Chuyện phiếm cuối xuân


Bắc Kinh đang là tiết cuối xuân, có lẽ vì cớ tôi quá nóng tính, cứ thấy ra vẻ mùa hè, thế rồi vụt nhớ đến thứ ong eo lưng ở làng quê. Bấy giờ là mùa hè rộ, những con ruồi xanh đậu chen chít ở cái dây treo giàn, những con ong eo lưng màu đen sắt bay qua bay lại giữa cây dâu hoặc gần những cái lưới nhện ở góc tường, có khi cắp một con sâu xanh bay đi, có khi bắt một con nhện. Con sâu xanh hoặc con nhện trước thì chống cự không chịu, sau rồi kiệt sức, bị kẹp vút lên không mà đi, như thể ngồi máy bay.
Các cụ bảo cho tôi biết, con ong eo lưng tức là con quả lỏa nói trong sách, toàn cái không có đực, nên nó phải bắt con minh linh để làm con nuôi. Nó đem con sâu xanh về bít trong tổ, rồi ở ngoài ngày đêm rờ rẫm, khấn rằng "giống ta giống ta", trải qua bao nhiêu ngày đó - tôi không nhớ rõ, chừng là bảy bảy bốn chín ngày thì phải - con sâu xanh kia bèn hóa ra con ong eo lưng, cho nên trong Kinh Thi nói: "Minh linh hữu tử, quả lỏa phụ chi"(1). Minh linh tức là con sâu xanh trên cây dâu. Còn con nhện? Họ không nói đến. - Tôi nhớ có mấy nhà khảo cứu từng nêu ra thuyết khác, nói con ong eo lưng chính nó đẻ trứng được; nó bắt sâu xanh là để chứa vào trong tổ, làm lương cho con nó ăn sau khi nở ra. Nhưng các cụ mà tôi biết, đều không chịu thuyết ấy, cứ nói là nó bắt để làm con nuôi. Như thế mà lại hay, nếu chúng ta muốn giữ lại câu chuyện ngộ nghĩnh giữa trời đất. Đang lúc mùa hè, ngày dài nhàn rỗi, tránh nắng dưới bóng cây, nhác thấy hai con sâu bọ, một con kéo đi, một con trì lại, khác nào như thấy bà mẹ hiền dạy cô con gái, muốn cho nên người, mà con sâu xanh lại co cưỡng chống chế, thật giống hệt một con bé ranh không biết điều.
Nhưng rốt lại có quân di địch là khả ố, nó đòi cắt nghĩa bằng khoa học gì gì. Khoa học tuy có cho chúng ta biết nhiều sự lạ lùng, song cũng chọc vỡ nhiều cái mộng đẹp của chúng ta. Từ khi Fabre(2), nhà côn trùng học trứ danh nước Pháp xem xét kỹ càng rồi cái thuyết làm lương cho ong con có thể được chứng minh là đúng. Vả lại, con ong eo lưng ấy chẳng những là một hung thủ thông thường, mà còn là một hung thủ tàn nhẫn, lại là một nhà giải phẫu học có học thức và kỹ thuật đều rất cao siêu. Nó lảu biết sự cấu tạo và tác dụng của thần kinh con sâu xanh, bèn dùng cái kim độc mầu lạ chích chỉ một mũi vào chỗ huyệt thần kinh vận động, thì con sâu xanh tê liệt đi, thành ra cái trạng thái không sống không chết, rồi nó mới đẻ trứng trên mình con nọ và đem bít vào trong tổ. Con sâu xanh vì không sống không chết cho nên không động đậy, nhưng cũng vì không sống không chết cho nên không thối nát, thẳng đến khi con nó nở ra, cái thức ăn ấy vẫn còn tươi như hồi mới bắt.
