46. NGUYỄN ÐÌNH THI    
Lập trường giai cấp và Ðảng tính. Vấn đề hiện thực và lãng mạn


Ðặt vấn đề giai cấp như thế nào?

Trong cuộc thảo luận về tập thơ
Việt Bắc có bạn nêu lên vấn đề "giai cấp tính" và cho rằng "giai cấp tính" ấy, tức là cái "điệu tâm hồn" của nhà thơ. Theo bạn đó, "giai cấp tính" của thơ Tố Hữu là tiểu tư sản cách mạng. Chứng cớ là tập thơ Việt Bắc không có bài nào nói đến Ðảng và giai cấp công nhân, và "điệu tâm hồn" của Tố Hữu nhiều buồn rơi rớt.

Tôi chưa nói "điệu tâm hồn" của Tố Hữu có buồn rơi rớt hay không. Theo tôi nghĩ, trước hết cách đặt vấn đề "giai cấp tính là điệu tâm hồn" như trên đây, đã sai từ đầu và làm nẩy ra nhiều lầm lẫn.

Mỗi nhà thơ có tâm hồn riêng, cũng như mỗi con người có một nét mặt, một tính nết. Có nhà thơ là tiếng kèn trận, có nhà thơ là tiếng sáo véo von. Có nhà thơ là dòng suối trong thấm thía, có nhà thơ là dòng thác dữ xô đẩy. Nói "tính chất vô sản" là "điệu tâm hồn" này hay "điệu tâm hồn" kia, cũng khác nào nói tất cả những cán bộ là phải mặc áo nâu, ai không mặc áo nâu thì không phải là cán bộ. Sự lầm lẫn nguy hiểm đó đưa tới chỗ bắt người sáng tác phải chịu cái "khuôn chết" của một thứ "giai cấp tính" mơ hồ.

Thực tế của thời đại chúng ta có cả tiếng kèn lẫn tiếng sáo, dòng suối và dòng thác, và còn "trăm hoa đua nở" nữa. Nên trong thơ ca hiện thực, chúng ta cần rất nhiều tiếng nói khác nhau của các nhà thơ. Vấn đề chủ yếu là nhà thơ mưu lợi ích cho ai? Cho một thiểu số thống trị, hay cho nhân dân cách mạng? Cho những giai cấp bóc lột áp bức hay cho quần chúng lao động? Nhà thơ nhìn nhận xã hội này là của ai? Và tương lai là của ai? Ðó là lập trường, quan điểm giai cấp của nhà thơ.


Quần chúng lao động là anh hùng của thời đại:

Những bài thơ của Tố Hữu không nói trực tiếp đến Ðảng và giai cấp công nhân (tất nhiên nếu nói được thì càng tốt) nhưng đều phản ảnh sự thực căn bản là quần chúng lao động làm ra lịch sử. Thơ Tố Hữu cho ta thấy những người nông dân lao động bình thường chính là những người gánh cả kháng chiến trên vai và làm cho kháng chiến thắng lợi. Chỉ có tư tưởng của giai cấp công nhân, chỉ có Ðảng mới soi được ánh sáng đó vào ý thức và tâm hồn nhà thơ.

Anh bộ đội rất hiền lành, trong bài “Cá nước”, cùng với người mẹ già của anh ở "đầu xóm tre xanh", và người vợ anh "cày cấy ruộng sâu tối ngày", đấy chính là những người đã làm cho tàu giặc đắm sông Lô... máu tanh đến bây giờ..., làm cho cánh đồng quê tháng mười, sau những ngày quân giặc lồng lộn, vẫn thơm nức mùa gặt hái. Anh chiến sĩ có thể đi đánh giặc ở tiền tuyến là vì ở quê nhà mẹ anh, vợ anh, hàng ngày cặm cụi làm ruộng nuôi con anh, và ngược trở lại, cánh đồng quê nhà anh đến mùa vẫn vàng, vẫn chín, cũng là vì có anh ở tiền tuyến. Tất cả kháng chiến là công sức của quần chúng và quần chúng bao giờ cũng vẫn còn, không sức gì tiêu diệt được, vì chỉ có bàn tay quần chúng hàng ngày làm ra được tất cả sự sống của xã hội. Bỏ mất ý nghĩa đó, thì đọc bài “Cá nước” chỉ còn thấy câu chuyện tâm tình của anh bộ đội nhớ nhà, có người lại nói "tiểu tư sản", hình như các anh bộ đội không biết nhớ mẹ, nhớ con, nhớ vợ bao giờ!

