ĐI HỌC ĐI THI

KÝ ỨC LỤC CỦA MỘT VỊ LÃO NHO

TIỂU DẪN – Thiên hồi ức này, ký bút danh Tú Vườn, tưởng như của một tác giả khác, thật ra, là của chính Phan Khôi. Năm 1935 trên báo Tràng An, Phan Khôi đã đưa ra mục Hồi ức lục và đã công bố kỳ đầu tiên của mục đó nhan đề Huế hồi tôi còn nhỏ. Có thể coi 7 kỳ hồi ức này là tiếp tục mạch hồi ức ấy. Tuy vậy, khác ít nhiều so với tâm thế khi viết hồi ức kể trên, ở thiên ký ức lục này, tác giả đã có những hư cấu cố ý. Chẳng hạn, nhân vật xưng tôi ở đây nhiều hơn ông chừng 10 tuổi; tác giả cũng không nêu rõ tên ông thầy của mình, bởi đó chính là chí sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908), người đã bị án chém vì hoạt động yêu nước chống thực dân mà tên tuổi bị cấm nói đến. Bên cạnh việc kín đáo tưởng niệm người thầy ái quốc, phương diện có lẽ được chú trọng hơn là nhân đây tác giả vạch ra nội dung kiến thức nghèo nàn của học vấn trong Nho học, đồng thời vạch ra sự suy đồi của khoa cử Nho học dưới thời thực dân, khi khá đông quan chức chịu trách nhiệm về việc học việc thi đã biến nó thành một thị trường để mua bán kiếm lợi. Ở văn học đương thời, trong khi một số nhà văn kể chuyện thời học hành thi cử theo Nho học với tâm thế lý tưởng hóa quá khứ, thì Phan Khôi, qua hồi ức này, vạch ra sự lạc hậu, cổ quái, sự suy đồi không tránh khỏi của nó. – N. B. S.     

 

I

Tôi, con nhà thế nho. Ông nội tôi đậu bảy khoa tú tài thuở Thiệu Trị, Tự Đức. Ông thân tôi cũng đậu tú tài hồi Tự Đức, rồi sau đỗ cử nhân, xuất chính đến tri huyện thì về nghỉ ở nhà. Bởi vậy, tôi sanh ra chỉ biết có một việc học. Mà học là để thi đỗ, có làm quan được thì làm, không cũng chiếm một tên trên bảng để noi dấu thơ hương.

Đó là một cái chí hướng rất sai lầm, một cái kỳ vọng rất hèn mạt của những người đi học mà về sau tôi mới biết ra. Nhưng lúc bấy giờ, cái lúc đương ham chuộng khoa danh, chẳng những một mình tôi mà ai cũng vậy, cho nên tôi chẳng cần giấu giếm làm gì mà khai thật ra cho bạn đọc biết, cũng khai thật luôn cái điều thất vọng của tôi nữa.

Tôi từ nhỏ có tư bẩm thông minh lạ. Lên 13 tuổi đã “cụ thể tam trường”: Nghĩa là về lối văn khoa cử, kinh nghĩa ở trường nhất, thi phú trường nhì, văn sách trường ba, tôi đều làm được cả trong tuổi ấy. Ông nội tôi và ông thân tôi đều để hy vọng vào tôi nhiều lắm.

Ông nội tôi sống cho đến năm tôi 16 tuổi, đi thi khoa đầu, hỏng trường nhất rồi người mới mất. Những năm trước đó, nhiều lần ông tôi ôm tôi vào lòng, hôn trên đầu tôi mà nói rằng: “Cháu ơi! Cháu cố mà trả thù cho ông, là cái thù ở chốn khoa trường! Học như ông mà bảy lần thi chỉ vớ được bảy cái tú tài, tệ, không dính được một chút cử nhân, há chẳng phải là một điều cay lắm nhỉ? Còn thầy cháu, ba khoa thi hội, cũng không kiếm ra cái tiến sĩ hay phó bảng! Sao mà nhà ta bạc phước thế? Này cháu, cháu gắng lên, cháu hãy làm cho cả ông và thầy cháu lại gan, kẻo tức lắm!”.

Có một lần, nghe ông tôi nói với tôi như thế, bà nội tôi mỉm cười mà rằng: “Ông khéo lẫn lắm! Cái việc đến hai người lớn làm đã chẳng được, lại đem phó thác cho một đứa bé con!...”. Nhưng ông tôi vẫn làm thinh không trả lời gì cả, hình như không để ý đến câu nói của bà tôi.

Những lời đình huấn đinh ninh ấy ghi vào dạ tôi cho đến ngày bỏ khoa cử, đầu tôi cũng đã bạc hoa râm, không còn đi thi được nữa mới chịu phai. Mà cơ khổ, cái thù của ông tôi, tôi đã chẳng trả được, rút cục lại công danh sự nghiệp của tôi cũng chẳng có gì!

Vì thế, nên tôi đã bảo là cái chí hướng sai lầm, cái kỳ vọng hèn mạt. Đường đường một đấng nam nhi, đôi ba mươi năm dùi mài kinh sử, chỉ có một cái mục đích thi đỗ, mà đỗ không được là cái già đến, cái chết đến, hết cả hy vọng một đời người! Sự sai lầm ấy đã làm hại biết bao kẻ thanh niên vào lớp trước, mà tôi là một.

Nói cho đáng thì tôi cũng có dính được một chút tú tài chứ không phải không. Nhưng cái tú tài ấy vào với nhà tôi mà ăn thua gì? Nói có vong linh ông nội tôi, dưới suối vàng, chắc người cho rằng thằng cháu người đã chẳng trả thù được cho người, lại còn gây thêm cho nhà người một lớp thù nữa, mà hiểm thay cái thù ấy lại không còn mong có ngày nào trả được hết!

Tôi đi thi cả thảy năm khoa. Một khoa hỏng trường nhất, một khoa đỗ, ba khoa vào trường ba rồi trượt cả. Nhưng cái khoa đỗ ấy, với tôi thì tôi cũng kể như hỏng, vì cái chí của tôi là muốn đậu đến chi chi nữa kia. Thế thành ra tôi là người cả đời chỉ phải hỏng thi.

Bây giờ tôi cũng chẳng thèm nhớ là năm nào, đâu vào khoảng Duy Tân hay Khải Định gì đó, thí thức đổi, ai ngoài 40 tuổi không được thi nữa, mà tôi bấy giờ đã gần năm mươi rồi, mới đành yên phận ở nhà, không còn có hy vọng tranh khôi đoạt giáp. Rồi vì cảnh nhà nghèo ngặt, tôi mới phải đi học sư phạm, làm tòng sư, nhờ đó mà tôi mới biết quốc ngữ, hôm nay mới có thể học chuyện mình lại trên báo với bà con.

Nhân đó mà tôi nghĩ tiếc mãi, phải chi tôi biết “phá nghiệp” (1) (tôi dùng chữ của ông Nguyễn Khắc Hiếu) sớm thì hay. Giá tôi đi học quốc ngữ, chữ Tây hồi còn nhỏ, hay là hồi 20 tuổi, thì tôi chắc cái kết quả đời tôi cũng không đến như bây giờ.

Tôi cho cái sự phá nghiệp của một người học trò thanh niên là sự cần có. Tiện đây tôi nhắc lại một chuyện mà chúng tôi đã trải qua trước đây ba mươi năm.

Lúc đó, vào cuối triều Thành Thái, năm 1905-1906, trong nước có phong trào mới, nhóm lên bởi những cái tin Nhật thắng Nga và Trung Hoa có cuộc chánh biến. Sĩ phu bấy giờ có một mớ đã chán khoa cử và khoa cử cũng sắp đổi rồi đến bãi.

Ông Nguyễn Bá Trác, một người bạn học với tôi, thua tôi bốn tuổi. Lúc đó, ông cũng đã đỗ tú tài như tôi rồi. Tôi thì đương rèn tập để thi khoa sắp tới, nhưng ông thình lình đến rủ tôi bỏ học. Tôi ngạc nhiên, hỏi ông vì cớ gì bỏ học và bỏ học để làm gì, thì ông nói lung tung những là “Âu phong Á võ”... chi chi. Tôi biện bác với ông mấy lần, rốt lại, tôi cho ông là điên, chẳng thèm nói với và cũng chẳng thèm nghe ông nữa. Bấy giờ, chúng tôi kêu ông Trác là “ông Tú tân thơ”, thấy mặt ông ở đâu thì tránh đi ở đó.