Trước đây ba năm, tôi gặp ông E(3) người nước Nga, có thần kinh quá nhạy, một hôm ông thình lình đâm buồn, nói rằng chẳng biết rồi đây nhà khoa học phải chăng không đến nỗi phát minh ra một thứ thuốc mầu lạ, đem tiêm cho người nào thì người ấy liền vui lòng mãi mãi làm cái máy phục dịch và chiến tranh? Bấy giờ tôi cũng cau mày thở ra, làm ra dáng đâm buồn như ông để tỏ ý mình cũng nghĩ như ông vậy. Có ngờ đâu các bậc vua thánh tôi hiền, các ông thánh ông hiền nước ta đã có cái thứ lý tưởng hoàng kim thế giới ấy từ đời nào rồi. Chẳng phải "một mình vua tác phúc, một mình vua tác uy, một mình vua ngọc thực" là gì?(4) Chẳng phải "người quân tử nhọc lòng, đứa tiểu nhân nhọc sức" là gì?(5) Chẳng phải "kẻ bị trị cho người khác ăn, kẻ trị người ăn của người khác" là gì?(6) Có điều đáng tiếc là lý luận tuy có cao, mà chưa hề phát minh cái phương pháp mười phần trọn tốt. Muốn cho phục tùng sự tác uy thì cần phải không sống, muốn cho cống hiến đồ ngọc thực thì cần phải không chết; muốn cho bị trị thì cần phải không sốn, muốn cho cung dưỡng kẻ trị người thì lại cần phải không chết. Loài người được thăng làm giống linh hơn muôn vật, cái đó vẫn đáng mừng, nhưng không có cái kim độc của con ong eo lưng, hóa khiến cho các bậc vua thánh tôi hiền, các ông thánh hiền, thánh hiền cho đến n người tai to mặt lớn, học giả, nhà giáo dục hiện nay đều thấy phải bó tay. Sau nầy thế nào chưa biết chứ về trước, thì kẻ trị người tuy đã thi hành mọi chước làm tê liệt, cũng còn chưa có mười phần công hiệu, thi đua với con quả lỏa mà thắng được nó. Nói nội một đấng hoàng đế, không khỏi cứ thay triều đổi họ luôn luôn, chẳng bao giờ được "muôn năm có đạo lâu dài"(7). Hai mươi bốn sử, sử mà nhiều đến hai mươi bốn, đó là cái chứng sắt đáng buồn vậy(8). Hiện nay lại hình như đã giở trò mới ra, trên đời đột xuất một thứ lưu học sinh gọi là "giai cấp tri thức đặc biệt", theo cái kết quả đã nghiên cứu được ở trong buồng nghiên cứu, họ nói rằng y học không phát đạt là có ích cho sự nhân chủng cải lương, cảnh ngộ của phụ nữ Trung Quốc rất là bình đẳng, mọi sự đều đúng cả, mọi trạng thái đều tốt cả. Sự đâm buồn của ông E hoặc cũng có cớ, nhưng mà nước Nga không đáng lo mấy, vì nước Nga không giống Trung Quốc chúng ta là nước có "quốc tình đặc biệt", lại còn có thứ người gọi là "giai cấp tri thức đặc biệt"(9).
Có điều những công tác ấy cũng e rút cục giống với người đời xưa, không thể mười phần có công hiệu, vì sánh với việc con ong eo lưng làm, thực ra còn khó hơn nhiều. Nó chỉ cần con sâu xanh không động đậy là đủ rồi, cho nên chỉ chích cho một mũi ở huyệt thần kinh vận động là xong việc. Còn công tác của chúng ta lại muốn cho vận động được mà không có tri giác, phải làm thế nào cho cái chỗ cốt yếu thần kinh tri giác tê liệt hoàn toàn đi cơ. Nhưng mà, hễ tri giác đã mất đi thì lại không vận động được, không thể nào cống hiến đồ ngọc thực, mời trên từ các vị "chóp bu" xuống đến "giai cấp tri thức đặc biệt" xơi thời cho. Theo hiện tại mà nói, trộm nghĩ rằng ngoại trừ phép thánh kinh hiền truyện của các bậc di lão, chủ nghĩa vào buồng nghiên cứu của các học giả, luật cấm nhà văn học và tiệm trà quán rượu nói chuyện quốc sự, cái chủ trương vật thị vật thính vật ngôn vật động của nhà giáo dục ra,(10) thực thì không còn có cái phương pháp nào tốt hơn, hoàn toàn hơn và không lưu tệ. Dù cho sự phát kiến đặc biệt của lưu học sinh, thực ra cũng không ngoài cái phạm vi của người đời xưa.
