Napoléon với Edward Jenner


Tôi biết một người thầy thuốc, bận rộn lắm, song cũng thường bị bệnh nhân trách móc, có một lần, ông ta than thở để tự an ủi rằng: Muốn được khen, tốt nhất là giết người, anh thử so sánh Napoléon với Edward Jenner (1749 - 1822) xem xem...
Tôi nghĩ, nói thế mà thật đấy. Cái công trạng đánh giặc của Napoléon có can hệ gì với chúng ta đâu, vậy mà chúng ta lại cứ kính phục cái anh hùng của hắn. Rất đỗi đến tổ tiên chính mình chúng ta đã làm nô lệ người Mông Cổ, mà chúng ta lại ca tụng Thành Cát Tư(1). Lấy con mắt chữ (tr.181 Tạp văn) hiện nay mà nhìn, giống người da vàng đã là giống hèn mạt, ấy vậy mà chúng ta lại tâng bốc Hitler.
Chỉ vì ba cái ông ấy đều là ông sao dữ(2) giết người không nháy mắt.
Nhưng chúng ta thử xem trên cánh tay mình, đại khái ai cũng có mấy cái nốt, đó là những dấu đã trồng đậu, là cái đã làm cho người ta thoát khỏi cái chứng nghèo ngặt nên đậu trời. Từ khi có phép trồng đậu ấy đến nay, chẳng biết đã cứu sống được bao nhiêu đứa trẻ con trên thế giới - tuy cũng có những đứa lớn lên vẫn phải đi làm mồi súng(3) cho bọn anh hùng, nhưng chúng ta có ai nhớ đến cái tên Jenner là người phát minh ra phép ấy đâu.
Kẻ giết người đang hủy hoại thế giới, kẻ cứu người đang tu bổ thế giới, thế mà các ông là người có tư cách làm mồi súng lại cứ đi ca tụng kẻ giết người.
Cái cách nhìn đời ấy nếu không đổi, tôi e, thế giới vẫn phải hủy hoại, loài người vẫn phải chịu khỏ.

 

6-11-1934
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn)
 

----------------
(1) Năm 1929, Tân văn báo ở Thượng Hải có dăng một bài đầu đề là "Một trang chiến sử nước ta đánh nước Nga". Đại lược nói: Sau khi Thành Cát Tư Hàn dấy từ Mông Cổ, vào làm chủ Trung Quốc, dần dần đem binh chinh phạt Âu châu. Đến đời Thái Tông năm thứ mười, cử đại binh đánh Nga, hãm kinh đô Mạc Tư Khoa. Đó là một trang chiến sử rất có vinh dự của nước ta vậy." Lỗ Tấn đã có một bài công kích người ký tên dưới bài ấy là Thanh Cồ, nói rằng chỉ có Thanh Cồ là dòng dõi Mông cổ thì mới nói như thế. ở đây cũng lại đay đi đay lại câu chuyện ấy. Xem thêm lời chua số 8 của bài Ma mãnh trên văn đàn Trung Quốc ngay dưới đây.
(2) "Ông sao dữ", nguyên văn là "đại tai tinh". Tục ngữ ta có câu: "Người ta cúng ông sao dữ, không ai cúng ông sao lành." Cho nên ở đây dịch "đại tai tinh" là "ông sao dữ".
(3) Tiếng Trung Quốc nói "pháo khôi", tiếng Pháp nói chair à canon, thì ta nói "bia đỡ đạn", lâu nay đã nói quen như thế. "Pháo khôi", nghĩa là tro của súng, súng bắn tan thành tro ; chair à canon, nghĩa là thịt cho súng, súng bắn nát thịt. Cái danh từ nghe có hiện thực và đáng ghê tởm. Ta nói "bia đỡ đạn", thì không đủ biểu đạt cái ý hy sinh vô lối, và không có vẻ hiện thực. Vả lại, cái bia dùng để tập bắn, nó chịu đạn chứ không đỡ đạn. Nói "đỡ đạn", chẳng có nghĩa gì. Vì lẽ ấy ở đây không nói "làm bia đỡ đạn" mà nói "làm mồi súng". Súng bắn vào con vật nào thì con vật ấy là mồi của súng, cho nên thợ săn gọi lợn cỏ, hươu, nai, những con mình định bắn là "con mồi".

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005