chỗ nói hạng người giàu vì không làm lụng nên xa cách với tự nhiên, không hiểu bản tánh của mọi vật, không bằng hạng người nghèo vì tiếp xúc ngay với
tự nhiên nên hiểu về vũ trụ đúng hơn. Cái lý thuyết ấy chúng tôi lấy làm đáng hoài nghi.

Hạng nghèo ở đâu không biết, chớ ở xứ ta đây thì chúng tôi tưởng họ chẳng còn biết đến chữ "tự nhiên" hay chữ "vũ trụ" của ông Phạm Văn Điều nói là nghĩa gì nữa, chứ đừng nói chi đến sự hiểu đúng cái sự thật của nó.

Mà ở bên tây cũng vậy, chúng tôi chỉ thấy bọn giáo thụ các trường đại học là bọn có máu mặt làm ra được những sách như là Lịch sử tự nhiên hay Vật lý học, mà bọn nghèo kia may ra có vào nhà trường được, ôm được những sách ấy mà học rồi mới biết tự nhiên là gì, vũ trụ là gì, mặc dù nó đúng hay không đúng.

Trong sách Biện chứng duy vật luận còn có nhiều chỗ như thế mà chúng tôi không cử ra cho hết. Một cuốn sách luận thuyết về triết lý như thế, chúng tôi phải thất vọng.

Bạn đọc đừng tưởng chúng tôi có ý phản đối đến chủ nghĩa mà kiếm đường bẻ bác. Không phải thế đâu. Chúng tôi nhìn nhận rằng người Việt Nam ta hiện nay cần phải biết rõ cái lý thuyết của cái chủ nghĩa ấy.

Nhưng muốn biết rõ, chúng tôi tưởng phải nhờ ở một cuốn Biện chứng duy vật luận nào khác kia chứ không phải của ông Phạm Văn Điều. [a]

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 6 (5 Septembre 1936), tr. 7.

Chú thích

[a] Tác giả Phạm Văn Điều không tán thành nhận xét trên của tòa soạn Sông Hương; bài trả lời của ông được tòa soạn Sông Hương đăng ở số 8 (cũng có trong sưu tập này, phần phụ lục 2).

THÊM HẠN TẶNG SÁCH

         Có nhiều bạn đặt mua năm nói muốn trả tiền ngay để được tặng cuốn “Chương Dân thi thoại”, mà vì chưa có tiền, nên muốn bản báo thêm hạn tặng sách cho sang tháng Octobre.

            Vậy bản báo cũng chiều lòng, triển thêm hạn tặng sách cho những người mua năm trả tiền ngay một tháng nữa.

            Thế là không phải đến 15 Septembre 1936 hết hạn mà đến 15 Octobre 1936.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 7 (12 Septembre 1936), tr. 2.

SÔNG HƯƠNG  GIÁ ĐẶC BIỆT

cho thầy giáo ít lương và học sinh

            Từ nay bản báo đặt giá mua dài hạn đặc biệt cho các thầy giáo các trường liên hương hoặc trường làng, trường tổng, nghĩa là các thầy giáo ăn lương dưới 20$ mỗi tháng và hết thảy các học sinh bất luận trường công trường tư mà muốn theo học mục “Hán văn độc tu” của Sông Hương. Gía nầy không những bắt đầu mua từ bây giờ mà có thể mua từ số 1.

                        1 năm        2$00

                        6 tháng      1$00

                        3 tháng      0$50

                Những thơ mua báo không kèm măng-đa, xin thứ cho chúng tôi không gởi báo và cũng không trả lời.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 7 (12 Septembre 1936), tr. 5.

MUA TIỂU THUYẾT

         Bản báo cần dùng mấy cái tiểu thuyết trường thiên (truyện dài) cực hay, trả giá rất hậu.

            Vậy nhà văn nào có viết sẵn hoặc sẽ viết, xin gởi cho chúng tôi xem rồi sẽ thương lượng cùng nhau.

            Truyện bất luận về xã hội, về ái tình, gì cũng được cả, miễn cho hay là được.

            Bản thảo xin viết một mặt giấy và viết cho rõ, nếu đánh máy được càng hay, nhất là viết quốc ngữ cho đúng.

SÔNG HƯƠNG 

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 8 (19 Septembre 1936), tr. 2.

 

SÁCH TẶNG

         Bản báo tiếp được những cuốn sách này gởi tặng:

            1. Bóng mây chiều, tiểu thuyết được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1936 của ông Hàn Thế Du ở Hà Nội, giá 0$35.

            2. Cô giáo Minh, tiểu thuyết của ông Nguyễn Công Hoan ở Hà Nội, giá 0$35.

            3. Cụ Thủ khoa Nghĩa, truyện ký của ông Nguyễn Văn Nghĩa do Văn hóa thơ xã xuất bản ở Sài Gòn, giá 0$20.

            Xin giới thiệu cả ba cuốn trên đây cùng bạn đọc. Rồi xem cuốn nào đáng phê bình bản báo sẽ có bài phê bình sau.