Thế mà đến năm sau, khoa Ngọ, ông Trác lại đỗ cử nhân, còn tôi vẫn rớt! Tình thực ông ta đi thi khoa nầy thế nào, tôi biết rõ lắm. Ông đi chẳng phải mong đậu mà cốt chỉ làm bài thuê kiếm tiền. Cũng chẳng kiếm tiền cho mình mà là kiếm để góp vào đảng ông Ấm Hàm hầu có đưa người đi Nhật Bản. Ông kiếm được năm trăm đồng hết thảy, lại đậu cử nhân cho mình là khác. Còn tôi muốn đậu lại không đậu được, mà kể sức học hồi đó có lẽ ông còn kém tôi, mới tức cho!

Ông Trác cũng nhờ có phá nghiệp mà bây giờ mới nên người “ra hồn” như thế đó. Ấy không phải tôi thấy ông làm Tổng đốc mà hâm mộ. Tôi nhận cái sự thành công của sự phá nghiệp của ông không ở làm Tổng đốc. Giá ông không làm Tổng đốc là bây giờ cái địa vị của ông cũng còn hơn cái “tú tài vườn” của tôi xa lắm. Mà sở dĩ được như thế là nhờ ông phá nghiệp.

Chẳng những một mình ông Trác mà còn mấy người khác nữa. Tôi coi những người đồng thời với tôi, một trạc tuổi với tôi, hoặc kém tuổi, hễ người nào biết phá nghiệp thì bây giờ đều có địa vị khá cả. Còn không biết phá nghiệp, cứ theo lề lối thường, như tôi, sẽ ôm lấy cái “tú tài vườn” mà chết; hơn nữa, ra làm quan đôi chục năm, thăng được cái hàm đường, rồi cũng về ôm lấy cái “quan vườn” mà chết, đâu có được lừng lẫy tự do như những người kia?

Phá nghiệp đi! Tôi khuyên các bạn thanh niên.

Các anh bây giờ cũng khủng hoảng như chúng tôi đã khủng hoảng vào hồi cuối Thành Thái, đầu Duy Tân. Hãy soi lấy cái gương trên kia, các anh cũng phá nghiệp đi thì mai sau mới khá. Anh nào ở ngày nay mà cứ mài đít ở ghế nhà trường để lấy cho được cái bằng cấp thì cũng dại như tôi ôm lều ôm chiếu mãi mấy khoa để lấy được cái tú tài vườn!

Tôi nghĩ con người ta là giống ngu vô cùng. Mà hình như hễ có học nhiều chừng nào, càng ngu nhiều chừng ấy. Một việc không đáng làm, sao lại cứ làm mà không biết, đợi đến sau lâu rồi mới biết? Không những một mình tôi, phần đông người như thế cả, mà thời đại nào cũng như thế cả!

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 23 (9 Janvier 1937), tr. 2.

Chú thích

(1) Ông Nguyễn Khắc Hiếu có câu: Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng. Nghĩa là phá bỏ cái nghề nghiệp học chữ Hán để đi thi, không theo nữa, mà theo nghề văn quốc ngữ để kiếm ăn. Chắc tác giả chỉ vào câu ấy của ông Hiếu. – Tòa soạn chú (nguyên chú)

II

Tôi lên mười tuổi thì vừa gặp cái biến kinh thành thất thủ. Cũng như các tỉnh khác, văn thân tỉnh tôi (Quảng Nam) nổi lên chống với Triều đình và Bảo hộ. Họ tự xưng là Nghĩa hội. Cái loạn Nghĩa hội trước sau không đầy ba năm mà bấy giờ tưởng chừng như lâu lắm, vì người ta ai cũng lấy làm chán nản.

Lúc đó, ông nội tôi đã ngoài sáu mươi tuổi, còn thầy tôi chưa được bốn mươi. Cả nhà chúng tôi đã phải “chạy giặc” nhiều phen. Tôi tuy còn nhỏ chứ tinh lắm, những lời kẻ lớn bàn luận với nhau về việc đời, tôi nghe hiểu hết và nhớ mãi đến bây giờ.

Thấy có nhiều ông Tú ra làm quan với nghĩa hội, ông thì làm Tán tương, ông thì làm Tán lý, ông thì làm Thương biện, hình như ông nội tôi cũng muốn ra làm với họ. Nhưng thầy tôi can, không cho. Tôi còn nhớ thầy tôi nói với ông tôi rằng Tây tài lắm, đánh với họ không lại đâu, hễ làm liều thì chết oan mạng. Ông tôi ban đầu còn chưa chịu nghe, sau thầy tôi can mãi, nhiều khi đến nói mà vừa lạy vừa khóc, ông tôi mới thôi.

Thầy tôi hồi đó cũng đỗ cử nhân rồi. Một nhà cả cha lẫn con đều ở trong hàng văn thân mà lại không chịu dự vào việc nghĩa, tất nhiên là bị người ta nghi kỵ và có khi đến giết hại cũng nên. Bởi vậy, ông tôi và thầy tôi cứ phải đem nhau đi trốn. Mà đi đâu cũng cho tôi đi theo với.

Có một lần, chúng tôi ở trong một chiếc ghe, đậu bên gành núi. Đương đêm, vừa mưa vừa gió, trời tối đen như mực, ông tôi thức dậy, đốt đèn ngồi một mình rồi không biết vì nghĩ thế nào mà ông tôi khóc oà lên. Trong lúc khóc, ông tôi kể lể nhiều lắm: Chốc lại kêu Hoàng thượng, chốc lại kêu Phu tử. Thầy tôi cũng trở dậy, lại ngồi cạnh ông tôi, nhưng không nói gì cả, cứ để mặc cho ông tôi khóc. Không bao lâu thì trời sáng, thầy tôi ra ngoài đốc thúc trai bạn chèo ghe đi chỗ khác.

Về sau, tôi mới đoán ra rằng lúc đó ông tôi kêu Hoàng thượng là chỉ đức Hàm Nghi, còn Phu tử là đức Khổng Tử. Đức Hàm Nghi bấy giờ bỏ kinh thành mà chạy, chẳng biết chết sống thế nào, vì nghĩa vua tôi, nên ông tôi nhớ đến ngài mà khóc. Nhưng làm sao lại kêu đức Khổng Tử? Một lần khác, có câu chuyện khác đã cắt nghĩa chỗ khó hiểu ấy cho tôi.

Một lần khác, vào ngày rằm tháng tám là ngày mà hằng năm có tế thu đình ở Văn Miếu hàng huyện. Ông tôi, thầy tôi, mấy người nhà nữa với tôi đương ở trong một cái nhà tranh của người bà con đóng dưới chân hòn núi Đức Ky, là nơi hẻo lánh ít ai đi tới. Ông tôi bảo tôi rằng: “Nhà tư không được phép tế thánh. Nhưng lễ cũng cho tùy thời biến thông. Hiện nay, gặp buổi loạn ly, Văn Miếu hàng huyện không tế được, thì ta nên tạm dùng lễ bạc tế ngài ở đây, không nên bỏ”. Thế rồi, người nhà giết một con gà, nấu một cỗ xôi, dọn lên cho ông tôi tế thánh trong cái nhà ấy.

Tế lúc nửa đêm mà ông tôi cũng bắt tôi dậy hầu cho kỳ được. Năm ấy, tôi đã 12 tuổi. Trong mấy năm chạy giặc, ông tôi vẫn dạy tôi học luôn, nên bấy giờ tôi đã biết hơn trước. Đêm nay, ông tôi lại khóc, đại ý là thương cho thánh đạo suy vong và cũng rất ái ngại cho cái tương lai của con cháu.

Ông tôi nói:

‒ Hễ nước mất thì đạo cũng mất. Tây họ lấy nước mình rồi họ đem đạo của họ tới. Rày về sau, không ai còn thờ Đức Thánh nữa. Văn Miếu e rồi cũng sẽ bị phá. Lục kinh e rồi cũng sẽ bị đốt. Thi cử cũng sẽ không còn. Ôi! Thi cử mà không còn thì lũ này (chỉ tôi) mới làm sao mà ngóc đầu lên được?...

Cứ nói mỗi câu là ông tôi lại thở dài. Lúc nào cảm động quá, ông tôi khóc nức nở, nước mắt ra lênh láng. Nhưng thầy tôi thì khác, vẫn cứ tỏ ra cái thái độ thản nhiên. Sau tôi mới biết rằng, về những sự đó, thầy tôi không có đồng một ý kiến với ông tôi, nhưng vì sợ trái ý cha nên thầy tôi cứ làm thinh mà không phản đối. Cho đến sau khi loạn yên, thầy tôi “thưa đơn tòng chánh” và ra làm quan là cũng bởi cực chẳng đã mà phải vâng lời ông tôi, nếu không thì ông tôi giận.

