VỀ VẤN ĐỀ PHÁP LUẬT Ở TRUNG KỲ

Luôn trên mấy số báo vừa rồi, chúng tôi bàn về vấn đề ngôn luận, thì thấy nó cứ động tới vấn đề pháp luật. Phải, hai vấn đề ấy bao giờ cũng có dính dấp với nhau.

Cho nên, ở trong một xứ pháp luật chưa được cải lương, chưa được nhất trí, mà đã vội nói đến sự ngôn luận tự do, còn là một cớ cho chúng tôi lấy làm khó khăn nữa.

Nhất là ở Trung Kỳ, khi bộ Hình luật hiện hành quá nghiêm khắc còn chưa được sửa đổi, mà nhà viết báo đòi phóng bút theo ý mình, thì thật chẳng khác nào bảo người ta mở cửa khám ra cho sẵn để tự mình đem thân tới nộp!

Chúng tôi muốn ngôn luận tự do lắm; nhưng trước khi đó chúng tôi phải để ý đến vấn đề pháp luật. Khi báo luật của nước Pháp còn chưa ban hành chánh thức ở xứ Trung Kỳ, khi bộ Hoàng Việt Hình luật còn giang tay trên các nhà báo ở đó, chúng tôi chưa nói đến tự do ngôn luận vội.

Bây giờ đây, chúng tôi muốn xin quan Toàn quyền giải quyết vấn đề pháp luật ở Trung Kỳ trước đã.

Ở Trung Kỳ có cho đến hai chánh phủ, hai quyền tư pháp, hai thứ pháp luật, vì đó nhân dân trong xứ phải chịu nhiều nỗi rắc rối, lôi thôi. Mà những nỗi ấy gây ra, hình như chỉ bởi sự “trái chứng” của nhà cầm quyền, chứ không bởi công lý hay chánh nghĩa.

Trung Kỳ là đất bảo hộ, nhưng có Tourane là nơi nhượng địa, đất đã nhường đứt cho nước Pháp. Theo lệ định, nhân dân sinh trưởng ở đó gặp bất cứ việc gì đều phải do tòa án Pháp, chứ không còn dính dấp gì với quan An Nam. Ấy vậy mà đã có lần người ta làm trái với lệ định rồi.

Vào khoảng có sự biến động năm 1930-1931, ở Tourane có những người bị can, người ta bắt mà giải vào tỉnh Quảng Nam, giao quan An Nam cứu xử. Rồi sau đó, có sự xin ân giảm hoặc ân xá, người ta lại bắt đầu đơn ở tòa án Pháp, và tòa án chấp mà tư vào tỉnh Quảng Nam. Vì cớ ấy, người đương sự không hưởng được pháp luật khoan hồng đã đành, lại còn phải chịu nhiều điều phiền lụy.

Chúng tôi dám hỏi những người Pháp chân chánh, xưng mình là con cái của nước có lá cờ ba sắc, đại biểu cho ba chủ nghĩa tự do, bình đẳng và bác ái, coi thử một việc làm như vậy có xứng đáng chăng?

Nước Pháp đến đây đã 50 năm, lẽ đáng đã cho hết thảy dân xứ nầy hưởng được pháp luật văn minh rồi mới phải. Nay đã chẳng được thế thì thôi. Một khoảng đất chẳng rộng là bao, chỉ có dăm bảy ngàn dân trực thuộc, thế mà trong khi hơi có việc một chút, đã đành bỏ luật bỏ lệ đi để đưa họ đến dưới thứ pháp luật nghiêm khắc, bắt phải chịu sự trừng phạt nặng nề, cái độ lượng của người nào chủ trương việc ấy, thật là hẹp hòi lắm vậy.

Kể chuyện đó vào đây, chúng tôi coi như là một cái chứng, nó chứng cho sự bắt các báo An Nam ở Trung Kỳ chịu trị dưới pháp luật Nam triều là sự mà chúng tôi đã kêu van trong mấy số trước.

Người dân sinh trưởng ở Tourane, có việc gì lẽ đáng do tòa án Tourane xét xử; thế mà nhà cầm quyền đã chẳng muốn làm như vậy, lại đưa họ đến cho các quan An Nam. Thế thì, các nhà báo mà cái quyền cho phép đã do nhà vua nhường cho Bảo hộ, lẽ đáng chịu trị dưới pháp luật Lang-sa, nhà cầm quyền chắc cũng có thể lắm mà để nó trở về dưới pháp luật Nam triều, là thứ pháp luật nghiêm khắc.

Hai cái trường hợp giống nhau lắm. Người ta thấy rõ như là nhà cầm quyền khi nào muốn cho ai bị trừng phạt nặng thì đưa họ đến trước luật An Nam. Đó là một sự dụng tâm, chứ không còn phải là sự trái chứng nữa.

Những việc bất công như vậy, trước đây chẳng có báo An Nam nào nói đến. Ngày nay có quan Toàn quyền Brévié đến đây, ngài thay mặt cho Chiến tuyến Bình dân, cho nước Pháp khoan nhân từ ái, đáng cho chúng tôi bày tỏ mỗi khi một ít để ngài lấy lương tâm phán đoán và ra tay cải cách.

Về sự cải cách pháp luật, xin kể đại lược những điều chúng tôi muốn mà dám chắc hết thảy dân Trung Kỳ đều muốn như chúng tôi:

1. Chính thức ban hành báo luật của nước Pháp ở Trung Kỳ cũng như ở Bắc Kỳ. Vì hiện nay các báo Trung Kỳ có thể ở dưới quyền của bộ Hoàng Việt Hình luật, là một sự rất trái lẽ.

2. Lập một hội đồng tu cải bộ Hoàng Việt Hình luật và Hộ luật mà có đại biểu của dân dự vào. Tốt hơn nữa là cho Trung và Bắc Kỳ cùng có một luật, vì hai xứ vốn là một, chia rẽ ra là vô lý.

3. Hễ là dân nhượng địa thì bất kỳ gặp việc gì cũng do tòa án Lang-sa xét xử. Xin đừng để các quan tư pháp Nam triều can thiệp đến việc hình sự tố tụng của người dân nhượng địa.

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 32 (27 Mars 1937), tr.  1.