Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới


Nhà văn Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới, được giới thiệu cùng người Việt Nam, không phải lần này trên báo Nhân dân là lần đầu. Năm 1946, sau Cách mạng tháng Tám hơn nửa năm, ông Đặng Thái Mai đã có xuất bản một cuốn sách dịch mấy thiên truyện ngắn của Lỗ Tấn và đầu sách có một bài giới thiệu tác giả. Tiếc thay, trải qua 8, 9 năm kháng chiến, cuốn sách của ông Đặng Thái Mai đến nay trở thành một của báu rất hiếm, người muốn đọc khó kiếm đâu ra. Trong 8, 9 năm ấy, báo chí ở vùng tự do đáng lẽ làm tiếp công việc ông Đặng Thái Mai nhưng vì còn bận về nhiều việc khác cấp bách hơn, trên tạp chí Văn nghệ năm 1950, chỉ thấy vẻn vẹn một truyện ngắn dịch : Chúc phước.
Kể ra thì trong làng văn Việt Nam biết có Lỗ Tấn đã từ lâu. Chính người viết bài này năm 1927(*) có dịch lại một bài đề là Bờ ao trong Ê-rô-xăng-lô đồng thoại tập của Lỗ Tấn đăng trên tờ Đông Pháp thời báo ; năm 1937, sau khi Lỗ Tấn chết một năm, lại có dịch bài Hy sinh mô trong Hoa cái tập, đăng ở Đông Dương tạp chí.
Báo chí Việt Nam khi còn ở dưới quyền ty kiểm duyệt của thực dân Pháp, không thể viết bài giới thiệu con người và tư tưởng văn chương của Lỗ Tấn, cứ lẳng lặng dịch một vài bài không đụng chạm mấy thì may ra còn qua mặt được ngọn bút chì xanh đỏ. Sách của Lỗ Tấn bị chính phủ phản động Tưởng Giới Thạch cấm ở Trung Quốc chỉ có 12 thứ, mà ở Việt Nam bấy giờ lại như bị cấm cả toàn bộ : trong mấy hiệu sách ở Chợ Lớn không thấy bán một thứ sách nào của Lỗ Tấn. Tôi có được mấy cuốn là nhờ một người bạn Hoa kiều mang lẻn theo đọc rồi lúc về nước bỏ lại cho.
Lỗ Tấn là thù của bọn phát xít Tưởng Giới Thạch mà là bạn của nhân dân Trung Quốc, cũng là thù của thực dân Pháp ở Việt Nam và là bạn của nhân dân Việt Nam. Hòa bình đã trở lại ở Việt Nam nay vừa giáp một năm, chính là lúc báo chí Việt Nam có thời giờ, có phương tiện để mà giới thiệu một lần nữa người bạn thân của nhân dân. Lần này chẳng những giới thiệu, mà còn sẽ phải lần lượt dịch và in ra những tác phẩm của Lỗ Tấn để làm món ăn tinh thần cho đồng bào.
Muốn nói về Lỗ Tấn cho đầy đủ, phải có một cuốn sách dài mấy trăm trang. Hôm nay, chúng tôi xin chỉ kể qua những nét lớn của đời nhà đại văn hào ấy bằng vài ba cột báo.