Tôi nói đến điều trên đây để bạn đọc thấy rằng theo lối gia đình cũ của ta trong đó có một sự rất độc ác. Một người con dù có học thức thông thái đến đâu, nếu còn có cha, và nếu có ý kiến không giống với cha, là cũng phải dẹp cái học thức thông thái ấy lại. Sách dạy rằng: “Phụ tại tư vi tử”. Nghĩa là: cha còn phải giữ cái địa vị làm con. Làm con khác với làm người. Nhiều khi làm con không phải là làm người! Thành thử trước mặt những người cha có học thức, chẳng cứ cái học thức ấy thế nào, thường thường cái tư cách làm người của những người con phải bị chôn đi. Thương hại cho thầy tôi, suốt một đời ở vào cái hoàn cảnh đó!

Sau ông tôi quá vãng không mấy năm thì thầy tôi cũng quá vãng, cho nên tôi chẳng được biết nhiều về thầy tôi. Tuy vậy, tôi dò thấy thầy tôi là một người thông hiểu việc đời, có tư tưởng mới và rất không ưa cái học khoa cử. Tiếc thay, con người và tư tưởng của thầy tôi bị ông tôi phủ lên mà không bày tỏ ra được; thành thử chẳng những người ngoài, mà chính con trong nhà là tôi đây cũng toàn chịu ảnh hưởng của ông tôi mà chẳng có của thầy tôi một chút gọi là!

Trong năm Hợi, ông Hường Hiệu, thủ đảng Nghĩa hội ở Quảng Nam bị bắt giải ra Kinh, triều đình xử án chém rồi đem đầu về bêu tại Vĩnh Điện ba ngày. Những tướng tá của ông đều lần lượt ra hàng cả. Ở Quảng Nghĩa thì ông Nguyễn Thân đã cử binh ra lấy lại tỉnh, chém cử Đình, tú Tân từ năm trước kia rồi. Thế là trong xứ không còn có giặc giã gì nữa, đâu đó bình yên.

Bấy giờ trong tỉnh tôi mới bắt đầu vâng phục hiệu lệnh của vua Đồng Khánh. Vào cỡ tháng bảy, tiếp được trát quan sứ; qua năm sau, năm Mậu Tý, triều đình sẽ mở khoa thi Hương, và hai trường Bình Định - Thừa Thiên hiệp thí tại trường Thừa Thiên.

Nghe tin ấy, ông tôi mừng ra mặt, nói chuyện vui vẻ, cười luôn cả ngày. Nhiều lần, thầy tôi nhắc cho ông tôi nhớ rằng nước bị bảo hộ, tức là nước mất. Nhưng ông tôi át đi, bảo là “nói lếu”; theo ý người thì vua còn tức là nước còn, và chẳng những thế, thi cử còn tức là thánh đạo còn.

Ông tôi nằng nặc đòi đi thi để mang tôi cùng đi với, dù bấy giờ người đã gần bảy chục tuổi. Nhưng thầy tôi van lơn hoài, ông tôi mới chịu ở nhà. Thật ra thì ông tôi cũng vẫn biết cái sức học của tôi còn non nớt lắm, đi thi không có hy vọng gì, nên mới nhất định từ đây cho tôi đi học ở một trường lớn để đợi tới khóa sau.

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 24 (16 Janvier 1937), tr. 6.

 

III
THẦY CỬ TÂN KHOA

Khoa hương Mậu Tý, Đồng Khánh năm thứ ba, hai trường Thừa Thiên Bình Định thi chung tại trường Thừa, gọi là “Thừa Bình hiệp thí”, lấy đỗ đến 50 cử nhân, 150 tú tài, làm cho sĩ phu rất là mãn nguyện, dư luận rất là thỏa thiếp. Họ đua nhau ca tụng ông vua mới vẽ mày vẽ mặt cho họ mà quên bẵng ông vua cũ vừa bị đày đi. Họ cũng không còn nhớ mới rồi có cơn quốc biến mà vì đó họ đã khởi nghĩa cần vương. Tôi nói thế, bởi tôi thấy trong đám họ có người năm trước ra đầu thú rồi năm sau thi đậu.

Những câu tôi vừa viết trên đây là theo cái tri thức của tôi bây giờ mà với quan sát cái tâm lý sĩ phu thuở ấy. Chứ ngay hồi đó thì tôi cũng chỉ có một tâm lý như họ mà thôi, dù rằng tôi còn nhỏ.

Tôi tuy mới 13 tuổi chớ sức học cũng đã bằng một thí sanh dôi dối.[a] Hồi bình nhật nhờ ông nội tôi đúc cho một bộ óc khoa cử rồi, nhưng chưa mấy: làm cho tôi khích thích nhất là nhân năm ấy tôi đi coi một đám rước ông cử tân khoa.

Bây giờ tôi nghĩ lại, có lẽ từ lúc có khoa cử đến giờ không có khoa nào mà những người được đỗ lấy làm sung sướng và cho đến kẻ bàng quan cũng lấy làm vinh hạnh bằng khoa Mậu Tý này. Bởi trong hai năm loạn đó, mọi người đều đã tuyệt vọng về thi cử, không ai dè sau nầy còn có sự vui mừng nầy nữa, thế mà có, cho nên người ta trầm trồ một cách lạ.

Tiện đây để tôi nhắc lại các thể lệ của các đoàn thể nghinh tiếp những người thi đỗ tân khoa cho bạn đọc nghe.

Hàng tỉnh, hàng huyện duy đối với những người đỗ đại khoa từ tấn sĩ giở lên, hoặc gặp khoa nào có trường hợp gì đặc biệt thì mới có rước. Còn các đoàn thể khác như tổng, làng, họ thì đối với các cử nhân, tú tài, đều có rước cả. Nơi nào ít có sự đỗ đạt thì tú tài cũng được coi như cử nhân hoặc còn hơn cử nhân. Đến cái thể lệ rước sơ sài hay tươm tất thì tùy nơi mà khác.

Đại khái một người đỗ cử nhân, chắc là có những tổng, làng, làng ngoại, làng vợ, họ, họ ngoại, họ vợ cũng đi rước. Ai ở làng có chia từng ấp thì thêm ấp đi rước nữa. Người nào đã đi học với nhiều thầy, có vào nhiều “đồng môn” thì trong đám rước còn có các đồng môn.

Thầy cử hoặc tú tân khoa trước khi vinh quy phải có gởi thơ hẹn ngày về cho mỗi một đoàn thể ấy. Có nơi định lệ rằng hễ không gởi thơ thì chẳng những không được rước mà sau sẽ bị “bắt vạ”. Biết ngày nhất định rồi họ kéo nhau hàng mấy trăm người, mang cơm gạo theo với đủ đồ nghi trượng mà đi đón tận nơi xa.

Những đồ nghi trượng là: cờ, hèo, trống đại, trống tiêu, gươm, thước, võng, lọng, ngựa, v.v... mà hệ trọng nhất là lá cờ “phát hoa” hoặc “tân khoa”. Đi đón xa hay gần cũng tùy nơi ở và người đậu bậc nào. Như làng tôi về phủ Điện phía tả ngạn sông Chợ Củi thì đi đón cử nhân tận Đôn Nhất, còn tú tài chỉ tới Nam Ô.

Lúc đi thì cờ cuốn lại, trống khiêng theo mà không đánh. Khi gặp người tân khoa rồi, họ mời người lên một con ngựa hoặc nằm trong một cái võng, rồi xổ trống mở cờ mà đi từ đó về đến làng.

Về đến làng, chưa về nhà vội, người ta rước ông tân khoa đi thẳng tới đình chùa, nhà thờ, văn chỉ, lạy khắp cả rồi mới về nhà. Ở nhà trần thiết các bàn thờ tổ tiên đã sẵn, ông tân khoa lạy tổ tiên rồi lạy cha mẹ nữa. Hết thảy những cái lạy ấy là để tỏ lòng mừng rỡ và tạ ơn một cách sốt dẻo; chưa kể đến sau đó còn giết trâu, giết heo cúng tế và đãi khách linh đình, lại cúng tế tới bên vợ, bên ngoại nữa.

Đám rước mà tôi đi coi năm Tý, năm tôi 13 tuổi, là đám rước ông Cử làng Thanh Quýt, cách làng tôi vài ba cây số. Ông Cử, mới ngoài 20 tuổi, người nhỏ thó, bận đồ phẩm phục ngồi trên con ngựa, trông như một đứa bé con. Phẩm phục cử nhân toàn sắc đen, cái mũ bằng vải đen mà bông chì, ngó chẳng khác con người mò hóng, thế nhưng không biết bấy giờ sao tôi thấy mà hâm mộ quá! Nhất là khi ông ta về tới nhà, người vợ khăn vành áo rộng điều lục bước ra chào, làm tôi thấy mà cảm khích làm sao! Thiên hạ đi coi đông không biết ngần nào mà kể, ai nấy đều nức nở khen ngợi. Có câu nầy là nhiều người nói hơn hết: “May phước quá chừng! Phải chi Nghĩa hội còn đến năm nay thì thôi, hết chuyện!...”.

