TIỂU DẪN

VỀ

SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI

ĐĂNG BÁO TRONG NĂM 1937

Hoạt động báo chí của Phan Khôi trong năm 1937 gắn với hai tờ báo: tờ Sông Hương ở Huế và tờ Đông Dương tạp chí ở Hà Nội.

Ông tiếp tục xuất bản tuần báo Sông Hương thêm 11 số nữa, sau đó tạm ngừng rồi bán lại giấy phép cho nhóm cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Cửu Thạnh. Sau khi trở về quê Quảng Nam ít lâu, ông cùng người vợ trẻ sống ở Huế (chưa rõ các mốc thời gian) rồi sau đó vào Sài Gòn, dạy học tại trường tư thục Chấn Thanh, viết bài cộng tác với các báo ở Hà Nội, trước tiên là tờ Đông Dương tạp chí, tục bản của Nguyễn Giang.

 

1/ Sang năm 1937, tuần báo Sông Hương chỉ còn 8 trang mỗi kỳ ; trong số các mục đã mở từ khi báo mới ra, sang đến năm 1937 nhiều mục như Quốc văn nghiên cứu, Chương Dân thi thoại, Ngự sử đàn văn, Sử liệu từng mảnh vụn, ... đã không còn được tiếp tục, chỉ còn mục Lý luận của tôi, Hán văn độc tu (ngừng lại từ số 26), nhưng lại có những mục mới, giống như những tác phẩm đăng đều kỳ, như hồi ức Đi học đi thi, hoặc chùm giai thoại Những chuyện oái oăm (còn có tên Độc Tại Lâu bút ký).

Biên khảo sử học vẫn là một trong những nét đậm của ngòi bút Phan Khôi trên Sông Hương năm 1937, với những bài viết về sử Trung Hoa (bộ Sử ký Tư Mã Thiên thời cổ đại hay nhân vật Trại Kim Hoa thời cận đại), và nhất là về sử Việt Nam cận đại, từ việc nhận định về các bộ luật Hộ, luật Hình của triều Nguyễn, đến diện mạo trường học và người đi học đi thi thời khoa cử chữ Hán (hồi ức Đi học đi thi), hoặc sưu tập những ‟tiếng xấu để đời” của giới quan chức (Những chuyện oái oăm), ... Với những bài dài hoặc ngắn về luật pháp triều Nguyễn, cây bút khảo luận của Phan Khôi đã đem quá khứ thời cận đại gắn với hiện tại những năm 1930, khi một số thay đổi đã diễn ra theo hướng xây dựng một nền quân chủ pháp trị, kể từ khi vua Bảo Đại về nước nắm triều chính (tháng 9/1932) ; tuy vậy, giọng điệu chính luận của Phan Khôi đã không tránh khỏi sự thất vọng khi nhận thấy cả các chuẩn luật pháp lẫn bộ máy quan chức triều đình đều tỏ rõ sự lạc hậu, bất cập, lại quá chậm được sửa đổi.

Trên Sông Hương năm 1937 đề tài thời sự rõ ràng là đậm hơn so với năm trước, không chỉ bởi số báo nào cũng có các trang điểm tin Thời sự trong tuần lễ, mà còn bởi tờ báo không thể không đáp lại những tiếng nói khác trong làng báo đương thời về các diễn biến xã hội chính trị trong nước, nhất là những khác biệt trong việc tập hợp lực lượng lấy ý kiến để khởi thảo tập dân nguyện sẽ đệ trình lên phái bộ điều tra do nội các Bình dân Pháp cử sang Đông Dương. Sông Hương đã nhanh nhạy điểm những tin tức diễn biến của phong trào ‟Đông Dương đại hội nghị”, những động thái liên quan đến Đông Dương của chính phủ Bình dân Pháp, rồi những diễn biến trong bức tranh chính trị thế giới, từ Tây Âu với nội chiến Tây Ban Nha và sự can thiệp của các lược lượng bên ngoài, những động thái của nước Đức dưới chính quyền Hitler, nước Italia dưới chính quyền Mussolini, đến những diễn biến ở Đông Á, bất hòa và xung đột giữa các thủ lĩnh quân sự Trung Hoa với chính phủ Nam Kinh, hoạt động của các võ quan và chính khách Nhật Bản, v.v...  

