PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

LỄ KỶ NIỆM TAM BÁCH CHU NIÊN

TUỒNG “LE CID” Ở HUẾ

1636-1936. Vừa đúng ba trăm năm.

Ba trăm năm qua mà cái quan niệm của người ta về nghệ thuật Corneille trong tuồng Le Cid vẫn không thay đổi. Cũng như ngày nó ra đời để mở một kỷ nguyên mới cho kịch giới nước Pháp, bản tuồng ấy ngày nay vẫn được kể là một tác phẩm quý giá; và những lúc sắp sa ngã, bỗng vụt nhớ lại những câu khẳng khái bay ra từ cửa miệng các thiếu niên anh hùng trong truyện, chúng ta cũng như tự thấy hăng hái và trong lòng bồng bột cái chí phấn đấu, nó đến xua đuổi những tư tưởng bạc nhược, yếu hèn.

Đó là cái bí thuật của Corneille.

Cái bí thuật ấy đã làm cho tuồng Le Cid có một cái giá trị vĩnh viễn.

Năm vừa qua, cả nước Pháp đã làm lễ kỷ niệm tam bách chu niên cho nó. Và nơi nào trên thế giới có bóng văn học Pháp cũng đều đã hưởng ứng theo. Ở Đông Dương, lễ kỷ niệm ấy bắt đầu cử hành tại Hà Nội rồi Nam Định. Tại Huế, tối 30 Décembre vừa rồi, trong gian phòng trang nghiêm của Viện Dân biểu, chúng ta cũng đã được sống một vài giờ với Corneille.

Tôi nói “sống” thôi, sống trong sự kính cẩn, tôn sùng một bực thiên tài của dĩ vãng, chứ một cuộc nói chuyện về “Corneille và tuồng Le Cid”, hẳn ai đến nghe, cũng ít hy vọng biết thêm được điều chi mới lạ. Là vì cái đầu đề ấy, người ta đã nói đi nói lại không biết mấy nghìn lần, trong sách, ở nhà trường và chốn diễn đàn.

Hôm ấy, diễn giả, ông Richard, giáo sư, cử nhân trường trung học Khải Định, cũng đã không cho chúng ta biết thêm điều chi mới lạ. Nhưng ông đã có một cái giọng rõ ràng, những lời nói văn chương, những điệu bộ có khi buồn cười nhưng vẫn giữ được tính cách trang trọng, nên suốt hơn một giờ, cử tọa đều chăm chỉ nghe ông, không chán.

Diễn giả mở đầu nói về thân thế Pierre Corneille, kế đến lai lịch chuyện Le Cid, nó nguyên là của nhà văn sĩ Y-pha-nho Guilhem de Castro mà Corneille đã mượn và làm nên một áng văn chương kiệt tác. Ông Richard thuật lại vừa phê bình bản tuồng Le Cid của nhà văn hào Pháp, mà ông cho là một tác phẩm trẻ trung, trẻ trung vì tác giả hồi ấy mới là một trang thanh niên trên dưới ba mươi tuổi, trẻ trung từ các vai trong truyện, anh hùng, khẳng khái, đến giọng văn đọc lên nghe mãnh liệt lạ thường và những câu đối đáp cọ nhau kêu lanh lảnh như đôi thanh gươm sắt đương hồi giáp chiến, trẻ trung cho đến những cái vụng về nữa.

Lễ kỷ niệm nầy giá chỉ có cuộc nói chuyện suông thì tưởng có lẽ hơi buồn. Nhưng người ta đã nghĩ đến sự “diễn” lại một vài “xen” trích tự trong bản tuồng của Corneille để điểm xuyết thêm cho buổi tối ấy một vẻ hoạt động và hiến thính giả những đoạn văn hùng tráng có khi là bi đát, nó vốn là cái đặc sắc của nghệ thuật tác giả quyển Le Cid vậy. Chúng tôi không ngờ những thiếu niên học sinh trường Khải Định đã được chọn cử ra làm cái việc ấy lại diễn được khéo léo như thế. Đáng khen nhất là người đóng vai Don Gormas lúc bị Don Rodrigue khiêu chiến để trả thù cho cha, đã làm cho cử tọa ngơ ngẩn, kinh ngạc vì cái giọng rất già dặn của mình.

Thế rồi, sau những lời kết luận của diễn giả đại ý nói rằng kịch của Corneille có thể gọi là một trường đào tạo những tâm hồn mạnh mẽ, can đảm, anh kiệt, ai nấy đứng dậy ra về, trong lòng thấy phấn khởi, có lẽ,... như những người Pháp ba trăm năm trước, ở rạp hát ra, sau khi xem diễn lần đầu vở tuồng Le Cid. [a]

T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 23 (9 Janvier 1936), tr. 1, 3.

Chú thích

[a] Bài này ký bút danh T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.