Những lời kể chuyện rất thực thà, đơn giản của "bà mẹ Việt Bắc" nghèo khổ cũng vậy, đó là những câu thơ anh hùng ca của thời đại chúng ta. Từ cuộc đời nô lệ, bữa đói bữa no, ngày đôi bát ngô, những thằng quan châu có quyền bắt người nghèo như bắt trâu bò, từ đêm dài tối tăm ấy, những đứa con "lành như đất" của các bà mẹ nông dân can đảm đã làm ra cách mạng. Ðến khi mẹ gặp lại con, nhà thơ viết mấy câu giản dị:

Tôi ôm lấy nó
Tôi kể trước sau
Nỗi nhà mất bố
Nỗi anh chết tù
Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi
"Mé ơi đừng khóc
Nước độc lập rồi!"

Tôi nghĩ không có cảnh "Nhạc Phi với mẹ" nào so sánh được với cảnh gặp gỡ giữa người mẹ và người con ấy của cách mạng chúng ta.

Có những bài thơ của Tố Hữu đã truyền cho chúng ta cảm thấy cái vĩ đại trong đời sống giản dị của quần chúng. Ðó không những vì tài năng của nhà thơ, mà căn bản là vì trong thực tế, chính quần chúng vĩ đại thực, chính quần chúng thực sự làm ra lịch sử bằng lao động hàng ngày của mình.

Tin vào quần chúng thực:

Tố Hữu tin vào quần chúng thực, quần chúng sống hàng ngày, có vui buồn, đôi khi còn những lo lắng quanh quẩn nữa.

Nếu một anh chính trị viên thấy một chiến sĩ có lúc nhớ nhà mà đến phê bình luôn là "tiểu tư sản hiu hắt", thì anh chính trị viên ấy không hiểu gì về bộ đội và cũng không thể nào được bộ đội nghe theo. Một bà mẹ nghèo, đêm mùa đông sắp đến tết, bà cụ nằm trên ổ chuối khô bồn chồn nghĩ đến đứa con đi bộ đội, quên cả mình đang rét, đang khổ, chỉ thương con vất vả ở mặt trận. Nếu một anh cán bộ thấy bà mẹ ấy mà cho là "tiểu tư sản" hoặc lạc hậu, chẳng đáng nói đến, thì anh cán bộ ấy cũng không làm cán bộ được. Nhà thơ là người chính trị viên, người cán bộ tâm hồn của quần chúng, nếu không dám đi vào quần chúng đang sống thực, chỉ tô vẽ ra một hình ảnh giả tạo của quần chúng, cho hợp với mong muốn của mình, thì những sáng tác chỉ là những mảnh giấy, chạm phải cơn bão thực của đời sống sẽ bị thổi rách tan, bay đi đâu mất.

Tố Hữu biết người chiến sĩ trên đèo Nhe nhớ nhà lắm vì gia đình anh chiến sĩ ấy còn nghèo đói, vất vả, nhưng chính vì biết yêu gia đình quê hương mà người chiến sĩ đánh cho "giặc chạy re". Tố Hữu nhìn thấy lòng yêu con của bà mẹ nông dân chất phác là một lòng yêu không cùng. Vì thương đứa con ra đi "giải phóng" bà mẹ ấy có thể làm những việc chuyển trời. Và cũng chỉ có những đứa con của những bà mẹ ấy mới có thể chân đi đất mà dẫm qua dây thép gai của đồn giặc.

Tố Hữu còn nhìn thấy trong đời sống vất vả, gian nan của quần chúng, đã hé lên ánh sáng của ý thức mới, ý thức người lao động từ nay làm chủ vận mệnh của mình, và tươi vui với cuộc sống mới do mình làm ra, do mình bảo vệ. Chú bé Lượm, với tiếng nói thật thà của đứa trẻ, đã bảo chú nó

Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà.

Chị nông dân Bắc Giang lo việc nhà, con mọn, nhưng trong đêm rét, vẫn vui vẻ phá đường, vì chị biết chị phá đường đây là để giữ lấy ngô sắn, giữ lấy đời sống cho đứa con đang ngủ ngoan đợi mẹ về.

Thơ Tố Hữu yêu đời và tin tưởng ở tương lai là do lòng tin thực sự đó vào quần chúng.

