PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

VẤN ĐỀ CHUYỂN DỊCH

NHỮNG DANH TỪ ĐỊA DƯ NƯỚC NGOÀI RA TIẾNG TA

Danh từ địa dư nước ngoài: ý tôi muốn nói những tiếng chỉ tên đất, xứ, núi, sông, đô thị, v.v... trên thế giới ở ngoài đất xứ Việt Nam chúng ta.

Hình như đối với phần đông ngày nay, sự chuyển dịch những danh từ ấy ra quốc âm không thành vấn đề. Ai muốn dịch cũng được; ai không muốn dịch, cứ chép nguyên lại chữ Pháp, tưởng cũng không hại gì.

Sao lại không thành vấn đề? Thành lắm chứ!

Một thứ tiếng muốn được gọi là đầy đủ, ngoài những danh từ chỉ tên sông, núi, tỉnh thành, v. v... trong nước, cần phải có những danh từ chỉ tên các vật đó của nước ngoài. Tiếng Việt Nam về mặt nầy, cũng như về các mặt khoa học, triết học, hãy còn nghèo lắm. Sự thiếu thốn đó, hằng ngày chúng ta thấy trên mặt các báo chương. Đã nghèo đã thiếu thốn, sao chúng ta không chịu để tâm phiên dịch?

Cái lối thông dụng hiện thời, mỗi khi gặp một danh từ địa dư nước ngoài, nhất là Âu Mỹ, là viết nguyên lại tiếng Pháp. Lối ấy hẳn có tiện lợi cho đám Tây học lắm. Nhưng còn đối với những người chỉ biết có chữ quốc ngữ, thuộc về phần đông? Vả lại, sự để nguyên tiếng Pháp đó, chúng tôi cho cũng khiên cưỡng lắm nữa. Nói: “cuộc nội loạn ở nước Espagne” mới nghe hình như được, nhưng xét kỹ, thấy nó chướng vô cùng.

Một lối khác, thịnh hành hồi “đời Nam Phong”, là mượn những chữ dịch sẵn của Tàu. Sao lại mượn của Tàu? Sở dĩ người Trung Hoa đã chuyển dịch một danh từ địa dư nước ngoài ra chữ nào đó của họ là bởi khi phát âm chữ ấy lên, nghe nó vẫn dịp với nguyên ngữ họ đã đem ra dịch. Nếu chúng ta nhè mượn chữ ấy, ắt phải sai, vì cùng một thứ chữ Hán mà họ đọc khác, chúng ta đọc khác. Nam tư lạp phu, Tiệp khắc, chúng ta đọc thế, nhưng đến chừng những chữ ấy vào cửa miệng người Tàu thì chúng nó có còn là “Nam tư lạp phu”, “Tiệp Khắc” nữa đâu.

Vậy, như chúng ta thấy, hai lối kể trên đều đã không đứng vững được rồi. Không đứng vững, vì không hợp lý. Chúng ta cần phải tìm những phương pháp hợp lý hơn.

Dưới đây là những thiển ý của người viết bài nầy.

***

 

Trước hết nên nói rằng không phải gặp bất kỳ danh từ địa dư nào chúng ta cũng phải dịch cả đâu. Là vì trên thế giới có biết bao nhiêu tên đô thị, xứ, sông, núi, làng, tổng, v.v..., nếu mỗi từ đều dịch thì chẳng phiền lắm ư? Không, chúng ta chỉ sẽ dịch những tên thường dùng thôi, những tên mà sau nầy trong quyển Việt Nam tự điển cần phải có. Ấy là như tên các nước, dân tộc, tên các thành phố, hải cảng lớn, tên các sông, núi lớn vậy.

Lẽ ra sự phiên dịch ấy muốn được đúng phương pháp, phải dựa theo từng nguyên ngữ trên thế giới. Ví dụ: muốn dịch tên thành phố của một nước A, cần phải biết người nước A gọi thành phố ấy bằng gì; hay tên một con sông của nước B, cần phải biết ở nước B nó mang cái tên gì.