*
 

Lỗ Tấn, tên thật là Chu Thụ Nhân, sinh ở một gia đình nho học tại phủ thành Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang năm 1881. Lỗ Tấn càng ngày càng khôn lớn, thì triều đình Mãn Thanh càng ngày càng suy yếu và hủ bại, Trung Quốc dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa.
Từ 6 tuổi đến 17 tuổi, Lỗ Tấn đã đọc đủ các sách kinh sử, có một cái vốn cựu học chắc chắn. Năm 13 tuổi cha chết, cảnh nhà sa sút bị người chung quanh khinh rẻ, bắt đầu có ý đoạn tuyệt với quê hương. Năm 18 tuổi, nhờ bà mẹ chạy cho được 8 đồng bạc đi đến Nam Kinh, thi vào trường thủy quân, rồi sau chuyển sang trường cầu đường hầm mỏ. 4 năm tốt nghiệp, được tuyển đi Nhật Bản học. Trong 4 năm, Lỗ Tấn học ở Nam Kinh, Trung Quốc xảy ra 3 việc lớn : chính biến Mậu Tuất năm 1898, Nghĩa hòa đoàn đấu tranh phản đế và liên quân 8 nước đánh Bắc Kinh năm 1900, ký điều ước Tân Sửu năm 1901.
ở Nhật Bản, học dự bị 2 năm rồi vào học thuốc ở trường y học Tiên Đài. Được 2 năm, nhân một hôm xem chiếu bóng trong lớp học, chiếu phim chiến tranh Nhật - Nga, thấy có một người Trung Quốc làm trinh thám cho quân Nga bị người Nhật bắt chém thế mà một số người Trung Quốc khác lạnh lùng đứng xem, Lỗ Tấn quyết định bỏ học thuốc quay sang văn nghệ. Vì nghĩ rằng việc chữa bệnh tinh thần cho người Trung Quốc còn cần kíp hơn chữa cái thân thể suy yếu của họ, mà muốn chữa cho tinh thần họ được lành mạnh thì ngoài văn nghệ ra không có thuốc gì.
Lúc ở Nam Kinh, Lỗ Tấn đã được đọc một mớ sách văn học, khoa học của phương Tây dịch ra chữ Hán ; sang Nhật Bản, nhờ học thông tiếng Nhật, tiếng Đức mà đọc được bản dịch của các sách của những nhà thơ yêu nước và cách mạng trên thế giới, như Bayơn, Sinle, Hangry Hen, Puskin, Lecmongtov, Petophi mà về sau trong văn chương Lỗ Tấn hay nhắc đến luôn. Một học sinh y khoa mà thình lình bỏ trường đi làm văn nghệ là nhờ có sự dự bị đó.
Lỗ Tấn bắt đầu từ năm 1907 viết nhiều bài đăng báo, nhằm mục đích "chữa tinh thần", song hình như không có ảnh hưởng gì mấy. Lại toan ra một tạp chí, thì chưa ra đã thất bại. Dịch và in hai tập tiểu thuyết, thì bán không chạy. Dù vậy, con người đấu tranh bền bỉ ở tuổi trẻ ấy, không hề thất vọng, mà cái sự nghiệp văn học vĩ đại của tuổi già, thật ra, đã đặt nền tảng vững chãi từ hồi đó.
ở Nhật Bản 8 năm, đến năm 1909, 2 năm trước Cách mạng Tân Hợi, thì Lỗ Tấn về nước. Làm giáo sư dạy lý hóa trong mấy trường học tỉnh nhà đến năm 1912, sau khi chính phủ lâm thời thành lập, nhận lời mời của Bộ Giáo dục đi làm một viên chứ trong Bộ ấy thẳng đến năm 1926.
Từ trước đã trải thấy mấy phen thay đổi, làm Lỗ Tấn khích động lòng yêu nước, lòng ấy rất phấn khởi khi gặp Cách mạng Tân Hợi. Sau Cách mạng Tân Hợi, lại lầm lượt thấy Viên Thế Khải xưng đế, Đoàn Kỳ Thụy tàn sát học sinh, nhất là bọn đế quốc Anh, Nhật câu kết với bọn quân phiệt gây nội chiến, Lỗ Tấn đâm ra chán nản cho cuộc cách mạng không triệt để ấy, do đó mà có thái độ chìm lặng suốt một thời kỳ ở Bắc Kinh. Có lẽ thời kỳ chìm lặng đó là thời kỳ đang suy nghĩ tìm tòi một cái gì đó.


