Lời phát biểu của cụ Phan Khôi
trong buổi khai mạc đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần
tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc)


Trong tuần lễ khai mạc Đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần, chúng tôi được thay mặt các nhà văn nghệ tri thức Việt Nam sang đến đây dự cuộc lễ kỷ niệm Lỗ Tấn tiên sinh tạ thế đúng 20 năm, thật lấy làm vinh hạnh và cảm động vô cùng. Chẳng những chúng tôi, mà hết thảy người văn nghệ tri thức nước chúng tôi, ngày hôm nay đều hướng về phương Bắc mà tỏ lòng kính mến và biết ơn một vị đại văn hào Trung Quốc đã quá cố. Lỗ Tấn tiên sinh đến bây giờ chẳng những là một đại văn hào Trung Quốc mà còn là một đại văn hào thế giới. Sự nghiệp văn học của tiên sinh từ trước đã có ảnh hưởng đến nước chúng tôi, và cái ảnh hưởng ấy sau Cách mạng tháng Tám đến ngày nay mới bắt đầu càng ngày càng lan rộng ra.
Cái tên Lỗ Tấn được biết trong giới nhà văn, nhà báo Việt Nam chỉ mới từ năm 1928 về sau.
Bấy giờ thỉnh thoảng có mấy tờ báo dịch một vài bài văn của tiên sinh, là những bài không đụng chạm mấy, có thể không bị bỏ bởi sở kiểm duyệt của thực dân Pháp. Cho đến năm 1936 khi tiên sinh qua đời mới có một tờ báo ở Huế viết bài lược thuật sự nghiệp văn học của tiên sinh và dịch đăng cái truyện ngắn Khổng ất Kỷ. Lúc nước Việt Nam còn ở dưới ách đế quốc Pháp, hình như chúng cấm sách của Lỗ Tấn tiên sinh còn ngặt hơn Tưởng Giới Thạch nữa. Trong những năm sau 1930, sách của tiên sinh bị cấm ở Trung Quốc thấy chỉ có 12 thứ mà ở Việt Nam thì như bị cấm hết thảy, cả đến hai tập tiểu thuyết cũng không có bản. Nhưng nhân đó, chúng tôi biết rằng Lỗ Tấn là thù của phát xít Tưởng Giới Thạch tức là bạn của nhân dân Trung Quốc, mà cũng là thù của thực dân Pháp tức cũng là bạn của nhân dân Việt Nam.
Trước Cách mạng tháng Tám không lâu, ông Đặng Thái Mai cho ra cuốn Văn Lỗ Tấn trong đó dịch một ít bài văn có cả A Q. chính truyện, và đầu sách có một bài dài giới thiệu tác giả, từ đó người Việt Nam chúng tôi biết nhiều hơn trước về tiên sinh. Cả đến trong thời kháng chiến, báo Văn nghệ cũng có dịch đăng cái truyện ngắn Chúc phước, cái truyện ngắn này được hoan nghênh lắm, đến nay trong đám văn nghệ sĩ hầu như không có người nào là không biết đến nó. Sau khi hòa bình lập lại Hội Văn nghệ Việt Nam có làm một lễ kỷ niệm Lỗ Tấn. Có lẽ từ dầy, văn chương và tư tưởng của tiên sinh thấm thía vào chẳng những giới văn nghệ tri thức mà cả đến quần chúng nhân dân Việt Nam càng ngày càng sâu rộng hơn. Cái chứng nghiệm đầu tiên là những danh từ "mụ Tường Lâm" đã bắt đầu nhập tịch trong ngữ ngôn Việt Nam rồi.
Nước Việt Nam chúng tôi từ xưa về triết học, tư tưởng đều chịu ảnh hưởng phần lớn của nền văn hóa Trung Quốc. Chủ yếu là nho giáo, thứ yếu là đạo giáo, cả đến Phật giáo bắt nguồn từ ấn Độ cũng thông qua Trung Quốc rồi mới đến Việt Nam. Những tinh hoa của những triết học tư tưởng ấy đem lại rất nhiều kết quả tốt cho đời sống tinh thần dân tộc chúng tôi. Ngày nay sự trao đổi văn hóa giữa hai nước chúng ta lại càng dồi dào, đẹp đẽ. Trong những tư tưởng mới của thời đại ngày nay mà Trung Quốc đã đem lại cho chúng tôi, có tư tưởng Lỗ Tấn. Hôm nay, được vinh hạnh dự lễ kỷ niệm của nhà đại văn hào, chúng tôi muốn cho những tư tưởng "không khoan thứ kẻ địch và không khoan thứ cho đến cùng" của tiên sinh thấm vào lòng mỗi một người Việt Nam chúng tôi để chống lại đế quốc Mỹ và tay sai của nó lúc này, để mau chóng thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc yêu dấu của chúng tôi.


Văn nghệ, Hà Nội, 1956, s.145 (2.11.1956)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005