Ðảng tính trong thơ Tố Hữu chính là ở chỗ luôn luôn tin quần chúng, cố gắng gần quần chúng, nói đúng đời sống của quần chúng, nói thế nào cho quần chúng hiểu, tìm ra cái mới do quần chúng sáng tạo, để đem dắt dẫn cho quần chúng tiến lên. Từ quần chúng mà ra và trở về với quần chúng. Ðó là đảng tính của người chiến sĩ văn nghệ thực sự làm nhiệm vụ văn nghệ mà Ðảng giao cho, giữa cuộc chiến đấu gay go, phức tạp hàng ngày của quần chúng.


Yêu nước trên cơ sở giai cấp:

Lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu gốc rễ cũng ở quần chúng. Thơ Tố Hữu tự hào, yêu từ ngọn lúa, ánh nắng của đất nước, là vì đất nước ấy ngày nay đã là của nhân dân. Ta thường nói: người cộng sản là người yêu nước nhất. Người cộng sản yêu quý đất nước vì nhìn thấy đất nước là bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của những bàn tay lao động đời này qua đời khác làm ra. Người cộng sản tự hào về Ðảng vì thấy nhờ Ðảng soi đường mà quần chúng tự giải phóng được, sức lao động sáng tạo của nhân dân phát triển được đến vô cùng làm cho đất nước đẹp thêm mãi, và những con người trước kia chưa hề được sống như con người, nay mới thành con người thật.

Không phải thơ Tố Hữu không còn khuyết điểm, nhưng chúng ta cần nhận rõ trong thơ Tố Hữu, những vấn đề Ðảng, giai cấp, quần chúng, dân tộc, không thể tách rời ra được. Mà sở dĩ như vậy là vì trong thực tế hàng ngày của xã hội ta, Ðảng, giai cấp, quần chúng, dân tộc không thể tách rời nhau được. Chúng ta thử nhìn chế độ thống trị của bọn địa chủ, và tư sản mại bản ở miền Nam nước ta hiện thời. Mồm chúng cũng nói dân tộc, nói quốc gia, giống nòi, nhưng quyền làm chúa đất và bóp cổ dân cày, quyền bóc lột áp bức của chúng đi ngược hẳn với nhân dân. Chúng không thể yêu nước vì chúng chỉ có bám đít đế quốc mới sống được. Nhìn thấy sông Khung hay cánh đồng Tháp Mười, nhìn thấy chú bé áo nâu nhảy nhót tự do trên đường, nhìn thấy một người trong sạch, khảng khái, chúng hằn học, muốn giết, muốn giam cầm, muốn phá hoại.

Những bọn chó săn của đế quốc, địa chủ, dù có đưa ra chiêu bài nghệ thuật quốc gia dân tộc gì để lừa bịp những người ngay thật, chúng cũng không thể nào hiểu và yêu được nghệ thuật mang sức sống mạnh mẽ và trong sáng của nhân dân ta. Chúng chỉ có thể thích thú và bắt chước "lối sống" và thứ nghệ thuật vô tổ quốc kiểu Mỹ, dựa vào sự sa đọa và lưu manh hóa con người.
"Nghệ thuật vị nghệ thuật" kiểu tư sản cũng vậy, có nói tìm cái mới, phá cái cũ, nhưng thực chất vẫn không thể thoát ra khỏi cái cũ được, thực chất nó cũ kỹ, lụ khụ, bế tắc và chỉ đẻ ra được những quái thai chết yểu, vì nó xa rời quần chúng, là những người đang thực sự làm đổi mới cuộc đời.

Người yêu nước không thể không yêu nhân dân, và nếu đi vào nhân dân, thì không thể không thấy Ðảng sống giữa nhân dân, như ánh sáng của ban ngày.

Thơ Tố Hữu mang được hơi thở của quần chúng, và dạt dào lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, chính là nhờ có ánh sáng của Ðảng từ bên trong tâm hồn chiếu ra.


Ðời sống riêng của nhà thơ và quần chúng:

Trên bước đường chuyển vào thực tế quần chúng, nhà thơ Tố Hữu ít nói đến mình. Nhưng trong khi tìm cách tả cho đúng thực anh bộ đội, bà mẹ chiến sĩ hoặc em bé giao thông, thì Tố Hữu đã tự tạo được cái điệu thơ riêng, cái cá tính mà trong thơ Tố Hữu trước Cách mạng, ta chưa thấy thành hình hẳn. Trong khi nhà thơ nói đến những con người khác, mà ta nghe được rõ những điều không nói ra, trong tâm hồn anh. Trong khi đi vào cuộc sống chung quanh, nhà thơ đã tự tìm thấy mình.

