Thế giới con ve sầu


Bọn học giả Trung Quốc, nhiều người cho rằng các thứ trí thức nhất định là ra từ miệng thánh hiền, hay ít nhất là từ miệng học giả ; cả đến sự phát minh, ứng dụng lửa và thuốc chữa bệnh cũng không có phần của dân chúng mà đều bởi thánh vương đời xưa một tay bao biện lấy: họ Toại nhân và họ Thần nông(1). Cho nên, có người nói rằng "làm như các thứ trí thức đều phải ra từ miệng động vật, nghĩ cũng lạ thật", thì cũng chẳng đủ lấy làm lạ chút nào(2).
Vả lại, cái thứ trí thức "ra từ miệng động vật" ở Trung Quốc chúng ta cũng thường thường không phải là thứ trí thức thật. Trời mùa hè nóng thiếu đều thiêu người, những nhà có máy radio mở toang các cửa sổ, cho tiếng trong máy tràn ra đến hàng phố, để "cùng vui với dân chúng"(3). Ê a ê a, máy cứ hát mãi. ở ngoại quốc thế nào tôi không biết, chứ radio của Trung Quốc, thì từ sáng đến đêm đều có hát, lúc bổng lúc trầm, nếu mình thích nghe thì cứ gọi là lỗ tai không lúc nào được nghỉ. Cùng một lúc đó họ lại mở quạt máy, ăn cờ-rem nước đá, chẳng những không biết gì đến mấy nơi có "lụt to", "hạn lớn", dù cho với cái nơi ngoài cửa sổ có những người mướt mồ hôi, quằn quại cả ngày để mà sống, cũng hoàn toàn là hai thế giới khác nhau.
ở trong tiếng hát ngân dài, ê a ê a đó, tôi bỗng nhớ đến bài ngụ ngôn của Lafontaine, thi nhân nước Pháp: Con ve sầu và con kiến. Cũng đang là mùa hè, mặt trời nóng như lửa thế nầy, con kiến cứ khó nhọc làm việc trên đất, con ve sầu lại ở trên cành cây ca hát, và còn nhạo con kiến là dại, chỉ biết cặm cụi làm cả đời. Nhưng rồi gió thu đã đến, một ngày thấy rét hơn một ngày, bấy giờ con ve sầu không có gì ăn, không có gì mặc, hình dáng trở nên khô đét, bèn bị con kiến là kẻ biết dè trĩ nhiếc cho một mẻ. Chuyện ấy là chuyện khi tôi còn học ở trường tiểu học, thầy giáo kể cho tôi nghe. Lúc đó tôi thấy như rất cảm động, đến nay có khi tôi còn nhớ.
Song le, tuy tôi còn nhớ, mà bởi cái câu "tất nghiệp tức là thất nghiệp"(4) dạy khôn cho, cho nên ý kiến của tôi đã không giống với con kiến rồi. Chẳng bao lâu dây thì gió thu đến, tự nhiên cũng một ngày thấy rét hơn một ngày, nhưng mà lúc bấy giờ, cái kẻ không có gì ăn, không có gì mặc, e lại chính là đám người hiện giờ đang chảy mồ hôi ; chung quanh nhà kiểu tây cố nhiên vắng ngắt, mà đó là đóng bít các cửa sổ, cả đến tiếng radio cũng đọng lại với hơi nóng của lò sưởi, liệu chừng trong đó cũng vẫn ê a ê a như cũ, hát bài Cám ơn mưa phùn(5).
Cái thứ trí thức "ra từ miệng động vật" ở Trung Quốc chúng ta há chẳng là thường thường không thích dụng ư?
Trung Quốc tự mình có thánh hiền và học giả của mình. "Kẻ nhọc lòng thì trị người, kẻ nhọc sức thì bị người trị, kẻ bị người trị cho người ăn, kẻ trị người ăn của người"(6), nói như thế gỏn lọn rõ ràng biết bao. Nếu như trước kia thầy giáo lấy điều đó dạy tôi, thì tôi đã chẳng đến nỗi có cái cảm tưởng như trên làm tốn bao nhiêu là bút mực. Đó cũng là một chứng cứ để thấy rằng người Trung Quốc không đọc sách xưa của Trung Quốc không được(7).