Tuy mới 13 tuổi chớ tôi tự coi mình là người lớn. Bấy giờ xem thấy cuộc vinh quy của ông cử, tôi chẳng khác Hán Cao Tổ lúc còn hèn đi coi đạo ngự của Tần Thủy Hoàng mà khẳng khái hứa mình sẽ làm được như thế ở ngày sau!

Vì ở làng trên xã dưới lại chỗ tình nghĩa với nhau nên ngày hôm sau thì ông nội tôi thân hành đi đám cúng mừng của ông cử và cho tôi đi theo hầu. Giữa tiệc rượu, có bao nhiêu là các ông văn thân, tôi thấy ông cử thanh niên ấy bắc ghế ngồi một bên, lên giọng rất hùng hồn lưu loát mà đọc lại những bài kinh nghĩa, thi, phú trúng tuyển của mình cho ai nấy đều nghe. Có ông tú già cao hứng quá, miệng khen hay, tay cầm chén rượu mà ông tưởng uống cạn rồi, giơ lên khuyên lấy khuyên để giữa khoảng không, chẳng ngờ rượu vẫn còn, đổ ra tung toé. Tiệc xong, họ rủ nhau làm thơ, đặt câu đối mừng ông cử; và cứ được bài nào, câu nào là họ nhờ ông phê bình và giám thưởng, mà ông thì một hai khiêm nhượng chối từ. Những cái quang cảnh ấy làm cho tôi thèm thuồng hết sức, ước gì mình có ngày sẽ ở được cái vị trí của ông cử tân khoa ấy!

Nhưng, cái điều tôi trầm trồ nhất là sự sung sướng của cha ông ta. Cha ông cử chỉ là một anh học trò già, thi hoài không đậu. Hồi bình nhật làm gì mà chen hàng được với đám văn thân. Thế mà ngay hôm ấy, ông cụ cũng trương cổ lên giữa quan khách, một điều "cử tôi”, hai điều “cử tôi”, nghe oai đáo để. Tôi nghĩ lại nhà mình hai đời tú cử, nếu mình đậu như ông ấy nữa, thì ông cha mình còn được tôn lên bằng mấy cha ông ấy nữa kia!

Ở nhà ông cử về thì tôi nhất quyết xin ông tôi và thầy tôi cho tôi đi học trường ngoài. Phải có ganh đua với bạn bè thì học mới có tấn ích, tôi nghĩ như vậy. Sự thỉnh cầu của tôi quả nhiên được bề trên đồng ý.

Cách làng tôi chừng 10 cây số có ông tú, tên húy ngài là Lê Tư Cung, cũng đỗ cử nhân khoa ấy, mà kèm thêm cái vinh hạnh là có người con lớn là Lê Tổn, đỗ tú tài đồng khoa. Ông cử trước kia vẫn dạy đông học trò, cuộc vinh quy xong rồi cũng sẽ ngồi dạy nữa. Tôi sẽ là học trò ngài.

Người ta ít kêu tên ngài mà kêu là “ông cử thầy” hoặc “ông cử Nông Sơn” vì ngài ở làng Nông Sơn. Tôi nói để bạn đọc biết, ngài là thân sanh ông Lê Dư và là thầy các ông Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Nguyễn Bá Trác và nhiều người danh tiếng khác nữa. Duy có tôi là không danh tiếng gì, nhưng ngài cũng là thầy tôi vậy.

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 25 (23 Janvier 1937), tr. 3.

Chú thích

[a] dôi dối: chưa rõ nghĩa; có lẽ là một từ thuộc phương ngữ Quảng Nam nhưng chưa được ghi nhận trong các từ điển phương ngữ; trong văn cảnh cụ thể thì “một thí sanh dôi dối” ý nói một thí sinh sức học trung bình, hoặc hơi kém chăng?

 

IV
NGHE SÁCH

Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy là nhà của thầy tôi và cũng là trường học đó.

Người nào có gia tài đáng chừng một vài ba trăm bạc, tôi tưởng người ta chắc không ở vào nơi hẻo lánh như thế. Duy thầy tôi là trang quân tử thanh bần, thiên hạ đều biết, quân trộm cướp cũng đã thấy mà chê rồi, nên dù ở đó cũng chẳng ngại chi. Còn có một lẽ nữa là cái cảnh tĩnh mịch đìu hiu lại rất lợi cho sự học.

Cái nhà ba gian hai chái, sườn bằng gỗ, rộng lòng căn. Trong nhà trừ ba gian bàn thờ và một cái buồng ở góc, còn thì liệt ván cả. Một bộ ván cao ở giữa là chỗ thầy ngồi; còn bao nhiêu ván thấp, cho học trò.

Trường học ta thuở xưa thường chia học trò làm ba hạng: đại tập, hạng làm bài cụ thể, đi thi được; trung tập, hạng mới tập làm bài; tiểu tập, hạng mới học vỡ lòng. Trường tôi học đây dạy toàn học trò lớn cả. Có một mình tôi là nhỏ hơn hết, nhưng đã biết làm bài cụ thể nên cũng cho vào đại tập.

Đây tôi nói vào những năm từ Thành Thái nguyên niên đến thất niên, là những năm mà ở trường đó có đông học trò hơn hết. Những người thường ngày đi “nghe sách” có đến một trăm rưởi, hai trăm. Còn có một hạng không đi nghe sách, chỉ tới kỳ thi tập bài, cũng có đến bảy tám chục, một trăm nữa. Vậy kể hết thảy, bấy giờ học trò trường thầy tôi tới ba trăm: mỗi kỳ bài, thầy tôi phải chấm ba trăm cái quyển, kể cũng mất công và nhọc lắm.

Ba trăm học trò đó, phần nhiều là người ở các phủ huyện khác; cũng có kẻ ở tận trong Phú Yên, Bình Định, nghe tiếng trường lớn thì tìm ra thọ giáo. Họ ở trọ những nhà trong làng và mấy làng chung quanh. Nhờ vậy mà dân cư các vùng này trở nên vui vẻ và nho nhã lắm: cứ tối lại là tiếng đọc sách vang lên, đi một khoảng lại nghe.

Lúc đó tôi trọ ở nhà một người bà con tại làng Kỳ Lam, gần ga xe hỏa bây giờ. Từ đây đến trường cũng còn đi mất vài ba cây số. Mỗi buổi sáng, đi cho kịp nghe sách, tôi phải dậy ăn cơm lúc còn đèn. Nhờ được cái mỗi ngày chỉ đi học có một buổi nên cũng đỡ vất vả.

Tiếc tôi không có tài tả cảnh như các ông Khái Hưng để tả cái cảnh một buổi nghe sách của trường này, dù vậy tôi cũng ráng hết sức làm thử xem sao.

Sáng nào cũng vậy, lúc mặt trời mọc lên được vài chặng đòn gánh, ở cửa ngõ nhà trường đã thấy tốp năm người, tốp ba người, tốp mười người, khăn đen áo dài, đi vào nối đuôi nhau như xâu cá. Trên những dãy ván liệt dài theo mấy căn nhà, những chiếc chiếu vấy mực đen sì đã trải sẵn, họ phủi cẳng ngồi lên: kẻ xếp bằng tròn, kẻ bỏ thòng chân xuống đất. Họp nhau lại từng chòm, họ nói chuyện rầm rì. Cũng có những sự đùa nghịch nữa, nhưng con mắt mỗi người phải ngó chừng luôn luôn, và không dám để tiếng cười nói hay tiếng đấm cú nhau sẩy ra đến ngoài. Một quang cảnh hòa vui mà nghiêm nghị, nó như đương chờ một sự gì quan trọng sắp xảy đến.

Trong nhà mỗi lúc người một đông thêm. Đã lâu rồi mà ngoài ngõ không còn thấy có người vào nữa. Đó là những cái hiệu báo cho cuộc nói chuyện nào cũng phải dẹp lại, cuộc đùa nghịch nào cũng không được kéo dài ra.

Thình lình có tiếng rùng rùng... rùng rung... Hằng trăm con người đương ngồi lật đật tuột xuống đất mà đứng lên; kẻ tuột không kịp lại đứng ngay trên ván: Đứng dậy làm lễ thầy, vì thầy mới vừa ở chỗ nhà cầu là nơi người thường nghỉ, đạo mạo bước lên.

