THỜI SỰ TRONG TUẦN LỄ

[KỲ 21]

MỘT VỤ ÁM SÁT CÓ TÍNH CÁCH CHÁNH TRỊ Ở PARIS

            Ngày 25-1-1937, tại rừng Boulogne có xảy ra một vụ ám sát bí mật, mà kẻ bị hại là một nhà viết báo có tiếng người Nga, ông Navachine. Navachine là một tay kinh tế chuyên môn, và đối với Nga kiều ở Paris, vốn là một người có thế lực. Vụ ám sát nầy xảy ra nhằm hồi tại Nga người ta đương xử vụ án Đệ Tứ quốc tế, cho nên có kẻ nghi rằng trong ấy có ẩn một lẽ chánh trị: Navachine chẳng là bạn thân của Piatakov và Sokolnikov, hai chánh phạm đồ đệ của Trotzki đương ngồi trên ghế bị cáo tại Mốt-cu.

VỤ ÁN ĐỆ TỨ QUỐC TẾ

            Cũng đều là bạn đồng chí với Lénine trước kia, nhưng Trotzki, vì không dung nạp được những hành động của Staline mà ông cho là trái ngược với tư tưởng cùng chương trình của ông tổ cách mạng nước Nga để lại, từ lâu đã ly khai với Đệ tam quốc tế mà lập riêng một đảng lấy tên là Đệ tứ quốc tế để phản đối lại vị quốc trưởng nước Nga hiện giờ. Tuy kế tiếp bị đày đi Tây-bá-lợi-á, rồi phiêu bạt từ nước nầy sang nước nọ, cho đến hiện nay được phép ngụ tại xứ Mét-xích, miền Trung Mỹ, Trotzki, hết viết báo đến viết sách, không lúc nào ngơi sự vận động cho đảng mình được thêm thế lực. Ở Nga, đồ đệ của ông càng ngày càng tăng, và trong số đảng viên của Đệ tứ quốc tế, chúng ta đã và hiện thấy có những người như Zinovieff, Kamenev, Karl Radek, Kirow vốn đều là những yếu nhân trong cuộc cách mạng ở nước Nga. Chính vừa rồi ở Mốt-cu có một vụ xử nhiều đảng viên đảng ấy; 13 người bị án tử hình và nhiều người bị án khổ sai, trong đó có nhà viết báo có tiếng Karl Radek vừa kể trên bị 10 năm.

MỘT BÀI DIỄN VĂN CỦA HITLER

            Ngày 31-1-1937, có một cuộc nhóm họp của toàn thể nghị viện Đức để chuẩn y một đạo luật trao toàn quyền hành động cho thủ tướng Hitler trong một thời hạn là 4 năm nữa. Nhân dịp nầy, thủ tướng có đọc một bài diễn văn quan hệ để bày tỏ thái độ của Đức về mọi vấn đề. Trái với các lần trước, bài diễn văn nầy rất ôn hòa. Cái thời kỳ những hành động ngang ngược năm xưa, như đem quân đội vào đóng giữ khu phi chiến trên sông Rhin cùng việc tự do tài bồi binh lực, thủ tướng nói rằng đã qua rồi. Được đồng quyền với các liệt cường, Đức từ nay sẽ thành thực hiệp tác với những ai cũng thành thực muốn hiệp tác. Đối với Pháp, sự bất hòa sẽ không có nữa. Và Đức xin sẵn lòng đảm bảo cho bờ cõi Bỉ và Hòa Lan là hai nước trung lập, không ai được phép xâm phạm.

PHÁI BỘ CÁC ĐẢNG XÃ HỘI QUA THĂM TÂY-BAN-NHA

            Các nghị viên thuộc đảng xã hội tại nghị viện Pháp vừa quyết định sẽ gởi một phái bộ điều tra qua xứ Catalogne nước Tây-ban-nha, gồm có các đảng viên Tả đảng độc lập, Xã hội hiệp nhất, Xã hội, và Cấp tiến xã hội.

“ỦY BAN ĐIỀU TRA KINH TẾ”

            Như trong số trước đã đăng, việc chánh phủ Bình dân phái một ban điều tra đi các thuộc địa đã thành sự thực. Nay lại tiếp được tin Ủy ban ấy sẽ lấy tên là “Ủy ban điều tra kinh tế”, chừng nội tháng Février sẽ từ giã Paris, và đầu tháng Mars tới Đông Dương.