 

***

                Bản báo chỉ tặng sách Chương Dân thi thoại cho những vị nào mua năm mà trả tiền ngay 2$40 và có gởi thêm 0$10 làm cước phí gởi sách; còn ngoài ra không tặng sách cho ai cả bất luận viện cớ gì mà yêu cầu. Những thầy giáo ít lương và và học sinh đã hưởng cái quyền lợi giảm giá rồi thì không được tặng sách nữa.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 9 (26 Septembre 1936), tr. 10.

BÁO MỚI

            Vì Chúa số 1 đã ra ngày 18 Septembre mà bản báo mới nhận được trong ngày 2 Octobre đây nên không kịp giới thiệu trong số trước.

            Vì Chúa là một tờ tuần báo của hội Công giáo ở Huế cũng như Trung hòa ở Hà Nội, Lời thăm ở Quy Nhơn, Công giáo đồng thanh ở Sài Gòn.

            Huế là một nơi căn cứ rất xưa của hội Công giáo mà mãi đến bây giờ mới có một tờ báo. Thế cho biết ở Trung Kỳ về phương diện gì cũng tiến chậm cả, cho đến một tờ báo của một giáo hội rất có thế lực mà cũng phải có sau các xứ khác.

            Chậm còn hơn không có! Chúng tôi xin chào mừng bạn đồng nghiệp mới bằng một cách trang trọng đặc biệt, vì tờ Vì Chúa có cùng một kỳ hạn (tuần báo), cùng một khuôn khổ, lại ra đời đồng thời với Sông Hương chúng tôi.

            Giá báo một năm 2$00, sáu tháng 1$10. Thơ và mandat gởi cho ông Võ Văn Ấm, Avenue Khải Định, Huế.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 10 (2 Octobre 1936), tr. 3.

SÔNG HƯƠNG Ở MIỀN BẮC

            Vừa rồi bản báo có nhờ ông Nguyễn Chương Trứ, một người lão thành tin cẩn, đi từ Thanh Hóa ra Bắc Kỳ mỗi tỉnh ghé ít ngày để cổ động cho Sông Hương. Hiện nay ông còn đương ở Thanh.

            Ông Nguyễn có quyền thay mặt cho bản báo mà ký biên lai thu tiền ở các vị mua báo dài hạn và lập hợp đồng đăng quảng cáo cùng các thương gia.

            Ông đến đâu, nhờ các ngài chiếu cố cho, chúng tôi lấy làm cảm ơn lắm.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 11 (10 Octobre 1936), tr. 2

VỞ KỊCH BIỂN LẬN

 của Vũ Trọng Can đã được nhiều người hoan nghênh tại Nhà hát Tây Hà Nội tối 3 Octobre 1936, sẽ đăng vào Phụ trương Bắc Hà số 10 ra ngày 12 Octobre 1936, ngoài bìa có hình cô Khánh Vân, nữ tài tử sắm vai con gái ông Hàn và có nhiều hình vẽ các tài tử đã diễn hôm ấy do họa sĩ Tuấn Trình vẽ. Hơn 20 trang, bán 0$20. Biếu không bạn mua năm.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 11 (10 Octobre 1936), tr. 6.

SÁCH TẶNG

            1. Nhân đạo quyền hành của ông Hồ Phi Huyền, Nghệ An, dày 73 trang, giá 0$40.

            Sách này, phần chữ Hán đã đăng ở tạp chí Nam phong, phần quốc ngữ đã đăng ở báo Thanh Nghệ Tĩnh, nay tác giả đem xuất bản riêng phần quốc ngữ.

            Nhân đạo quyền hành bàn về căn bản của nhân sanh cùng cách tổ chức của xã hội nhân loại, đáng cho vào loại sách triết học; mà từ đầu đến cuối chuyên nghiên cứu một vấn đề, cách lập luận có tổ chức, có thống hệ, không phải từng bài rời rạc ra.

            Về hình thức thì Nhân đạo quyền hành thật là đáng cho là sách có giá trị, hiếm có trong xuất bản giới xứ ta; nhưng về nội dung nghĩa là cái thuyết của tác giả thế nào, thì chúng tôi chưa phán đoán được dù đã đọc nó qua một lần từ trước.

            Vậy hôm nay chúng tôi chỉ giới thiệu cuốn sách của ông Hồ Phi Huyền cùng bạn đọc. Còn sự phê bình thì thì xin đợi sau khi đọc kỹ sẽ hay.

            2. Diệu pháp liên hoa kinh của ông Đoàn Trung Còn, Sài Gòn; dày 162 trang, giá 0$50.

            Không cần giới thiệu, ông Đoàn Trung Còn là một nhà trứ thuật chuyên về Phật giáo; các sách của ông ra đời có đến mười cuốn rồi. Mấy lần trước đều là sách giới thiệu đạo Phật cho độc giả; lần này ông mới bắt đầu dịch Kinh.