Vậy thì, lại phải "lễ mất mà cầu ở đồng quê" rồi(11). Người đi, hiện giờ vì muốn bắt chước họ, hẵng gọi là ngoại quốc đi, ở nơi họ, có phương pháp gì hay hơn không? Tiếc thay, cũng không có. Cái họ có, vẫn chỉ là không cho nhóm họp, không cho mở miệng, các thứ đó, với Trung Hoa chúng ta cũng không khác gì mấy. Nhưng cũng đủ thấy rằng người ta ở đâu cũng có một lòng như nhau, một lý như nhau, không phân biệt hoa hạ và di dịch vậy. Con thú rừng thì ở độc chiếc, còn trâu dê thì kết đàn với nhau; trâu bầy ở rừng, nó biết châu đầu lại, giơ rừng ra ngoài để cự lại hổ báo, nhưng tách ra từng con một, chỉ có thể kêu nghé ngọ. Nhân dân một loại với trâu ngựa - ấy là nói ở Trung Quốc, ngoại quốc có cách phân loại khác - cái phép cai trị họ, tự nhiên phải cấm nhóm họp: phương pháp ấy là đúng. Thứ đến là phải cấm nói. Người mà nói được, đã đủ sinh sự rồi, huống chi có khi còn viết văn. Cho nên Thương Hiệt bày ra viết chữ, quỷ khóc ban đêm(12). Quỷ còn phản đối thay, nữa là quan? Con khỉ không biết nói, trong giới khỉ từ trước dến giờ không có phong triều - nhưng trong giới khỉ cũng không có quan, đó lại là chuyện khác, - thật nên bắt chước nó, trở lại mộc mạc như ban đầu, không nói, tự nhiên văn chương cũng tiêu diệt: phương pháp ấy cũng là đúng. Nhưng mà trên đây cũng chẳng qua là lý luận, đến như thực hiện thì vẫn không cầm chắc được. Cái lệ chứng rất rõ là, cả đến nước Nga chuyên chế đến bậc ấy mà sau khi Nicolas II "cỡi rồng chầu trời" rồi, dòng họ Romanov đã "tuyệt tự" hẳn(13). Nói gọn, cái chỗ khuyết điểm lớn là tuy cái hai phương pháp hay tuyệt mà còn thiếu một, ấy là: không có cách nào ngăn cấm sự tư tưởng của người ta.
Đến đây, thấy ông Chúa tạo vật của chúng ta - giá có ông "Chúa" ấy thật - thật đáng giận: một, giận ông không chia rạch ròi mãi mãi "kẻ trị" với "kẻ bị trị"; hai, giận ông không sinh cho kẻ trị một cái kim độc như của con ong eo lưng; ba, giận ông không tạo ra thứ người bị trị dù chặt cái đầu trong có chứa tư tưởng rồi mà cũng còn động tác được để phục dịch. Ba điều đó nếu được một, thì địa vị của người tai to mặt lớn bền vững lâu dài, sự thống trị cũng luôn luôn đỡ nhọc, mà thiên hạ cứ thái bình. Nay thì không thế, cho nên dù chỉ muốn tạm thời ngồi trên chóp bu, giữ vững cái phách cao sang, cũng còn phải ngày đêm lo tính mưu này chước nọ, thật là bận lòng nhọc trí không xiết kể...