Đề tài thời sự ở Sông Hương năm 1937 dường như giao cắt với đề tài sử học khi tuần báo này tham gia thảo luận với báo giới Trung Kỳ và báo giới ba miền về nguyện vọng được hưởng quy chế ngôn luận tự do của báo chí tiếng Việt ở Đông Dương thuộc Pháp. Việc thảo luận này kích thích ông chủ Sông Hương khảo sát so sánh  mặt bằng luật pháp của Trung Kỳ so với Nam Kỳ và Bắc Kỳ, chỉ ra mức độ khe khắt, lạc hậu của pháp chế triều Nguyễn.

Đáng tiếc là tuần báo Sông Hương của Phan Khôi đã tự ngừng xuất bản ngay cuối tháng 3/1932.

Đây là trường hợp một tờ báo tự đình bản tạm thời, chứ không phải trường hợp tờ báo bị chính quyền thu lại giấy phép.

Trong hoạt động của báo chí tiếng Việt trước 1945, sau khi xin được giấy phép xuất bản một tờ báo, người chủ trương nó có thể chưa ra báo trong một thời hạn nhất định, viện cớ ở công việc chuẩn bị, hoặc khi đang xuất bản cũng có thể tự ngừng lại trong một thời hạn nhất định, lại cũng có thể công khai chuyển nhượng giấy phép cho người khác. Tìm hiểu hoạt động của báo chí ở Việt Nam trong thời thực dân trước 1945, người ta thường không dễ xác định từng tờ báo đã chấm dứt hoạt động là do bị cấm (bị thu hồi giấy phép) hay do tự thân những người chủ trương quyết định đình bản. Đầu năm 1935, Toàn quyền Đông Dương giải thể các sở kiểm duyệt, nhưng không vì thế mà không còn sách báo bị cấm. Ví dụ rõ nhất là mấy tuần báo do Lê Tràng Kiều chủ trương :  tờ Tân Thiếu Niên chỉ ra được 3 số, ngay đầu năm 1935, đã bị cấm. Cuối năm ấy, nhà báo này mua lại giấy phép để ra tờ Tiến Hóa, cũng chỉ được 3 số, vào cuối năm 1935, rồi cũng bị cấm. Đầu năm 1936, Lê Tràng Kiều làm chủ bút tuần san Hà Nội Báo của chủ nhiệm Lê Cường, hoạt động được hơn một năm, sang đầu năm 1937 lại bị cấm. Có những tờ bị cấm hẳn, lại có những tờ bị phạt ngừng xuất bản trong một thời hạn từ một vài tháng đến nửa năm.

Trường hợp tờ Sông Hương, tương tự trường hợp tờ Phụ Nữ Thời Đàm, đình bản do người chủ trương nó tự quyết định.

Vì sao Phan Khôi ngừng ra Sông Hương sau số 32 (27/3/1937) ? Đơn giản là vì tài chính.

Đương thời, công việc phát hành báo chí nói chung, nhất là các báo tư nhân cỡ nhỏ như Sông Hương, đều do tòa soạn tự tổ chức. Người ta gửi thư tới tòa báo đặt mua dài hạn, báo sẽ được tòa soạn gửi qua bưu điện tới địa chỉ người đặt mua, rồi người ta sẽ  gửi tiền qua bưu điện cho tòa soạn (khác hẳn lối mua dài hạn phải trả tiền trước như thể lệ ngày nay). Ngoài ra, báo phát hành qua các đại lý đặt tại một số địa phương, nhưng chỉ sau khi bán được một lượng báo nhất định, mỗi đại lý mới kê biên gửi trả tòa soạn; lại cũng không thiếu trường hợp có đại lý không chịu gửi tiền trả, coi như ngang nhiên chiếm dụng tiền bán báo. Tình hình phát hành báo như vậy dẫn tới thất thu. Rất nhiều nhóm nhà văn nhà báo trước 1945 đã lâm cảnh cùng quẫn, không còn đủ tiền trả nhà in, đành cay đắng nhìn báo chết!  