            3. La Correspondance de P. Lê Công Đắc, của tác giả gởi tặng; sách dày 120 trang, gồm những bức thư bằng chữ Pháp và bằng chữ ta.

            4. Mấy đường tơ của ông Dương Lĩnh, gồm có mười lăm bài thơ lối cũ của tác giả mà bài nào cũng nghe được; không đề giá bán.

            Bản báo xin cảm ơn tặng giả và giới thiệu cùng bạn đọc của SÔNG HƯƠNG.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 11 (10 Octobre 1936), tr. 8.

MỘT CÔNG HAI VIỆC

            Ông Nguyễn Đức Điểu, người làng An Thơ, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hiện là một nhà công nghệ ở Faifoo, chế tạo các thứ dầu.

Trước đây ông có chế ra một cái xe đạp nước kiểu mới rất giản tiện. Theo lời ông nói, làm không tốn tiền là mấy mà mỗi ngày có thể đem nước lên ruộng từ bảy đến mười mẫu. Kỳ hội chợ ở Faifoo mới rồi, ông Điểu có đem cái xe này ra bày, được khán giả chú ý lắm.

Hiện nay ông trở về tỉnh nhà, định đem kiểu xe đạp nước ấy truyền bá khắp các miền Quảng Trị cho nhà nông lợi dụng. Trong tháng Octobre này, ông sẽ đi trong các làng ở đó để cắt nghĩa về cái xe ấy cho bà con nghe. Rồi đó, ông Điểu lên Lào để khảo sát về các nguyên liệu chế dầu.

Nhân có cảm tình với bản báo, ông Nguyễn Đức Điểu đến đâu cũng có cổ động cho báo Sông Hương, mời độc giả mua dài hạn.

Vậy chúng tôi xin giới thiệu ông Điểu, mong ông đi đâu cũng sẽ được nhiều người chiếu cố để mọi việc đều được hoàn thành.

            SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 2.

 MẤY ĐƯỜNG TƠ

            Chúng tôi vừa nhận được một tập thơ nhỏ của ông Dương Lĩnh, dầy 20 trang, giá 0$20.

Tập thơ nầy, nhan đề là Mấy đường tơ, gồm có mười mấy bài thơ lối cổ, phần nhiều là thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt.

Đại khái, thơ không đến nỗi dở lắm, nhưng cũng chẳng có gì có thể gọi là hay. Chúng tôi đã xếp nó lại một bên không nói đến, nếu không có lời phê của ông Phan Văn Hùm và nhất là bài tựa của ông Hồ Xanh. Ôi! Cái bài tựa mới đáng để ý làm sao!

Ông Hồ Xanh đã chẳng ngần ngại mà ví ông Dương Lĩnh với nhà văn hào Pháp André Chénier. André Chénier nằm dưới suối vàng giá mà biết tới chắc cũng phải tức tối mà dựng đứng dậy.

Trong bài tựa lại còn có những câu văn kiệt tác như câu sau này. Xin trích ra đây để các bạn cùng... cười cho vui kẻo uổng. Mấy khi gặp được câu khôi hài có ý vị như thế:

 

"Đương thời kỳ "Phục hưng của nhân loại và của xã hội" vang tiếng sóng, đương thời kỳ nghệ thuật của toàn thế giới đi thẳng về phía tả, về sự xây đắp nền bình đẳng nhân loại, lại đương thời kỳ thi cảm của Việt Nam ta khởi lên hai cái thế tranh đấu: "mới và cũ" "đông và tây", "vị nghệ thuật và vị nhân sinh" thì...".

 

Thì, thì... thì làm sao? Đố bạn đọc tìm cho ra. Bạn có tìm mấy cũng vô ích, chúng tôi xin chép nốt:

"... thì ông Dương Lĩnh đưa cho tôi cuốn Mấy đường tơ"!

 

Cái việc ông Dương Lĩnh đưa cho ông Hồ Xanh cuốn Mấy đường tơ mới to tát làm sao!"

Ông Hồ Xanh là một tín đồ của thuyết "nghệ thuật vị xã hội sinh hoạt chi chủ đích", điều ấy chúng tôi đã rõ. Nhưng trong quyển Mấy đường tơ thì cũng không có gì khác hơn những câu nầy:

Một mình không ngủ suốt đêm hè,

Mình bước chân đi bóng cũng đi

Hay là:

Xa xa mờ mịt phía Long Thành,

Em đứng, em nhìn, em nhớ anh.

 

Nghĩa là cũng mây, cũng gió, cũng thiếu nữ nhớ người yêu, không có gì lạ.

Nói cho đúng, có một bài, bài sau cùng than thở về nỗi loài người tham ác, giết hại lẫn nhau. Song những giọng thở than hão ấy chẳng phải đến ngày nay mới có trong làng thơ Việt nam.

