HỘI NGHỊ TRANH LUẬN SÂN KHẤU Việt Bắc, 20 - 23/3/1950 (trích biên bản hội nghị)
[……] TRANH LUẬN VỀ TUỒNG, CHÈO, CẢI LƯƠNG […..] SÁNG 21/3/1950: […..] PHAN KHÔI: -- Trước hết tôi đồng ý với ông [Đoàn Phú] Tứ, nhưng phải đổi là “tạm” để vào bảo tàng, nghĩa là chỉ không nên đem chèo ra diễn trong lúc này thôi. -- Hôm qua ông Tứ có nói một cách tuyệt đối là tuồng chỉ là một lợi khí tuyên truyền của từng lớp phong kiến thống trị, của vua quan. Nói như thế không đúng, có hai thứ tuồng. Thứ tuồng diễn như ở Quảng Lạc và một thứ gọi là tuồng đồ. Tuồng Quảng Lạc là của bọn vua quan. Tuồng đồ giống chèo lắm. Không nhảy múa lung tung. Tôi biết có một tích tuồng gọi là Trần Bồ, diễn một câu chuyện gia đình trong đó có vợ cả vợ lẽ và những xích mích lôi thôi mà Trần Bồ là gia trưởng. Tôi lại nhớ một thứ tuồng nữa gọi là tuồng tứ thú. Trong đó các nhân vật lấy cái tứ thú của đời người ta: manger, dormir… làm action. Những tấn tuồng này tôi nghe thấy nói về thời Tự Đức hay diễn lắm, thứ nhất là tích Trần Bồ. -- Hôm qua ông Văn Cao cho rằng ông Đoàn Phú Tứ gọi tuồng chèo là nhạc kịch là không đúng. Tôi xin chứng nhận tuồng chèo đúng là nhạc kịch. Tại sao người ta lại không nói là đi xem diễn tuồng, diễn chèo mà gọi là đi xem hát tuồng, hát chèo. Hơn nữa trong chèo, tuồng có thêm cả chiêng trống là những dụng cụ âm nhạc. Như vậy tuồng chèo là nhạc kịch chứ gì. Bây giờ phải đặt ra vấn đề: nếu giữ tuồng chèo lại thì phải hỏi có giữ lại kiểu nhạc cũ ấy không? Và mình có chịu được cái kiểu nhạc ấy không? Trò nào trống ấy, nếu thay cái mới vào chỉ thêm lố lăng. -- Tôi nói về bình cũ rượu mới. Dùng bình cũ rượu mới rất nguy hiểm. Vì làm không khéo thì chính thành ra hát cải lương đó. Phải xét xem thực tế có thực hiện được không. Tôi thử hỏi các ông có thể chịu được hay không nếu thấy trên sân khấu một ông chủ tịch tỉnh hát xưng danh: “Như ta đây chủ tịch khu…” (theo điệu tuồng) (hội nghị cười) Ai là người đã nêu ra thuyết bình cũ rượu mới? Đầu tiên chính là Zésus Christ. Câu bình cũ rượu mới là một câu trong Kinh Thánh và chính Zésus Christ cũng đã nói rằng “Bình cũ không thể chứa được rượu mới”. Cái bình sẽ vỡ và rượu sẽ rớt xuống đất. Zésus Christ mà còn nói như thế. Rút kinh nghiệm ta nên đề phòng chỗ đó. Vì sao tuồng chèo phải tạm cất vào bảo tàng? Chỗ này tôi thấy ông Tố Hữu chỉ đứng về một phương diện nhân dân. Vẫn còn thiếu, phải bổ khuyết là đứng về phương diện nhân dân và kháng chiến thì mới đúng. Cái gì có lợi cho kháng chiến thì hãy làm. Tôi cho rằng khi nào độc lập rồi, người ta đã có một căn bản vững, việc đưa tuồng chèo ra mới không có hại. Bây giờ chỉ nên phát triển kịch. (hội nghị vỗ tay lâu) [….] (theo biên bản hội nghị) Nguồn: Văn Nghệ, [Việt Bắc] s. 26, đặc san kịch (tháng chin 1950) [Rút từ Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, tập 3: 1950, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2000, tr. 642-643]
© 2017 Lại Nguyên Ân |
© Copyright Lại Nguyên Ân 2012