Nhưng ngoài việc mô tả quần chúng, Tố Hữu cũng tự đem mình ra nói trong mấy bài thơ: “Giữa thành phố trụi”, “Lên Tây Bắc”, “Bắn”.

Cái "tôi" mà nhà thơ nói lên trong mấy bài thơ đó không lúc nào là một cá nhân tự quay vào mình, tự đóng cửa tâm hồn để soi gương, mà trái lại đó là một tâm hồn đang muốn suy nghĩ, ca hát, căm giận cùng với những cảnh, những người của kháng chiến.

Nhưng đọc ba bài thơ, tôi cảm thấy một giọng nói, những tình cảm, những cảnh vật và con người khác với trong những bài thơ mô tả quần chúng.

Khi tả những cảnh đẹp những tình cảm muốn bay lên, thì những cái đẹp và bay lên ấy của nhà thơ chơi vơi, có khi cầu kỳ:
Ta lại bước đi trên đường đá rát
Gõ gót vui nghe tiếng hát
Của mỗi hòn gạch nát mỗi cành khô
(“Giữa thành phố trụi”)

Cái gõ gót ấy khác hẳn với ta đi lên đèo, ta leo lên dốc của anh chiến sĩ pháo binh.

Một mặt khác, khi nói đến căm thù, những cảnh chết chóc mà nhà thơ đưa ra thường như một bức ảnh tỉ mỉ nhưng ghê rợn:

Thây chúng nó tung lên từng miếng đỏ
Ðầu chúng nó óc phọt ra ngoài sọ

Trái lại, ta hãy nghe anh vệ quốc trong
“Cá nước” nói đến quân giặc chết:

Rồi Bông Lau, Ỷ La,
Ba trăm thằng tan xác
Cành cây móc thịt da,
Thối inh rừng Việt Bắc,
Tàu giặc đắm sông Lô
Tha hồ mà uống nước
Máu tanh đến bây giờ
Chưa tan mùi bữa trước.

Ta nghe thấy tiếng anh chiến sĩ cười thắng trận và ta cảm thấy lòng anh căm thù và khinh quân giặc chứ không phải anh thích thú cảnh máu xương.

Trong bài
“Bắn”, người đọc thấy nhà thơ nóng nẩy vì căm thù, nhưng anh không có việc giữa lúc chiến sĩ đang bận túi bụi và hết sức căng thẳng. Những lời giục "Sao mà lâu thế nhỉ", "Anh còn đợi chờ gì?" "Chúc đồng chí bắn thẳng vào cho đúng" "Ơi các anh xung kích dưới cỏ âm thầm", tất cả càng làm cho sự nóng nẩy, bồn chồn của nhà thơ trái ngược với người chiến sĩ mà ta cảm thấy đang lầm lì, bình tĩnh, cố gắng sửa soạn trận đánh cho thật chu đáo. Rồi khi tác giả gọi "Anh đại bác tôi chờ anh để hát", thì ta nghĩ: bao nhiêu chiến sĩ sắp lăn vào chỗ sống chết, đâu có phải chỉ để cho nhà thơ hát.

Nhìn chung, khi nhà thơ Tố Hữu tự nói đến mình (trong mấy bài thơ trên đây), tôi thấy những ý nghĩ và tình cảm của anh còn kém gắn bó với quần chúng. Do đó, sự sống trong thơ kém thực chất của lao động và chiến đấu, cảnh nhiều hơn tình, chữ nhiều hơn ý, lời nói nhiều hơn việc làm.

Không phải đó là vì nhà thơ đã nói đến mình quá nhiều. Trái lại, trong ba bài thơ, ta chưa thấy rõ hình bóng cuộc đời của nhà thơ ra sao. Nhà thơ làm gì giữ thành phố trụi, hay giữa các chiến sĩ, anh ở đâu tới, đi đâu, anh có yêu ai không, tình yêu của anh có ảnh hưởng gì đến sự suy nghĩ hoặc lòng căm thù của anh không, tất cả những cái đó đều còn mờ nhạt, hoặc chưa có hình bóng.

