KHỔNG ẤT KỶ

Truyện ngắn của L. S.

Cách chưng dọn của mấy tiệm rượu ở chợ Lỗ có vẻ khác mọi nơi: một cái tủ lớn hình cây thước đẩu của thợ mộc nằm ngang theo đường; trong tủ dự bị sẵn nước sôi để lúc nào cũng hâm được rượu. Cứ đến trưa, chiều, những công nhân đi làm về, dốc túi bỏ ra mỗi người bốn đồng tiền điếu ‒ đó là hai mươi năm về trước, chứ bây giờ đã lên mười đồng điếu rồi ‒ đổi lấy một chén rượu còn hẩm, đứng dựa vào tủ mà nốc ngon lành. Giá thêm một đồng điếu nữa, họ có thể mua được một đĩa măng muối, hay một đĩa đậu hồi hương làm quà nhấm rượu; và giá bỏ thêm mười đồng điếu thì họ lại mua được một món thịt xào hay thịt hầm. Nhưng họ toàn là hạng người quần vắn áo cụt, làm gì có tiền ăn tiêu rộng rãi như thế. Họ đâu phải là những người đánh cái áo dài sang trọng, đến tiệm thì vào tận nhà trong, có sáo rủ mành che, bệ vệ ngồi nhấm các thức ngon vật lạ.

Năm lên mười hai tuổi, tôi làm công trong một tiệm rượu ở đầu chợ, hiệu Văn Đức. Người tài phú bảo bộ dạng tôi ngu ngốc, e không tiếp được khách sang, bèn cắt tôi coi việc nhà ngoài. Công việc hầu hạ ở đây thực là dễ dàng, nhưng phải cái bọn khách nói năng thô lỗ và không được rõ ràng, nên nhiều khi cũng đến bực. Họ lại hay xét hạch xem rượu vàng có phải từ trong hũ rượu múc ra không, trong bình có nước không. Dưới sự giám thị gắt gao ấy, pha nước thực lấy làm khó, nên nhiều lần, vì công việc không chạy, tôi đã bị tài phú rầy la. Lẽ ra tôi cũng đã bị đuổi rồi, nhưng vì sợ mách lòng người đã đem tôi vào làm là người có danh giá, nên sau, họ chỉ đổi tôi sang giữ việc hâm rượu là một việc hết sức vô vị.

Từ đấy, trọn ngày tôi chỉ đứng dựa bên tủ rượu, giữ lấy việc của tôi. Tuy không xảy ra điều chi thất chức, nhưng thực là buồn tẻ. Chỉ những lúc có mặt ông Khổng Ất Kỷ, người khách hàng mà sau bao nhiêu năm, vẫn như in trong trí nhớ tôi, là tôi mới cười được vài tiếng mà thôi.

Khổng Ất Kỷ người cao lớn, da mặt nhăn và trắng xanh, nhiều nơi có sẹo, râu hoa râm. Ông thường mặc một cái áo dài đã rách nhiều chỗ, mà màu vàng mục và mùi hôi nồng như bảo rằng từ lúc nào đến giờ nó chưa được chủ nó nhúng qua một lần nước. Có tính khểnh khảng, lại hay nói chữ, ông đã đóng vai một ông già mà bọn trai hễ thấy là chỉ muốn chọc ghẹo. Mỗi lần ông bước vào tiệm, mọi người không bảo nhau đều phá lên cười, rồi kẻ đâm câu nầy, người thọc câu nọ, kết cục đến bắt ông phải xổ ra những Tử viết cùng Thi vân để mà răn dạy lũ hậu sanh ngạo mạn kia. Chính cái tên Khổng Ất Kỷ, là do người ta, vì muốn chế giễu ông, đã lấy ra từ mấy chữ Thương đại nhân khổng ất kỷ mà đặt cho ông.

Tôi còn nhớ, một hôm ông vừa đặt chân lên thềm, đã có người trêu:

‒ Khổng Ất Kỷ, mặt ông lại thêm một cái sẹo nữa rồi.

Nhưng không thèm trả lời, và đi thẳng lại tôi, ông lạnh lùng:

‒ Hai chén rượu hâm và một đĩa đậu hồi hương.

Dứt lời, ông đặt trên bàn chín đồng điếu. Người ấy lại trêu:

‒ Khổng Ất Kỷ làm gì có tiền, chắc ông đã trộm được của ai...

Khổng Ất Kỷ lườm:

Sao anh dám vu khống cho người ta?

‒ Vu khống? Thì hôm kia, chính mắt tôi trông thấy ông ôm trộm sách của nhà họ Hà, bị treo lên đánh.

Khổng Ất Kỷ đỏ mặt, mấy sợi gân xanh trên trán nổi lên:

‒ Trộm sách không phải là ăn trộm. Trộm sách, mà bảo rằng ăn trộm sao?

Rồi tiếp theo đó là một tràng chữ khó hiểu, nào quân tử cố cùng, nào dã hồ, khiến mọi người đều cười vang.