THỢ 13 NHÀ IN TÀU Ở CHỢ LỚN ĐÌNH CÔNG

            Vừa rồi tại Chợ Lớn có cuộc tổng đình công của thợ 13 nhà in chữ Tàu, làm 5 tờ báo hàng ngày của người Trung Hoa xuất bản tại đó đều không ra được hết mấy hôm. Thợ yêu cầu: tăng lương lên 30 %; mỗi ngày làm việc 8 giờ.

QUAN TOÀN QUYỀN BRÉVIÉ ĐẾN HUẾ  

            Từ Cao Miên về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn ra Trung Kỳ, hôm 3-2-1937, quan Toàn quyền Brévié đã đến Huế. Ở Tourane ra, ngài đi ô-tô và đến vào lúc 9 giờ sáng. Quan Khâm sứ Guillemain và quan Thượng Công Tôn Thất Quảng đại diện chánh phủ Nam triều vào đón ngài tận biên giới Trung Kỳ cũng cùng đi ra với ngài. Cuộc nghinh tiếp ngài đã cử hành rất long trọng, nhưng thiếu vẻ náo nhiệt, vì công chúng rất thưa thớt, hình như ít người biết rằng hôm ấy là ngày vị thủ hiến mới xứ Đông Dương do chính phủ Bình dân cử sang, lần đầu đến Huế. Tại tòa Khâm, sau cuộc giới thiệu với ngài các thân hào Pháp Nam ở kinh đô, lúc 11 giờ, quan Toàn quyền sang yết kiến đức Bảo Đại, có đội kỵ mã của Nam triều qua tận tòa Khâm rước ngài. Ở Huế 3 hôm, sau khi đi thăm các nơi trong thành phố, ngày 5-2, quan Toàn quyền đáp xe tốc hành ra Bắc, vào 2 giờ chiều ngày 6-2, ngài đến Hà Nội. Ở đó, cuộc nghênh tiếp cũng sẽ cử hành theo nghi tiết đã định.

ÔNG JUSTIN GODARD RA BẮC

            Khảo sát ở Cao Miên xong, ông Justin Godard lên thẳng Lào rồi đi luôn ra Bắc, đến Hà Nội ngày 2 Février. Nhân dịp nầy các công sở và các trường học đều được nghỉ để các công chức và học sinh có thể đi đón vị “Lao công đại sứ”.

MỘT CUỘC HỘI HỌP CỦA CÁC BÁO BỊ CẤM

            Ngày 25-1-1937 tại Hà Nội có một cuộc hội họp các nhân viên của các báo bị cấm, như Tiếng Trẻ, Tân xã hội, Hà Nội báo, v.v… để đánh điện tín cho ông Godard xin ông cho phép mỗi nhà báo bị cấm được yết kiến ông khi ông đến Hà Nội, để phân trần mọi lẽ.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG Ở BẮC

Ngày 25-1-1937, thợ cạo ở Hà Nội đình công để yêu cầu tăng lương lên 40 %, được nghỉ một ngày trong tuần lễ. Chủ bằng lòng tăng lương lên 15 %. Thợ ưng thuận, nên đã đi làm.

Ngày 28-1, đến phiên thợ làm đệm. Họ yêu cầu tăng công 40 %, bớt giờ làm.

Tại Hải Phòng có cuộc đình công của hàng la-ghim vì nỗi thuế nặng quá; và cuộc đình công của thợ may y phục đầm để yêu cầu tăng lương 30 %.

Tại tỉnh Sơn Tây phong trào đình công cũng đã lan đến. Ngót trăm thợ may ở đó, hôm 25-1-1937, đều rủ nhau nghỉ việc. Họ yêu cầu tăng công 40 % nhưng chủ chỉ bằng lòng 20 %; thuận, thợ đã đi làm lại.

VÌ TIẾP RƯỚC ÔNG BRÉVIÉ, 5 NGƯỜI VIỆT NAM BỊ TRỤC XUẤT KHỎI NAM KỲ

            Ngày 14 Janvier, quan Toàn quyền Brévié, đại biểu của chính phủ Bình dân Pháp, đến Sài Gòn. Công chúng ra bến tàu chào mừng ngài rất đông, nhưng không hiểu vì sao trong số các người hoan hô vị thủ hiến mới, lại có nhiều người bị bắt, mà 5 quê quán Trung, Bắc Kỳ. Theo bạn đồng nghiệp Việt báo ở Hà Nội, 5 người ấy là: Võ Tử Thuật, Nguyễn Tôn Năng, Lê Văn Truyện, Võ Văn Cầu và Nguyễn Đình Cự. Ngay hôm ấy, cả thảy đều bị nhốt, và qua ít hôm sau, đều bị trục xuất khỏi Nam Kỳ.        

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 27 (6 Février 1937),  tr. 8.