PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

THẾ NÀO LÀ MỘT NHÀ VĂN MỸ

Nước Mỹ là một nước mới. Xã hội Mỹ là một xã hội hoàn toàn lập trên nền tảng kinh tế, chú trọng về cái sống thiết thực nhiều hơn là cái sống trong vòng những lý tưởng cao xa như phần nhiều các xã hội của Cựu Đại lục. Nhà văn Mỹ, ở trong hoàn cảnh ấy, cố nhiên là không thể ngồi điềm nhiên trong phòng giấy, bóp trán viết nên những áng văn bán không đủ nuôi sống mình, mà phải bước ra trường tranh đấu cũng như mọi người. Cho nên so với nhà văn các xứ khác, nhà văn Mỹ bao giờ cũng sinh hoạt một cách vất vả hơn. Ngoài cái nghề văn, họ còn phải xoay xở cho trong tay có thêm một vài nghề nữa mới đủ sống.

Những nỗi khó khăn ấy, một văn sĩ Mỹ đã bày tỏ trong một tạp chí xuất bản ở Buenos-Aires. Dưới đây, xin lược trích dịch một vài đoạn quan hệ:

Các nhà trí thức Mỹ thường không phải là những tay chuyên môn hẳn một mặt nào như các đồng nghiệp Âu. Ấy là tại cái tình thế của xã hội chúng tôi bắt buộc phải thế. Ở nước Mỹ, nhà văn như tự thấy bó chặt với cuộc đời thực tại, và thường phải làm nhiều nghề. Một nhà văn thuần tuý, sự ấy ở xứ chúng tôi khó mà có được; nhà văn, nhưng theo sau còn phải thêm cái gì nữa kia, hay nhiều cái gì nữa kia”.

Một tình thế như vậy hẳn là vừa có lợi cũng vừa có hại. Hại là óc nhà văn vì bận lo tìm sanh kế, không sáng tác được nhiều; lợi là nhờ trực tiếp với xã hội, nhờ quen phấn đấu để mưu cầu sự sống, nên dù không may gặp những sự chật vật về kinh tế, cũng vẫn giữ được thản nhiên.

Chắc có người sẽ nói rằng ở vào một trường hợp như thế, còn đâu cái thú tao nhã của nghề văn. “Không, ‒ văn sĩ viết tiếp, ‒ cái thú ấy vẫn còn. Nhưng, như ở Âu châu thì nó là một hiện trạng thông thường; nhà văn Âu như sinh ra trên thượng tầng của đài Eiffel, và chỉ cố lên vài thước nữa là có thể bay trên những chóp đỉnh của miền tinh thần cao vót. Nhà văn Mỹ, trái lại, như sinh ra tận trong ruột quả địa cầu, và nhờ dày công dày sức lắm, mới nhoi lên vừa khỏi mặt đất được”.

Còn các nhà văn Việt Nam? Hẳn là họ cũng không đến nỗi phải vất vả, khó nhọc như các nhà văn Mỹ mới hưởng được cái thú thanh tao của nghề cầm bút vì giống con Rồng cháu Tiên xưa nay vốn an nhàn đã quen: ngay hồi kinh tế khủng hoảng, nó đã làm cho cả thế giới phải đảo điên, mà có thiếu chi văn sĩ ta cứ điềm nhiên ngồi rung đùi hay mơ mộng. [a]

T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 26 (30 Janvier 1936), tr. 1.

Chú thích

[a] Bài này ký bút danh T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.