Từ chụp bóng đứa bé nói đi


Vì đã lâu tôi không có con, từng có người nói, đó là quả báo bởi tôi làm người không tốt, sẽ phải tuyệt tự. Khi bà chủ nhà cho thuê đâm ghét tôi, không cho lũ trẻ con của bà đến chơi chỗ tôi, nói rằng "để cho hắn quạnh hiu, quạnh hiu đến phải chết!". Nhưng, hiện nay tôi đã có một đứa bé, có nuôi được cho khôn lớn hay không thì chưa biết, chứ bây giờ thì nó đã tạm nói chuyện được rồi, phát biểu ý kiến của nó được rồi. Có đều, không biết nói còn khá, biết nói một cái, làm cho tôi thấy nó như là kẻ địch của tôi.
Nó có khi đối với tôi rất bất mãn, có lần nó nói trước mặt tôi rằng: "Đến phiên tôi làm cha, còn sẽ tốt...". Rất đỗi đến hầu như "phản động", nó từng phê bình tôi một câu gắt gao rằng: "Thứ đồ cha ấy, mà cha gì!?".
Tôi không tin lời nó. Lúc còn làm con, cho mình là người cha tốt mai sau, đến khi chính mình có con rồi, câu tuyên ngôn ngày trước đã quên sạch cả. Huống chi tôi nghĩ tôi cũng chẳng đến nỗi là người cha xấu, tuy cũng có lúc mắng, hoặc đến đánh, thực ra là yêu nó. Cho nên nó mới lành mạnh, nhanh nhảu, nghịch ngợm, không hề bị đè nén đến đầu tắt mặt tối. Nếu tôi quả thật là một người "cha gì", thì nó còn dám đứng trước mặt tôi phát ra cái câu tuyên ngôn phản động như thế ư?
Nhưng cái lành mạnh nhanh nhảu đó có khi cũng làm cho nó chịu thiệt hại. Sau sự kiện cứu nhất bát(1), nó bị đồng bào nhận lầm là trẻ con Nhật Bản, chửi cho mấy lần, còn có đánh cho một lần - tự nhiên là không đến nỗi nào. ở đây nên nói thêm một câu mà cả người nói lẫn người nghe đều không thích mười phần cả mười: Gần hơn một năm nay, cái việc như thế lại không có một lần nào hết.
Trẻ con Trung Quốc và Nhật Bản, nếu mặc đồ tây cả, thường thường thật khó phân biệt. Nhưng giữa chúng ta có những người đều có chung một sự đoán vội mà sai lầm: mành khảnh dịu dàng, không nói cười nhiều, không động đậy nhiều, là trẻ con Trung Quốc ; mạnh mẽ nhanh nhảu, không sợ người lạ, reo hò nhảy nhót, là trẻ con Nhật Bản.
Nhưng mà quái lạ, tôi từng chụp cho nó một tấm ảnh ở tiệm chụp bóng Nhật Bản, trông mặt mũi nghịch ngợm, giống hệt trẻ con Nhật Bản ; sau lại chụp cho nó một tấm ảnh ở tiệm chụp bóng Trung Quốc, áo quần giống nhau, nhưng mặt mũi trông rất đứng đắn, hiền lành, là một đứa trẻ con Trung Quốc chính cống.
Vì việc ấy, tôi đã phải suy nghĩ.
Cái nguyên nhân của sự khác nhau đó là tại người thợ chụp bóng. Về sự chỉ vẽ cho cái tư thế đứng hoặc ngồi, người thợ chụp bóng hai nước đã khác nhau rồi, sau khi đứng yên, họ lại trố mắt dòm vào máy, chực chụp lấy cái tướng mạo trong một giây mà họ cho là tốt nhất. trẻ con khi đứng trước cái ống kính máy chụp bóng, dáng dấp của nó cứ thay đổi luôn, khi thì nhanh nhảu, khi thì nghịch ngợm, khi thì hiền lành, khi thì đứng đắn, khi thì chán nản, khi thì e sợ, khi thì bạo dạn, khi thì mệt nhọc... Chụp lấy đúng cái giây hiền lành và đứng đắn, là ảnh trẻ con Trung Quốc ; chụp lấy đúng cái giây nhanh nhảy hay nghịch ngợm, thì là ảnh giống trẻ con Nhật Bản.
Hiền lành là các thứ cũng không phải là đức xấu. Có đều cứ thế phát triển mãi ra, đối với mọi sự đều hiền lành cả thảy, lại quyết không phải là đức tốt, có lẽ gỏn gọn là đổ đốn. Lời nói của "cha" và của vai trên, cố nhiên phải nghe theo, nhưng cũng phải nói cho có lý. Giá có một đứa bé, nó tự cho mình là mọi sự đều không bằng người, cứ cúi đầu đi thùi lui ; hay là ngoài mặt tươi cười mà trong lòng thì âm thầm chước móc, nói thật, tôi thà nghe nó suồng sã mắng vào mặt tôi "thứ đồ gì" và còn mong chính mình nó là một thứ đồ ra thứ đồ.
Nhưng cái trớn chung của Trung Quốc lại chỉ nhằm về phương diện hiền lành các thứ, tức là phương diện "tĩnh" mà phát triển. Mày sa, mắt nhìn xuống, dạ dạ vâng vâng, mới kể là đứa trẻ tốt, khen nó là "ngoan ngoãn". Nhanh nhảu, lành mạnh, rắn mắt, ưỡn ngực, ngước mặt lên... hết thảy cái gì thuộc về phương diện "động", thì đã có người lắc đầu, đến nỗi bảo là "hơi Tây". Lại nhân vì lâu nay cứ bị xâm lược mãi, cho nên coi cái "hơi Tây" ấy là thù ; tới một bước, thì cố ý làm trái với cái "hơi Tây" ấy: chúng hoạt động, ta ngồi im, chúng giảng khoa học, ta cầu cơ ;(2) chúng mặc áo ngắn, ta mặc áo dài ; chúng giữ vệ sinh, ta ăn thừa ruồi ; chúng khỏe mạnh, ta đau yếu... có thế mới bảo tồn văn hóa của Trung Quốc, có thế mới là yêu nước, có thế mới không là nô lệ tánh.
Thực ra, theo tôi thấy, trong những cái gọi bằng "hơi Tây" đó, không thiếu gì cái tốt, mà cũng là cái vốn có trong tính chất người Trung Quốc chúng ta, chỉ bởi tại sự đè nén của bao nhiêu triều đại, đã làm nó tàn rụi đi, rồi bây giờ chúng ta không còn biết mình ra làm sao nữa, cái gì cũng đem gán cho người ngoại quốc. Vậy phải thu nó về, khôi phục nó lại, cố nhiên còn phải chọn lọc kỹ lưỡng.
Dù cho cái không phải Trung Quốc vốn có, mà nó là tốt, chúng ta cũng nên học tập. Dù cho ông thầy đó là kẻ thù của chúng ta đi nữa, chúng ta cũng nên theo mà học. ở đây, tôi phải đưa nước Nhật Bản ra, cái nước mà hiện nay mọi người không buồn nói tới: Người Nhật giỏi bắt chước, ít sáng tạo, điều đó bị nhiều luận giả Trung Quốc khinh chê, song le, cứ xem những đồ họ xuất bản và chế tạo, Trung Quốc đã không bằng rồi, thì biết rằng "bắt chước" không phải là xấu, chúng ta nên học tập cái "biết bắt chước" ấy. "Biết bắt chước" lại thêm sáng tạo nữa, chẳng càng hay hơn sao? Bằng chẳng vậy, chỉ có nước "ngậm hờn đi xuống suối vàng" mà thôi.
ở đây tôi còn phải phân bua một câu hình như là thừa: Tôi tin rằng đó là chủ trương của chính mình tôi, chứ không phải đã "chịu người đế quốc chủ nghĩa sai khiến"(3), xui gicục người Trung Quốc làm nô lệ đâu ; còn như cứ đầy mồm yêu nước, đầy thân quốc túy, về thực tế, với sự làm nô lệ cũng không có phương hại gì.

