Làng quê


Tôi xông pha trong những ngày giá rét, trở về làng quê của tôi, nơi cách xa hơn hai ngàn dặm, biệt đi hơn hai mươi năm.
Thời tiết đã là giữa mùa đông ; khi gần đến làng quê, màu trời lại sầm tối, gió lạnh thổi vào trong khoang thuyền, vù vù vụt vụt, từ khe hở mui thuyền dòm ra, dưới nền trời vàng xám, nằm in những làng mạc xơ xác gần đến xa, không có lấy một tí hơi sống. Lòng tôi đâm ra buồn bã không cầm nổi.
A! Đó chẳng phải là làng quê mà ta lúc nào cũng nhớ đến trong hai mươi năm nay?
Cái làng quê mà tôi nhớ không phải như thế đâu. Làng quê của tôi tốt hơn lắm cơ. Song le nếu tôi muốn ghi lấy cái đẹp đẽ của nó, nói ra chỗ hay của nó, thì lại không có bóng dáng nào, không có lời nào. Mường tượng đâu cũng là như thế. Thế rồi tôi tự giải thích cho mình rằng: làng quê vốn nó như thế - tuy không có tiến bộ gì, chứ cũng không đến nỗi có sự buồn bã như ta cảm thấy, đó chỉ bởi tâm tình ta thay đổi mà thôi, vì lần này tôi về quê, trong lòng vốn chẳng có vui vẻ gì.
Tôi về lần này chỉ có một việc để mà biệt hẳn nó. Cái nhà cũ ở cả bà con chúng tôi trong bao nhiêu năm, đã đồng ưng bán cho người khác rồi, nội trong năm nay thì giao nhà, cho nên cần phải kịp trước ngày mồng một tháng giêng, chúng tôi biệt hẳn cái nhà cũ quen thuộc, vả lại biệt hẳn cái làng quê quen thuộc, dời đến một nơi khác mà tôi đang kiếm ăn ở đó.
Sáng sớm hôm sau tôi đã đến cửa ngõ nhà tôi rồi. Bao nhiêu cộng cỏ khô trên kẽ ngói cứ run rẩy giữa gió, nó đang cắt nghĩa cái nhà lâu đời này tại làm sao phải bán. Mấy phòng bà con chừng đã dời đi hết, cho nên rất vắng vẻ. Tôi đến ngoài cửa phòng chúng tôi ở, mẹ tôi đã ra đón tiếp đến là thằng cháu Hoành tám tuổi chạy ra.
Mẹ tôi vui mừng lắm, song cũng giấu ít nhiều vẻ thiểu não, bảo tôi ngồi xuống nghỉ, uống trà, hẵng khoan nói đến chuyện dời nhà. Thằng cháu Hoành chưa hề thấy tôi, cứ đứng xa xa mải nhìn tôi.
Nhưng cuối cùng chúng tôi bàn đến chuyện dời nhà. Tôi nói chỗ trọ ở ngoài kia đã thuê được rồi, lại đã mua sắm đồ vặt một ít, bây giờ nên bán tất cả đồ gỗ ở nhà để sau mua thêm. Mẹ tôi đồng ý, vả lại hành lý cũng đã xếp dọn qua loa rồi, những đồ gỗ không thể chở đi được cũng đã bán đi một số rồi, có điều không thu tiền về được.
Anh nghỉ ngơi một vài hôm, đi thăm bà con họ hàng một bận, rồi thì chúng ta đi ngay tôi. Mẹ tôi bảo tôi.
Thưa vâng.
Còn có Nhuận Thổ, mỗi khi hắn đến nhà ta đều hỏi đến anh, hắn rất muốn gặp mặt anh một lần. Mẹ đã bảo cho hắn biết ước chừng cái ngày anh về tới nhà, có lẽ hắn cũng sẽ đến.
Lúc đó, trong đầu tôi thoáng thấy một bức vẽ kỳ lạ: Giữa nền trời màu chàm thẫm treo một vừng trăng tròn màu vàng, dưới là đất cát bờ biển, trồng những đám dưa hấu xanh lật lìa, giai giai ngàn ngạn trong đó có một chú bé mười một mười hai tuổi, cổ đeo kiềng bạc, tay cầm cái chỉa ba, ráng sức đâm một con tra, con tra xoay mình một cái, rúc qua dưới háng chú bé chạy trốn mất.
