CHUNG QUANH VIỆC VIỆT KIỀU BỊ BẮN Ở XIÊM LA

Cái tin Việt kiều làm biểu tình bị bắn chết ở bên Xiêm vừa rồi đã trở nên một vấn đề quan trọng trên các báo quốc ngữ, báo nào cũng có bàn đến.

Biểu đồng tình với ông dân biểu Bắc Kỳ Phạm Tá, nhiều báo xin chính phủ Pháp ở đây can thiệp. Hơn nữa có tờ báo lại mai oán đến vua Xiêm, người được trọng đãi trong cuộc du lịch Đông Pháp năm 1930. Lại hơn nữa, có tờ báo khác làm như khêu chọc đồng bào, bảo phải "trả thù rửa nhục".

Lời nói phát ra trong cơn nóng nảy, thường là lời không thể làm cho kẻ nghe phải phục. Và có khi, chính người phát ra nó, lúc nguội cơn nóng, lặp lại lời mình cũng tự thấy chướng tai.

Người ta quên rằng cái ông vua Xiêm đi du lịch Đông Pháp được trọng đãi năm nọ, vì cớ không đồng ý với chính phủ Xiêm hiện giờ mà đã phải thoái vị, bây giờ ông ấy kiều ngụ bên Luân Đôn; còn ông vua Xiêm đương ở ngôi là một cậu bé. Thế thì nếu chúng ta biết điều, có lẽ nào lại nhân một việc mà mai oán đến cái người chẳng hề có dính dấp với việc ấy?

            Còn bảo “trả thù rửa nhục” thì phải làm cách nào mới được chứ? Chỉ có một cách cử binh sang đánh nước Xiêm thì mới xứng với bốn chữ đó. Nhưng, tờ báo ấy cũng như chúng ta hết thảy, chẳng có được một thẻo sắt nào trong tay thì nói mà làm chi? Ở trong chính đất nước mình còn chưa được tự do, sinh mạng còn chưa được kính nể, sao lại dại mà nói đến chuyện báo cừu cho đồng bào ở ngoài bờ cõi?

Chỉ có cái thuyết xin chính phủ can thiệp là còn có thể đem ra thảo luận mà thôi.

Nói "thảo luận" bạn đọc đã hiểu rằng chúng tôi chưa hẳn biểu đồng tình với thuyết ấy.

Trong việc nầy, có hai vấn đề cốt yếu. Vấn đề thứ nhất: Việt kiều tại sao bị bắn? Vấn đề thứ nhì: Những người Việt kiều ở Xiêm đó có phải là dân bảo hộ chánh thức của nước Pháp không? Trước phải trả lời dứt khoát hai câu hỏi nầy rồi sau hãy nói đến chuyện can thiệp.

Theo tin trên báo thì Việt kiều ở Xiêm vì làm cọng sản, biểu tình, khuấy rối cuộc trị an của chính phủ Xiêm nên mới bị họ bắn.

Nếu quả vậy thì không mong gì can thiệp. Vì chính phủ Xiêm lo giữ cuộc trị an của họ cũng như chính phủ Đông Pháp lo giữ cuộc trị an của mình; Chính phủ Đông Pháp còn không dung được những người dân của mình làm nhiễu loạn cuộc trị an trong nước, thì bảo sao chính phủ Xiêm dung được những kiều dân nước khác đến phá rối cuộc trị an của nước họ?

Về vấn đề thứ nhất, ta chỉ còn mong một điều sự thực khác với tin trên báo. Giết người rồi vu cho làm cọng sản, sự ấy cũng có thể xảy ra được. Nếu chính phủ điều tra cho kỹ mà thấy được sự thực thì can thiệp cũng không khó. Tiếp đây, ta nên thảo luận vấn đề thứ hai.

Người ta cứ thấy người An Nam sang ở bên Xiêm rồi bảo đó là kiều dân của Việt Nam tại Xiêm. Mà hễ đã là kiều dân Việt Nam tại Xiêm thì theo Hòa ước, nước Pháp phải có nghĩa vụ bảo hộ họ. Nhưng sự thực không phải đơn giản như vậy đâu, đây là một cái ca hơi rắc rối.

Theo luật quốc tế, kiều dân của một nước ở nước khác, nghĩa là những người dân vốn có quốc tịch ở một nước, được chính phủ mình chứng nhận cho đi ra ở một nước khác làm ăn. Như thế gọi là kiều dân hợp pháp (émigrés réguliers) đến đâu sẽ được lãnh sự của nước mình bảo hộ cho, có việc gì thì lãnh sự sẽ can thiệp.

Nhưng Việt kiều ở Xiêm có phải hết thảy là kiều dân hợp pháp không? Câu hỏi ấy, rất nên đem mà đặt vào trong việc nầy.

Theo lời những người hiểu tình hình Việt kiều ở Xiêm kể lại, thì người mình ở bên ấy đã họp lại thành làng từ lâu, có những cái danh hiệu: "Làng An Nam cũ, Làng An Nam mới". Những người ấy không phải là người xuất dương một cách đường hoàng có xin giấy của chính phủ Pháp; và họ cũng không như kiều dân khác, trong khi ở ngoại quốc mà vẫn còn có tên trong đinh bộ ở quê nhà. Họ, một phần rất đông là con cháu những người thuở xưa "tùng vong" theo vua Gia Long qua Mang Cốc rồi ở luôn không về. Một phần nữa là những người vào lớp sau nầy, hoặc đi tránh Tây, hoặc đi làm cách mạng không thành rồi lập nghiệp luôn ở đó và sanh con đẻ cái. Theo người ta nói, người Việt Nam hiện ở Xiêm đông lắm, có từ bốn năm vạn đến bảy tám vạn, hầu hết là vào hạng trên đó; còn những người đi qua buôn bán có hộ chiếu của chính phủ thì phỏng chẳng bao nhiêu.

Hạng người ấy, nói đến mà thương tâm! Họ là dòng dõi trung thần nghĩa sĩ của nước Việt Nam, nhưng rủi đã ở vào một cái địa vị còn thảm nhục hơn chúng ta nữa! Họ chỉ có tiếng là người An Nam nhưng không có quốc tịch. Họ cũng không hẳn là dân Xiêm. Những người ấy rõ chẳng những là dân vong quốc mà là dân vô quốc!

Cũng vì vậy nên, lúc người Xiêm bằng lòng cho họ ở thì để ở, còn lúc đã không bằng lòng cho ở thì đuổi đi. Từ năm ngoái, ta đã nghe có mấy lần chính phủ Xiêm đuổi Việt kiều và sai lính dẫn đến những miền rừng thuộc địa phận Đông Pháp rồi bỏ đó. Vì họ cũng không nhận những người ấy là dân bảo hộ của chính phủ Pháp nên họ không nhọc gì mà giao cho chính phủ Pháp.

Như thế, Việt kiều ở Xiêm đối với pháp luật, có thể gọi là kiều dân bất hợp pháp. Chính phủ Pháp ở đây đã không nhìn biết tới họ thì can thiệp vào đâu?

Nhưng ta còn mong một chút là từ trước đến giờ, nước Pháp đối với nước Xiêm vẫn ở địa vị đàn anh. Đã thế, người Pháp lại có tiếng là khéo ngoại giao nữa. Vậy trong việc này, chính phủ ở đây hoặc cũng còn có cách xoay xở làm sao để giữ thể diện cho lá cờ tam tài ở châu Á. Vì, dù thế nào nữa, có kẻ công nhiên giết hại lũ dân ở dưới lá cờ ấy mà nếu nó không che chở được thì nó phải giảm sắc đi một ít.

T. M.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 1.