Theo dõi hộp thư tòa soạn Sông Hương gửi người đọc, nhất là độc giả mua dài hạn, ta sẽ thấy nguy cơ thất thu của tờ báo xuất hiện khá sớm. Con số thất thu lên tới trên 60%.

Ông chủ Sông Hương vốn là một nhà báo không giàu có gì, chỉ bằng nguồn tiền dành giụm được trong nhiều năm, ông mới có thể ra báo Sông Hương, nhưng do thất thu hơn phân nửa tiền bán báo, ông và gia đình lại lâm cảnh bần cùng. (1)

Sau khi ngừng ra báo, Phan Khôi đã chuyển nhượng giấy phép Sông Hương cho nhóm cộng sản ở Huế mà đại diện là Nguyễn Cửu Thạnh và Phan Đăng Lưu. Sông Hương tục bản ra lại số 1 vào ngày 19/6/1937. Tuy trên manchette báo vẫn ghi tên người sáng lập là Phan Khôi, cốt để nhấn mạnh tính hợp pháp của tờ báo, nhưng từ đây, Sông Hương không còn là tờ báo văn hóa mà đã chuyển thành tờ báo chính trị. Trước đó, nhóm cộng sản ở Trung Kỳ có tờ Nhành Lúa là cơ quan hoạt động công khai, ra số 1 ngày 15/1/1937 (tòa soạn Sông Hương của Phan Khôi từng chúc mừng sự ra đời ở Huế của tờ báo phái tả này, mặc dù ngay sau đó tờ này chĩa mũi nhọn chỉ trích vào Phan Khôi, như ta đã thấy) ; sau số 9 (19/3/1937), báo Nhành Lúa bị phủ Toàn quyền ra nghị định cấm. Giấy phép tuần báo Sông Hương của chủ nhiệm Phan Khôi đã được Xứ ủy Trung Kỳ cử người liên lạc mua lại, dùng làm phương tiện vận động tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Sông Hương tục bản ra được tới số 14 (14/10/1937) ; tờ này bị đóng cửa do lệnh thu hồi giấy phép ký ngày 11/10/1937 của Toàn quyền Đông Dương J. Brévié. (2)      

Theo các nguồn tư liệu từ thân nhân Phan Khôi, sau khi bán giấy phép Sông Hương, Phan Khôi cùng gia đình (gồm ông cùng người vợ hai, và mấy người con lớn đã từ quê ra Huế giúp ông làm tờ báo) trở về quê ở Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam, bàn bạc với bà vợ cả, bán một ít ruộng và vay mượn thêm để ông có tiền ra Huế trả các khoản nợ của báo Sông Hương. (3)   Sau đó ít lâu, khoảng cuối năm 1937, Phan Khôi cùng người vợ hai – bà Nguyễn Thị Huệ, – từ Quảng Nam vào Sài Gòn (hoặc sống ở Huế một thời gian rồi mới vào Sài Gòn). Từ đầu năm 1938 (?), ông làm giáo sư dạy các môn Việt văn và Hán văn tại trường trung học tư thục Chấn Thanh của hiệu trưởng Phan Bá Lân (1906 - ?). Ngoài việc dạy học, Phan Khôi vẫn viết bài cộng tác với một số tờ báo.

[Viêt thêm: Theo một số tư liệu báo chí đương thời mà tôi (L.N.A.) tìm được, thì đến 1940 Phan Khôi mới vào Sài Gòn.