Chú bé ấy tức là Nhuận Thổ. Tôi khi biết hắn, chỉ mới hơn mười tuổi, cách nay hầu ba mươi năm, bấy giờ cha tôi còn sống, cảnh nhà cũng khá, tôi chính là một cậu cả. Năm nọ, nhà tôi đương cai một lễ tế lớn. Lễ tế ấy, thấy nói hơn ba mươi năm mới luân đến một phiên, cho nên rất trọng thể. Trong tháng giêng cúng tổ, của cúng rất nhiều, đồ trần thiết rất chọn lọc, người hầu tế cũng rất đông, cũng rất nên phòng ngừa những đồ ấy bị mất cắp. Nhà tôi chỉ có một người làm tháng (những người làm thuê miền tôi chia ba hạng: ai chuyên làm cho một nhà nào cả năm gọi là làm năm ; làm mỗi ngày gọi là làm ngày ; chính mình cũng làm ruộng, chỉ gặp tết nhất và lúc mùa màng đi làm cho một nhà nào gọi là làm tháng), banạ không xuể, người ấy bèn nói với cha tôi, gọi thằng Nhuận Thổ con của mình đến trông nom đồ trần thiết.
Cha tôi khứng chịu ; tôi cũng rất vui lòng, vì từ lâu đã nghe cái tên Nhuận Thổ, vả lại biết hắn cùng trạc tuổi với tôi, đẻ tháng nhuận, ngũ hành thiếu thổ, cho nên cha hắn đặt tên là Nhuận Thổ. Hắn có tài gài bẫy bắt những chim nhỏ.
Thế rồi, tôi ngày ngày ngóng trông năm mới, năm mới đến, thì Nhuận Thổ cũng đến. Mãi mới tới cuối năm, một ngày kia, mẹ tôi bảo tôi, Nhuận Thổ đến rồi, tôi bèn đâm bổ xuống xem. Hắn đang ở trong nhà bếp, mặt tròn màu da dâu, đầu đội mũ nỉ nhỏ, cổ đeo kiềng bạc sáng ửng, đủ biết cha hắn yêu hắn lắm, sợ hắn chết đi, nên mới hứa nguyện trước thần phật, dùng cái kiềng xích hắn lại. Hắn thấy ai cũng sợ xấu hổ, chỉ không sợ tôi, khi không có người khác, hắn nói chuyện với tôi, thế rồi không đến nửa ngày, chúng tôi đã quen nhau.
Hồi đó, chúng tôi chẳng biết nói những gì, chỉ nhớ rằng Nhuận Thổ vui vẻ lắm, hắn nói sau khi lên thành, thấy được nhiều cái mà hắn chưa từng thấy.
Ngày hôm sau, tôi yêu cầu hắn bắt chim, hắn nói:
Không được. Phải đợi có sa tuyết lớn mới được. ở miền chúng tôi, khi sa tuyết rồi, tôi quét lấy một chỗ trống trên bãi cát, dùng cái que chống một cái mẹt lớn, vãi gạo và tấm, hễ thấy chim chóc đến ăn, tôi ở đằng xa giật cái dây buộc ở que, những chim chóc ấy liền bị chụp lại trong cái mẹt. Chim gì cũng có: sáo, cưởng, chim gâu, chim sả...
Thế rồi tôi lại rất ngóng trông sa tuyết.
Nhuận Thổ lại nói với tôi:
Bây giờ lạnh quá, mùa hè anh hãy đến nơi chúng tôi. Ban ngày chúng ta đến bãi biển nhặt đủ thứ vỏ sò, đỏ có, xanh có, trùng trục cũng có, móng tay cũng có, ban đêm tôi và cha tôi đi giữ dưa, anh cũng đi.
Giữ ăn trộm phải không?
Không phải. Người đi đường khát nước bẻ một quả dưa ăn, chúng tôi không kể là ăn trộm. Giữ là giữ con lợn lòi, con nhung, con tra. Dưới ánh sáng, anh nghe thấy tiếng sàn sạt, đó là con tra đang ăn dưa. Anh hãy xách cái chỉa ba, đi khe khẽ...
Lúc đó, tôi không biết cái con gọi bằng con tra ấy giống gì, đến bây giờ tôi cũng vẫn không biết, chỉ thấy không đâu rằng nó giống như con chó nhỏ mà rất hung dữ.
Nó chẳng cắn người sao?
Có cái chỉa ba chứ. Đi đến rồi, thấy con tra rồi, anh cứ đâm. Con vật ấy rất nhanh nhẹn, nó xông tới anh, trở rúc qua háng anh mà chạy trốn. Lông da của nó mướt như mỡ....