*
 

Lỗ Tấn lại bắt đầu sự nghiệp văn học của mình năm 1918, trước đúng một năm cuộc vận động "Ngũ tứ". Nhân tìm tòi suy nghĩ mà thấy cái gốc bệnh của Trung Quốc là ở chỗ cách mạng mà còn để y nguyên tư tưởng hủ bại của chủ nghĩa phong kiến mấy nghìn năm, không tiến bộ được là tại đó, cho nên tháng tư năm ấy đăng cái truyện ngắn Nhật ký người điên là thiên tiểu thuyết đầu tay trên tạp chí Tân thanh niên. Đó là tác phẩm công kích rất kịch liệt chế độ gia tộc phong kiến và đạo đức lễ giáo cũ Trung Quốc, một tiếng còi báo hiệu thứ nhất của cách mạng tư tưởng hay cách mạng văn hóa. Tiểu thuyết đó đăng xong liền được công nhận là áng văn sáng tác thứ nhất của văn học mới Trung Quốc.
Từ đó Lỗ Tấn tiếp tục viết những truyện ngắn khác, về sau in thành một tập gọi là ầm vang. Trong đó có Làng quê, tả cảnh nông thôn suy tàn, đặt hy vọng ở sự chỗi mình của nông dân, và A Q. chính truyện vẽ ra hồn linh của người Trung Quốc là xuất sắc hơn hết. A Q. chính truyện đã được dịch ra mười mấy thứ tiếng, Lỗ Tấn bắt đầu thành một nhà văn có ảnh hưởng đến cả thế giới. Trong hai năm 1924 - 1925 còn viết một số truyện ngắn nữa, in thành một tập gọi là Bàng hoàng.
Trong thời gian từ 1918 đến 1925, Lỗ Tấn còn lấy ngòi bút nhọn sâu sắc lạ thường bắt đầu viết những bài bình luận ngắn mà chính mình gọi là "tùy cảm lục", "tạp cảm" hay "tạp văn". Nó là lối văn giống như con dao găm bé mà nhọn, biểu hiện được ý tứ sâu mà cay, dùng để đâm bất kỳ người hay việc thù địch của nhân dân, của cách mạng.
Tháng tám năm 1926, Lỗ Tấn bị bọn thống trị phản động Đoàn Kỳ Thụy áp bách phải lìa Bắc Kinh, đi dạy học ở Hạ Môn rồi ở Quảng Đông, nhưng đến đâu cũng không yên thân được cả. Tháng giêng 1927 đến Quảng Đông, tháng tư thì Tưởng Giới Thạch phản cách mạng, giết hơn 3.000 người tại đó vừa đảng viên cộng sản, vừa công nông, tri thức ; Lỗ Tấn thấy mình cũng có nguy cơ bị hại, khoảng tháng mười bèn trở về Thượng Hải từ đó ở luôn Thượng Hải cho đến khi mất.
Từ 1918 đến 1926 là thời kỳ thứ nhất mà sức sáng tác của Lỗ Tấn rất mạnh mẽ, viết rất nhiều. Trước khi rời Bắc Kinh, ngoài hai tập tiểu thuyết ra, còn viết bốn tập văn, một tập thơ và một số sách khác như Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. ấy là chưa kể những sách xưa đã sửa và in lại cùng những sách dịch của nước ngoài.


*
 

Lỗ Tấn ở Thượng Hải từ 1927 đến ngày 19-10-1936 thì qua đời, cộng là mười năm. Trong mười năm ấy kể là thời kỳ thứ hai, công tác văn học của Lỗ Tấn lại còn vượt qua thời kỳ trước nữa. Một điều nên chú ý là cả thời kỳ này không viết tiểu thuyết nữa mà viết đến chín tập tạp văn.
Năm 1928, trong tạp chí Cuồn cuộn, Lỗ Tấn bắt đầu nghiên cứu Mác - Lênin, phiên dịch lý luận văn nghệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời cũng tiếp xúc Đảng cộng sản và tham gia những cuộc vận động quần chúng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tư tưởng Lỗ Tấn từ đó có một điểm biến cải rất quan trọng : Trước kia nhắm cải hướng "chữa tinh thần" tức là cải tạo quốc dân tính, thì bây giờ thấy làm như thế là làm đảo ngược mà đổi nhằm cái hướng giải phóng đại chúng công nông. Điều đó cắt nghĩa tại sao không viết tiểu thuyết nữa mà viết tạp văn đến chín tập. Những tạp văn ấy, nói tóm là một mớ dao găm đâm thẳng vào mặt chính trị của phe phản động Tưởng Giới Thạch để giúp cho công cuộc giải phóng.
Lỗ Tấn không vào Đảng cộng sản Trung Quốc mà luôn luôn vì chính nghĩa hợp tác với Đảng cộng sản Trung Quốc. Năm 1936, Đảng cộng sản hô hào liên hiệp một mặt trận để kháng Nhật, bọn Tờ-rốt-kít Trung Quốc phản đối, gửi thư đến lôi kéo Lỗ Tấn. Nằm trên giường bệnh, Lỗ Tấn đọc cho người khác viết thư trả lời, trong có một đoạn nói rằng :
"Lý luận của các ông thật là cao siêu hơn của ông Mao Trạch Đông nhiều lắm, chẳng những nhiều mà thôi, gỏn gọn là một ở trên trời, một ở dưới đất. Song le cao siêu cố nhiên là cái đáng phục, ngặt vì cái chỗ cao siêu ấy lại vừa vặn là cái mà bọn xâm lược Nhật Bản đang hoan nghênh, thì cái cao siêu ấy vẫn không khỏi từ trên trời rơi xuống, rơi đến cái chỗ rất không sạch trên đất này đi mất."
Một đoạn đó đủ thấy Lỗ Tấn khi gần chết mà vẫn không sờn lòng tin sự thắng lợi của chủ nghĩa, không tha đập kẻ phản động, cũng thấy được cái lối văn đanh thép, bén nhọn, thật là dao găm, "một nhát thấy máu".
Trong toàn bộ tư tưởng của cả đời Lỗ Tấn có một điểm nổi bật lên là : không khoan thứ kẻ thù địch. Trước ngày chết hơn một tháng còn viết một bài đề là Chết, trong đó nói mình có nghĩ đến viết di chúc, điều thứ 7 là : "Những người chủ trương khoan dung, không báo thù kẻ làm hỏng răng và mắt của kẻ khác, thì đừng gần họ". Lại có một đoạn, đại ý nói : "Người châu Âu khi gần chết, có làm một thứ nghi thức, là xin người khác khoan thứ cho mình, mình cũng khoan thứ cho người khác. Tôi thì thù oán đông lắm... Tôi không khoan thứ cho một ai hết, để mặc họ oán hận". Thường thường trong nhiều bài văn lại hay nhắc đến cái luật "mắt đền mắt, răng đền răng" của Môi-de. Cái tư tưởng ấy chẳng những phản đối chủ trương "dĩ đức báo oán" của Lão Tử, "yêu thù như bạn", "bị vả má bên này, đưa má bên kia" của Jesus, mà còn phản đối cái thuyết "dĩ trực báo oán" của Khổng Tử nữa - thế nào là trực ? Trực là cái gì ? Nhà nho chủ trương "bất vi dĩ thậm", nghĩa là không làm thái quá. Đối với kẻ thù địch, Lỗ Tấn thì cứ chủ trương "vi dĩ thậm". Từng đưa ra cái thuyết "đánh con chó rơi xuống nước" (đả lạc thủy cẩu). Nghĩa là đánh con chó đã ngã xuống nước rồi còn phải theo mà đánh nữa, để nó không lội được lên bờ mà quay cắn mình.
Lỗ Tấn chết rồi, nhưng 20 năm nay, cái tư tưởng ấy còn sống mãi trong lòng nhân dân Trung Quốc, mong từ nay nó cũng còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam cho đến ngày nào không còn có kẻ thù địch nữa.