Ðời sống riêng của nhà thơ còn như bị nén lại, và hình như nhà thơ cho rằng những chuyện riêng của mình là không đáng nói giữa cuộc đấu tranh sống chết của quần chúng. Nhưng thực ra khi nhà thơ đã nói "tôi" thì chính quần chúng hỏi "đồng chí là ai, và đến có việc gì? " Cái "tôi" ấy lúc bấy giờ là của quần chúng chứ không phải của riêng nhà thơ nữa.

Vì nhà thơ mới nói đến mình một cách chung chung nên những gắn bó của cuộc đời ấy với sự sống chết của quần chúng cũng mới chung chung. Có lúc tôi nghĩ trong bài “Bắn”, giả thử ý căm thù chung được gắn vào lòng căm thù riêng của thi sĩ, - ví dụ nhà thơ nhắc đến một kỷ niệm hay một người thân yêu trong đời mình, - thì có lẽ ý căm thù của bài thơ sẽ "sống" và mạnh lên rất nhiều. Và ví dụ nhà thơ nói rõ cho ta thấy vận mệnh của anh và của thơ anh gắn bó với công việc chiến đấu của các chiến sĩ như thế nào, thì có lẽ người đọc không bị cảm giác "nhà thơ không có việc" như khi nghe câu kết:
Anh đại bác tôi chờ anh để hát.

Nhà thơ chỉ có thể lớn do thời đại phản ảnh vào bản thân mình. Tiếng sáo của nhà thơ chỉ có thể rung động và vang xa khi nào có luồng gió của thời đại, của nhân dân thổi vào.

Nhưng đời sống riêng của nhà thơ mang được hơi thở của quần chúng, thì nó cũng sẽ lớn lao, sâu sắc và nhà thơ tự nói đến mình càng rõ rệt lại càng gần gụi với mọi người. Theo tôi, những vấn đề riêng của nhà thơ mà gắn bó nhất với quần chúng là cái lao động của nhà thơ, tức là việc làm thơ, và tình yêu là một tình cảm căn bản của mọi người. [1]

Nguồn: Văn nghệ, số 78 (21.7.1955)
[1]  Ba bài đăng báo của Nguyễn Ðình Thi về tập Việt Bắc thật ra nằm trong một bài viết chung. So với toàn văn bài viết đó (bài “Tập thơ Việt Bắc” trong sách Mấy vấn đề văn học của Nguyễn Ðình Thi; in lần 2, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr.143-177) thì các bài đăng báo đã bỏ một đoạn dài 8 trang, nằm giữa kỳ đăng thứ hai và thứ ba; chưa rõ báo Văn nghệ không đăng đoạn đó vì lý do gì. Sưu tập này khi thực hiện bản in giấy (Nxb. VHTT, 2005) đã không in thêm đoạn đó, nhưng trong bản điện tử này, tôi đưa thêm đoạn đó ngay dưới đây:

 

Vấn đề lãng mạn cũng giống như vấn đề nói “cái tôi”. Không phải hễ nhà thơ tự nói đến mình là “cá nhân chủ nghĩa”. Không phải hễ nhà thơ mơ mộng, bay bổng là “lãng mạn tiểu tư sản”.

Nhà thơ hiện thực của thời đại chúng ta chính lại phải là nhà thơ lãng mạn. Vì quần chúng cách mạng chính là những người sống nhiều suy tưởng và mơ mộng. Trong những năm từ 1947-48, bộ đội còn thiếu cả dép cao su, áo còn rách phong phanh, súng ống còn linh tinh đủ kiểu, nhưng tôi thấy các chiến sĩ bao giời cũng rất thú vị mà ngồi bàn tán với nhau ngày “quân ta sẽ xe pháo ầm ầm”. Giữa những ngày ăn sắn nướng, húp nước ngô, mà các chiến sĩ đã mơ đến ngày ruộng đồng ta sẽ cày bằng máy. Và cuộc đời bộ đội vô cùng vất vả cũng có một thú vị, say sưa riêng. Các chiến sĩ hay nói đùa: “đời bộ đội đâu cũng là nhà”. Đêm nay ngủ đây, đêm mai chưa biết sẽ ngủ đâu. Những ngày nắng cháy tiếp theo những đêm gió cắt thịt da. Qua bao nhiêu sông núi, người chiến sĩ nhận thấy đất nước to rộng. Qua bao nhiêu làng xóm, người chiến sĩ ở nơi nào cũng có những người thân yêu. Cái ham mê phấn đấu, luôn luôn vượt khó khăn, cái say sưa của tâm hồn tự cảm thấy được mở rộng, được có một lý tưởng lớn đẹp, cái vui của cuộc sống lúc nào cũng mới, cái mơ tưởng táo bạo luôn luôn hướng về tương lai, đó là cái lãng mạn mới của chúng ta. Cái lãng mạn cách mạng ấy không phải mơ mộng yếu đuối, đi trốn những khó khăn thực tế, trái lại nó là một sức mạnh rất quý, rèn đúc trong phấn đấu và làm cho con người phấn đấu không bao giờ mệt mỏi. Nó là cái sức tinh thần vô địch của quần chúng đang nổi dậy.