Một ông Hồ Xanh, một ông Phan Văn Hùm, những "kiện tướng" trong làng "nghệ thuật vị..." ấy mà có thể ngâm và thích những câu thơ về tình yêu, về mây nước như vậy, thực đã chứng một cách rất hùng hồn rằng các ông không có khác gì những người các ông vẫn hết sức công kích bấy lâu. Khác chăng chỉ có điều người ta biết ưa thơ hay còn các ông thì lại ưa thơ dở.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 6.

THƠ ĐIẾU NAM XƯƠNG CỦA CỤ SÀO NAM

            Sau khi Sông Hương đăng tiếp ba bài nói về Thái Phiên trong ba số 7, 8, 9, cụ Phan Sào Nam có tỏ ý cảm kích lắm vì theo lời Cụ, chúng tôi đã làm được một việc đáng lẽ Cụ phải làm mà Cụ chưa tiện làm, tức là việc phô bày sự thật của con người ấy ra. Cụ có nói rằng trong khi cụ ở bên Tàu, có ấn hành cuốn sách Việt Nam nghĩa liệt sử mà chưa kịp đem tên Thái Phiên vào, là sự Cụ ân hận lắm.

Luôn tiện Cụ có cho chúng tôi nghe bài thơ Nôm của Cụ làm hồi còn ở ngoại quốc khi nghe tin họ Thái bị xử quyết, thơ như vầy:

 

Bảy thước thân trai gánh nợ đời,

Tình thân khu xác một mà hai.

Trong vòng lồng chậu, không chim cá,

Trước mặt non sông, có đất trời.

Cây cỏ biếc, đem giây màu nhuốm,

Ruột gan hồng, cậy tấm gương soi.

Chúng ta vẫn cũng dòng Hồng Lạc,

Xin hỏi Nam Xương có mấy ai?

 

Bài thơ này thêm cho bài ký sự trước một cái chứng cứ vững vàng chắc chắn nữa là cụ Sào Nam đối với Thái Phiên có cảm tình rất sâu, chắc cái nhân cách của Thái cũng khác lắm mới cảm cụ Sào Nam được đến thế.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 6.

SÁCH BÁO MỚI

            Chúng tôi vừa nhận được quyển Giọc đường gió bụi của ông Khái Hưng gửi tặng.

            Ấy là một quyển truyện ngắn, mà Giọc đường gió bụi  là truyện đầu, tác giả lấy ra làm nhan sách. Phần nhiều các truyện ấy trước đây đã có đăng vào báo Phong hóa, được độc giả rất hoan nghênh.

            Sách dày 224 trang, in rất mỹ thuật, giá 0$70, do nhà xuất bản Đời Nay xuất bản.

            Khái Hưng! Một nhà văn không cần phải giới thiệu; đây chúng tôi chỉ cốt giới thiệu quyển sách mới của ông với bạn đọc Sông Hương.

 

***

           

Chúng tôi lại vừa tiếp được số 1 của tờ tuần báo Tân xã hội do ông Vũ Đình Huỳnh chủ trương, ra ngày 10 Octobre 1936. Báo quán: số 21 đường Phạm Phú Thứ, Hà Nội.

            Xin thành thực giới thiệu tờ Tân xã hội với bạn đọc. [a]

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 8.

Chú thích

[a]  Theo Nguyễn Thành (Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Hà Nội, 1984, tr. 339; Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr. 525-526) thì Tân xã hội do Nguyễn Bính Nam và Nguyễn Kim Hải sáng lập, xin được giấy phép nhưng chưa ra báo; Vũ Đình Huỳnh và nhóm cộng sản ở Hà Nội đã mua lại giấy phép, ra được 2 số: s. 1 (10/10/1036), s. 2 (17/10/1936); vì vậy Nguyễn Thành xếp Tân xã hội vào phạm vi “báo chí cách mạng”.  

NÊN TỔ CHỨC LẠI DÃ TRẠM CÁCH NÀO

            Cách tổ chức dã trạm hương thơ hiện giờ coi ra bất tiện quá, chính bọn họ đã làm hại nghề nhà báo chúng tôi nhiều lắm. [a]

Sự độc giả than phiền mất báo là rất thường. Mới rồi ông Lê Trọng Im ở làng Tây Phú, Tuy Yên, có viết cho chúng tôi rằng:

“Báo Sông Hương của tôi, dã trạm và hương thơ hay làm lạc mất và chậm trễ. Lại số trước đem đến sau, số sau đem đến trước, là sự bất tiện cho người đọc báo ở nhà quê quá! Nay họ làm thất lạc số 7 và số 8 Sông Hương của tôi. Tôi có dò xem trong sổ trạm thì thấy có ghi hai số ấy. Tôi hỏi lính trạm thì chỉ ở hương thơ. Nhưng tôi tìm hương thơ hỏi thì y lại nói lính trạm không đưa đến. Sau hết tôi làm giấy trình ông chủ sở Bưu điện Tuy Hòa, nhờ ông tra cứu cho, đã lâu rồi mà cũng chẳng thấy tin tức chi…”

Vậy nhà báo chúng tôi đăng mấy lời than phiền ấy lên đây để nhờ ông chủ nhà thơ Tuy Hòa huấn dụ những người làm việc dưới quyền mình hay là kiếm cách trừng phạt họ để cho đỡ bớt sự phi pháp ấy.

