PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

“THANH NIÊN VIỆT NAM NĂM 1937”

Ấy là cái đề mục buổi diễn thuyết bằng Pháp văn của ông Phạm Văn Ký, nhân ở Sài Gòn ra Huế thăm hội chợ, tại hội Quảng Tri, tối thứ năm, 25 tháng ba vừa rồi.

Xin thú thực, từ trước và về sau nầy, có lẽ khong cuộc diễn thuyết nào tôi lại ở nhà ra đi để đến nghe với tất cả sự sốt sắng, hớn hở, hồi hộp và cảm động được như hôm ấy. Là vì người sắp nói về tôi, về những người cùng trang tuổi tôi, về tình cảnh, tâm trạng, những nỗi thống khổ, những ước vọng, những hoài bão của cái đám thanh niên kia mà tôi là một phần tử; hơn nữa là vì người sắp đứng lên nói đó cũng lại là một bạn trẻ, thông minh dĩnh ngộ, có tài, có tiếng tăm, và do thế, đáng cho chúng tôi hy vọng có thể bày tỏ đúng được thế nào phải là một trang thanh niên Việt Nam năm 1937.

Nhưng than ôi! Ông Phạm Văn Ký đã nói những gì?

Sau khi mở đề rất dông dài về cái thiên chức nhà văn, sau khi chia đám thiếu niên Việt Nam làm những hạng có tư tưởng, sôi nổi, những hạng có óc sơ đẳng, những hạng du học ở Pháp về và đã hầu Pháp hóa, sau khi lại định nghĩa một cách lâu lai thế nào là người Việt Nam, nói tóm lại, sau khi rào đón, dọn đường một cách khéo léo, công phu, ông Phạm đi đến cái kết luận nầy, mà ông cho là một diệu pháp có thể nâng cao cái trình độ bọn trẻ xứ nầy: Hỡi thanh niên Việt Nam! Các anh nên trở lại với cõi thần bí mà hình ảnh rất linh hoạt là lễ Nam giao, ôi, nó bao gồm một cách biết bao đầy đủ cái tinh thần quốc gia đáng kính đáng yêu của nước Đại Cồ nầy!

Tôi xin thanh minh: Bọn trẻ Việt Nam, trong lúc nầy, không bao giờ lại nghĩ như thế được, và không bao giờ có thể dung nạp những tư tưởng giật lùi, bế tắc như thế được. Vì có, vì dung nạp những tư tưởng ấy, tức là chết!

Bọn trẻ xứ nầy đương ở trên một khúc cong của lịch sử. Bởi phải chịu trên lưng một cái dĩ vãng quá ư nặng nề, bởi phải sống trong một cái hiện tại đầy những ác khí, họ đương phấn đấu, đương đi tìm một cái chân lý thiết thực mà ánh sáng xa xa như đã hiện ở chân trời nó có thể gây cho họ, chung quanh họ một bầu không khí dễ thở hơn, ấm áp hơn. Bọn trẻ xứ nầy đương tiến chứ không hề lùi, không hề quay đầu lại cái thế giới huyền bí xấu xa khốn nạn kia mà người ta, mà ông Phạm Văn Ký chỉ muốn đẩy họ vào, để, than ôi, tôi cũng không còn biết để làm gì nữa.

Tôi không có ý gì mạt sát một người khách vừa chân ướt chân ráo bước trở lại chốn đế đô, hơn thế, một người khách đáng mến vì là một thi sĩ. Nhưng có lẽ vì chỉ là một thi sĩ nên ông Phạm Văn Ký đã có những quan niệm quá sai lạc quá già cỗi quá nguy hiểm về thanh niên xứ nầy. Và chỉ vì một chỗ đó, mà tôi đã dám làm mất lòng ông, nếu sự chỉ trích trên đây có thể làm mất lòng ông được.[a]

P. T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 32 (27 Mars 1937), tr. 8. 

Chú thích

[a] Bài này ký bút danh P. T. T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.