Một bộ ván cao kê giữa nhà, trên ván ngổn ngang những chồng sách với một cặp gối dựa bốn lá, một cái tráp chữ nhựt sơn đen, một giỏ tích chứa nước trà nóng hổi và cái chén kiểu để trên đài. Trước ván có cái ghế “xuân ý”, trên ghế không gì khác hơn là cái nghiên son với ống bút son; và nếu giữa kỳ bài, có một chồng quyển để thường và mỗi ngày một chất thêm cao. Thầy bước lên thì ngồi đó, quay mặt ra phía ghế xuân ý, coi rất nghiêm, vì bao giờ cũng khăn đen áo rộng.

Sách giảng hằng ngày là kinh, truyện, sử, mà cứ ngày chẵn ngày lẻ đổi khác nhau. Như ngày chẵn: Kinh Thi, truyện Luận ngữ, sử Hán, thì ngày lẻ: Kinh Dịch, truyện Mạnh Tử, sử Đường. Rồi theo đó cứ luân lưu mà giảng tiếp.

Thầy ngồi yên rồi, dưới nầy một trò nào chẳng hạn, chiếu theo ngay mà mở ba cuốn sách, nhằm chỗ tiếp với hôm trước, theo thứ tự đè chồng lên nhau và đem đặt lên ghế xuân ý, trước mặt thầy.

‒ Đọc đi! ‒ Thầy truyền.

‒ Dạ! 

Ai đó dạ cũng được; có khi đôi ba người hoặc đến nhiều hơn nữa dạ rập một lần. Rồi một người tốt giọng bắt đầu đọc. Đọc chậm rãi mà ngân ngợi. Được vài ba tờ, tới chỗ thầy bảo dứt thì dứt. Đến phiên thầy cắt nghĩa. Làm như thế xong quyển kinh; đến quyển truyện, quyển sử cũng lại làm như thế.

Thỉnh thoảng khi giảng xong một quyển, hoặc giữa khi đương giảng, thầy cũng có chọn một vài nơi khó hiểu mà hỏi bất kỳ trò nào thầy muốn hỏi. Hỏi để xem trò ấy có chăm chỉ mà nghe không, và có hiểu nghĩa lý trong sách không. Vì cớ ấy, người nào chăm học, trước khi nghe sách họ không nói chuyện, không đùa nghịch, để thì giờ mở xem bài sách sắp giảng, phòng lát nữa thầy có hỏi đến mình. Nhưng những người ấy thì lại thường bị bạn đồng học theo mà trêu chọc, chế báng.

Một lần nghe sách phỏng mất ba giờ đồng hồ. Theo tôi bây giờ mà đoán xét lại cái công tác của thầy trò chúng tôi hồi đó, thật chẳng ra chi. Thầy chỉ giảng theo các thuyết của thánh hiền và tiên nho, chữ đâu nghĩa đó, chứ chẳng hề có phát huy thêm được một chút gì. Thế đó mà cũng còn có nhiều người nghe như nghe chẳng lọt vào tai chứ đừng nói ghi vào dạ. Bạn đọc thử nghĩ: Như tôi, đi học với một ông thầy mười năm chẵn, mà cứ hết kinh, truyện, sử, lại kinh, truyện, sử, học đi học lại một bộ sách đến ba bốn lần, thế là học cái gì chứ? Mỗi ngày mất ba giờ đi nghe, rồi đến về nhà mất bao nhiêu giờ ngâm nga nghiền nghĩ nữa, mà tôi nhắm chừng chẳng có sở đắc gì tất cả!

Thường thường hễ giảng xong thầy gấp sách lại, là đứng dậy đi. Một đôi khi cũng có ngồi rốn lại, để hoặc trò nào hỏi gì thì đáp, hoặc thầy có chuyện gì đem nói cho cả trường nghe, nhưng sự ấy họa chăng mới có.

Bấy giờ lại bắt đầu có tiếng rùng rung... rùng rung... nữa. Hằng trăm người đứng lên một lượt ra về. Bỗng dưng mấy anh ngồi trên bộ ván phía chái sát tường lúc đứng dậy, anh nầy dính lấy anh kia, anh kia dính lấy anh nọ, kéo nhau nhùng nhằng nhủng nhẳng, ai nấy trông thấy đến tức cười. Thì ra trong lúc nghe sách, người nào chơi nghịch đã đem vạt áo trò này cột với trò kia, vạt áo trò kia cột với trò nọ, cột đến chín mười người ngồi chung một ván ấy!... Người chơi nghịch ấy là ai, phải chi là trường tiểu lập thì đã đem việc này “thưa thầy” và người ấy sẽ bị truy ra và bị trận đòn dữ dội; nhưng đây là học trò lớn thảy cả, những người bị cột áo dù tức cười, dù phát cáu cũng đứng lại mở lẫn cho nhau rồi ôm sách, xách nón ra về!

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 26 (30 Janvier 1937), tr. 3.

V
BÀI KỲ VÀ TỊCH THƯỢNG

Theo phép khoa cử: thi Hương thì trường nhất kinh nghĩa, trường nhì thi phú, trường ba văn sách, như tôi có nói ở đoạn trước rồi. Thí sanh nào đậu trường này mới được vào trường khác. Thí sanh nào đậu cả ba trường mà trường nào cũng chỉ được phê “thứ”, thế là sẽ liệt vào hạng tú tài. Còn ai, trong ba trường mà có một giở lên được phê “bình” hay “ưu” thì mới được vào trường tư, gọi là “phúc hạch”. Trường phúc hạch họa mới có người rớt; còn đỗ thì là cử nhân. Văn thể của trường tư gọi là “lược bị”, nghĩa là đủ mỗi thứ một chút: một bài kinh nghĩa, một bài phú ngắn, một bài văn sách ngắn.

Bởi thí thức như thế cho nên các trường tư cũng cứ theo như thế mà luyện tập cho sĩ tử. Đại để trường nào cũng tập làm bài một tháng ba kỳ, có ngày nhất định. Như trường tôi thì luôn mười năm lấy những ngày mồng một, mười một, hâm mốt mỗi tháng, không hề thay đổi. Ngày mồng một thì tập trường nhất: đề ra bảy bài kinh nghĩa, năm kinh hai truyện, nhưng mỗi quyển chỉ làm một kinh một truyện là đủ; còn ai có sức dư làm nhiều hơn, gọi là “kiêm trị”, càng hay. Sự đó cũng là chiếu theo thể thức ở trường thi. Ngày mười một thì tập trường nhì: đề ra một bài thi thất ngôn luật, một bài phú sáu vận, phải làm cả hai. Ngày hâm mốt thì tập trường ba: đề ra một bài văn sách dài, phần trước hỏi trong kinh sử, gọi là phần “cổ”; phần sau hỏi về thời sự, gọi là phần “kim”. Tiếng là thời sự, chứ kỳ thực, người ra đề không hề dám đả động một tý gì đến việc chánh trị triều đình cả; lúc trong trường thi đã vậy mà lúc ở nhà tập cũng vậy, người ta chỉ chiếu lệ ca tụng nhà vua mà thôi. Đại khái một trăm cái đề văn sách, cái nào về phần kinh cũng hỏi: “Hoàng thượng ta có tư bẩm thông minh, có đức tánh hiếu đễ; từ ngày lên ngôi đến nay, mọi việc đều sửa trị, muôn dân được an vui; bây giờ muốn trong nước càng thái bình hơn, thì nên làm thế nào cho được?"

Tôi còn nhớ vào những năm Đinh Dậu, Mậu Tuất, Thành Thái cửu và thập niên, mấy tỉnh chặng giữa Trung Kỳ mất mùa, đói kém, người ta chết đầy đường. Ngay ở Huế, quan phải làm trại kề chợ Đông Ba, nấu cháo mà phát chẩn hàng năm sáu tháng. Thế mà trong hai bài văn sách cả khoa Hương, khoa Hội hai năm ấy, người ta cũng cứ nói cái giọng “mọi việc đều sửa trị, trăm họ được an vui” mới nực cười cho! Nhờ cách học và thi ấy mà lúc bấy giờ có những ông cử ông tú không biết người Tây đến ở xứ ta làm gì, cũng không hay rằng nước ta bị bảo hộ nữa, dù trong đám họ có kẻ đã chính mắt trông thấy cuộc Kinh thành thất thủ!

Mỗi một kỳ bài nghỉ hai ngày. Rồi đến những ngày mồng ba, mười ba, hâm ba, mỗi trò phải nộp bài mình và lại bắt đầu nghe sách. Như thế, tính ra mỗi tháng được nghỉ sáu ngày, nhưng nghỉ để làm bài vậy.