Sau nữa nhờ hai Chính phủ để ý đến sự lưu thông báo chí ở dân gian, đến sự phát đạt của nghề báo mà tổ chức dã trạm lại cách nào cho khỏi có những điều bất tiện thì may lắm.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 8.

Chú thích

[a] Phan Khôi khi làm chủ bút Tràng an báo trong năm 1935, đã viết khá nhiều bài về tình trạng hương thư, dã trạm ở miền Trung được tổ chức không tốt.

ÔNG THÁI PHỈ GHÉ HUẾ

Bạn đồng nghiệp Thái Phỉ, quản đốc hai tờ TIN VĂN  và CẬU ẤM ở Hà Nội, nhân dịp đi vào Nam cổ động cho báo của ông, vừa rồi có ghé Huế. Sẵn mối cảm tình với chúng tôi, ông có đến thăm bản báo.

Tối thứ năm 15 Octobre 1936, ông Thái Phỉ có diễn thuyết tại hội Quảng Tri về “vấn đề nhi đồng giáo dục”. Vốn xuất thân là nhà giáo và nay lại chủ trương một tờ báo nhi đồng, ông đã giải vấn đề phiền phức này một cách thấu triệt và được thính giả nhiều lần vỗ tay hoan nghinh. Buổi diễn thuyết nầy do quan Thượng giáo dục Phạm Quỳnh chủ tọa.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 3.

MỘT SỰ BẤT ĐẮC DĨ CÓ LẼ SẼ XẢY RA

            Bản báo từ đầu định ra 8 trang mà bán 5 xu. Sau, đến lúc ra, vì muốn cho bạn đọc dễ mua nên lại ra tới 10 trang mà cũng vẫn bán 5 xu. Trải ba tháng nay, tuy chúng tôi có chịu thiệt thòi nhiều mà vẫn vui lòng.

            Hiện nay vì chịu ảnh hưởng của sự giảm giá đồng phật-lăng và sự bãi công ở bên Tây nên giá giấy bỗng cao lên thình lình. Nhà in ở Huế tăng giá lên và cũng hụt giấy để in nữa.

            Cùng chịu một sự ảnh hưởng ấy, ở bên Pháp như tờ Les Nouvelles Littéraires cũng đã từ 0 fr 75 mà tăng lên 1 fr 00 rồi. Vậy các báo ở bên ta đây có lẽ cũng phải tăng giá, không thì rút bớt trang.

            Về phần Sông Hương, sau nầy có lẽ chỉ ra 8 trang mà vẫn bán 5 xu, như sự quyết định hồi đầu. Đó là một sự bất đắc dĩ có lẽ sẽ xảy ra, bản báo xin nói trước để bạn đọc lượng biết.

S. H.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 8.  

SÁCH BÁO MỚI

            Chúng tôi vừa nhận được quyển Luật hộ Nam Kỳ của ông Phan Văn Thiết, cử nhân luật, chủ nhiệm tạp chí Thế giới ở Sài Gòn, gởi tặng.

            Theo lời tác giả, Luật hộ Nam Kỳ là cuốn sách đầu tiên của bộ “Pháp luật thường thức” lần lượt sẽ xuất bản trọn sau này.

            Luật hộ tức là dân luật, mà luật hộ Nam Kỳ tức là dân luật hiện thi hành trong Nam. Phàm làm dân ai cũng nên biết luật của nước mình. Cho nên một quyển sách chỉ rõ về luật bao giờ cũng là một vật cần cho mỗi gia đình. Vậy chúng tôi xin thành thực giới thiệu quyển Luật hộ Nam Kỳ với bận đọc, mà nhất là bạn đọc trong Nam.

            Sách dày 242 trang, in đẹp, giá bán 0$90.

 

***

 

            L’ Effort, tuần báo ra ngày thứ sáu, ở Hà Nội, do ông Vũ Đình Dy chủ trương. 

            Ông Vũ là nhà viết báo Pháp văn có tiếng ở Bắc. Trước đây ai có đọc Union Indochinoise do ông giám đốc cũng đều phục văn tài của ông.

            Báo quán: 24 đường Harmand, Hà Nội.

            Giá báo: 1 năm 5$00; 6 tháng 2$60;

                        nước ngoài: 1 năm  7$50; 6 tháng 4$00.

            Chúng tôi xin giới thiệu tờ L’ Effort với bạn đọc Sông Hương.

S. H.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 8.

Chú thích

[a] L’ Effort (sau đổi là L’ Effort Indochinoise) – tuần báo chữ Pháp, ra số 1 (9/10/1936), số cuối: s. 240 (13/6/1941).

SÁCH BÁO MỚI

            Chúng tôi vừa nhận được hai quyển La culture du poivrier dans le centre Annam L’ emploi des plantes speculaire comme engrais vert dans les regless cétres de l’ Annam của ông Thân Trọng Khôi, tham tá sở canh nông gởi tặng.

