PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

NHÂN LỄ BÁCH CHU NIÊN

MỘT NHÀ ĐẠI THI HÀO NGA: POUCHKINE

 

Tháng Février vừa qua, tại Nga đã cử hành một cách đặc biệt long trọng lễ bách chu niên nhà đại thi hào Pouchkine, mất hai ngày sau một cuộc đấu súng tai hại với anh rể mình tên Anthès, một võ quan người Pháp sung vào quân đội của Nga hoàng.

Sinh năm 1799, Alexandre Sergievitch Pouchkine thuộc thế hệ các nhà văn lãng mạn Nga, ở đầu thế kỷ thứ mười chín. Nhưng bởi sự nghiệp lớn lao của mình, ông đã vượt lên trên hết thảy và chiếm cái địa vị tối cao trong thi giới thuở bấy giờ.

Đầu tiên, vì chịu ảnh hưởng một nền giáo dục quý phái, ông bước vào làng thi với những tác phẩm đầy giọng đài các và phù phiếm. Nhưng sau, nhờ sự khuyến khích của người vú nuôi, ông dẫn mình vào những nguồn thi hứng mới lạ hơn, rộng rãi hơn, sâu xa hơn. Cái thiên tài của ông bắt đầu phát lộ từ đó và mỗi ngày thêm cao.

Lúc bấy giờ nền quân chủ chuyên chế nước Nga đã bắt đầu gây trong dân gian cái mầm cách mệnh. Pouchkine, theo tư trào, cũng nhiễm đầy những tư tưởng cấp tiến, và thường mật giao với những người sau nầy dự vào cuộc Cách mệnh Tháng Mười (1825) dưới triều hoàng đế Nicolas đệ nhất. Một bài đoản thi của ông ca tụng sự tự do (Ode à la liberté) suýt đưa ông vào vòng tù tội. Ông phải chạy xuống miền Nam và lưu lại đó ngót bốn năm trời.

Miền Nam nước Nga xưa nay vốn bày ra một cảnh lớn lao, hùng vĩ, bởi những ngọn núi cao vót nối tiếp nhau ngồi đội vòm trời cùng những đồng cỏ xanh mênh mông, xa tắp. Trước cảnh ấy, tâm hồn của thi nhân đã rung động xiết bao! Bao nhiêu những lời thi bất hủ đều tuôn ra, cuồn cuộn, hùng tráng, sâu sắc như trong Le Prisonnier du Caucase, xao xuyến, dữ dội, cảm động như trong Les Tziganes, có khi, như với quyển La Fontaine de Bakhtchisarai, lại gợi trong tâm linh ta những khoái lạc đê mê.

Về sau, Pouchkine tìm thi hứng trong lịch sử, xã hội Nga, và sản xuất không biết bao nhiêu tác phẩm quý giá. Boris Godounov, Poltava, La Fille du Capitaine, Le Cavalier d' airain, [a] v.v... đều là những thi tập của ông và là những viên ngọc đã làm vinh dự cho nền văn học Nga bấy giờ, và có lẽ là những viên đá đầu tiên để làm nền móng cho nền văn học Nga hiện đại. Từ năm 1828, Pouchkine đã bắt đầu viết, dưới cái đề Eugène Oniéguine, như một thiên ký sự những việc xảy ra trong xã hội Nga dưới triều vua Alexandre đệ nhất, (1) lời thì mãnh liệt, chua chát, có khi đầy tình tứ. Nhưng sự nghiệp đương dở dang, bỗng vì chuyện xích mích trong gia đình, cái chết đến với nhà thi hào một cách thảm khốc, bất ngờ, như bạn đọc đã thấy trên.

Mặc những lời dèm pha của bọn phản động hồi chính phủ Sô-viết mới lên cầm quyền, Pouchkine ngày nay vẫn là người được toàn thể dân Nga sùng bái nhất. Sau cuộc cách mệnh, họ vẫn biết thưởng thức thi ca như thường, chứ không như lời chúng phao vu: hễ cách mệnh lắm thì hai tai hóa ù, không còn nghe những giọng réo rắt của thi nhân được nữa. Ngày lễ bách chu niên Pouchkine vừa rồi tại Nga thực là câu đáp hùng hồn cho lời dèm pha ấy.

Một điều đáng lấy làm lạ, là một thi hào có thiên tài, tiếng tăm vang dậy cả nước Nga như thế, mà ảnh hưởng ra ngoài rất ít. Chẳng những thế, các nước miền Tây Âu, trước kia phần nhiều không hoan nghinh Pouchkine. Nói về Pouchkine, chính G. Flaubert có lần đã bảo với Tourgnénev, một văn hào rất đặc sắc của Nga ở thế kỷ trước: “Nhà thi sĩ của nước ông tầm thường lắm”.

Nhưng ngày nay, đối với Âu châu, cái địa vị của Pouchkine đã đổi hẳn. Người ta đã biết thưởng thức thi ca ông, và thiên tài ông được người ta đặc biệt sùng thượng. Trong tạp chí Văn học hiện đại (Littérature contemporaine) tháng Janvier 1936, phê bình Pouchkine, ông V. Desnilky viết: “Lấy cả nước Nga mà xét, Pouchkine là nhà đại thi hào đứng vào bậc nhất có Âu tánh. Với ông, văn hóa nước Nga trở nên một cảnh trạng của văn hóa Âu châu, nó chất chứa tất cả những mâu thuẫn phức tạp và sâu xa trong thời kỳ xã hội đương bước từ nền phong kiến trung cổ qua chế độ tư bản cận đại... Cho nên, mặc dầu lối của Pouchkine tả sự thật và nhận xét những vấn đề nẩy ra thuở bấy giờ chỉ có tánh chất quốc gia, ngày nay cũng mất cái hương vị Nga mà trở nên quan hệ đối với toàn thể Âu châu... Cái địa vị của Pouchkine trên thế giới, do đó, vào thời buổi nầy quyết không thể giảm đi được, thời buổi mà cái tinh thần vô sản càng ngày càng biểu lộ trên thi ca của tất cả các nước”.

Tôi muốn lấy những lời phê bình trên đây làm câu kết luận cho bài khảo cứu nhỏ nầy về Pouchkine, mà Maxime Gorki đã gọi mới thật là nhà sáng lập ra nền văn học Nga.[b]

P. T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 30 (13 Mars 1937), tr. 1, 8.

Chú thích

(1) Anh hoàng đế Nicolas nói trên (nguyên chú)

[a]  Tên một số tác phẩm của Pushkin bằng chữ Pháp trong bài: Ode à la liberté (Tụng ca tự do, 1817, thơ); Le Prisonnier du Caucase (Người tù Kapkaz, 1821, trường ca), Les Tziganes (Những người Tzygan, 1824, trường ca),  La Fontaine de Bakhtchisarai (Đài phun nước Bakhchisarai, 1821-23, trường ca), Boris Godounov (Boris Godunov, 1824-25, kịch thơ), Poltava (Poltava, 1828, trường ca), La Fille du Capitaine (Người con gái viên đại úy, 1836, tiểu thuyết), Le Cavalier d' airain (Người kỵ sĩ đồng, 1833, trường ca; tên tác phẩm này về sau thường dịch ra tiếng Pháp là Le Cavalier de bronze).

[b]  Bài này ký bút danh P. T. T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.