PHỤ LỤC 1

TỒN NGHI

CÁC TÁC PHẨM CÓ THỂ LÀ CỦA PHAN KHÔI

PHÊ BÌNH

TRỐNG MÁI CỦA KHÁI HƯNG

Ít hay nhiều, sự nghiệp của một nhà văn phải là tấm gương phản chiếu cái xã hội và thời đại mình sống. Có những hiện trạng do sự tiến hóa tự nhiên của loài người đột nhiên đưa ra chung quanh ta, nhưng để rồi ngày kia bị lấp khỏa, nếu không có người đứng ra ghi lấy. Sự đụng chạm với một nền văn minh Tây phương ngót già nửa thế kỷ, gần đây đã rấp rinh đổi hẳn quan niệm về cái đẹp của thân thể giữa một số đông thanh niên.

Cái hiện trạng đó của thời đại, ông Khái Hưng đã ghi lại bằng một ngòi bút linh hoạt và cảm động trong cái tác phẩm ông vừa cho xuất bản, quyển Trống mái.

Có người cho chuyện một cô thiếu nữ tân thời xinh đẹp như cô Hiền mà lại đi mê một anh chàng đánh cá chỉ có cái thân hình nở nang, đều đặn ở bãi bể Sầm Sơn, nơi nàng ra nghỉ mát, là không hợp với tình lý chút nào. Cho như thế cũng phải, nếu quyển sách ấy ra đời trên đây vài mươi năm. Nhưng người ta quên rằng Hiền thuộc về hạng gái mới đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của phong trào thể thao mỗi ngày tràn ngập vào nước ta, đã từng đi đến các sân vận động để mà ngắm nghía, khen thầm cái thân thể cường tráng của các thiếu niên lực sĩ, và có lẽ đã từng đọc qua một vài quyển sách nói về quan niệm cái đẹp của người Âu, nói tóm lại là đã có được cái khiếu thẩm mỹ của một người thời nay. Đứng trước Vọi, tuy chỉ là một anh chàng đánh cá, nhưng đã có một thân thể tuyệt đẹp, Hiền, tôi tưởng có thể cảm được lắm.

Nàng chỉ cảm, chỉ mê, nhưng có lẽ không phải là nàng yêu. Vọi đối với nàng là sự thực hiện của một hình ảnh nàng đeo đuổi bấy lâu, cho nên gặp là nàng như bám lấy, để làm thỏa, dù là bằng sự tưởng tượng, lòng khát vọng của mình. Bám lấy trong chốc lát để rồi thả ra, vì nàng biết bên nàng còn có mẹ nàng, còn có những thành kiến hẹp hòi, còn có một cuộc đời cao sang lộng lẫy lúc nào cũng như chực sẵn để đón nàng; bao nhiêu cái họp lại thành một hố sâu nó sẽ ngăn đôi nàng với anh chàng đánh cá.

Cho đi rằng Hiền yêu Vọi. Thì sự yêu ấy cũng chỉ đầy một ý nghĩa mỉa mai mà thôi; nhưng thế, còn đâu gọi được là tình yêu nữa? Người ta thấy Hiền lúc nào cũng thực tâm binh vực Vọi trước mặt bạn; nhưng bạn là ai? Phải chăng là Lưu, là Phụng, là Thu, là Lan, một lũ thanh niên tinh quái, có bao giờ chịu dung tha những cái ngây ngô của một anh trai quê kệch. Sau bữa tiệc trà ở nhà Hiền, Vọi như mang trên mình không biết bao nhiêu là vết thương. Sự ấy, Hiền khi mời Vọi, cũng không ngờ mà có.

Vô tâm, Hiền đối với Vọi, như phạm vào một tội ác. Cái tội ấy thấy mỗi ngày thêm trầm trọng, nếu ta lần theo cuộc tiến hóa của hai tâm hồn. Hiền vì không chống nổi sự cám dỗ của cuộc đời hào hoa lộng lẫy mà hình ảnh là Lưu, dần dần xa Vọi rồi quên hẳn chàng. Vọi đã đi con đường ngược lại. Cái khối óc ngây thơ, chất phác của chàng trước kia chưa từng thoáng hiểu thế nào là yêu đã vì sự gần gũi một cô tiểu thư xinh đẹp lại "có lòng tốt”, mà mỗi ngày âm thầm rung động, rồi cũng nhớ nhung, tương tư, cho đến ngày chết một cách thảm khốc.

Chúng ta không nên trách ông Khái Hưng đã ngấm ngầm cho người đọc phảng phất thấy cái “ác” của cô Hiền, vì đó là điều kiện cần thiết để làm nổi sự hối hận của nàng ở đoạn kết, sự hối hận bên cái bi đát của một thứ ái tình câm thất vọng, đầy một vẻ ngây thơ đáng thương.

Nói tóm lại một câu chuyện như chuyện Trống mái, ở xã hội ta ngày nay có thể xảy ra được lắm. Những hạng gái như cô Hiền không cần phải thắp đuốc tìm mới có. Mà có lẽ ông Khái Hưng, trước khi viết truyện, cũng đã có một người mẫu đâu rồi. Tác giả đã trọng sự thực mà không kết hai thiếu niên lại với nhau, điều đó ta nên nhận là một cái đặc sắc. Là vì Hiền tuy là một cô gái phong lưu có những quan niệm mới, nhưng chưa thoát hẳn sự cám dỗ của cuộc đời phong lưu. Là vì cái xã hội Hiền sống đương còn đầy dẫy những thành kiến hủ bại hẹp hòi. Là vì Vọi không những chỉ biết địa vị mình mà còn là một anh trai bẽn lẽn, thoáng thấy gái thì hai má đã đỏ bừng. Nhưng một khi bao nhiêu những cái ấy bị đổ nhào, tôi dám quyết đôi trai gái sẽ thành thực, sẽ công nhiên yêu nhau. Sự ấy, ta hãy đợi một trăm, hay vài trăm năm nữa.

Văn của ông Khái Hưng đến quyển Trống mái thực là giản dị. Cái lối tả cảnh rườm rà thỉnh thoảng thấy trong những tác phẩm đầu của ông, bây giờ không còn nữa. Bây giờ chỉ là những bức chấm phá rất tài tình mà thôi. Trong văn của ông, còn ẩn một thứ âm điệu nhẹ nhàng miên man, bát ngát. Thứ văn ấy mà đem tả những cảnh trời bể bao la, thực đã lột được hết cái thi vị hùng tráng của nó.

Cái điều mà ta có thể chỉ trích trong quyển sách của ông Khái Hưng là những cái sơ ý về tâm lý của một vài vai phụ động: Như Vọi có lúc tỏ ra mình là một anh chàng ngốc, nhưng sao có lúc lại làm như rất thông minh? Song với một tác phẩm có giá trị như Trống mái, người ta sẵn lòng bỏ qua những cái khuyết điểm nhỏ mà chỉ ghi lại những cái đặc sắc. [a]

P. T. T.

Nguồn

Sông Hương, Huế, s. 27 (6 Février 1927), tr. 3

Chú thích

[a] Bài này ký bút danh P. T. T., một trong những bút danh có thể là của chủ bút Phan Khôi trên Sông Hương.