Trong những bài thơ Giữa thành phố trụiLên Tây Bắc, Tố Hữu đã muốn nói cái lãng mạn mới của thời đại. Giữ thành phố hoang tàn, vắng lạnh, nhà thơ gọi những thân cây, mảng tường đến nói chuyện. Khi anh rời những đống gạch nát, gót chân anh gõ mạnh, lòng anh nhìn thấy mai sau phố ta lại dựng nhà ta lại về. Nhng bước chân của nhà thơ còn vắng vẻ, ta chưa nghe nó hòa vào giữa những bước chân rầm rập của những người mai sau sẽ xây dựng lại những phố ấy to rộng hơn, đẹp hơn. Khi nhà thơ đi theo bộ đội lên Tây Bắc, anh nhìn thấy hình ảnh người chiến sĩ rất đẹp và hùng vĩ giữa đèo núi, sương gió, nhưng anh chưa nhìn thấy cái đẹp sâu sắc nhất trong đời chiến đấu là tình đồng đội và tình quân dân. Bài thơ vắng những người bạn chiến đấu của anh bộ đội, và nhất là vắng những người dân Tây Bắc. Nên thực ra, lòng người chiến sĩ mơ tưởng suy nghĩ những gì về đất Tây Bắc, về cuộc đời bộ đội, thì nhà thơ cũng chưa nói lên được. Nhà thơ suy nghĩ, mơ tưởng theo hướng đi lên của cách mạng những anh chưa nhìn sâu thấy suy nghĩ, mơ tưởng của quần chúng.

***

Qua những năm sau, thơ Tố Hữu có một khoảng dài lắng lại. Đó là những năm kháng chiến chuyển qua giai đoạn cầm cự và trở nên hết sức gian khổ, gay go. Việt Bắc bị vây chặt, đồng bằng bị càn quét liên miên. Chiến sĩ giành của quân giặc từng khẩu súng, viên đạn, từng đôi giầy. Các em bé cũng có cái nhìn suy nghĩ của những người đã trải đau thương.

Thơ Tố Hữu giai đoạn này có một cố gắng rõ rệt để lớn lên về tư tưởng. Bà bủ năm 47 còn nằm nghĩ suốt đêm mà chưa biết bao giờ hết giặc. Chú bé Lượm ngã xuống giữa cánh đồng, như một con chim đang nhảy nhót bỗng dưng trúng đạn của một kẻ tàn ác. Nay, qua mấy năm kháng chiến, mỗi người đã nhìn rõ ta và kẻ thù hơn, mỗi người đã hiểu vì sao ta phải kháng chiến trường kỳ gian khổ, kháng chiến sẽ đi tới đâu, và trong cuộc chiến đấu của toàn dân thì mỗi người phải sống chết như thế nào. Những chính sách lớn của Đảng càng ngày càng đi sâu vào đời sống hàng ngày của quần chúng, làm cho mỗi người có ý thức rõ rệt về vận mệnh của tổ quốc và của bản thân mình. Ngày nay, không còn thể hiện biểu hiện quần chúng mà thiếu nói rõ lên cái ý thức cách mạng ấy của quần chúng.