            Chúng tôi xin cảm ơn tác giả và giới thiệu hai quyển sách trên nầy với bạn đọc.

 

            Nữ công tạp chí, đúng như tên của nó, là một tờ nguyệt san chuyên về công việc hàng ngày trong gia đình của bạn phụ nữ, do bà Phạm Thị Ngọc tức Mỹ Ngọc chủ trương, mà chúng tôi vừa nhận được số 1.

            Không những chỉ bàn về việc nữ công, tờ tạp chí của bà Mỹ Ngọc còn chú trọng về thường thức và tin tức mới lạ của phụ nữ thế giới.

            Tòa báo: 51 – 53 Bd Galliéni, Saigon

            Giá báo: 1 năm 2$00;  6 tháng 1$00; mỗi số: 0$30; 32 trang.

            Chúng tôi xin giới thiệu tờ Nữ công tạp chí với bạn đọc.

S. H.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 3.

CÙNG CÁC NHÀ BÁN LẺ “SÔNG HƯƠNG” Ở HÀ NỘI

            Kể từ Sông Hương số 13 giở đi, ông Lê Tràng Kiều không làm tổng đại lý cho Sông Hương ở Hà Nội nữa. 

            Bản báo đã ủy quyền tổng đại lý cho hiệu Điều Nguyên, 125 Hàng Bông. Vậy các nhà bán báo lẻ cứ tới đó mà giao thiệp.

            Luôn tiện bản báo cũng thanh minh rằng ông Lê Tràng Kiều từ rày về sau không có dự phần gì về việc quản lý báo Sông Hương ở Hà Nội nữa, trừ ra việc biên tập.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 6.

TỪ SỐ TỚI GIỞ ĐI

            Theo lời bản báo đã nói ở số trước, vì cớ giá giấy cao lên, tờ Sông Hương không thể ra mỗi kỳ 10 trang được nữa. Vậy, bắt đầu từ số tới, chúng tôi sẽ cho ra 8 trang, như sự dự định ban đầu.

            Người ta thường nói “Quý tinh bất quý đa”. Bạn đọc đối với Sông Hương chắc cũng có cái cảm tưởng như thế. 

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 10.

CÙNG CÁC ĐỘC GIẢ VÀ CÁC ĐẠI LÝ

            Các ngài đọc báo chúng tôi đến hết tháng này là ba tháng rồi, vậy thì những ngài nào chưa trả tiền cũng nên trả cho chúng tôi.

Gần nay có ít nhiều tờ báo ra dăm bảy số rồi chết, các ngài hay bị mất tiền toi với nó, cho nên đến phiên chúng tôi các ngài dè dặt không chịu trả vội. Sự đó, chúng tôi xin nhận các ngài là có lý. Tuy vậy, các ngài cũng nên thử thách vừa vừa thôi. Nếu các ngài để chậm quá, lại e cho tờ báo sẽ phải chịu chết vì cớ thử thách già tay của các ngài.

Thực tình chúng tôi không có sức chịu được lâu với cái hiện tượng bảy phần mười chưa trả tiền. Xin các bạn yêu quý của Sông Hương biết cho.

Còn các đại lý, các ngài cũng nên thể tất đến chúng tôi nữa. Giản hoặc có ngài từ hồi báo mới ra đến nay nhận bán đến bảy tám trăm hay một ngàn số mà chưa trả cho đồng nào hết, thì thật là khó lòng cho chúng tôi quá.

Vậy xin các ngài tính trả gấp cho.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 10.

MỘT VỊ VĂN SĨ TRUNG HOA PHÊ BÌNH MỘT TÁC PHẨM VIỆT NAM

            Bản báo mới tiếp được bài phê bình cuốn tiểu thuyết Cô giáo Minh của Nguyễn Công Hoan viết bằng bạch thoại do một vị văn sĩ Trung Hoa gởi đến nhờ dịch đăng lên Sông Hương. Bài dài, có lẽ đăng đến ba kỳ báo mới hết. Văn viết già giặn rắn rỏi lắm, bạn đọc sẽ thưởng thức nó trong số tới.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 15 (7 Novembre 1936), tr. 1.

SÁCH BÁO MỚI

Gái quê

Một tập thơ dày gần 50 trang của Hàn Mặc Tử soạn, in đẹp, giá 0$35, có Phạm Văn Ký đề tựa.

Chúng tôi đọc qua, thấy như trong tập thơ nầy có nhiều bài được lắm. Đợi xem xong sẽ có bài phê bình.

Trong bài tựa của ông Phạm Văn Ký có câu rằng:

"Với tập Gái quê, ông Hàn Mặc Tử sẽ chiếm một chỗ ngồi rất vững trong làng thơ, và tôi chắc, tương lai còn hứa cho ông nhiều cái rực rỡ nữa..."