Tôi vốn không biết trong thiên hạ có bao nhiêu việc mới lạ ấy, bãi biển có vỏ sò ngũ sắc như vậy ; dưa hấu có sự từng trải nguy hiểm như kia, trước tôi chỉ biết nó có bán trong mấy tiệm đồ trái mà thôi.
Trong bãi cát chúng tôi, khi nước lên, có nhiều con cá nhảy, nó chỉ nhảy, con nào cũng có hai cái chân như chân ếch....
A! Trong lòng Nhuận Thổ có không biết bao nhiêu việc lạ lùng, đều là việc mà các bạn trường ngày của tôi chưa hề biết. Cá bạn ấy chẳng biết bấy nhiêu việc, khi Nhuận Thổ ở bãi biển, các bạn ấy cũng như tôi, chỉ xem thấy quãng trời bốn góc trên bức tường cao trong sân.
Tiếc thay tháng giêng hết rồi, Nhuận Thổ phải về nhà, tôi quẫn đến khóc òa lên, hắn cũng nấp trong nhà bếp, cứ khóc không chịu ra cửa, nhưng cuối cùng bị cha hắn dẫn đi. Đến sau hắn còn nhờ cha hắn gửi cho tôi một gói vỏ sò và mấy cái lông chim đẹp, tôi cũng có gửi quà cho hắn một vài lần, nhưng từ đó không hề lại thấy mặt nhau.
Hôm nay, mẹ tôi nhắc đến hắn, cái ký ức hồi bé của tôi bỗng dưng đều sống lại như chớp nhoáng, hình như thấy được cái làng quê tốt đẹp của tôi. Tôi tiếp lời:
Thế thì tốt lắm! Hắn, - ra thế nào?...
Hắn ấy à?... Cái tình cảnh của hắn cũng chẳng ra chi.... Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa, những người kia lại đến rồi. Nói là mua đồ gỗ, sẵn giằm cứ việc mang đi, ta phải đi xem xem.
Mẹ tôi đứng dậy, đi ra. Ngoài cửa có tiếng mấy người đàn bà, tôi bèn vẫy thằng cháu Hoành đến trước mặt, nói chuyện gẫu với hắn: hỏi hắn có biết viết không, có muốn đi ra khỏi nhà không.
Chúng ta đi xe hỏa chứ?
Chúng ta đi xe hỏa.
Có đi thuyền không?
Trước tiên đi thuyền.
Ha! Dáng người đã như thế đấy! Râu đã dài như thế đấy! Một thứ tiếng oái oăm sắc nhọn thình lình kêu oang oang lên.
Tôi giựt mình một cái, vội ngước đầu lên, thấy một người đàn bà chừng trên dưới năm mươi tuổi, gò má cao, môi mỏng, đứng trước mặt tôi, hai tay cắp đít, không có thắt lưng, dạng hai chân ra, giống như cái nhíp quây nhỏ chân khà khêu trong bộ đồ vẽ.
Tôi sửng sốt.
Không nhận ra được à? Tôi vẫn bế anh đấy!
Tôi càng sửng sốt hơn. May mà mẹ tôi cũng chạy lại, nói xen vào:
Hắn ra khỏi nhà bao nhiêu năm, mọi sự đều quên tất cả. Anh còn nhớ chứ, quay nói với tôi: Đó là chị Hai Dương ở xế cửa, người bán tiệm đậu phụ ấy mà.
à, tôi nhớ rồi. Hồi tôi còn bé, ở cái tiệm đậu phụ xế cửa quả có chị Hai Dương ngồi suốt ngày, người ta đều gọi là nàng Tây Thi đậu phụ. Nhưng là chát phấn trắng, gò má không có cao thế này, môi không có mỏng thế này. Vả lại cả ngày cứ ngồi mãi, tôi không hề thấy cái dáng bộ kiểu nhíp quây kia. Lúc đó người ta nói: vì có nàng, cái tiệm đậu phụ ấy đắt hàng lạ. Nhưng, chừng là vì lứa tuổi xa cách nhau, tôi chưa từng có một mảy may thông cảm, cho nên quên tuốt tuột cả. Thế mà nhíp quây rất bất bình, tỏ ra bộ khinh khỉnh, như tuồng chê cười người nước Pháp không biết Napoleon, người nước Mỹ không biết Oasinhton vậy, cười gằn nói:
Quên rồi nhỉ? Thật là người sang chỉ nhìn lên...