Theo tìm hiểu của tôi (L.N.Â.), ngay trong năm 1937, Phan Khôi đã có một loạt bài đăng trên tuần báo Đông Dương tạp chí ở Hà Nội.

 

2/ Đông Dương tạp chí (tên chữ Pháp: La Revue Indochinoise) là tên chung của hai ấn phẩm báo chí ở hai đoạn thời gian khác nhau. Tờ thứ nhất là Đông Dương tạp chí do François Henri Schneider (1851-?) sáng lập và làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm chủ bút, ra số 1 vào 15/5/1913, sau 5 năm hoạt động, tờ này ra số cuối cùng vào 15/6/1919, rồi tự đình bản để chuyển dạng thành một tạp chí khác là Học báo (ra từ 1/9/1919), in bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, là một tạp chí có tính cách sư phạm, cung cấp tài liệu cho giáo viên các trường tiểu học. (4)  Sau ngày giỗ đầu Nguyễn Văn Vĩnh, con trai cả của ông là Nguyễn Giang (1904-69) đứng ra chủ trương tục bản Đông Dương tạp chí, thực ra chỉ giữ cái tên cũ, còn lại là một tờ báo mới. Ấn bản mới này là một tờ tuần báo, có phần chữ Pháp do Nguyễn Giang chủ trì, lại có phần chữ Việt, do Vũ Trọng Phụng là thư ký tòa soạn; trụ sở báo ở số 3 Hàng Gai, Hà Nội. Số 1 ra ngày 15/5/1937, thời gian đầu báo ra đều đặn, nhưng từ năm 1938, do các khó khăn tài chính, báo nhiều lần ngừng xuất bản rồi lại tục bản, số cuối cùng ra vào tháng 9/1939. (5)  

 

Phan Khôi có bài đăng Đông Dương tạp chí từ khoảng tháng 10/1937; ngồi ở Sài Gòn viết cho tờ báo ở Hà Nội, các bài của ông không thể quá ngắn, cũng không thể quá dài, thường là những bài không vượt quá 3 trang báo khổ A4, tương tự thời kỳ ông làm cho Phụ nữ thời đàm, lại cũng hầu như không có những bài đăng nhiều kỳ. Thể tài ông viết là khảo hoặc luận, đề tài thiên về văn hóa, lịch sử, của Trung Hoa hoặc Việt Nam.

Điều đáng tiếc, đối với người sưu tầm nghiên cứu, là các sưu tập Đông Dương tạp chí còn lại khá lẻ tẻ, tuy mấy thư viện lớn ở Hà Nội mỗi nơi đều còn giữ được ít nhiều, nhưng tổng hợp lại thì các sưu tập kể trên không bù đắp được sự thiếu hụt chung. Qua một vài tài liệu gián tiếp, tôi biết tên hoặc đề tài một số bài của Phan Khôi trên Đông Dương tạp chí, nhưng chưa thể tìm được những số báo cần thiết để lấy ra văn bản.

Theo tôi, trong số những bài Phan Khôi viết và đăng Đông Dương tạp chí từ 1937 đến 1939, có những bài mang tính kết luận cho những đề tài mà Phan Khôi từng suy nghĩ, luận giải hàng chục năm ròng. Rõ nhất là kết luận của ông về Nho giáo. Ông đã tự thuyết phục được mình, cả về các luận thuyết, quan niệm của Nho giáo, lẫn về thực tiễn hành động của các thế hệ nhà nho (Trung Hoa và Việt Nam, nhất là Việt Nam), những kẻ sĩ do Nho giáo đào tạo, để đi tới kết luận rằng, Nho giáo không bao giờ chấp nhận dân chủ, nhà nho không bao giờ ủng hộ dân chủ, rằng Nho giáo là học thuyết ủng hộ và biện hộ chế độ quân chủ, nhà nho là kẻ được đào luyện để giữ vai trò những bánh xe nhỏ và đinh ốc nhỏ trong các bộ máy cai trị của thể chế quân chủ; nhà nho có thể làm mọi loại công việc do quân chủ giao phó. Cái bí quyết để giới nhà nho được quân chủ tin dùng, theo Phan Khôi, là ở chỗ, đã là nhà nho thì chỉ có thể sẵn sàng phục vụ quân chủ, dù làm tiểu thư lại hay làm đại thần, đứng dưới một người nhưng đứng trên hàng vạn người, đã là nhà nho thì không bao giờ chống lại quân chủ, càng không bao giờ, dù chỉ trong ý nghĩ, muốn trở thành quân chủ.