Ông Khổng Ất Kỷ thuở nhỏ có đi học, nhưng không đỗ đạt gì, lại không chịu chăm công việc làm, nên mỗi ngày thêm nghèo, suýt phải đi xin ăn. May được cái chữ viết rất tốt, nên ông thường đi biên chép sách vở thuê, để đổi lấy chén cháo, bát cơm. Nhưng ông lại là người ưa chè chén và lười biếng. Có khi công việc đương dở dang, ông bỗng lén ôm sách, giấy, bút, mực đến ngồi trong quán rượu. Vài lần như vậy, sau không ai dám gọi ông biên chép nữa. Cùng phương, ông Khổng Ất Kỷ đâm ra làm những việc: trộm, cắp. Nhưng tại tiệm chúng tôi, ông vẫn là người khách hàng rất đúng mực, không bao giờ uống chịu qua một đồng nào. Thảng hoặc, vì ông không có tiền mặt, tạm thời phải ghi tên ông trên tấm bảng: nhưng không quá một tháng, đã lại thấy ông mang tiền đến trả, rồi ba chữ “Khổng Ất Kỷ” lại bị bôi đi.

Ông đã hớp xong nửa chén rượu, da mặt đỏ ban nãy bây giờ đã dịu dần. Những người đứng cạnh bên hỏi ông:

‒ Khổng Ất Kỷ, ông biết chữ thực à?

Ông Khổng Ất Kỷ đưa mắt nhìn, như có ý bảo: với hạng người như các anh, không hơi đâu mà cãi cọ, thì chúng lại tiếp:

‒ Sao cái bằng tú tài ông cũng không vớ được?

Ông Khổng Ất Kỷ liền sa sầm nét mặt, rồi lại lẩm bẩm trong miệng nào chi, hồ, giả, dã, nào Tử viết, Thi vân, không còn ai hiểu được tí gì, khiến mọi người đều cười vang.

Trong những lúc ấy, tôi cũng phụ họa cười theo, người tài phú cứ để tôi tự nhiên, không rầy mắng. Mà chính ông ta, hễ thấy ông Khổng Ất Kỷ đâu là cũng theo chọc ghẹo như những người khác vậy. Biết mình không thể đối phó lại bọn ấy, ông Khổng Ất Kỷ thường tìm đến trẻ con mà chơi đùa. Có một lần, ông hỏi tôi:

‒ Mầy có đi học không?

Tôi gật đầu. Ông lại nói:

‒ Có đi học... Vậy tao đố mầy: đậu hồi hương, chữ hồi viết thế nào?

Tôi nghĩ thầm: ông nầy bộ dạng như người ăn xin, sao dám đố mình. Rồi quay đi mà không đáp. Ông Khổng Ất Kỷ tỏ vẻ khẩn thiết:

‒ Mầy không biết viết? Thế để tao dạy cho. Nhưng chữ nầy cần phải nhớ, ngày sau làm tài phú, biên sổ phải dùng đến nó.

Tôi lại nghĩ: Địa vị mình với tài phú còn cách nhau xa quá, và tài phú chúng mình cũng chưa từng biên đậu hồi hương vào sổ bao giờ. Vừa nực cười, vừa bực mình, tôi bèn uể oải đáp:

‒ Không cần ông dạy... Thì chữ hồi gồm một chữ thảo với dưới một chữ hồi, chứ lại khó lắm sao?

Tỏ ý vui vẻ, ông Khổng Ất Kỷ gõ hai cái móng tay dài có đến ba phân trên mặt bàn, vừa gật đầu.

‒ Trúng rồi! Trúng rồi! Nhưng chữ hồi có bốn cách viết, mầy biết không?

Ông Khổng Ất Kỷ liền nhúng móng tay vào chén rượu, dợm viết trên bàn cho tôi xem, bỗng thấy tôi tru miệng rồi quay đi, ông thở dài một cái, như lấy làm tiếc lắm vậy.

Có vài lần, trẻ nhỏ gần bên nghe tiếng cười, sang vây lấy ông Khổng Ất Kỷ mà đùa nghịch. Ông bèn cho đậu hồi hương chúng ăn, mỗi đứa một hột. Ăn hết đậu, chúng vẫn không chịu giải tán, cặp mắt lăm lăm ngó cái đĩa. Ông Khổng Ất Kỷ hoảng hốt sè bàn tay úp lên mặt đĩa, và khòm lưng mà rằng:

Không bao nhiêu, không còn bao nhiêu.

Rồi đứng thẳng lưng, ông ngó đĩa đậu, lắc đầu:

Bất đa, bất đa! Đa hồ tai? Bất đa dã!

Rồi đó, bầy trẻ, sau một trận cười vang, đi mất.

Ông Khổng Ất Kỷ khiến người ta được vui vẻ, nhưng không có ông, người ta cũng qua ngày tháng.

Một hôm, đâu vào khoảng trước trung thu vài ngày, tài phú đương lẩm nhẩm tính sổ, bỗng nói:

Ông Khổng Ất Kỷ không lại đây đã lâu rồi. Ông còn thiếu mười chín đồng điếu!