Có đâu thế... Tôi... Tôi hốt hoảng, đứng dậy nói.
Vậy thì, anh Tấn, tôi nói với anh. Anh sang rồi, anh cần gì những thứ đồ gỗ mục nát ấy, mang theo lại nặng nề, thôi thì cho tôi quách đi, nhà dân giã chúng tôi, dùng cứ được.
Tôi cũng chẳng sang gì đâu. Tôi phải bán đi những thứ ấy, rồi lại....
ối già già, anh đã được bổ đạo đài(8), còn nói chẳng sang nữa? Hiện giờ anh có ba phòng nàng hầu, ra cửa là đi kiệu tám người khiêng, còn nói chẳng sang nữa? Hứ, cái gì cũng chẳng giấu được tôi đâu.
Tôi biết rằng không nói thế nào được, bèn ngậm miệng đứng im.
ối già, ối già, thật hễ càng có tiền, càng một ly không chịu nới, mà càng một ly không chịu nới, lại càng có tiền.... Nhíp quây một mặt gằm gằm quay mặt đi, một mặt nói lải nhải, chậm rãi bước ra ngoài, sẵn giằm lấy đôi bao tay của mẹ tôi nhét vào cặp quần, đi một mạch.
Sau đó lại có những họ hàng bà con ở gần đến thăm tôi. Tôi một mặt lo tiếp đãi, hở ra thì thu xếp đồ hành lý, như thế qua ba ngày.
Một hôm vào buổi chiều khí trời rất lạnh, sau khi ăn cơm trưa, tôi ngồi uống trà, thấy phía ngoài có người đi vào, quay đầu lại xem. Khi tôi xem thấy, sửng sốt lạ thường không cầm được, vội vàng đứng dậy, đi ra đón.
Người đi vào ấy là Nhuận Thổ. Tuy tôi thấy thì biết ngay là Nhuận Thổ, nhưng lại không phải Nhuận Thổ trong trí nhớ của tôi. Khổ người hắn cao lớn gấp đôi ; cái mặt tròn màu da dâu trước kia đã đổi ra màu vàng xám, lại còn thêm những đường nhăn rất rõ ; con mắt cũng giống mắt cha hắn, vành mí đều húp và đỏ lên, điều đó tôi biết, những người làm ruộng ở bờ biển, cả ngày bị gió biển thổi, đại khái đều như thế cả. Trên đầu hắn đội cái mũ nỉ rách, mình mặc chỉ một cái áo bông rất mỏng, người cứ run lên ; tay cầm một cái gói bằng giấy và một cái ống điếu dài, cái tay ấy cũng không phải cái tay múp míp mướt dịu mà tôi nhớ, nó vừa cồ kịch, vừa ô chề, lại còn nứt ra, như thể vỏ cây thông.
Tôi lúc đó rất phấn khởi, nhưng không biết nói thế nào cho phải, chỉ nói:
A! Anh Nhuận Thổ, - anh đã đến à?...
Tiếp đó, tôi có bao nhiêu câu chuyện muốn xổ ra hàng tràng, những là: con cưởng, con cá nhảy, vỏ sò, con tra,... nhưng lại thấy như bị cái gì gàn lại. Chỉ lanh quanh trong đầu óc, không nói ra miệng được.
Hắn đứng yên, trên mặt hiện ra dáng vui mừng và ủ dột ; mấp máy môi, nhưng không thốt ra tiếng. Cuối cùng thái độ của hắn đâm ra cung kính, rõ ràng kêu lên rằng:
Ông lớn!...
Tôi như rùng mình một cái, biết rằng giữa chúng tôi đã cách một lớp vách dày đáng buồn rồi, tôi cũng nói chẳng nên lời.
Hắn quay lại nói: Thủy Sinh, lạy ông lớn đi. Bèn kéo thằng bé nấp sau lưng hắn ra, đó chính là Nhuận Thổ hai mươi năm trước, chỉ hơi vàng và gầy, trên cổ không có cái kiềng bạc. Đây là thằng bé thứ năm, chưa hề bước ra khỏi nhà, rụt rụt rè rè...
Mẹ tôi và thằng cháu Hoành ở trên gác xuống, đại khái cũng nghe thấy tiếng nói mà xuống.
Bà cụ. Thư tôi tiếp được rồi. Biết rằng ông lớn về, tôi mừng quá lắm.... Nhuận Thổ nói.
