PHỤ LỤC 2

CÁC TÁC GIẢ KHÁC VIẾT VỀ PHAN KHÔI

 

BỨC THƯ CỦA MT ĐC GIẢ

ÔNG PHAN KHÔI

CÓ PHẢI LÀ MỘT NHÀ “HỌC PHIỆT” KHÔNG?

 

Ngót hai chục năm trời, ông Phan Khôi đã từng tung hoành ngòi bút trên nhiều báo ở ba Kỳ. Từ Nam phong đến Thần chung, từ Phụ nữ tân văn tới Sông Hương, ông đã làm quen với nhiều độc giả.

Với ngòi bút lanh lợi, hoạt bát, sáng sủa, với ý tưởng mạnh mẽ, mới mẻ, ông đã có một địa vị đáng trọng trong số các nhà học giả hiện thời. Quả như lời ông Thiếu Sơn đã nói trong Phê bình và cảo luận: “trong văn giới, ông Phan Khôi cũng là một người tai mắt mà trong báo giới, ông cũng là một bậc đàn anh”.

Nhưng một nhà học giả đáng quý như ông Phan Khôi lại như có điều trái ngược trong lời nói và việc làm. Chúng tôi nêu ra đây câu hỏi trên kia không phải cốt bôi nhọ cái bản ngã của Phan quân. Chúng tôi không có ý gì gièm pha ông hết, chỉ muốn tìm lẽ phải.

Nếu ai nghi ngờ chúng tôi là muốn nói đến ông Phan để độc giả để ý tới mình thì vì danh dự con nhà cầm bút, chúng tôi cam đoan rằng không bao giờ chúng tôi lại có cái ý nghĩ điên cuồng ấy.

 

***

 

Chắc độc giả còn nhớ cuộc bút chiến giữa ông Phan Khôi với ông Trần Trọng Kim về vấn đề nho giáo trong Phụ nữ tân văn hồi tháng bẩy 1930. Sau khi đọc bài trả lời của Trần tiên sinh, ông Phan Khôi viết một bài đại luận nhan đề là Cảnh cáo các nhà học phiệt.

“Học phiệt” là một huy hiệu mới tự ông Phan đặt ra để chỉ “hạng người ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi”. Đối với những người công kích họ, họ không thèm trả lời, làm thinh, “tỏ ra là họ không thèm nói với”.

Ông Phan Khôi gọi họ là “học phiệt”, “lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới cũng như bọn “quân phiệt” đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu”!

Rồi “chẳng nói gần nói xa chi hết”, ông gọi Phạm Quỳnh tiên sinh là một nhà “học phiệt”, lấy nhẽ ông Quỳnh đã nín lặng không trả lời lấy một câu về việc cụ nghè Ngô Đức Kế trong bài Chánh học với tà thuyết, đăng trong tạp chí Hữu thanh, để công kích sự đề xướng Truyện Kiều của ông Quỳnh.

Chúng tôi chỉ nhắc lại việc đó ra đây chứ không bàn tới, vì ông Quỳnh đã có trả lời trong Phụ nữ tân văn. Nhưng chúng tôi cũng công nhận rằng ông Phan Khôi viết bài đó là ý muốn các nhà học giả, đối với những người công kích mình một cách chính đáng, phải trả lời cho ra lẽ phải. Cái ý kiến ấy chúng tôi rất tán thành.

Sau khi xem bài Cảnh cáo các nhà học phiệt, chúng tôi chắc thể nào mỗi khi ông Phan Khôi bị ai công kích một cách chính đáng, sẽ cầm bút mà trả lời…

Nhưng chúng tôi đã đoán sai!

Chúng tôi xin kể ra đây hai việc chứng cho lời nói ấy.

 

Hồi đầu năm 1932, ông Nguyễn Khắc Hiếu, một thi sĩ đứng chủ trương tờ An Nam tạp chí, có viết trong báo ấy một bài nhan đề là Một cái nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi để công kích “những lời tầm bậy” mà ông Khôi đã viết trong Phụ nữ tân văn. Bài đó mới là “lời báo cáo” các bạn gái trong Nam. Rồi luôn luôn ông Phan Khôi bị nhiệt liệt công kích.

Ông Hiếu lại đem bài Cái cười của con Rồng cháu Tiên mà ông Khôi đã viết trong Phụ nữ tân văn ra kết tội, vì ông Hiếu cho là ông Khôi cố ý nói xấu giống nòi. Cuối bài ông có viết “Phan Khôi có tự lấy mình làm oan, xin cứ hết lời thân oan”.