Tôi cũng cảm thấy thực đã lâu ông không lại đây. Một người uống rượu nói:

‒ Ông làm sao lại được?... Ông bị đánh gãy cẳng rồi.

Tài phú:

‒ Úy!

‒ Ông vẫn giữ thói ăn trộm như cũ. Lần nầy, ông vào nhà ông Cử Đinh. Nhưng của cải ông đó, trộm sao đặng?

‒ Sau lại, thế nào?

‒ Thế nào? Trước hết họ viết tờ phục biện, sau đánh, đánh đến quá nửa đêm, đánh ông gãy cẳng.

‒ Đánh gãy cẳng, rồi sao?

‒ Sao... ai biết! Có lẽ chết rồi.

Tài phú không hỏi nữa, và lẩm nhẩm tính sổ lại.

Trung thu đã qua, gió thu càng thổi lạnh, xem chừng mùa đông cũng sắp đến. Trọn ngày, tôi đứng bên lò lửa, mình vẫn mặc áo ngự hàn. Buổi chiều hôm ấy, hiệu vắng, không có lấy một người khách. Tôi đương ngồi lim dim đôi mắt, bỗng nghe có tiếng người: “Hâm một chén rượu”. Tiếng tuy thực nhỏ, nhưng không phải lạ. Day lại không thấy ai, tôi bèn đứng dậy, trông ra ngoài, thì thấy ông Khổng Ất Kỷ ngồi ngay thềm cửa dưới chân tủ rượu. Mặt ông đen lại gầy, như không thành mặt; cái áo lót đã rách tả tơi như không đủ che thân ông. Thấy tôi, ông lại gọi:

‒ Hâm một chén rượu!

Tài phú ló đầu ra:

‒ Ông Khổng Ất Kỷ? Ông còn thiếu mười chín đồng điếu!

Ông Khổng Ất Kỷ ngước mặt lên, nhăn nhó:

Số ấy xin để lần sau sẽ trả. Hôm nay mua tiền mặt, vậy rượu phải cho ngon.

Cũng như mọi lần, tài phú cười:

Khổng Ất Kỷ, ông lại trộm đồ của ai rồi.

Khác với ngày nào, ông chỉ trả lời một câu:

‒ Đừng bỡn cợt.

‒ Bỡn cợt! Nếu không trộm, thì sao lại bị đánh gãy cẳng.

Ông Khổng Ất Kỷ nhỏ nhẻ:

‒ Té gãy, té, té...

Cặp mắt ông dường như cầu khẩn tài phú đừng nhắc đến việc đó nữa. Lúc ấy đã có thêm hai ba người khách họ cùng tài phú đồng cười. Tôi hâm rượu rồi để trên thềm cửa; từ chiếc áo rách ông móc ra bốn đồng tiền điếu đặt vào lòng bàn tay tôi. Tay của ông dính đầy những bùn, đất. Chẳng bao lâu, ông uống cạn chén rượu, rồi giữa lúc mọi người chỉ ông, cười, nói, ông lẳng lặng mang gói ra đi.

Từ đấy về sau, lại chẳng thấy ông Khổng Ất Kỷ trong một thời kỳ khá lâu. Tết đến, tài phú lấy tấm bảng xuống.

‒ Khổng Ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng điếu.

Đến Đoan ngọ (mồng năm tháng năm) năm sau tài phú lại nhắc:

‒ Khổng Ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng điếu.

Đến Trung thu thì không nghe nhắc đến ông nữa; tết lại, vẫn không thấy ông.

Đến bây giờ, tôi vẫn không thấy mặt ông; có lẽ ông Khổng Ất Kỷ đã chết thực rồi. [a]

L. S.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 27 (6 Février 1937), tr. 6

Chú thích

[a] Truyện ngắn này là của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn (1881-1936); bản dịch này đăng Sông Hương không ghi tên dịch giả, chính là của Phan Khôi. Sau này trong bài phát biểu của mình (xem: Lời phát biểu của cụ Phan Khôi trong buổi khai mạc đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần, tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) // Văn nghệ, Hà Nội, s. 145,  ngày  2. 11. 1956), Phan Khôi có dịp nhắc tới bản dịch đăng báo này và khẳng định đây là lần đầu tiên tác phẩm của Lỗ Tấn được dịch đăng ở Việt Nam, và cho biết: tòa soạn không dám ghi rõ tên tác giả mà chỉ ghi tắt L.S. (= Lu Xun, theo phiên âm Latin). Sang năm 1937, Phan Khôi dịch đưa đăng Đông Dương tạp chí bài tản văn của Lỗ Tấn nhan đề Hy sinh, bản dịch này được chọn đăng lại trong sưu tập Dở chồng báo cũ (Tập sách cuối năm đầu tiên),  éditions Tân Việt, 63 Avenue Desvaux, Mỹ Tho, 1940, tr. 195 - 199.