Những kết luận như vậy không chỉ là điểm đến của những quá trình tư tưởng, mà còn là những cảm nghiệm của cả một quá trình đời sống.

***

Trở lên là một số mô tả và nhận xét về hoạt động báo chí của Phan Khôi trong năm 1937.

Về việc tập hợp bài vở vào sưu tập. Các bài của Phan Khôi trên Sông Hương được tập hợp tương tự đã làm trong Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1936.

Văn bản các tác phẩm được rút từ sưu tập tuần báo Sông Hương hiện lưu tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. Sưu tập ấn phẩm báo giấy này đã bị rách ở mức đáng lo ngại, lại bị mất một số trang ; những trang ấy, tôi tham khảo bản microfilm Sông Hương cũng của Thư viện Quốc gia để bổ sung, tuy chưa dám tin là hoàn toàn đầy đủ.

Văn bản các tác phẩm rút từ tuần báo Đông Dương tạp chí, chúng tôi lấy từ các sưu tập báo gốc hiện lưu tại các Thư viện Quốc gia, Hà Nội, Thư viện Trung ương quân đội, Hà Nội, Thư viện Viện Văn học, Hà Nội.

Như đã làm trong các sưu tập trước, trong sưu tập này người biên soạn tôn trọng hành văn của tác giả Phan Khôi vốn ít nhiều nghiêng về phương ngữ tiếng Việt vùng Trung Kỳ, Nam Kỳ; tuy vậy, tôi có nhận xét là khi viết và biên tập bài vở để đăng trên Sông Hương, tờ báo đặt tại Huế, Phan Khôi cả với tư cách chủ bút lẫn tư cách một trong số các tác giả, đã chú ý nhiều hơn đến sắc thái phương ngữ Bắc Kỳ, – đúng hơn, phương ngữ đàng ngoài, – thường khi sử dụng cả 2 dạng phương ngữ ấy trong cùng một bài (chẳng hạn dùng cả 2 dạng chánh phủ/chính phủ). 

Một số từ khó, hoặc từ Hán-Việt, tôi có tham khảo các sách từ điển hoặc các nhà nghiên cứu quen biết để chú thích, nhưng cũng chưa xử lý được hết mọi trường hợp.

Các chú thích ghi bằng chữ số Arab (1,2,3…) là chú thích của bản gốc (nguyên chú).

Các chú thích ghi bằng chữ cái Latin (a,b,c…) là chú thích của người biên soạn.

30. 05. 2013

LẠI NGUYÊN ÂN

Chú thích

(1)  Về điều này, xin xem thêm: Phan An Sa, Nắng được thì cứ nắng. Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn, Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2013, tr. 189-202.

(2)  Chi tiết hơn về tờ Sông Hương tục bản,  xin xem: Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1984, tr. 213-222.

(3)  Về việc này, xin xem thêm: Phan An Sa, sách đã dẫn, tr. 205-208.

(4)  Xem : Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Tp.HCM.: Nxb. Tp. HCM., 2000, tr. 197; Nguyễn Thành, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 2001, tr. 191, 258.

(5)  Nguyễn Thành, sách đã dẫn, tr. 191.