A, sao anh lại làm ra lễ phép quá như thế. Giữa các anh trước kia chẳng là gọi nhau bằng anh em đó ư? Cứ gọi như cũ đi: Anh Tấn. Mẹ tôi vui vẻ nói.
ối già, bà cụ thật là... thế còn thành ra thể thống gì. Trước kia là trẻ con, không biết điều.... Nhuận Thổ nói, và gọi Thủy Sinh tiến lên vái chào, thằng bé lại cứ thẹn, tựa sát sau lưng cha nó.
Nó là thằng Thủy Sinh? Thằng bé thứ năm? Đây đều là người lạ, nó sợ lạ là phải lắm ; thôi thì thằng cháu Hoành rủ nó đi chơi đi. Mẹ tôi nói.
Thằng cháu Hoành nghe thấy thế, bèn đến rủ Thủy Sinh, Thủy Sinh sỗ sàng phới phở đi với nó. Mẹ tôi bảo Nhuận Thổ ngồi, hắn ké né một lúc, rồi cũng ngồi, dựng cái ống điếu dài bên cạnh bàn, đưa cái gói bằng giấy ra, nói:
Trời mùa đông chẳng có cái gì cả. Đây là một ít đỗ xanh của nhà phơi, xin ông lớn...
Tôi hỏi tình cảnh hắn, hắn chỉ lắc đầu.
Khó quá lắm. Đứa bé thứ sáu cũng đã đỡ tay đỡ chân được rồi, nhưng cũng vẫn không đủ ăn... Lại không thái bình... Cựa ra chỗ nào cũng phải mất tiền, chẳng có luật lệ nhất định... Mùa màng lại hỏng. Trồng trọt ra cái gì, gánh đi bán, đều phải nộp mấy lớp thuế, lỗ vốn ; không đem đi bán, lại mục thối ra...
Hắn cứ lắc đầu ; trên mặt tuy có nhiều đường nhăn, mà đờ ra không nhúc nhích, giống như pho tượng đá. Ước chừng hắn chỉ thấy rằng mình khổ, nhưng không hình dung cái khổ ra được, im lặng một lát, rồi cầm ống điếu lên dửng dưng hút thuốc.
Mẹ tôi hỏi hắn, biết hắn việc nhà bận lắm, ngày mai phải đi về ; lại hưa ăn cơm trưa, bèn bảo hắn vào bếp rang cơm lấy mà ăn.
Hắn đi ra rồi, mẹ tôi và tôi đều ngậm ngùi cho tình cảnh hắn: đông con, đói kém, thuế nặng, lính, quan, kẻ cướp, cường hào, đều làm khổ hắn đến nỗi giống con người gỗ. Mẹ tôi nói với tôi, hết thảy những đồ chi không cần mang đi, có thể để cho hắn tất, có thể để mặc chính mình hắn chọn lấy.
Chiều lại, hắn chọn được mấy thứ đồ: hai cái bàn dài, bốn chiếc ghế dựa, một bộ lư hương và chân đèn, một cái cân đòn. Hắn lại xin tất cả đống tro rạ (chỗ chúng tôi thổii cơm bằng cộng rạ, tro nó có thể làm phân bón cho đất cát), đợi đến khi chúng tôi lên đường, hắn sẽ đem thuyền đến chở đi.
Ban đêm, chúng tôi lại nói chuyện phiếm, đều là chuyện không cần thiết. Sáng sớm hôm sau thì hắn dẫn thằng Thủy Sinh đi về.
Lại qua chín ngày nữa, là ngày chúng tôi lên đường. Sáng sớm Nhuận Thổ thổ, không có Thủy Sinh cùng đi, chỉ đem theo đứa con gái năm tuổi coi thuyền. Chúng tôi suốt ngày bận rộn, không có thì giờ trò chuyện. Khách đến cũng không ít, có người đến đưa đường, có người đến lấy đồ, có người đến để vừa đưa đường vừa lấy đồ. Đến lúc gần tối chúng tôi xuống thuyền, bao nhiêu những đồ đạc cũ kỹ, lớn nhỏ, thô diển trong cái nhà lâu đời ấy đều quơ sạch cả.
Thuyền chúng tôi nhằm đằng trước đi tới, núi xanh hai bên bờ sông trong nhá nhem tối đều trỗ màu xanh đen sẫm, liên tiếp đi lùi về đằng sau lái thuyền.
Thằng cháu Hoành và tôi cùng tựa cửa sổ thuyền cùng xem phong cảnh tờ mờ bên ngoài, thình lình hắn hỏi:
Bác cả! Bao giờ chúng ta trở về?
Trở về? Sao cháu chưa đi mà đã nghĩ đến về?
Nhưng mà Thủy Sinh nó hẹn tôi đến nhà nó chơi.... Cháu Hoành mở đôi con mắt to mà đen, đờ người ra nghĩ.
Tôi và mẹ tôi cũng có hơi bùi ngùi, thế rồi lại nhắc đến chuyện Nhuận Thổ. Mẹ tôi nói: Mụ Hai Dương, nàng Tây Thi đậu phụ kia, từ hôm nhà ta thu xếp hành lý, ngày nào hắn cũng đến, hôm qua hắn moi trong đống tro ra hơn mười cái vừa bát vừa đĩa, sau khi bàn tán, nói quyết là của Nhuận Thổ chôn, để khi bốc tro đi, lấy đem luôn về nhà. Mụ Hai Dương phát giác việc ấy rồi, kể lấy làm công mình, bèn xách cái chó tức chết (cái này là đồ nuôi gà ở miền chúng tôi, trên tấm ván có đóng song kín, trong đựng đồ ăn, con gà có thể thò đầu vào mổ lấy, con chó thì không thể, chỉ thấy mà tức chết), chạy thẳng một mạch, con mụ bó chân nhỏ gót cao thế ấy, vậy mà chạy đến nhanh.
Cái nhà cũ lìa tôi càng xa ; núi sông của làng quê cũng đều dần dần lìa xa tôi, song tôi lại chẳng hề cảm thấy lưu luyến gì cả. Tôi chỉ thấy như chung quanh tôi có bức tường cao xem không thấy, chắn tôi thành ra cô độc, làm tôi ngột thở lạ ; cái bóng dáng của người tiểu anh hùng đeo kiềng bạc trên đám ruộng dưa kia, tôi vốn nhớ rành mạch, thế mà bây giờ bỗng dưng lu mờ đi, lại làm tôi hết sức buồn rầu.
Mẹ tôi và thằng cháu Hoành đều ngủ yên.
Tôi vẫn nằm, nghe tiếng nước róc rách dưới đáy thuyền, biết rằng mình đang đi đường của mình, tôi nghĩ: tôi trót đã cùng Nhuận Thổ cách dứt đến quãng ấy rồi, nhưng lớp sau chúng tôi vẫn là một mạch, thằng cháu Hoành chẳng phải đang nghĩ đến Thủy Sinh là gì. Tôi trông mong rằng chúng nó chẳng còn giống tôi, lại mọi người cách biệt nhau... nhưng mà tôi lại chẳng muốn chúng nó vì cần có một mạch mà đều sống cay đắng lăn lóc như tôi, cũng chẳng muốn chúng nó đều sống cay đắng tê điếng như Nhuận Thổ, cũng chẳng muốn đều sống cay đắng trừng trộ như những người khác. Chúng nó phải có sự sống mới, sự sống mà chúng tôi chưa từng trải qua.
Tôi nghĩ đến sự trông mong, thình lình đâm ra sợ. Khi Nhuận Thổ chọn lấy lư hương và chân đèn, tôi vẫn cười ngầm hắn, cho rằng hắn cứ thờ lạy tượng nộm, lúc nào cũng không quên. Bây giờ đây, cái tôi gọi bằng trông mong, chẳng cũng là cái tượng nộm tự tay tôi chế tạo ra ư? Có điều cái nguyện vọng của hắn gần sát, nguyện vọng của tôi xa xôi đó thôi.
Trong mơ màng, trước mắt tôi mở ra một miếng đất cát xanh lật lìa ở bãi biển, trên đó, giữa nền trời màu chàm thẫm treo một vừng trăng tròn màu vàng. Tôi nghĩ: cái trông mong vốn là cái không gì gọi là có, không gì gọi là không. Nó cũng như con đường trên đất, thực ra thì trên đất vốn không có đường, có nhiều người đi thì thành ra đường.

 

Tháng 1 năm 1921
 

Chua của người dịch


(1) Đạo đài: Đạo là tên địa khu hành chính, ở dưới tỉnh, trên phủ huyện, theo thể chế Mãn Thanh, và mấy năm đầu Dân quốc cũng còn có. Đạo đài là chỉ viên quan thủ hiến cai trị một đạo.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005