Giả dụ không có cái đầu mà cũng còn làm cái máy phục dịch và chiến tranh được, thì tình hình xã hội dễ coi biết chừng nào, bấy giờ không cần dùng áo mũ huân chương gì gì nữa để mà đánh đấu người sang với người hèn, chỉ thấy có đầu hay không, đủ biết có sự phân biệt chủ với nô, quan với dân, trên với dưới, quý với tiện. Vả lại cũng không đến còn gây ra những vụ loạn như là cách mạng, cộng hòa, hội nghị gì gì nữa; chỉ một việc đánh dây thép, cũng đỡ đi nhiều. Dù thế nào người đời xưa cũng là thông minh, hình như họ đã nghĩ ra cái vật đó. Trong Sơn hải kinh có chép về một thứ quái vật tên là "Hình thiên"(14). Chúng không có cái đầu để tư tưởng nhưng mà cứ sống, "lấy vú làm mắt, lấy rốn làm miệng", - về điểm nầy thật đã nghĩ đến nơi lắm, không thì thấy bằng gì, ăn bằng gì, - thật rất đáng cho người đời sau bắt chước. Ví thử quốc dân chúng ta đều như thế cả, thì những người tai to mặt lớn còn được an toàn vui sướng đến bậc nào. Nhưng cái giống "Hình thiên" ấy lại "cầm can qua mà múa", thì hầu như chúng đã chết cũng không an phận, không giống như thứ quốc dân hiền lành theo lý tưởng tôi đã chuyên vì sự tiện lợi cho hạng người tai to mặt lớn mà tạo ra trên kia. Ông Đào Tiềm có câu thơ: "Hình thiên múa can qua, chi mạnh vẫn cứ còn".(15) Cả đến ông ẩn sĩ già có vẻ khoáng đạt ấy cũng nói như thế, đủ thấy rằng không đầu văn chươngẫn còn có chi mạnh, e cho thiên hạ của hạng người tai to mặt lớn một khi muốn được thái bình cũng còn khó. Song cái thứ quốc dân đã có "giai cấp tri thức đặc biệt" rất nhiều, có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào; huống chi sau khi văn minh tinh thần đã cao quá rồi, cái đầu tinh thần có thể bay đi trước, cái đầu vật chất tầm thường có hay không cũng không đáng kể là vấn đề khó khăn gì(16).

 

22-4-1925
(Dịch ở Phần)
 

----------
(1) Tục ngữ ta cũng nói: "Tò vò nuôi con nhện".
(2) Jean-Henri Fabre (1823 - 1915), có làm ra sách Souvenirs entomologiques (Côn trùng ký).
(3) Nhờ thấy ở chỗ khác trong Lỗ Tấn toàn tập, có thể biết rằng "ông E" nói đây tức là ông Erosenko, thi nhân mù, người Nga, từng bị trục xuất ở Nhật Bổn rồi sang Trung Quốc vào khoảng 1920 - 1921, ngụ tai Bắc Kinh, và Lỗ Tấn có chơi thân với ông.
(4) Nguyên văn ở Kinh Thư, Thiên Hồng Phạm: "Duy bích tác phúc, duy bích tác uy, duy bích ngọc thực". Tác phúc là làm phúc, ban ơn cho ai; tác uy là trừng phạt ai, giết ai; ngọc thực là ăn của báu lạ, ăn sướng hơn mọi người.
(5) Nguyên văn ở sách Mạnh Tử: "Quân tử lao tâm, tiểu nhân lao lực".
(6) Nguyên văn cũng ở sách Mạnh Tử: "Trị ư nhân giả tự nhân, trị nhân giả thực ư nhân".
(7) Một câu sáo trong sách xưa, lời chúc tụng một triều vua nào đó, nguyên văn là: "Vạn niên hữu đạo chi trường".