 

8-7-1934
(Dịch ở Hoa biên văn học)
 

---------------
(1) Theo cổ sử Trung Quốc, họ Toại nhân dùng cây khô lấy lửa, người ta mới bắt đầu biết dùng lửa ; họ Thần nông nếm các thứ cỏ, người ta mới bắt đầu biết dùng thuốc chữa bệnh. "Thánh vương" là chỉ những người như hai vị đó. Nhưng đó chỉ là thần thoại. Sự thực thì ở xứ nào cũng vậy, mọi sự phát minh đầu tiên đều do quảng đại quần chúng mỗi người đóng góp một ít, vả lại mỗi thời tìm tòi thêm một ít, chứ không phải do một ông thánh nào vụt một cái mà nghĩ được ra.
(2) Tôi nhớ có thấy ở sách nào đó có nói: Trong thời Dân quốc, một vị võ quan nào đó xem sách giáo khoa tiểu học, thấy có những bài dịch ở ngụ ngôn phương Tây ra, đôi khi con vật biết nói những điều hay lẽ phải, bèn bài hãi ra mà rằng, họ (chỉ người phương Tây) "làm như các thứ trí thức đều phải ra từ miệng động vật..." Nhưng trong khi chú thích đây không tìm được xuất xứ để mà dẫn chứng. Chữ "có người" đây, chắc Lỗ Tấn chỉ vào vị võ quan (?) ấy. Và, ý cả đoạn nầy là: người ta đã tin mọi trí thức phải ra từ miệng thánh hiền, thì khi thấy nói trí thức ra từ miệng động vật mà lấy làm lạ, cũng chẳng lấy gì làm lạ.
(3) Đây là một thanh ngữ, nguyên văn là: "Dữ dân đồng lạc".
(4) "Tất nghiệp" ở ta nói "tốt nghiệp". ở Trung Quốc lúc bấy giờ có rất nhiều trường đại học công lập và tư lập, những học trò tốt nghiệp ở đó ra không có việc làm, cho nên có một câu nói đã thành ra như tục ngữ: "Tất nghiệp tức thất nghiệp".
(5) Đây là tên một bài hát, nguyên văn là: "Tạ tạ mao mao vũ". Bài hát này thường cho vào đĩa máy hát hay radio. Mưa phùn thường có trong những ngày mùa xuân, mưa không to nhưng dai dẳng, khiến những người lao động chịu rét mướt ướt át hoặc phải ngồi nhà nhịn đói ; nhưng những kẻ có tiền thì lại ở trong nhà thấy ấm cúng, đi ra đường đỡ bụi, cho nên "cám ơn" nó.
(6) Đây là những câu trong sách Mạnh Tử, nguyên văn là: "Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân" (chữ tự trong câu nầy cũng tức là chữ thực mà đọc chệch đi, thành ra nghĩa khác. Thục là ăn, mà tự là cho người khác ăn, tức là phải nuôi người khác, cho nên "tự nhân" dịch là "cho người ăn").
(7) Năm 1925, có một nhà báo trưng cầu ý kiến với một câu hỏi: "Thanh niên nên đọc những sách gì?". Lỗ Tấn trả lời rằng mình "không chỉ hẳn ra những sách gì được, vì bình nhật không hề để ý đến". Và có chua thêm rằng: "Khi tôi đọc sách Trung Quốc, cứ thấy người tôi im lặng hẳn đi, lìa khỏi sự sống: nhưng khi đọc sách ngoại quốc, thường thường thấy tiếp xúc với cuộc sống, muốn làm một việc gì". Cuối cùng kết luận rằng: "Tôi tưởng nên ít đọc - hoặc không đọc hẳn - sách Trung Quốc mà đọc nhiều sách ngoại quốc." Cái chủ trương ấy của Lỗ Tấn bị nhiều người phản đối kịch liệt, có người đến bảo Lỗ Tấn nên dọn đi ra ngoại quốc mà ở. Cho nên ở đây Lỗ Tấn đay khéo lại cái ý của những người phản đối ấy.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005