Nhưng, nếu thế thành ra chúng ta cần phải thông hiểu hết cả các thứ tiếng trên thế giới, một sự hầu không thể được. Cho được giảm tiện công việc, thiết nghĩ chúng ta chỉ sẽ lấy một tiếng Pháp làm mực cũng đủ rồi. Chúng ta sẽ dựa theo tiếng Pháp mà dịch những danh từ cố hữu (noms propres) nước ngoài, cũng như người Tàu, người Nhật phần nhiều đã dựa theo tiếng Anh vậy.

Dựa, chứ không phải chép nguyên lại đâu.

Tôi tiến cử tiếng Pháp, một lẽ bởi sự tình cờ trong lịch sử đã làm cho nó có quan hệ mật thiết với tiếng ta; thứ nữa vì nó là thứ tiếng phong phú, cái kho danh từ cố hữu nước ngoài của nó rất dồi dào, và cứ như chỗ tôi trông thấy, thì người Pháp, trong việc phiên dịch những danh từ ấy, phần nhiều đã theo đúng phương pháp nói trên. Lẽ thứ ba, tuy nó là một sự dĩ nhiên, nhưng cũng phải nói lẽ thứ ba là cùng một chữ Pháp, người Pháp và người Nam vẫn phát âm như nhau.

Tôi chỉ còn việc cử ra đây vài tỉ dụ để hiến bạn đọc.

Cái nước vừa rồi bị quân của Mussolini chinh phục, người Pháp gọi là Éthiopie. Không cần biết người nước ấy gọi Tổ quốc của họ là gì, chúng ta cứ theo tiếng Pháp mà chuyển dịch ra: Ê ti ô phi. Người ta có thể nghi cho người Pháp đã chuyển dịch sai nguyên ngữ. Nhưng đây, cùng một nước ấy, người Anh gọi Ethiopia, khác nhau chỉ một âm cuối cùng thôi. Sở dĩ khác là để cho sự phát âm được dễ dàng, cũng như chúng ta đã đổi âm cuối pie của chữ Ethiopie ra phi để cho dễ đọc.

Naples, tên chữ Pháp một thành phố của nước Ý, sẽ chuyển ra Náp mà không sợ sai lầm. Vì chính người Ý gọi thành phố ấy của họ là Napoli, đây cũng như chúng ta dịch tắt đi cho gọn đó thôi.

Cứ theo phương pháp ấy thì chữ Mexique chỉ một nước ở Trung Mỹ, sẽ không là Mễ-tây-cơ như theo lối mượn của Tàu mà là Mét-xích. Cùng một nước ấy, chính người Anh gọi: Mexico, và người Đức: Mexiko; vậy chữ dịch của chúng ta kia theo đó, lại càng có thế mà đứng vững được.

Người ta sẽ bảo: “cái lối dịch ấy khó nghe lắm!” Khó nghe, nghĩa là nôm na quá, có vẻ An Nam quá chứ gì? Thì tưởng cầu cho nó nôm na, cầu cho nó có vẻ An Nam.

Trong quyển Tây phù nhật ký của cụ Phạm Phú Thứ mà trên báo nầy đã có lần nhắc đến, ra đời từ bảy mươi năm về trước là cái hồi người Tàu có lẽ chưa làm cái việc phiên dịch những danh từ Âu Mỹ cho người An Nam hễ thấy của sẵn là mượn ngay, chính cụ đầu tiên đã dịch những tiếng ấy bằng lối An Nam đó, thì phỏng đã sao? Chính cụ đầu tiên đã dùng chữ Mét-xích, đã dịch chữ Lyons ra Ly-ông, Alger ra An-dê, Etna ra Yết-na, vân vân...

***

 

Cái lối dịch trên nầy không phải hẳn là hoàn toàn, nhưng tôi tin rằng nó có phần hợp lý hơn các lối khác. Song, không phải nhất đán gặp chữ nào cũng cứ theo lệ chung ấy mà dịch ra tiếng ta cả đâu. Đây, xin cử ra mấy cái lệ ngoại.

1) Bạn đọc nãy giờ hẳn lấy làm lạ sao tôi đã chỉ trích lối mượn chữ dịch sẵn của Tàu mà còn dùng những chữ “Pháp”, “Anh”, “Đức”, “Ý”... là những chữ chính nguyên của họ mà chúng ta đã đem về làm của An Nam. Đó, là cái lệ ngoại thứ nhứt mà tôi muốn nói vậy.

