TRÊN ĐÀN VĂN HỌC THẾ GIỚI,

VĂN HỌC TRUNG HOA Ở ĐỊA VỊ NÀO?

            Cái bước tiến hóa của một dân tộc trước hết ở sự giác ngộ. Về phương diện nào cũng vậy, một dân tộc phải biết của mình ra sao, của người ra sao, nếu thấy mình kém thì mới sinh lòng hổ thẹn mà lo bươn tới cho kịp người. Bằng chẳng vậy, cái gì cũng tự phụ mình hay mình giỏi, kém mà không biết là kém, ấy là cái không giác ngộ, thì không khi nào tiến hóa được.

            Người Tàu đã tiến hóa được như ngày nay, ấy là nhờ ở sự giác ngộ của cả dân tộc họ mà ra. Hôm nay tôi xin kể chuyện cho bạn đọc biết sơ qua một sự giác ngộ của họ về phương diện văn học.

            Từ khi bắt đầu giao thông với các nước Âu Mỹ, bên Tàu, triều Minh và triều Thanh lúc còn thịnh, cứ coi người da trắng là mọi rợ không biết chi, chỉ có mình là xứ văn hiến, mọi sự đều tốt lành. Dần dần có cơ hội cho hai bên tiếp xúc nhau, quái lạ, sao cứ đánh đâu thua đó, khi ấy người Tàu mới nhận thấy người Tây chẳng qua có cái sở trường riêng tức là tàu bền súng sắc. Lại dần dần thấy người Tây đem những hàng khéo của lạ bán cho mình, người Tàu tìm tòi thêm mới nhận thấy họ chẳng qua có một cái sở trường nữa, tức là khoa học cơ khí. Lại dần dần nữa, thấy người Tây kinh doanh ở các thuộc địa hay tô giới, như Hương Cảng và Thượng Hải, mỗi ngày mỗi phát đạt và thịnh vượng, người Tàu cực chẳng đã phải nhận thấy một lần nữa rằng người Tây chẳng qua có thêm một cái sở trường tức là chính trị kinh tế mà thôi.

            “Chẳng qua”, “mà thôi”, ấy là những chữ để chỉ ra người Tàu tuy thấy mình thua Tây nhưng vẫn còn khinh họ. Trong ý nói rằng ta thua là thua về tàu bền súng sắc, về khoa học cơ khí, cùng lắm nữa là về chính trị kinh tế, chứ nói đến triết học, văn học, đạo đức, luân lý thì họ làm thế nào cho bằng được ta? Cái thuyết ấy, với cái thuyết “văn minh Tây phương là văn minh vật chất, văn minh Đông phương là văn minh tinh thần” tuy khác lời mà cùng một ý.

            Nói như thế chỉ để lấy thể diện chứ không đúng sự thực. Theo sự thực, cái trình độ văn minh của dân tộc Trung Hoa đã kém các dân tộc bên Âu Mỹ thì bất kỳ về phương diện nào cũng kém.

 

            Riêng về phương diện văn học: đem văn học Trung Hoa đặt trên đàn văn học thế giới, nghĩa là đem so sánh với văn học các nước có danh tiếng trong hoàn cầu, thì nó phải đứng vào cái địa vị rất kém cỏi. Lời ấy chẳng phải bởi một người nào muốn dìm nước Tàu xuống mà nói ra được đâu, song chính bởi các văn nhân học sĩ nước Tàu đã nói ra do sự giác ngộ của họ vậy.

            Sự giác ngộ ấy ra nẩy sinh vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi bên Tàu có nhiều học sinh du học ở ngoại quốc và nhất là khi đã có nhiều sách vở ngoại quốc dịch ra chữ Tàu. Một mình Nghiêm Phục dịch hơn mười bộ sách về triết học của các nhà triết học Pháp và Anh, một mình Lâm Thư dịch hơn một trăm bộ tiểu thuyết của nhiều tay văn hào trong thế giới, sự ấy để làm cho người Tàu mở mắt thấy văn học của các nước thế nào và của nước mình thế nào.