Làm bài như thế gọi là “bài kỳ”, được đem về nhà thong thả. Còn có làm ngay ở trường trọn một ngày thì gọi là “tịch thượng” hay “nhựt lực”. Sự nầy tùy mỗi trường mà khác. Trường tôi thì cứ ba tháng làm nhựt lực một lần, mà một lần chiếm trọn ba ngày bài kỳ đã định trong một tháng. Nghĩa là trọn ngày mồng một làm trường nhất, trọn ngày mười một làm trường nhì, trọn ngày hâm mốt làm trường ba, mà đều làm tại trường cả. Có khi vì cớ học trò đông quá, trường không đủ chỗ cho họ ngồi, thầy cũng có cho phép đem về nhà trọ mà làm.

Trong thời kỳ còn đi học, tôi không lấy gì làm vui bằng gặp ngày “tịch thượng”.

Sáng sớm, ai nấy đều đã tới trường đông đủ cả. Mỗi người mang viết, mực, giấy nháp, quyển vở và yên, trắp theo. Yên, trắp dùng để đặt quyển lên mà viết trong khi làm bài xong. Cây viết họ thường giắt bên tai, một đầu lọt trong nép khăn, một đầu thọc ra ngay má.

Bữa nay thì kẻ đứng người ngồi, lộn xộn, không được tịnh túc như ngày thường nghe sách. Vì trước khi ra đề, ai ai cũng dộn dực muốn biết là đề gì, nên đi lại, xầm xì bán tán với nhau.

Đề viết trên một tờ giấy bạch mà thứ giấy đại, bằng chữ chơn phương hàng sáu, rồi dán trên một tấm bảng cót nho nhỏ. Một người trong nhà thầy cầm tấm bảng đi ra, đứng lên ván, treo vào cái đinh đầu cột cao quá với. Tức thì người ta bu lại như kiến, đứng dưới nhìn lên mà chép theo vào trong tờ giấy nháp của mình.

Thường thường, những ngày “nhựt lực”, thầy không ra mặt, như có ý để học trò được tự do đứng ngồi, khỏi phải thấy mình mà ké né.

Rồi thì trên các dãy ván, đến ngoài hè, ngoài vườn, bên những bụi chuối, đâu đâu cũng có người ngồi. Họ bắt đầu cùng nhau bàn luận về cái đề mục cho thật chín, rồi mới khởi sự làm bài.

Nhiều anh trong miệng thì hầm hầm, hừ hừ, cái đầu thì lắc qua lắc lại hay gục lên gục xuống, ấy là có thói quen mỗi khi nghĩ bài thì làm như thế. Trong lúc ấy họ cũng hay hút thuốc, hoặc thuốc quấn giấy, hoặc thuốc quấn nguyên lá như điếu xì gà. Một người xuống nhà dưới, kiếm một khúc dây dừa đứt, đem vô bếp đốt một đầu, rồi đem lên để dành thắp thuốc, vì bấy giờ còn hiếm diêm.

Nếu trong khi ấy mà có người ở một nước nào xa lạ đến xem, họ sẽ thấy mà không hiểu làm cái gì lạ thế: hàng mấy trăm người ngồi chung một chỗ mà người nào cũng cằm cằm cùng cục, tịnh không nói một tiếng nào!

Trưa rồi. Người nào ở gần thì chạy về ăn cơm. Còn ở xa thì có kẻ mang cơm đến. Một số người muốn cho tiện, lúc sáng ăn cơm đi, có ép mang theo một gói, bây giờ mở ra ăn. Giữa bữa ăn, người ta vẫn không chịu bỏ dở câu văn đương nghĩ, quăng đũa, cầm viết, thảo lia thảo lịa cho xong.

Xế qua, ai nấy khởi sự viết tinh vào quyển mình cho đến chiều thì đem nộp. Đến tối, ăn cơm hôm rồi mới đem nộp, tức là “ngoại hạn”, thầy không thâu nữa. Nhưng qua trường ba, bài văn sách khi nào cũng dài, thì được phép đốt đèn lên mà viết; có lúc thầy rộng lượng cho kéo dài cái kỳ hạn nộp quyển đến sáng hôm sau.

Ba kỳ nhựt lực xong ba trường, cũng có định một ngày nữa làm lược bị, tức là trường tư. Thế rồi xâu bốn kỳ lại mà chia thứ lớp ai đứng cao, ai đứng thấp và dán tên trên bảng, sau khi thầy chấm đi chấm lại hai lần.

Bài kỳ vậy mà nhựt lực cũng vậy, hễ thầy chấm xong, đến ngày phát quyển ra cho học trò là có bình văn. Cuộc bình văn cũng vui lắm.

Sáng hôm ấy, khi học trò tới đã đông, thầy giao ra những quyển được phê “ưu, bình” cho xem. Những người học còn kém, thường đem bút giấy theo mà biên những quyển ấy. Bài nào được trọn thì họ biên trọn; còn bài được một vài đoạn hoặc dăm ba câu, họ cũng không bỏ qua. Những bài biên lấy đó, họ đem về để dành, phòng sau có gặp những đề trùng hay tương tợ thì họ sẽ “ăn cắp”.

Hôm bình văn, thầy ra ngồi đàng hoàng như những ngày nghe sách. Trong những quyển bình ưu ấy, thầy chọn một vài quyển trổi hơn rồi bảo trò nào tốt giọng đọc lên. Dứt một đoạn, thầy cắt nghĩa cho nghe đoạn ấy tại sao mà được; và trong đó có điều gì đáng nói, thầy cũng nói nhân thể. Có khi thầy cho phép học trò chỉ trích những bài mà chính thầy đã phê “bình” phê “ưu”. Người nào có bài được đọc thì tự nhiên là ngày ấy không khỏi làm ra hãnh diện với anh em.

Một trường tư thục lớn như trường thầy tôi, xong bốn kỳ nhựt lực rồi mà ai đậu đầu, thật cũng có danh giá lớn lắm, không kém chi đứng đầu một kỳ hạch ở tỉnh mà người ta thường gọi là “đỗ đầu xứ". Tôi học trong mười năm mà chỉ được đậu đầu có một lần vào năm tôi 24 tuổi. Tôi lấy nhà tôi cũng tại lần đậu đầu ấy; vì sau khi ấy ông nhạc tôi kêu tôi mà gả con gái cho liền, tức là người vợ tôi bây giờ.

Cụ Thượng Phạm Liệu, bấy giờ giỏi nhất trường, hay đậu đầu lắm. Tiếng dậy cả một vùng, đến nỗi trong dân truyền nhau câu hát:

Nhất là Phạm Liệu Trừng Giang;

Nhì là lão Tuấn La Nang nhiều tiền.

Làng La Nang ở kế cận làng Nông Sơn. Lão Tuấn người ở làng ấy mà chẳng phải giàu gì cho lắm, vốn liếng chừng đôi ba ngàn quan tiền mà thôi. Chẳng biết người đặt ra câu ấy do tình thật hay là có ý nhạo ngầm!

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 28 (20 Février 1937), tr. 3.

VI
BẤY GIỜ...

Năm nay tôi lên 60 tuổi rồi, tôi còn phải chen lộn trong cái xã hội bây giờ để mà sống, rồi khi viết ra cái ký ức lục này cho người ta xem, tôi tình cờ nhớ lại cái tình trạng bấy giờ, vào khoảng đời học trò của tôi, tôi thấy như ở một thế giới khác hay trong giấc chiêm bao.

Mới hơn 30 năm mà chung quanh tôi cái gì cũng đổi khác cả, từ vật chất đến tinh thần.

Hôm qua, tôi ở chơi nhà một ông bạn già giàu có, thấy nói vừa mua cái măng-đa 200 đồng gởi cho thằng con học ở Hà Nội, trong số ấy, 120 để trả tiền cơm sáu tháng nay, còn 80 để may đồ mặc mùa lạnh.

Bạn đọc phải cho phép tôi ghen nó. Hồi đó tôi đi học, mỗi tháng, bà nội tôi chỉ gởi cho nhà trọ hai ang gạo với ba quan tiền. Tính đổ đồng ra giá bạc ngày nay, chừng trên một đồng bạc. Còn mặc thì một cái áo dài đen, hai cái áo dài trắng thay đổi nhau, quần được ba cái: hết thảy đều bằng vải, mà thứ vải bông ta làm ra ấy. Khăn đen thường bịt chỉ có một chiếc cho nên hôm nào được nghỉ ở nhà mới dám giặt nó mà thôi.