Có nhiều chữ tuy của người Trung Hoa mà chúng ta đã mượn, nhưng vì dùng quen, bây giờ tưởng nên để nguyên, không phải đổi. Nếu đổi, thành ra rắc rối, và sẽ không ích gì. Ấy là như tên các nước, dân tộc vừa kể trên và người tên các châu trên thế giới.

2) Lệ ngoại thứ hai thuộc về những danh từ địa dư của Tàu. Đây chúng ta không cần phải lấy chữ Pháp làm gốc, mà cứ theo lối thường dùng xưa nay, nghĩa là cái tên bằng chữ Hán chúng ta phát âm thế nào, viết ra quốc ngữ như thế. Thượng Hải, Hán Khẩu, Bắc Bình... sẽ vẫn giữ nguyên chứ không vì những chữ Shanghai, Hánkéou, Pei Ping... mà thay đổi. Đó, cũng vì lẽ dùng quen vậy.

3) Trong số danh từ địa dư, có nhiều chữ không phải đột nhiên vô cớ mà có, nó có khi do một cái lai lịch, có khi do một cái địa thế, có khi do một hình thể hay tánh chất tạo nên. Trong những ca ấy, tiếng danh từ cố hữu thường có nghĩa. Đã là có nghĩa thì chúng ta phải tìm những chữ đồng nghĩa mà dịch, chứ không thể nhắm mắt theo lệ trên.

Ví dụ: chữ Terre Neuve, tên một đảo của Bắc Mỹ, nó có ý chỉ một nơi người ta mới tìm được, vậy mà nếu ta cứ chuyển dịch thành Te-Nơ, thì thật quá ư khờ khạo. Ta sẽ dịch: Terre Neuve = Đất mới cũng như người Anh đã gọi hòn đảo ấy là Newfoundland vậy (new = mới; foundland = đất tìm được).

Cái biển nhỏ ngăn đôi hai nước Anh, Pháp, người Pháp gọi là Manche. Manche, chúng ta không thể chuyển dịch thành Măngsơ bởi nó là một chữ có nghĩa. Manche cũng như chữ détroit, nghĩa là eo biển: bởi vì cái biển nhỏ ngăn đôi hai nước Anh, Pháp là một eo biển, cho nên người ta gọi nó là Manche. Vậy Manche, chúng ta sẽ dịch ra: Eo Biển, rất đúng, cũng như người Anh đã dùng chữ Channel, nó đồng nghĩa với chữ manche của Pháp và chữ eo biển của ta. (1)

Một hòn núi của Pháp có tên là Mont Blanc, bởi vì trên chỏm quanh năm phủ tuyết trắng bạc. Vậy Mont Blanc, chúng ta sẽ dịch ra Núi Trắng hay Núi Bạc, chứ không phải Mông-Lăng như theo lệ chung nói trên

***

 

Nói tóm lại, vấn đề chuyển dịch những danh từ địa dư nước ngoài ra tiếng ta không phải là chuyện có thể bỏ qua như nhiều người tưởng lầm. Cái ý kiến lấy chữ Pháp làm gốc trong sự chuyển dịch ấy trên đây chỉ là cái ý kiến của một người, và chỉ của một người thì chắc không khỏi có chỗ khuyết điểm: chúng tôi ước ao được nghe những lời phủ chính của bạn đọc.

Còn những danh từ nước ngoài chỉ tên người, chúng ta có nên dịch không? Trong một bài sau, tôi sẽ nói đến.

P. T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s.  29 (27 Fevrier 1937), tr.  3.

Chú thích

(1) Về chữ Manche, tôi không thể không nhắc đến một cái ngờ nghết buồn cười thường thấy của một vài tờ báo hằng ngày ở đây. Có lẽ vì không hiểu chữ Manche, nên mỗi khi có tin gì về eo biển ấy, người ta thường viết: “Một người Pháp lội qua eo biển Manche”, hoặc: “Chiếc tàu X của Anh cháy trên eo biển Manche”. Nhưng nói thế thì thà nói: “Vợ tôi ma femme...”, chẳng đã tạo nên được một câu khôi hài ý vị hơn! (nguyên chú)

[a] Bài này ký bút danh P. T. T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.