Lời kỳ vọng ấy đã ra từ miệng ông Phạm Văn Ký, tưởng bạn đọc cũng có thể tin được, vì người nói ra nó đã từng có tiếng trên thi đàn Pháp và Nam.

***

Trung Nam Bắc, tuần báo chính trị, xã hội và văn chương, xuất bản tại Thanh Hóa, sẽ ra đời ngày 9 Novembre 1936, do ai chủ trương, tiếc rằng bạn đồng nghiệp mới không cho biết rõ.

Tòa báo: 36 Paul Bert, Thanh Hóa.

Chúng tôi xin giới thiệu tờ báo mới trên nầy với bạn đọc.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 15 (7 Novembre 1936), tr. 6.

TỘI CỦA AI

            Ngày 10 Novembre, lúc 8 giờ tối, học sing trường Phú Xuân sẽ diễn một tấn tuồng cải lương “Tội của ai” ở rạp Tân Tân để lấy tiền giúp dân bị nạn ở Bắc Kỳ. Ngoài buổi hát ấy, còn nhiều trò vui khác, như đánh võ, ảo thuật, hát điệu tây, để giúp vui cho khán giả. Bạn học sinh tài tử ấy tập luyện đã thuần thục và sẽ làm vừa lòng công chúng. Mong rằng bà con nên đi xem cho đông, trước để mua vui, sau để khuyến khích bạn học sinh trong công việc làm nghĩa.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 15 (7 Novembre 1936), tr. 6.

SÁCH BÁO MỚI

            1. Bên đường thiên lôi

Chúng tôi nhận được quyển Bên đường thiên lôi của ông Thế Lữ trong Tự Lực văn đoàn gởi tặng.

Ấy là một tập truyện ngắn, Bên đường thiên lôi là truyện đầu, tác giả lấy ra làm nhan sách.

Phần nhiều truyện trước đây đã có đăng ở báo Phong hóa, được một số đông bạn đọc hoan nghênh vì tính cách khoa học của chúng.

Bên đường thiên lôi lại là một tác phẩm có giá trị về nghệ thuật nữa.

Chúng tôi xin giới thiệu nó với bạn đọc.

Sách dày 251 trang, giá 0$70, do Nhà xuất bản Đời nay ấn hành rất mỹ thuật.

2. Métro-Indo, mỗi tháng xuất bản hai kỳ, ở Hải Phòng, số 13, rue Chavignon, chuyên trích lục những bài báo ở Đông Dương và Pháp, do ông Nguyễn Ngọc Biểu giám đốc và ông Nguyễn Văn An quản lý.

3. Phổ thông, tuần báo ra ngày thứ bảy ở Sài Gòn, do ông Lê Hoàng giám đốc, ông Đoàn Văn Bản quản lý, có tranh ảnh ở trang bìa.

Tòa báo: 25 đường Verdun Saigon.

Chúng tôi xin giới thiệu hai tờ Phổ thông Métro-Indo với bạn đọc.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 16 (14 Novembre 1936), tr. 2.

SÁCH MỚI

            Chúng tôi vừa nhận được quyển Trong bóng tối, truyện ngắn của ông Thanh Châu, do ông Nguyễn Khánh Đàm quản lý hai tờ “Tiểu thuyết thứ bảy” và “Ích Hữu tuần báo” gởi tặng.

            Đọc qua chúng tôi thấy có đặc sắc lắm. Mõi truyện là một bức vẽ rất linh hoạt những cảnh trong xã hội loài người. Văn viết sạch sẽ, nhiều khi rất cảm động. Sách dày 102 trang, giá 0$20.

***

           

Xã hội luận, sách khảo cứu về chủ nghĩa xã hội của ông Phạm Văn Điều, do Văn Hòa thơ xã ở Sài Gòn xuất bản. Khổ nhỏ, dày 40 trang, giá 0$20

 

***

 

            Một tập dày 31 trang, khổ nhỏ, giá 0$15, đề là Bà Phan Bội Châu do nhà in Tiếng Dân ấn hành và báo Tiếng dân tặng.

            Đúng như tên của nó, quyển sách nhỏ nầy trình bầy dưới mắt người đọc cái đời đầy những sự kiên gan, nhẫn nại, can đảm của nội tướng nhà chí sĩ, qua đời cách đây 7 tháng.

            Có bài lược sử cụ bà do cụ ông viết để lại cho hai con, đọc rất cảm động. Kế là những câu đối phúng của những người quen biết.

            Tuy thuật giả là ông Thảo Trung Lan không thuật cho chúng ta nghe được chuyện gì mới lạ cả nhưng kể ra quyển Bà Phan Bội Châu cũng là quyển sách rất nên đọc, nhất là đối với các bạn gái ngày nay.

            Chúng tôi xin giới thiệu ba quyển sách mới trên này với bạn đọc.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 18 (28 Novembre 1936), tr. 7. 

 SÁCH MỚI

            Mạc Tin, kịch năm cảnh của Jean Jacques Bernard, do nhà soạn kịch Vi Huyền Đắc dịch.