Chẳng những bị “kết án” về tội miệt người đồng chủng, ông Phan Khôi lại còn bị ông Hiếu coi như “có tội với danh giáo” về bài Tống Nho với phụ nữ, vì trong bài đó, theo ông Hiếu, ông Khôi đã “vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, và bại hoại phong hóa”.

Ông Hiếu không vì danh vì lợi gì mà công kích ông Khôi. Theo ý ông, ông sở dĩ phải viết những bài đó là vì xã hội, vì chị em bạn gái mà viết.

Ông và ông Khôi, hai nhà văn theo hai quan niệm khác nhau, nên mới có tư tưởng trái ngược. Sự công kích đó không phải là sự công kích về “cá nhân”.

Vậy không lẽ nào ông Phan Khôi không trả lời được. Ông phải vì tư tưởng mình, vì chân lý mà cầm bút viết bài trả lời. Ông phải vì danh dự mình, vì ngòi bút của mình mà hết sức bênh vực những điều mình đã nói ra để độc giả tìm được ra lẽ phải.

Nhưng không, đối với những lời “kết tội” nghiêm khắc của ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Phan Khôi vẫn giữ một thái độ bình thản, không hề nói tới nửa lời. Cái thái độ ấy khiến chúng tôi phải nghĩ tới cái thái độ của ông Quỳnh đối với những lời công kích của cụ nghè Ngô.

 

Chẳng những chỉ một lần ấy mà ông Phan Khôi không viết bài trả lời những bài công kích mình một cách chính đáng. Chúng tôi còn nhớ hồi gần đây vì bốn chữ “văn học tiểu thuyết” ông Phan Khôi trong Hanoi Báo, công kích ông Huyền Mặc đạo nhân. Ông này trả lời bắt bẻ ông Khôi nhiều điều. Rồi ông Khôi cũng im.

Lại trong báo Khuyến học hồi năm ngoái, dưới ngòi bút sắt của ông Văn Kim, ông Phan Khôi cũng lại bị công kích trong bài Tư tưởng ông Phan Khôi đã đến ngày phá sản. Các độc giả bài ấy tự hỏi lời quyết đoán quan hệ tới sự nghiệp của Phan quân có thật không và vẫn ngong ngóng chờ Phan quân viết bài trả lời. Nhưng chờ mà chi, vì ông ông Phan không hề đả động tới việc ấy, vẫn giữ một thái độ khinh khỉnh như có ý khinh tác giả bài kia mà không thèm nói tới.

Thật giữa lời nói và việc làm của ông Phan Khôi, chúng tôi thấy rõ rệt sự mâu thuẫn. Hoàng Tích Chu hồi còn sống, trong Đông Tây tuần báo đã gọi ông Phan Khôi là Léon Daudet Việt Nam, và một nhà bỉnh bút của Văn học tạp chí đã ví ông với Voltaire nước Pháp.

Không nhẽ một bậc học giả như ông Phan Khôi lại có điều trái ngược như kia? Chúng tôi muốn biết vì lẽ gì ông Phan đã không trả lời những người công kích ông một cách chính đáng.

Bằng ông cứ giữ thái độ như xưa, lúc đó, độc giả và người viết mấy giòng này sẽ đem tặng lại ông cái tên “học phiệt” tưởng cũng chưa là muộn. Chẳng hay ông Phan Khôi nghĩ sao?

PHẠM MẠNH PHAN [a]

L.T.S. – Về bài này, bản báo sẽ cậy ông Phan viết bài đáp. [b]             

Nguồn:

Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 27 (13 Novembre 1937), tr. 17, 26.

Chú thích

[a]  Phạm Mạnh Phan (1914-?) nhà báo, thư ký tòa soạn tạp chí Tri tân (1941-45), sau 1954 làm biên dịch tại Thông tấn xã Việt Nam, sau đó nghỉ hưu ở Hà Nội.    

[b]  Đây là lời ghi chú của tòa soạn Đông Dương tạp chí khi cho đăng bài này; lúc này thư ký tòa soạn phần tiếng Việt của Đông Dương tạp chí  là nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-39), chủ nhiệm Đông Dương tạp chí, tục bản  (gồm cả phần chữ Pháp và phần tiếng Việt) là nhà văn Nguyễn Giang (1910-69).