Thầy đối với chúng tôi như chẳng thèm kể đến công dạy dỗ. Mỗi một năm hai lễ tết, đoan dương và chánh đán, trò nào đi bao nhiêu thì đi, thầy chẳng hề nói ít nói nhiều. Thường thường là ba quan tiền với một quả nếp hay quả gạo. Con nhà giàu đi tết hậu hơn: sáu quan tiền hay một đồng bạc cùng với phẩm vật đáng giá, như là rượu, bún, trà. Còn có bao nhiêu trò vì nghèo quá, mỗi lễ tết chỉ đem đầu tới lạy thầy mà trừ. Những trò ấy có khi chạy ra một vài quan đem đến rồi thầy cũng cho lại. Vì vậy nên một trường lớn như trường thầy tôi mà mỗi lễ tết, thầy thâu vào không đầy một trăm bạc.

Bấy giờ sự sinh hoạt còn giản dị chất phác như vậy đó, đáng lấy làm lạ là sao trong việc thi cử, cái thói hối lộ lại mỗi ngày một nẩy nở thêm ra. Trước còn chưa mấy; từ khoa Giáp Ngọ, Thành Thái lục niên giở đi, các học quan (Đốc học, Giáo thọ, Huấn đạo) bắt đầu ăn của đút của học trò, thi cử thì khoa nào quan trường cũng có mang tiếng, cho đến khoa Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18, các quan chủ khảo trường Thừa bị kiện thì đã quá lắm vậy.

Những chứng cứ về việc ấy nếu kể ra cho hết thì nhiều lắm, đây thử nhắc lại một bài ca trù truyền tụng nhất lúc bấy giờ:

Tự cổ văn chương bằng chỉ thượng,

Vu kim nghĩa lý vấn nang trung.

Bảng trong trời chi thiếu mặt hổ long?

Đèn sách nọ không gia công mà cũng đặng!

Xin cho biết mực đen giấy trắng,

Tròm trèm ba chữ cũng dư thi.

Sẵn bạc nhà cắp lấy ra đi,

Vào thí viện, quyển làm chi chẳng tốt?

Vậy có câu rằng:

Cử nọ hai mươi hốt,(1)

Tú kia bát thập nguyên,

Ấy là phận, ấy là duyên,

 mà phong thổ âm công chi cũng đó,

Khi rước về, võng điều chấu đỏ,

Về đến nhà hỏi mụ sướng hay không?

Mụ rằng: Tôi cũng như ông!

Bài ca trù nầy truyền tụng đâu vào hồi khoa Ngọ, Thành Thái năm thứ sáu, cho nên mới có cái giá tú tài tám chục đồng. Chứ về sau thì càng ngày càng mắc, lo cho được cái tú tài cũng phải mất ba trăm đồng là ít.

Các học quan ăn tiền học trò chỉ ở kỳ hạch thi. Lệ thường, hễ năm sau đến khoa thì năm nay mỗi tỉnh mở một kỳ hạch. Người nào trúng kỳ hạch ấy mới kể là thí sanh và sang năm mới đi thi được. Bởi vậy, những trò dốt mà muốn đỗ phải lo với các ông Đốc học hay Giáo, Huấn. Các ông nầy họ tính cũng khéo lắm: cứ mỗi phủ, huyện, nhằm số thí sanh được bao nhiêu thì họ lấy già nửa phần danh sĩ sung vào; còn non nửa, họ chia tay nhau mà bán cho những kẻ bằng lòng bỏ tiền ra: thường thì một chục đồng, khi đắt đỏ lắm thì hai chục.

Từ Quảng Bình trở vô, mỗi tỉnh có lệ bổ học sanh. Cái lệ ấy từ trước là cái đặc ân để khuyến khích học trò mấy tỉnh đàng trong, mà từ bấy giờ là cái dịp để làm giàu cho mấy ông Đốc học, ông nào có bụng xấu. Như tỉnh Quảng Nam, theo lệ được mười tám học sinh, thì ông Đốc học bổ vào chừng mười người học giỏi, còn tám người thì ông chọn con nhà giàu, lấy mỗi người vài trăm bỏ túi.

Cái học khoa cử đã không ra chi rồi, mà trong cái không ra chi ấy lại còn có điều dơ bẩn đê hèn là cái thói hối lộ nữa, thì thật là đáng chán.

Ở trong hoàn cảnh ấy lâu ngày, nó đào tạo cho sĩ phu một cái đức tánh thông thường là: vô sỉ. Ban đầu còn ít, những kẻ đem tiền ra lo để mà đậu, khi về với làng nước hoặc ngồi giữa đám anh em còn có ý rụt rè lấy làm thẹn. Chứ đến sau, nhiều người làm như thế rồi, họ coi là sự công nhiên, họ cầm cũng như bỏ tiền ra quyên cái bá hộ hay cửu phẩm, vẫn nghênh ngang lên mặt giữa công chúng, không ngượng nghịu gì. Thậm chí có kẻ học giỏi mà nhà giàu, cũng đành bỏ tiền ra lo cho đậu đi, vì nghĩ rằng nếu cậy một sức học của mình thì không chắc.

Đó mới nói về phần “tiền”, còn về phần “thế” nữa. Thế tức là con cháu các quan.

Từ khoa Bính Ngọ giở đi cho đến các khoa dưới triều Duy Tân và triều Khải Định, một trường Thừa Thiên, khoa nào con cháu các quan đậu cũng nhiều. Thuở trước, làm quan lớn tại triều, có con thi đậu, dù có thực học đi nữa là các ngài cũng còn có ý tị hiềm. Nhưng bây giờ thì không. Các ông Thượng, ông Tham, ông nào có con cháu bao nhiêu thì kéo ra mà cho đỗ hết, như tuồng sợ rồi đây không còn thi nữa. Những người ấy ngày nay cũng đã nối dõi mà làm lên chức lớn rồi.

Tôi mà nói đến sự tình tệ trong khoa cử, những người biết tôi chắc cho tôi vì “nóng mũi” mà nói, vì mình thi hoài không đỗ mà đi bươi xấu chuyện họ để hả hơi. Ai ngờ cho tôi như thế thì tôi cũng xin vâng. Vì tôi đã là một kẻ đứng đơn với bọn Dương Thưởng kiện sự “thủ sĩ bất công” hồi khoa Ngọ, tôi đã làm cho mấy ông quan trường bị giáng bị cách thì tôi còn có sợ gì mà chối? Nhưng, tình thực, tôi viết đoạn nầy là do một ý khác.

Cũng từ khoa Ngọ, quan trường bị kiện đó mà rồi sau mỗi đến khoa thi, bên chính phủ Bảo hộ mới có phái quan dự vào. Thành ra, việc khảo thí là việc Nam triều được tự chủ lấy bấy lâu mà từ nay cũng bắt đầu bị can thiệp. Rõ thật là đáng tức!

Bởi vậy, trong đoạn này, tôi chỉ có ý cho bạn đọc biết các quan Nam triều từ hồi có Bảo hộ đến sau, càng ngày làm cho cái oai vọng của Triều đình càng sa sút. Việc thi cử cũng như mọi việc khác, các ngài cứ rủ nhau mà “phá bĩnh” hết thảy cho đến không còn gì nữa mới thôi!...

TÚ VƯỜN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 30 (13  Mars 1937), tr. 3.

Chú thích

(1)  Hốt là một nén, 10 lượng (nguyên chú)

VII

SẮP TỚI KHOA…

            Theo chế độ học đường ngày nay, mỗi năm thi một lần, người nào rớt được phép thi một lần nữa, thành thử các thí sinh có thể nghĩ rằng năm nầy không đậu còn năm khác, lần trước có hỏng còn lần sau, rồi họ coi cái khoa thi không lấy làm hệ trọng cho lắm. Chứ thuở trước, theo chế độ khoa cử, ba năm mới có một khoa; cho nên mỗi lần sắp tới khoa, trong đám sĩ tử, hiện ra cái vẻ nhộn nhàng một cách đặc biệt.

            Khoa hương mở vào những năm tý, mẹo, ngọ, dậu. Các trường ở Bắc Kỳ thi nhằm mùa đông, ở Trung Kỳ thi nhằm đầu mùa hạ, tháng tư. Người ta cố ý chọn nhằm mùa tạnh nắng. Những học trò ở các tỉnh thi tại trường thừa phải dự bị việc thi cử từ tháng tám năm trước đến tháng giêng tháng hai năm sau. Sự dự bị có hai điều này rất quan yếu: hạch thi và đầu tuyển.

            Hạch thi nghĩa là hạch qua cả học trò trong tỉnh một lượt, ai có đậu kỳ hạch ấy mới được ghi tên vào sổ ứng thí và sang năm mới được đi thi. Cuộc hạch nầy do các quan tỉnh và quan đốc học chủ trương, thường mở ra trong tháng tám năm trước.