(8) Vua Kiền Long nhà Thanh quy định các sử của Trung Quốc từ xưa đến nay có hai mươi bốn thứ được gọi là chính sử (nhị thập tứ sử). Có thay triều đổi họ nhiều lần thì sử mới nhiều, như vậy, cho nên nói là "cái chứng sắt đáng buồn".
(9) ở thời đại Lỗ Tấn, Trung Quốc có những người thủ cựu, mỗi khi nghe ai nói Trung Quốc phải cải cách, phải làm như các nước Âu, Mỹ, Nhật Bổn, thì họ bác đi, lấy cớ rằng Trung Quốc có "quốc tình đặc biệt", không làm như các nước ấy được. Còn như cái danh từ "giai cấp tri thức đặc biệt" và cái thuyết kỳ quặc của bọn tri thức ấy về y học, về phụ nữ có nói ở trên, thì người dịch chưa tìm biết được là bọn nào, nói như thế nào, nên không chú thích được.
(10) Trong sách Luận ngữ có nói: "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động", nghĩa là cái gì không phải lễ thì chớ xem, chớ nghe, chớ nói, chớ động. Đương thời có nhà giáo dục nào chủ trương như thế thì không rõ. Bốn chữ "vật = chớ" ấy của Luận ngữ tuy có giới hạn ở chữ "phi lễ", nhưng ngặt vì cái phi lễ lại không có giới hạn: Thế nào là "phi lễ"? Có thể bắt chớ xem, chớ nghe, chớ nói, chớ động đối với hết thảy mọi sự, vì bảo: đó là "phi lễ". Thành ra có thể cấm hết thảy, không cho ai xem, nghe, nói, động trong một trường hợp nào hết. Sự cấm ấy thế nào cũng phải bị phản đối. Trong ca dao của ta có một câu phản đối sự cấm vô lý ấy: "Cấm ăn, cấm nói, cấm cười, cấm ba điều ấy, còn vui nỗi gì?"
(11) Một câu sách xưa, nguyên văn: "Lễ thất nhi cầu chư giã".
(12) Một truyền thuyết, nguyên văn: Thương Hiệt tạo tự, quỷ dạ khốc.
(13) Nicolas II, ông vua sau cùng của dòng họ Romanov nước Nga, bị giết sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, ở đây nói "cỡi rồng chầu trời" là nói một cách mỉa.
(14) Sơn hải kinh là một thứ sách xưa, trong đó chép hầu hết những chuyện như là thần thoại. Chuyện chép về "Hình thiên" nầy cũng kể như một chuyện thần thoại.
(15) Đào Tiềm có bài thơ Độc Sơn hải kinh, trong có câu: "Hình thiên võ can thích, mãnh chí cố thường tại". Lỗ Tấn dẫn câu thơ ấy làm kết luận để thấy rằng bọn thống trị dù có dùng mọi cách khốc hại tàn nhẫn là cuối cùng cũng không đàn áp được nhân dân, nhân dân thế nào cũng sẽ vùng lên. - ấy là cái ý chính của bài này.
(16) Thuở ấy ở Trung Quốc có một bọn người tri thức chủ trương rằng văn minh Âu Mỹ là văn minh vật chất, văn minh Trung Quốc là văn minh tinh thần, ra đều rằng chẳng những không kém gì Âu Mỹ mà còn hơn Âu Mỹ, thế thì việc gì lại phải bắt chước họ? Thực ra thì văn minh trên thế giới chỉ có một, không phải tánh chất khác nhau mà chỉ trình độ khác nhau. Duy bọn họ không dám nhìn thẳng vào hiện thực, nhận thấy văn minh Trung Quốc bấy giờ là lạc hậu nên mới bịa đặt ra mà nói như thế. Lỗ Tấn trong nhiều bài, hay đay đi đay lại bốn chữ "văn minh tinh thần" để nói mỉa bọn ấy. ở đây đại khái cũng có ý mỉa, nhưng cả câu từ chữ "song" sấp xuống, người dịch không hiểu được cho hoàn toàn

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005