            Lúc bấy giờ cả nước Tàu người nào cũng như đương trong giấc ngủ mê mà vùng thức dậy. Người thì nói: À ra bên Tây cũng có văn học! Người thì nói: không khéo mà văn học của các nước lại còn phong phú và thâm thúy hơn văn học nước mình! Đây tôi xin cử ra một bức thư luận về văn học gởi cho bạn của Trần Quý Đồng, người gồm thông cả văn học Trung – Tây, để làm chứng:

 

“… Chúng ta ở thời đại này, chẳng những phải bươn theo khoa học mới sống nổi, mà cả về văn học chúng ta cũng không nên tự phụ, không nên tự cho nước mình là nước văn học có một không hai. Phải biết văn học của nước người ta cũng tiến bộ chóng lắm như các món học khác. Phải biết trong khi người thế giới nói đến văn học, họ không thèm đếm xỉa đến nước ta đâu, họ cho văn học nước ta còn chưa bằng Nhật Bản.

Tôi (Trần Quý Đồng tự xưng) ở lâu bên nước Pháp, giao du với nhiều người nước ấy, thường thường nghe những lời họ phê bình văn học nước mình, thiếu điều tức mà chết! Trừ ra mấy người này, như Abel Rémusat, một học giả chuyên nghiên cứu chữ Hán, có viết cuốn sách Luận về ngữ ngôn và văn học Trung Hoa, trong đó lập luận còn là công bình. Lại Guillaume Pauthier, sùng bái triết học nước ta lắm, có dịch các sách tứ thư, Kinh ThiLão Tử; ông ấy nhìn nhận Khổng Tử, Mạnh Tử đều là nhà triết học về chính trị và đạo đức, Lão Tử là sách về lý tính rất cao. Lại Guillard d’ Arcy thì dịch thần thoại của Trung Quốc và mấy người nữa thì dịch tiểu thuyết, cái luận điệu của họ đối với ta là nửa khen ngợi nửa chê cười. Ngoài những người đó ra, phần nhiều họ đối với ta, nếu chẳng khinh rẻ thì là chán ghét.

Cho đến như Voltaire là người có cảm tình với nước ta lắm mà trong bản kịch Trung Quốc cô nhi (L’ Orphelin de la Chine), nơi bài ở đầu cuốn sách viết dâng cho tể tướng Richelieu cũng có mấy lời mỉa mai chúng ta, nói chúng ta đã biết phát minh ra nghệ thuật trước đây ba ngàn năm, mà sao đi tới chậm như rùa, đến nay cũng còn vẫn giữ cái trình độ ba ngàn năm về trước! Còn nói chi đến A. France, một văn hào hiện đại thì rất thực tình, không còn chút khách sáo nào hết, cứ việc mắng nhiếc chúng ta ra mặt!

A. France phê bình tiểu thuyết của chúng ta, có nói rằng: “Không cứ ở trong vận văn hay tản văn, đều thấy ra cái tư tưởng của một dân tộc đáng ghét, ngoài mặt thì ra dáng lễ văn mà trong lòng thì rặt những hung ác”. Khi phê bình thần thoại, lại nói: “Hết già nửa làm cho người ta đọc mà tới mà không thích, vì văn nặng mà không thật. Nói tóm lại, văn học của China là cái thứ bất kham!” Hết thảy những lời phê bình của A. France đó đều đăng trên báo mới ác cho chớ!

Tôi tưởng có hai nguyên nhân gây ra cái hiện trạng không tốt ấy: Một là tại chúng ta không chú ý sự tuyên truyền, các tác phẩm văn học dịch ra rất ít, hoặc không chọn sách hay mà dịch, hoặc sách hay mà dịch không hay, thành thử họ khó lòng nhận hết cái chân giá trị của ta. Hai là tại cái phạm vi văn học mà ta chú trọng có khác với họ. Ta chỉ sùng thượng thi và cổ văn, cái phạm vi ấy hẹp hòi quá, không như họ chú trọng cả đến tiểu thuyết và kịch bản, điều ấy lại còn dễ làm cho họ hiểu lầm.

