Sự tiến hóa của người đàn ông


Nói rằng cầm thú giao cấu với nhau là luyến ái, e khi xô bồ một chút. Song le, cầm thú cũng có tánh sinh hoạt(1), điều đó thì không thể phủ nhận được. Chúng nó đang thời kỳ "rượn", con cái và con đực gặp nhau, không khỏi có sự "mình mình tôi tôi" trong một lúc. Cố nhiên con cái có khi làm bộ làm tịch, chạy đi mấy bước rồi lại quay đầu nhìn, còn kêu lên mấy tiếng, cho đến khi thực hành cái sự "ân ái" mới thôi. Cầm thú, chủng loại chúng tuy nhiều, sự "luyến ái" của chúng có một điều ai cũng phải công nhận là: con đực không có quyền riêng gì cả.
Người ta linh hơn muôn vật, trước hết là bản lãnh của người đàn ông cao cường. Ban đầu vốn là chung chạ bậy bạ, nhưng vì cờ "biết có mẹ không biết có cha", bọn các bà từng "thống trị" qua một thời kỳ, lúc bấy giờ cụ tổ bà chừng như còn oai hơn ông tộc trưởng về sau nữa. Về sau không biết thế nào, người nữ đã sa đọa: ở cổ, ở tay, ở chân đều khóa lại bằng cái dây xích, tròng vào bằng cái vòng cái khuyên - tuy rằng sau mấy ngàn năm rồi những vòng những khuyên ấy đã biến thành bằng vàng bằng bạc, khảm châu báu, kim cương, nhưng mà những kiềng, xuyến, nhẫn các thứ, đến ngày nay vẫn còn là cái dấu hiệu của kẻ nữ nô. Người nữ đã thành ra nô lệ, thì người nam không cần hỏi có đồng ý hay không rồi mới "yêu" họ. Những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc đời thượng cổ, kết quả lại, kẻ bị bắt tù sẽ biến thành nô lệ, người nữ bị bắt tù sẽ bị cường gian. Lúc đó, chừng như cái thời kỳ xuân tình phát động đã bị "thủ tiêu" rồi, bất cứ lúc nào chỗ nào, chủ nhân đàn ông đều có thể cường gian kẻ bị bắt tù, kẻ nô lệ là người nữ hết. Bọn thổ phỉ côn đồ hiện nay không coi người nữ là người, thực ra là lề thói võ sĩ đạo(2) theo kiểu tù trưởng đời xưa còn rớt lại.
Song le, cái bản lãnh cường gian tuy đã là một bước "tiến hóa" của loài người so với cầm thú, rốt cuộc cũng chỉ mới là bán khai. Hãy nghĩ xem, người nữ khóc khóc mếu mếu, rút tay co chân, còn có hứng thú gì? Từ sau khi kim tiền, thứ bảo bối ấy xuất hiện, sự tiến hóa của người đàn ông mới thật là ghê gớm. Mọi vật trong thiên hạ đều mua bán được, thì cái sự tánh dục cũng mua bán được. Người đàn ông bỏ ra mấy đồng tiền tanh, có thể láy được cái cần lấy ở thân người đàn bà. Vả lại chàng có thể nói với nàng rằng: Tôi có phải hiếp cô đâu, cái nầy là cô tự nguyện, cô muốn có tiền thì cô phải như thế như thế, chịu trọt một bề, giữa chúng ta phải thì mua phải thì bán! Giày vò xong, còn phải nàng có một câu: "Cám ơn anh, anh cả". Cầm thú có làm được như thế không? Cho nên chơi đĩ là sự tiến hóa của người đàn ông đã đến giai đoạn hơi cao rồi.
Cùng một lúc đó, cái lối hôn nhân cũ theo mệnh lệnh cha mẹ, theo lời mai mối, so với chơi đĩ lại càng khôn khéo hơn. Dưới chế độ ấy, người đàn ông có được thứ tài sản sống trọn đời và dài lâu. Khi cô dâu bị người ta ném trên giường chàng rể, cô chỉ có nghĩa vụ, cả đến cái quyền tự do ra giá tiền như nhà thổ cũng không có, huống nữa là luyến ái? Mặc kệ mầy yêu hay không yêu, ở dưới danh nghĩa đức Chu Công đức Khổng Tử, mầy phải tùng nhất nhi chung, mầy phải giữ trinh tiết. Người đàn ông có quyền sử dụng người đàn bà lúc nào thì sử dụng, mà người đàn bà thì phải tuân thủ lễ giáo của thánh hiền, dù "chỉ mới nẩy ra một ý niệm xấu trong lòng cũng kể là đã phạm tội gian dâm rồi"(3). Giả sử con chó đực đối với con chó cái mà dùng thủ đoạn ranh mãnh và phũ phàng như vậy, nhất định con chó cái vội vàng nhảy rào cút mất. Nhưng người ta thì lại chỉ có thể nhảy giếng để làm tiết phụ, trinh nữ, liệt nữ(4). Cái ý nghĩa tiến hóa của cuộc hôn nhân theo lễ giáo ra làm sao, cứ nghĩ đó thì biết.
Đến như người đàn ông sẽ dùng cái học thuyết "rất khoa học" làm cho người đàn bà tuy không có lễ giáo cũng có thể vui lòng tình nguyện tùng nhất nhi chung, vả lại tin phăm phắp rằng tánh dục là "thú dục", không nên coi là điều kiện cơ bản của luyến ái ; nhân đó phát minh ra cái thứ "trình tiết khoa hoc"(5) thì đương nhiên là văn minh tiến hóa đến tột bực rồi.
Ôi, ấy là cái điều người ta - người đàn ông - khác với cầm thú đó!(6)

