PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

PHẦN THƯỞNG NOBEL VĂN HỌC NĂM 1936

Trung tuần tháng Novembre năm vừa qua, tại Hàn lâm Viện nước Thụy Điển đã có sự định đoạt về các giải thưởng Nobel. Một người Mỹ, ông Eugène O'Neill, đã chiếm được giải văn học.

O'Neill là một nhà soạn kịch rất danh tiếng. Sinh năm 1888, ông vốn con một người "bầu gánh", nên từ nhỏ đã có khiếu về nghề kịch. Cũng như tất cả các nhà nghệ sĩ Mỹ, ông đã từng sống một cuộc đời phiêu bạt và làm đủ nghề, cho đến khi thấy chán cảnh giang hồ, ông bèn xin vào theo lớp dạy kịch tại Harvard Đại học đường,(1) để sau này chiếm cái nghề mà mình hằng mong ước.

Những vở kịch ông viết đầu tiên như Soif, L' huile, La lune des Caraibes (đây là lấy theo nhan sách người Pháp đã dịch) đều là những bức tranh rất linh hoạt tả những ngày nay đây mai đó của mình, hồi hãy còn là một khách phiêu lưu. Tiếp theo vở La Mouche nó làm cho ông được nổi danh, O' Neill xuất bản những quyển như Tous les enfants de Dieu ont des ailes, Le Grand Dieu Brown là những lời binh vực vừa hùng hồn vừa thống thiết giống người da đen ở Mỹ châu. Rồi từ đó, ông viết những vở kịch hoặc lấy xã hội làm nền tảng, hoặc lấy tâm lý, và nhất là tình dục làm nền tảng. Như với quyển Le Deuil sied à Electre, thực O' Neill đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng học thuyết Freud.

Ngoài Freud, trong sự nghiệp của ông, chúng ta còn thấy ảnh hưởng của nhà triết học Nietzsche, của các nhà viết kịch trứ danh trên thế giới như Ibsen, Strindberg, Wedekind.

Kịch của O' Neill không theo phép tắc cổ điển mà ta thường thấy ở các nhà soạn kịch Pháp, nó làm cho vở kịch khô khan vì quá rõ ràng, tù túng, vì quá nệ những lề lối. O' Neill muốn cho ngòi bút được tự do hơn, vì thế mà kịch của ông bao giờ cũng sâu sắc, dồi dào, mạnh mẽ.

***

 

Phần thưởng Nobel văn học năm 1936 về Eugène O' Neill làm cho làng văn Mỹ rất vinh dự. Năm 1935, phần thưởng ấy không phát, nên vừa rồi người ta hy vọng có hai nhà văn được giải thưởng, trong đó một là người Pháp, hoặc Paul Valéry, hoặc Roger Martin du Gard. Nhưng đến chừng thấy chỉ một giải phát ra ‒ cho người Mỹ Eugène O'Neill trên đây ‒ ai nấy đều không được hài lòng. Hàn lâm viện vì thế ‒ lại thêm trước đây còn ba giải khoa học không phát ‒ mà bị các báo trong nước công kích, họ cho là các ông Hàn đã ủm tiền để dùng vào việc tư, dù rằng các ngài sở dĩ nín đi mấy lần không phát thưởng là bản ý chỉ muốn để tiền gầy vốn thêm cho quỹ Nobel.

Nhưng sự ấy, thực hư thế nào, đối với ta, tưởng không quan hệ mấy. Một điều có lẽ chúng ta cần biết hơn, tiện đây nên nói luôn, chắc không đến nỗi vô ích là từ trước đến giờ, trong việc phát giải thưởng văn học nầy, Hàn lâm viện Thụy Điển có theo đúng lời di chúc của Alfred Nobel không.

Tóm tắt, lời di chúc ấy nói rằng: Được lãnh phần thưởng Nobel văn học, nhà văn nào, không phân quốc gia chủng tộc, trong năm đã viết nên một tác phẩm có xu hướng về lý tưởng, được công nhận là có giá trị nhất trên thế giới; ngoài ra, lại còn phải là người trong năm tỏ ra đã giúp vào việc phụng sự nhân loại nhiều nhất.(2)

Giải thưởng Nobel bắt đầu phát ra năm 1901. Vậy mà từ bấy đến nay, nếu nhìn lại bảng danh dự ghi tên, các nhà văn được giải, ta sẽ thấy rằng Hàn lâm viện Thụy Điển thường không theo đúng lời di chúc của Alfred Nobel: Phần đông các nhà văn đã chiếm bảng vàng đều không có đủ hai điều kiện đặt ra bởi người treo giải.

Còn một điều trái nhất với lời di chúc là các cụ Hàn, trong việc phát thưởng, thường không chú trọng đến giá trị các tác phẩm, mà cứ như luôn nghĩ đến sự "được lòng nước nầy thì mất lòng nước khác", cho nên người ta nhận thấy các cụ phân giải thưởng rất đều, năm nầy nước nầy được, thì sang năm phần vinh dự ắt phải để cho một nước khác hưởng thay. Không những về giải văn học, mà về các giải khác, lối xử khéo ấy vẫn được các cụ đem ra dùng luôn. Thành ra, đáng lẽ như là những vị quan tòa cần phải phân minh, cương quyết trong việc xử án, các cụ không thế, lại đã tỏ ra vị nể trong việc định đoạt của mình.

Alfred Nobel, giá ở dưới suối vàng biết được, chắc không lấy làm bằng lòng cho các cụ lắm, vì đã không theo đúng lời ước nguyện của mình.

T. T.

(thuật theo báo Pháp)

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 22 (2 Janvier 1936), tr. 1, 2.

Chú thích

(1)  Harvard đại học đường là một trường tư thục rất có tiếng ở nước Mỹ, lập từ năm 1638 tại thành phố Cambridge, nhờ một số tiền lớn của ông John Harvard quyên, vì thế mà trường mang tên ông. Tại Harvard đại học đường người ta dạy đủ các khoa. (nguyên chú)

(2)  Điều kiện sau nầy là điều kiện chung cho các giải thưởng Nobel, vì có tất cả năm giải, mà giải văn học là một. (nguyên chú)