            Ở tỉnh tôi thuở đó, mỗi lần hạch thi có đến năm bảy ngàn học trò ứng hạch, cho nên ngày ấy ở chỗ tỉnh thành cũng rộn rịp tưng bừng như những ngày thi ở Huế. Người nào muốn ứng hạch kỳ nầy trước phải do lý trưởng khai tên tại quan. Xong rồi, đầu quyển tại các trường huấn, giáo. Đến trước ngày hạch một vài ngày, các quan huấn, giáo đệ quyển đến nạp ở tỉnh. Những quyển ấy người ta cũng rọc phách và đánh dấu hiệu như quyển trường thi. Như ngày rằm tháng tám hạch, thì nội ngày 14, học trò các nơi đã lần lượt tụ về tỉnh, đến chiều tối đông đủ cả. Hôm ấy các hàng quán mở thêm ra, cho đến những người ở quanh đó bình thường làm ăn nghề khác mà đến mấy ngày này cũng đổ ra làm nghề bán rượu bán cơm.

            Mỗi lần hạch, người ta cũng chảy về tỉnh đông như thế, cũng làm cho quan tỉnh phải gia ý việc canh phòng hơn hồi bình nhật. Chiều hôm ấy đã có mượn lính tập dưới tòa lên gác. Còn tối lại, lính giản cứ xách dùi xách mõ đi trên bốn bờ thành, khắc canh cẩn thận. Chốc chốc lại có ống vọi trên thành truyền ra: “Ai ở đâu ở đó, đừng làm ồn, quan lớn quở!” Ống vọi mặc ống vọi, quan lớn mặc quan lớn, chứ tối hôm nay là một tối đặc biệt, đặc biệt cho bọn “nhất quỷ nhì ma”. Vào mùa nầy, chỉ sợ có trời mưa chứ nếu trời không mưa mà lại có trăng thì thôi, tha hồ cho anh em nghịch ngợm. Họ uống rượu, họ ghẹo các cô bán quán. Họ kéo nhau đi tốp năm người tốp mười người, hò la trần rĩ, đố ai mà cấm cho được. Chỉ có thầy nào hơi lớn tuổi, làm ra đạo mạo, thì mới chịu ở yên trong quán mà thử thách chữ nghĩa với nhau.

            Cửa thành đóng từ lúc chiều rồi đóng luôn. Lúc gần sáng, luận canh tư, trừ cửa tiền ra, còn ba cửa kia, mỗi cửa có một ông học quan coi việc xướng tên phát quyển cho học trò vào. Sáng thiệt mặt thì vào vừa hết.

            Có những nhà kho, xưa kia là nơi chứa lúa chứa tiền của hàng tỉnh, mà từ lúc quân ta không còn thâu thuế nữa thì nó bỏ trống, bây giờ đem làm chỗ cho học trò ngồi làm bài hạch. Tại đó nền bằng đất, vậy nên mỗi người phải mang theo một manh chiếu để mà ngồi – ngồi từ sáng cho đến chiều, gần tối mới ra. Cái kho chứa một lúc được dăm bảy ngàn người, cũng đủ biết nó rộng là dường nào, trước kia đã chứa bao nhiêu tiền và thóc.

             Các quan hội lại đông đủ. Đề ra. Ấy là “lược bị” mỗi thứ một ít, như có nói ở một đoạn trước.

            Học trò bắt đầu làm bài. Người nào học giỏi, văn nhanh, thì làm cho mình rồi, còn làm gà cho kẻ khác. Từ chiều hôm qua, hai người ấy họ đã mưu mẹo với nhau: khi vào ngồi chung một chỗ. Mỗi quyển gà như thế, đậu thì năm đồng, mà không đậu, cũng lấy công phu một vài đồng.

            Trưa lại, người ta cho những gánh hàng rong đem vào bán. Rồi nhân đó, bài gà ở ngoài cũng thừa cơ lọt vào. Vì một kỳ hạch như thế, thiếu chi các thầy cử thầy tú, nằm nhà ngứa nghề không chịu được, cũng đến nấp ngoài quán, xổ bụng chữ để kiếm ít nhiều. Những lính gác tại chỗ, thường là kẻ đem đề ra, đem bài vào cho họ.

            Mãn ngày là xong kỳ hạch. Sĩ tử ai về nhà nấy, mươi hôm sau đến coi bảng.

            Nói vậy chứ cũng có kẻ không chịu về. Họ ở lại để năn nỉ, đút lót, xin xỏ cùng các quan có quyền trong việc ấy. Ấy là những kẻ học kém mà cố sang năm đi thi để cho dễ hỏi vợ. Sự vận động của họ phần nhiều là thành công, vì các quan giáo chức “khó” lắm, chỉ có ngày nầy là ngày mùa của các ngài.

            Ngày treo bảng. Hôm nay người ta chỉ nóng muốn biết ai là đầu xứ. Đầu xứ tức là người đỗ đầu kỳ hạch nầy. Ở tỉnh tôi, đã lâu rồi, hễ người nào đậu đầu kỳ hạch nầy thì năm sau cũng đỗ cử nhân. 

Những người nào có tên trên bảng, tức là hạch đậu, qua giêng hai phải lo đầu quyển.

Đầu quyển, một việc coi không chi mà thật là rắc rối. Thuở trước, học trò thi sợ nhất là việc đầu quyển. Nó không gì khó lắm, chỉ người ta vẽ chuyện để kiếm tiền, hễ có tiền thì là dễ.

Quyển đóng bằng thứ giấy tốt, dày và trắng, gọi là “giấy thi”. Mỗi cái quyển phải đóng 10 tờ giấy, mà mỗi người là hai cái quyển, vì họ phỏng định cho người nào cũng vào đến trường ba cả. Nhưng có đâu. Phần nhiều là hỏng trường nhất và trường nhì, như thế rồi những cái quyển trắng thừa ra ấy, về sau các quan trường đem chia với nhau. Cho nên mỗi một ông quan đi chấm trường về, ông nào cũng có bợ được một mớ quyển ấy, tùy quan lớn hay nhỏ mà được chia nhiều hay ít.

Quyển đầu tại trường Đốc. Một người thuộc viên của quan Đốc kêu bằng “Tự thừa” coi việc nầy. Quyển đem đến, Tự thừa đưa lên mặt trời mà xem từng tờ. Xét tờ nào có tỳ một chút cũng bất đi. [a] Đến cái tên và những chữ đề trước mặt quyển mới càng làm lôi thôi nữa. Số là, dưới chữ họ và tên to, có song cước mấy hàng chữ nhỏ, là niên canh quán chỉ và cung khai tam đại. Họ có lập ra một câu luật sẵn: “niên tằng cung canh, tuế cố”. Nghĩa là trong mấy hàng song cước ấy, chữ “niên” phải viết ngang với chữ “canh”, chữ “tuế” phải viết ngang với chữ “cố”. Cái quyển nào viết không đúng luật ấy, họ không nhận cho.

Mà tôi đố anh, dẫu anh có làu thông cái luật ấy rồi, anh tự đề lấy, dầu có đúng đến đâu là người ta cũng kiếm cách mà bắt bẻ anh cho được mới nghe. Thế rồi, âu là chi, thua buồn, [b]  anh phải bỏ ra một vài quan tiền, thuê người ta đề hộ, là trôi việc hơn hết.

Mỗi một người nộp quyển phải nộp kèm theo một quan tiền. Quan tiền ấy không rõ để tiêu về việc gì, thấy nói về phần quan Đốc thâu. Còn ngoài ra, có kiếm thêm được nhiều ít, đó là riêng Tự thừa chấm mút.

Lúc tôi còn đi thi, gặp mỗi lần đầu quyển là tôi phản đối “quan tiền lệ” đó một cách kịch liệt lắm. Giữa công đường, tôi cứ hỏi to lên rằng: “Quan tiền nầy là quan tiền gì?” Rồi Tự thừa lại bấm tôi mà bảo nói nho nhỏ. Nhờ đó nên quyển tôi đưa vào, người ta cứ thâu, chớ không hạch nhột gì hết.

Phải chi tôi biết nhà nước Bảo hộ sau nầy cứ mỗi lần thi tú tài bắt bắt nạp 5$00, thi cao đẳng tiểu học bắt nạp 3$00, cho đến thi tiểu học cũng bắt nạp 0$50, thì thôi, hồi đó tôi đã vui lòng mà bỏ một quan vào túi người ta!

(còn nữa)

            TÚ VƯỜN    

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 32 (27  Mars 1937), tr. 5.

Chú thích

[a]  bất: bỏ đi (H. T. Paulus Của: sđd.)

[b]  thua buồn: buồn vì mỏi mệt, mất công;  rủn lòng, thối chí (H. T. Paulus Của: sđd.)