            Ông Vi Huyền Đắc, hẳn đối với bạn đọc Sông Hương, không là người lạ. Chính ở báo nầy một lần đã nói đến ông. Bản dịch Mạc Tin của ông có đặc sắc lắm. Nhiều chỗ lột tả được tinh thần của nguyên văn.

            Sách in rất đẹp, dày 126 trang, do Đời Nay xuất bản, không thấy đề giá.

           

            Toàn chân triết luận  của ông Nguyễn Duy Cẩn tặng.

            Ấy là sách thuộc loại triết học, trong đó là một cái lý thuyết mới do ông Nguyễn xướng lên. Học thuyết toàn chân dạy người ta nên diệt cái bản ngã để cho cái sống được tự do, bát ngát, mênh mông. Một cái học thuyết có thể nói là cao được.

            Bạn đọc hãy nên mua quyển Toàn chân triết luận mà đọc cho biết.

            Sách dày 210 trang, giá 0$75, do Nam Cường thư xã ở Mỹ Tho xuất bản, nhà in Chấn Thanh ở Sài Gòn ấn hành.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 19 (5 Décembre 1936), tr. 5. 

SÔNG HƯƠNG  DỜI TÒA SOẠN

            Bắt đầu từ số báo sau, Tòa soạn Sông Hương sẽ dọn lại số nhà 96 phố Gia Hội. Thư từ từ nay xin gởi về đó.

S.H.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 1. 

CÙNG BẠN ĐỌC MUA DÀI HẠN

            Muốn khỏi đăng tên các vị lên mặt báo và cũng đỡ cho chúng tôi viết thơ trả lời từng người, về vị nào trả tiền rồi, trên băng báo số 20 này chúng tôi có đóng con dấu đề chữ “Payé”[= đã trả tiền]. Vậy tiếp được số 20, xin các vị xem trên băng, thấy có chữ “Payé” khắc biết nhà báo đã nhận được măng-đa của mình rồi. Còn nếu vị nào đã gởi măng-đa mà trên băng báo không có chữ “Payé” thì xin viết thư hỏi (vị nào mua một năm mà mới trả lỡ dở thì không có đóng dấu).  Khi chúng tôi làm việc nầy xong, soi lại, thấy còn có đến hai phần ba chưa đóng dấu được, nghĩa là hai phần ba chưa trả tiền. Vậy xin các ngài gởi trả cho.

                                                                                                          SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 4. 

BÁO MỚI

            Chúng tôi vừa nhận được số 1 của báo Dân quê, xuất bản ở Hà Nội, do ông Phan Trần Chúc chủ trương. Ông Phan là một nhà làm báo có tiếng hiện thời ở Bắc, chắc bạn đọc đều biết. Nay một mình chủ trương tờ Dân quê, chắc ông được nhiều người hoan nghênh. Nhà báo: 40 phố Hàng Da, Hà Nội. Giá báo: Một năm 1$50; sáu tháng 0$80; bốn tháng 0$60; mỗi số 0$03.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 4. 

SÁCH MỚI

            Tối tăm, truyện ngắn của Nhất Linh, trong Tự Lực văn đoàn.

            Tối tăm là cái tổng đề nó bao trùm mười truyện trong đó toàn tả cái xã hội bình dân. Vì đó là bình dân cho nên tối tăm. Chúng tôi chưa đọc kỹ quyển sách nên chưa tiện phê bình. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu qua nó với bạn đọc, còn tác giả, ông Nhất Linh, tưởng không cần phải giới thiệu.

            Sách dày 188 trang, giá 0$55, in rất mỹ thuật, do Đời Nay xuất bản.

            Hương lửa của bác sĩ Lê Hữu Mỹ, do Lạc Hồng thư xã ở Hà Nội xuất bản và tặng. Ấy là sách khảo cứu về bộ phận sinh dục của đàn ông, đàn bà, về sự thai nghén, về những bệnh tật của những bộ phận ấy, tóm lại, về những điều rất bổ ích cho con trai, con gái đến tuổi dậy thì, xem đấy để mà hiểu biết những cái mà kẻ làm cha mẹ hay giữ bí mật và để mà giữ mình cho khỏi bệnh. Sách dày 99 trang, giá 0$90.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 6.

COLLECTION SÔNG HƯƠNG 

            Bản báo còn giữ lại được mấy chục Collection Sông Hương từ số 1 đến số 20, trong đó có đủ 20 bài học Hán văn độc tu. Giá bán 1$00.

            Vị nào ở xa, gửi mandat mua, chỉ gởi 1$00 thôi, tiền cước gởi về phần nhà báo chịu.

***

BÁO NGHỈ MỘT KỲ

            Tuần sau , nhân dịp lễ Noël, thợ nhà in nghỉ làm, bản báo cũng nghỉ một kỳ. Số 22 sẽ ra vào ngày 2 Janvier 1937.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 21 (19 Décembre 1936), tr. 2.