*
 

Nói về phê bình Lỗ Tấn, Tiểu Điền Nhạc Phu, người Nhật Bản viết Lỗ Tấn truyện, đem Lỗ Tấn so sánh với Tôn Trung Sơn, nói rằng Tôn Trung Sơn là người xây dựng cái bề ngoài của nước Trung Quốc mới, Lỗ Tấn là người xây dựng cái bề trong của Trung Quốc mới, thế nhưng Lỗ Tấn lại là người chịu nạn của thời đại, nằm quạnh hiu trong một góc nghĩa địa ở ngoại ô Thượng Hải không được như Tôn Trung Sơn có lăng mộ huy hoàng ở Tử Kim Sơn. Tiểu Điền Nhạc Phu viết Lỗ Tấn truyện trước khi Trung Quốc giải phóng cho nên nói thế, chứ sau khi Trung Quốc giải phóng đến nay, Lỗ Tấn được cả nhân dân Trung Quốc tôn sùng bằng nhiều cách.
Tôi từng đọc một cuốn sách nào đó, thấy dẫn một câu của Mao Chủ tịch nói về Lỗ Tấn rằng : "Khổng Tử là thánh nhân của thời đại phong kiến, Lỗ Tấn là thánh nhân của thời đại vô sản". Thật chẳng quá đáng chút nào hết như có người tưởng. Khổng Tử là người tạo lập cái nề nếp tư tưởng đạo đức cho xã hội phong kiến là thánh nhân, thì Lỗ Tấn, người phá đổ cái nề nếp ấy đi mà tạo lập cái nề nếp tư tưởng, đạo đức khác cho xã hội vô sản, sao lại không là thánh nhân ?
Sách của Lỗ Tấn gồm cả sáng tác, dịch và thuật, in ra hai chục cuốn lớn, gọi là Lỗ Tấn toàn tập. ở Nhật Bản đã có dịch in Lỗ Tấn toàn tập, còn ở Liên Xô mới có tuyển tập, nhưng dịch ra đến mười thứ tiếng trong toàn quốc. Ngoài ra, các nước dân chủ nhân dân đều có dịch một vài thứ, cả đến các nước tư bản chủ nghĩa Mỹ, Anh, Pháp cho đến ắc-giăng-tin, ý, Đan Mạch, ấn Độ, Miến Điện đều cũng có dịch, nhiều nhất là A Q. chính truyện. Như vậy, chúng ta có thể suy diễn câu của Mao Chủ tịch mà nói thêm rằng : Lỗ Tấn sẽ là thánh nhân của vô sản thế giới khi thế giới còn có giai cấp.

 

Nhân dân, Hà Nội,
số ra ngày chủ nhật 28-8-1955

(*) Chỗ này về thời điểm, Phan Khôi nhớ hơi lầm : Các bài viết và dịch Eroshenko của ông và của T.D. đăng Đông Pháp thời báo năm 1928 (Xem : Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928/ Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr. 319 - 344).

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005