Vậy chúng ta bây giờ phải gắng sức lên mới được, thứ nhất là đừng có làm thánh làm tướng trên sân khấu văn học một nước mình mà phải mở rộng ra, tham gia vào sân khấu văn học thế giới. Đã muốn thế thì phải đọc nhiều sách của họ, dịch nhiều sách của họ, bỏ các thành kiến, các tập quán trong văn học giới của mình để cùng đi tới rập với họ mới xong…”

 

            Trong bức thư ấy, thấy ra văn học Trung Hoa ở cái địa vị nào trên đàn văn học thế giới ngày nay rõ ràng lắm. “Còn chưa bằng Nhật Bản” thì chỉ có là hạng bét chứ gì! Tôi xin nhắc lại lần nữa, điều ấy chính ở miệng một người Tàu khai ra. Lời khai ấy cách nay chừng vào khoảng hơn hai mươi năm, văn học Trung Hoa cũng đã tiến bộ theo một con đường khác với trước, thế mà các ông nhà nho xứ An Nam này vẫn còn khen thơ Tàu hay hơn thơ Tây, văn học Tàu đứng nhất thế giới, thì thật là một sự đáng thương hại biết bao!

            Nhờ có sự giác ngộ như nói trong bức thư Trần Quý Đồng đó nên đến năm Dân quốc thứ sáu (1917) ở Trung Hoa mới có gây ra cái phong trào gọi là “văn học cách mạng”. [a]  Hồ Thích và Trần Độc Tú [b] là người đứng chủ trương cái phong trào ấy. Họ xướng lên bỏ “văn ngôn”, từ nay sấp sau viết văn bằng “bạch thoại”. Lại công kích mọi sự hủ bại của văn thể đương thời mà lập ra những quy tắc cho văn thể mới.

            Liền đó cả nước hưởng ứng theo, đến năm Dân quốc thứ mười (1921) thì hết thảy các báo chí trong nước đều dùng bạch thoại và cho đến chính phủ cũng cải cách học quy mà dùng bạch thoại. Cái lợi của văn bạch thoại ở chỗ viết và nói có một, không như văn ngôn khác với tiếng nói thường. Những người chủ trương cuộc cách mạng ấy gọi văn ngôn là “văn học chết”, còn bạch thoại là “văn học sống”. Vì họ chôn cái “chết” đi mà đưa cái “sống” ra, là sự thuận tiện và ích lợi hẳn, nên họ đã được thành công trong cuộc cách mạng.

            Từ cuộc cách mạng ấy đến nay vừa hai mươi năm, văn học Tàu như một người già bỗng dưng biến ra trai trẻ. Họ có những tay văn hào mới mọc lên và có những thơ, kịch, tiểu thuyết theo lối mới mỗi năm một tiến, về đằng phẩm cũng như về đằng lượng. Bây giờ ta thử hỏi: Trên đàn văn học thế giới tương lai, văn học Trung Hoa sẽ ở vào địa vị nào thì thật không ai dám đoán trước được vậy.

            Cuộc văn học cách mạng [a] vừa nói đó rất trọng yếu, để có dịp tôi sẽ nói đến trong một bài khác.

PHAN KHÔI

Nguồn:

Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 28 (20 Novembre 1937), tr. 19 - 20.

Chú thích

[a] Lưu ý: tổ hợp từ “văn học cách mạng” ở bài này được đặt theo kiểu ghép từ của chữ Hán (định ngữ đứng trước danh ngữ; đây là một đặc điểm hành văn khá phổ biến trong viết văn quốc ngữ /chữ Việt/ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước), tương ứng với tổ hợp chữ Anh “literary revolution”, chữ Nga “литературная революция”, chữ Pháp “révolution littéraire”, và trong tiếng Việt ngày nay cần được hiểu là “cách mạng văn học”, như ý tác giả nói trong đoạn văn tiếp theo.  

 

[b] Hồ Thích Hu Shi, (1891-1962), học giả, triết gia Trung Quốc; Trần Độc Tú   Chén Dúxiù, (1879-1942) nhà chính trị, nhà văn Trung Quốc, Tổng bí thư (1921-27) đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc.