Lời dẫn của người sưu tầm


1. Dưới nhan đề: Phan Khôi - Viết và dịch Lỗ Tấn, tôi tập hợp vào đây tất cả những bài viết của Phan Khôi về Lỗ Tấn, đăng các báo Nhân dân, Văn nghệ ở Hà Nội các năm 1955-1956, tất cả những tác phẩm Phan Khôi dịch của Lỗ Tấn, in báo và sau đó in thành sách riêng: hai cuốn nhan đề Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn và một cuốn nhan đề Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn, do các nhà xuất bản Văn nghệ, Hội Nhà văn xuất bản ở Hà Nội vào các năm 1955, 1956, 1957.


2. Các bài Phan Khôi viết về Lỗ Tấn không nhiều, đều được viết và đăng báo trong hai năm 1955-1956, do vậy nay xem lại sẽ thấy có những trùng lặp nhất định, sự trùng lặp khó tránh khỏi, giữa các bài đăng báo ấy. Tuy vậy, người sưu tầm không chủ trương ghép lại các bài hay rút bớt các đoạn trùng nhau nói trên; ngược lại, tôi giữ nguyên dạng từng bài đăng báo ấy: mỗi bài có một sự cân đối nội tại của nó, ngoài ra còn cho thấy sắc thái phát ngôn của tác giả trong những khung cảnh cụ thể (khi nói chuyện về Lỗ Tấn với công chúng ở thủ đô Hà Nội hay khi phát biểu tại kỷ niệm Lỗ Tấn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, v.v...); mỗi bài đăng báo còn mang dấu ấn biên tập của mỗi tờ báo (ví dụ quy tắc viết tên riêng ở báo Nhân dân khác ở báo Văn nghệ).


3. Các bài Phan Khôi dịch văn Lỗ Tấn, ngoài một vài bài lẻ chỉ đăng báo, số đông bài vở còn lại, dù có đăng báo hay không, đều đã được dịch giả Phan Khôi tập hợp vào ba cuốn sách in ngay sinh thời ông: Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (Hà Nội, Nxb Văn nghệ, 1955, 136 trang 13 x 19cm); Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn (Hà Nội, Nxb Văn nghệ, 1956, 256 trang 13 x 19cm); Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn tập II (Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn, 1957, 173 trang 13 x 19cm). Tập hợp tất cả bài vở trên vào đây, tôi thấy nên giữ nguyên cấu tạo các ấn phẩm dịch của Phan Khôi chứ không cần sắp xếp lại. Cho đến hiện nay, số người dịch Lỗ Tấn, số bản dịch Lỗ Tấn ở Việt Nam không còn là quá ít nữa, vì vậy việc nhắc lại ở đây một lối dịch, một sự trình bày dịch phẩm của riêng Phan Khôi, thiết nghĩ, là thích hợp. Cũng với ý nghĩa như vậy, các chú thích của Phan Khôi ở mỗi bản dịch sẽ được giữ nguyên như lần in đầu.


4. Tiếp theo hướng xử lý trên đây, sách này không gắng nhất quán các cách viết tên riêng hay các từ viết theo phương ngữ, ngược lại, tôn trọng các cách trình bày đó ở mỗi bản in cũ. Trong trường hợp cần thiết, tôi chỉ sửa đôi chút trong cách viết tên người Việt (viết hoa tất cả các từ họ và tên; bỏ gạch nối họ và tên...).

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005