 

7-8-1934
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn)
 

----------
(1) Ngày 18 (nhất bát) tháng 9 (cửu) năm 1931, Nhật Bản lấy cớ một người Nhật tên là Trung Thôn mất tích, bắt đầu nổ súng đáng Đông Bắc, về sau gọi đó là "sự kiện cửu nhất bát".
(2) Cầu cơ là cầu tiên bằng cái cơ. Chữ Hán là "phù kê". Lỗ Tấn có hai bài tạp văn nói về chuyện ấy. Một bài viết năm 1918, nói khi ở Thượng Hải có một vị tiên phụ cơ giáng xuống Thịnh đức đàn, thì ở Bắc Kinh cũng có một vị tiên khác giáng đàn, bảo vị tiên giáng ở Thịnh đức đàn là "tà quỷ" ; về sau ở Thịnh đức đàn lại có một vị chân nhân giáng xuống, phán rằng những người khác không được phép cầu cơ. Một bài nữa viết năm 1934, nói ở Thượng Hải có người tên là Bạch Đồng, xưng là lưu học sinh ở Đức về, phát minh ra lối cầu tiên mới, hiệp với "khoa học", tiên không phụ ở cái cơ, mà phụ ở cái đĩa, vì vậy gọi là "điệp tiên". Xem đó thì biết cái sự mê tín cầu cơ còn rất thạnh hành ở Trung Quốc trong thời đại Lỗ Tấn. Cho nên ở đây ông đặc biệt chỉ trích việc ấy, cho là một việc phản khoa học điển hình.
(3) Tháng 7-1934, Lỗ Tấn có viết một bài tạp văn, đại ý nói viết văn bạch thoại thế nào cũng phải có dùng từ ngữ âu hóa, cú pháp âu hóa. Bị một người ký tên là Văn Công Trực, viết bài phản đối, cho là "hán gian", hỏi có phải đã "chịu người đế quốc chủ nghĩa sai khiến" mà nói thế không, Lỗ Tấn đã viết bài trả lời ngay lúc ấy. Vì vậy ở đây mới có lời phân bua nầy.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2005