 

3-9-1933
(Dịch ở Chuẩn phong nguyệt đàm)
 

-------------
(1) Chữ sex trong tiếng Tây, ở chữ Hán là "thư hùng tánh", nói tắt đi là "tánh", tức như nói "nam tánh", "nữ tánh", "tánh dục" v.v... bởi đó mà có cái danh từ "tánh sinh hoạt". "Tánh sinh hoạt" nghĩa là sự sống giữa người nam người nữ hay vợ chồng với nhau, tức trong tiếng Pháp là la vie sexuelle.
(2) Võ sĩ đạo là một danh từ trong tiếng Nhật Bản, nghĩa là cái đạo đức mà giai cấp võ sĩ phải giữ, như chuộng trung tiết, trọng danh dự... ở đây không dùng theo nghĩa ấy mà lại có nghĩa xấu, trái lại.
(3) Đây chắc cũng là một câu trong sách xưa, nhưng người dịch không nhớ câu như thế nào và ở trong sách nào. Nguyên văn của tác giả đã dịch ra bạch thoại và để trong dấu ngoặc kép.
(4) Chữ "nhảy giếng" cố nhiên dùng để đối với chữ "nhảy rào" ở trên, nhưng thực sự thì phụ nữ Trung Quốc trước kia mỗi khi gặp kẻ cường bạo hoặc lo sẽ gặp sự cường bạo cũng thường hay nhảy giếng tự tử. Như trong một đời Minh, lúc Yên Vương Đệ kéo quân vào Nam Kinh, lúc Lý Tự Thành hãm Bắc Kinh, có rất nhiều phụ nữ nhà quan nhảy giếng. Sau khi tự tử như thế, người có chồng được liệt vào hạng tiết phụ, các cô chưa chồng được liệt vào hạng trinh nữ, liệt nữ. Trong văn chương Lỗ Tấn, ở chỗ khác còn nói về "nhảy giếng" nữa. Tức như A Q. chính chuyện, A Q. chê trách người vợ của Thằng Tây giả "không nhảy giếng lần thứ tư, cũng không phải là con đàn bà tốt".
(5) Những điều này, tác giả căn cứ ở sự thực đương thời mà nói. Tiếc người dịch chưa tìm ra sự thực cụ thể cho nên đành bỏ trống, không chú thích.
(6) Câu nầy dùng nguyên văn một câu trong sách Mạnh tử: "Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả cơ hi", nhưng bỏ hai chữ "cơ hi" đi mà lại làm chệch nghĩa đi bằng ba chữ "người đàn ông".

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005