PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG ĐÃ LAN ĐẾN HUẾ

Mặc cho Nam Bắc ồn ào, sôi nổi vì những cuộc bãi công, chốn Đế đô lâu nay vẫn giữ được vẻ lạnh lùng, yên tĩnh của mình, nó là hình ảnh của con sông Hương êm ả chảy xuôi dòng.

Nhưng đã là phong trào thì dù đến kẻ hiền từ rồi nó cũng lôi cuốn. Thì Huế cũng quả đến ngày bị phong trào đình công lôi cuốn.

Ngày 27 Janvier, có trên 150 vừa thợ may, vừa thợ đóng giày đều rủ nhau nghỉ việc.

Họ yêu cầu chủ tăng lương từ 50 đến 60%, bớt giờ làm việc, nghỉ ngày chủ nhật vẫn ăn lương, sửa lại xưởng làm cho hợp vệ sinh, cùng việc thi hành các luật lao động.

Buổi sáng, thợ kéo nhau sang Thừa phủ nhờ quan Phủ can thiệp. Ngài cho đòi các ông chủ hiệu sang hiểu dụ.

Kết cục, các ông chủ hiệu giày bằng lòng để thợ mình hưởng các khoản sau đây:

1) Tăng lương 30% (cả thợ làm công và khoán);

2) Mỗi ngày làm 10 giờ;

3) Chủ nhật nghỉ nửa ngày, ăn lương;

4) Tết An Nam nghỉ 7 ngày, ăn lương;

5) Sau cuộc đình công, không đuổi thợ và bắt thợ;

6) Chủ thôi thợ, thợ thôi chủ, phải báo trước 15 ngày.

Về điều xưởng làm buộc phải sửa lại cho hợp vệ sinh, không thể y theo được.

Các thợ giày đã ưng thuận các điều khoản trên này và sẽ đi làm nay mai.

Về phần thợ may, tất cả trên 100 người, nội ngày 27 chưa giải quyết xong, vì về chỗ tiền lương, họ đòi tăng lên 60%, các ông chủ cho cao quá, không thể đương nổi. Ngày 28 thợ và chủ lại kéo qua Thừa phủ. Nhờ sự điều đình của quan trên, chủ và thợ đều ưng thuận tăng lên 40%.

Thế là cuộc đình công đầu tiên ở Huế đã kết liễu nội trong hai ngày. [a]

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 26 (30 Janvier 1937), tr. 7.

Chú thích

[a] Bản tin này không ký tên, tức là tác quyền thuộc về tòa soạn, cũng tức là có thể do chủ bút Phan Khôi viết.