13. N.H.
Cuộc hội nghị phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu lần thứ 2: Sôi nổi và tiến bộ rõ rệt

Sau cuộc họp thứ nhất tối 31-3-1955, Ban văn học Hội văn nghệ Việt Nam lại triệu tập cuộc họp tối 7-4-1955 phê bình lần thứ hai tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Lần họp này chủ yếu vẫn dành riêng cho những anh chị em trong ngành thơ và một số bạn yêu thơ. Có 68 người dự, trong đó có 5 phụ nữ, nhiều anh em công tác văn thơ miền Nam và nhiều anh em văn nghệ bộ đội. Những nhà thơ quen biết đều có mặt: Tú Mỡ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Bảo Ðịnh Giang, Tế Hanh, Hằng Phương. đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng tới dự. Lần này lại có thêm các giáo sư đại học Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Giầu tham gia. Không khí thảo luận sôi nổi hơn lần trước.

Cũng như lần trước, cuộc họp này chứng tỏ dưới chế độ dân chủ cộng hòa, tự do tư tưởng đang được phát triển, và giữa thủ đô Hà Nội không khí phê bình, tự phê bình lành mạnh đang thu hút các bạn văn nghệ cùng nhau tìm rõ phương hướng tiến lên. Trong buổi họp, cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề mà Hoàng Yến đã đặt ra "thơ Tố Hữu đã hiện thực chưa? " Nhiều bạn đã đi sâu phân tích, so sánh thơ Tố Hữu trong thời kỳ đấu tranh bí mật và thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến vừa qua. Việc phê bình đang dần dần đi vào nề nếp suy luận chín chắn, căn cứ vào hoàn cảnh thời gian, không gian và xúc cảm thật của tác giả trong khi sáng tác mà đối chiếu với tiêu chuẩn tư tưởng của văn học, phê bình với tinh thần xây dựng. Nhà văn Nguyễn Hữu Ðang phát triển những ý kiến đã phát biểu trên báo của Hoàng Yến và Hoàng Cầm cho rằng trong tập thơ Việt Bắc cái buồn tiểu tư sản rơi rớt từ đầu đến cuối và không thấy con người Việt Nam qua kháng chiến thử thách lớn mạnh lên chút nào. Giáo sư Hoàng xuân Nhị và thi sĩ Huy Cận bênh vực những bài thơ của Tố Hữu đã bị phê bình nhiều nhất. Theo giáo sư Hoàng Xuân Nhị, thơ Tố Hữu đã được nâng cao, đã đạt tới chỗ "thơ ở ngoài lời" mà người xưa đã nói. Thi sĩ Huy Cận muốn phân biệt chủ nghĩa hiện thực với tưởng tượng lãng mạn, và cho rằng chủ nghĩa hiện thực là đi từ thực tế theo một hướng phát triển có lãnh đạo của giai cấp công nhân mà sáng tác, như vậy thì thơ Tố Hữu trước kia có nhiều tính chất tưởng tượng lãng mạn, còn thơ Tố Hữu ngày nay là hiện thực chủ nghĩa: hướng chung là có đi lên trên cơ sở thực tế. Tuy vậy theo thi sĩ Huy Cận, tập thơ Việt Bắc chưa phải là kiệt tác, chất thơ có hạn, gợi đồng cảm còn ít, nhiều chỗ còn ngậm ngùi, rơi rớt buồn.

Thi sĩ Huy Cận nhường lời cho thi sĩ Lưu Trọng Lư, chưa nói hết ý kiến mình về điểm này. Nhiều người còn muốn phát biểu ý kiến nhưng vì thời giờ hạn chế nên phải để đến những lần khác.


Nguồn: Nhân dân, 11.4.1955