Phép an bần lạc đạo


Có con phải nhờ người khác dạy cho, có bệnh phải nhờ người khác chữa cho, mặc dầu chính mình là thầy giáo hay thầy thuốc. Song le cái cách làm người ở đời, e phải tự mình châm chước lấy, bao nhiêu đơn thuốc của người khác khai cho thường chỉ là mảnh giấy loại.
Khuêý nghĩa người ta an bần lạc đạo, đó là cái đường lối chính của sự trị quốc bình thiên hạ từ xưa đến nay, những phương thuốc đã khai rất nhiều, song đều không có công hiệu thập toàn đại bổ(1). Vì đó những phương thuốc mới còn cứ khai mãi, mới đây lại thấy hai cái, nhưng tôi tưởng: có lẽ đều chưa thỏa đáng(2).
Một phương là dạy người ta đối với chức nghiệp phải phát sinh hứng thú, đã có hứng thú thì không cứ việc gì làm cũng không thấy mệt. Phải, nói thì có lý đấy, song cũng phải là chức nghiệp gì nhẹ nhàng một chút kia. Thôi không nói những việc như đào than đá, gánh phân, hẵng nói những người thợ trong các xưởng Thượng Hải làm mỗi ngày ít nhất là mười giờ, đến chiều tối chắc phải lỏng gân kiệt sức, những sự rủi ro thường xảy ra vào lúc ấy. "Tinh thần lành mạnh ở trong thân thể lành mạnh", mà thân thể đã không cựa nổi, thì làm sao có hứng thú được? - Chỉ người nào yêu hứng thú hơn tính mạng của mình thì không kể. Nếu hỏi chính mình họ thử xem, tôi tưởng, nhất định họ nói giảm bớt thì giờ làm việc đi, chứ còn cái cách phát sinh hứng thú, dù trong chiêm bao họ cũng không nghĩ đến.
Còn một phương thật triệt để, nói là trong mùa nóng nực, những người sang trọng bận rộn tiếp đón, mồ hôi đẫm lưng, kẻ nghèo lại ôm một manh chiếu rách trải trên đường, cởi áo nằm hóng gió mát, họ vui sướng vô cùng, thế gọi là "tiên ba đời". Đó cũng là một phương thuốc ít thấy và nên thơ, ngặt về sau còn có cảnh kém đẹp. Sắp đến mùa lạnh rồi, sớm mai đi trên đường cái xem xem, thấy có những người tay ôm bụng, miệng ọe ra nước vàng, đó tức là những người "tiên ba đời" dạo trước. Đại khái cái thứ người đại ngốc, có phúc trước mắt mà không biết hưởng, trên đời cũng không có nhiều, nếu như nghèo sát đất quả thật là vui sướng, thì những người sang trọng hiện nay chắc đã choán trước nằm chật đường cái rồi, và những người nghèo hiện nay không còn có chỗ trải chiếu của họ nữa.
Cuộc hội khảo trung học ở Thượng Hải đã phát biểu thành tích ưu lương của học sinh, có một bài luận "áo đủ che lạnh, ăn đủ no bụng", trong có một đoạn rằng:
"... Nếu đức nghiệp đã lập thì dù ăn bữa trưa lo bữa tối, áo xé vạt vá vai, mà danh đức của mình đủ truyền về sau, sự sống tinh thần sẽ phát triển đầy đủ, lo gì sự sống vật chất thiếu thốn? Cái lẽ thật của đời sống người ta vốn ở cái nầy mà không ở cái kia..." (rút ở Tân ngữ lâm kỳ thứ ba).
Như thế so với ý đầu đề lại còn tiến hóa hơn một bước, nói rằng cả đến không "no bụng" cũng không hại chi. Song le cái phương thuốc của trung học sinh khai đó, đối với đại học sinh không thích dụng, cùng một lúc ấy vẫn xuất hiện một đàn lớn đại học sinh thất nghiệp đi kiếm việc làm(3).
Sự thực là cái không hề nể ai hết, nó cứ việc đập vụn những lời nói suông. Có sự thực rõ ràng như thế, theo tôi tưởng, thực ra, rất không có nên chơi cái lối "chi hồ giả dã" nữa - dù thế nào, dù bao giờ, nó cũng là vô dụng.

 

13-8-1934
(Dịch ở Hoa biên văn học)
 

----------------
(1) Thập toàn đại bổ là tên một phương thang thuốc bắc. Nhân ở trên có nói "khai đơn thuốc" nên dùng nó vào đây như một định từ (adjectif), để chỉ nghĩa "hoàn toàn có ích lợi". "Không có công hiệu thập toàn đại bổ" tức là không hoàn toàn có ích lợi.
(2) Lúc bấy giờ ở Trung Quốc có nhiều cuộc bãi công của công nhân. Có mấy tay bồi bút của nhà tư bản đưa ra những thuyết lừa bịp họ, sẽ bị Lỗ Tấn bác đi như dưới đây.
(3) Làm chứng chắc cho đoạn văn nầy có câu tục ngữ "Tất nghiệp tức là thất nghiệp" đã sản sinh ra trong thời ấy mà Lỗ Tấn có nhắc đến. Xem lời chua số 4 của bài thế giới con ve sầu.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005