Tố Hữu sáng tác thưa hẳn, anh dịch nhiều. Dịch của anh cũng là sáng tác. Anh “Việt nam hóa” và “Tố Hữu hóa” những bài thơ chiến tranh Liên Xô, Pháp hay Nam Tư, những bài thơ nói được ý chí chiến đấu đến cùng, kỳ cho tới thắng lợi, mặc dầu phải qua những cực khổ đau thương lớn lao đến đâu. Những bài thơ nghiêm khắc trong nỗi đau xót và như căng hết gân sức để làm bật lên một luồng sáng, một ngọn đèn pha tư tưởng  soi vào cuộc chiến đấu gian khổ. Nhà thơ muốn nâng cao những kinh nghiệm sống cuả anh thành triết lý. Bài thơ đánh dấu rõ bước lớn lên ấy, theo tôi, là Bài ca tháng Mười, khi Tố Hữu nhìn thấy ngọn cờ đỏ của Cách mạng tháng Mười phất qua đêm dài của xã hội cũ, đẫm nước mắt, máu, mồ hôi của những người lao động.

Năm 1951, Tố Hữu viết bài Sáng tháng năm, tả lại một buổi gặp Hồ Chủ tịch giữa chiến khu. Nhà thơ cảm động gần như bàng hoàng trước Bác Hồ giản dị và vĩ đại.

Bác ngồi đó lớn mênh mông                                  

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non.           

Bác Hồ cha của chúng con                                     

Hồn của muôn hồn …   

Bài thơ cũng nói lên tấm lòng nhân dân yêu quý Hồ Chủ tịch, từ anh xung kích, người nông dân, chị dân công, cho đến em bé đốt đuốc đến trường làng. Theo tôi những đoạn tả nhân dân ấy đã thành công hơn là khi tác giả nói cảm tưởng của anh.

Nhà thơ chưa làm bật lên được cái ý nghĩa: “Hồ Chủ tịch vĩ đại của nhân dân và nhân dân vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Tình cảm choáng ngợp của anh khi đứng trước Bác Hồ chưa phải tình cảm căn bản của quần chúng. Tình cảm ấy của nhà thơ làm cho người đọc không thấy mình được lớn lên, sung sướng và tự tin. Trong đời thực, trái lại, theo tôi thấy, mọi người đã được gặp Bác đều tự thấy thoải mái hết sức, và như mình đã được truyền thêm sức mạnh. Những hình ảnh trong bài thơ này còn khó và trừu tượng. Tố Hữu chưa nói những chân lý lớn một cách đơn giản vì chưa biểu hiện được những chân lý ấy trong đời sống của quần chúng. Nhưng sức suy nghĩ và tưởng tượng của nhà thơ đã tạo ra một hình ảnh thắm thiết và khỏe:

Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười.                      

Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi,                     

Người rực rỡ một mặt trời cách mạng                      

Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng                           

Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.                                       

Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Tố Hữu viết liền ba bài thơ lớn: Hoan hô chiến thắng Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc. Ba bài thơ phản ánh bước chuyển vĩ đại của kháng chiến.

Nhà thơ đang cố gắng mở rộng tầm suy nghĩ, nhà thơ muốn tiếng hát bay vút lên, thì nay trong thực tế anh bộ đội trong những chiến hào ở Điện Biên phủ đã đánh vào đầu bọn đế quốc lồng lộn kinh hoảng, và hàng nghìn hàng triệu người lương thiện khắp thế giới hồi hộp chờ tin anh. Sức phấn khởi của chiến thắng lịch sử ấy “bay bổng” mạnh mẽ hơn tất cả mọi bay bổng mà nhà thơ có thể mong ước. Cũng như trận Việt Bắc trước kia, trận Điện Biên phủ ngày nay như một luồng sóng lớn, cuốn mạnh tư tưởng và tình cảm của Tố Hữu lên phía trước. Lòng tự hào dân tộc và vinh quang của chiến thắng đã giúp Tố Hữu tạo được một hình ảnh chói lọi:

Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực                                       

Trên đất nước, như huân chương trên ngực                       

Dân tộc ta, dân tộc anh hùng

Những câu thơ ào ạt, như vọng với những tiến Hịch tướng sĩ hay Bình Ngô đại cáo của lịch sử dân tộc ta 

Hạ súng xuống rùng mình run rẩy                                       

Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!

Nhà thơ nhìn quân thù ngày nay đã khác xa với những ngày anh bồn chồn bên cạnh các anh pháo binh nghe tiếng kèn giặc chào cờ dưới đồn.

Bài Ta đi tới chào hòa bình, ca ngợi tổ quốc tươi đẹp, với những hình ảnh đất nước và nhiều tên gọi thiết tha, ý thắng lợi nói rõ trong những chữ của chúng ta, như một điệp khúc láy đi láy lại.

Trong bài này nổi lên bốn câu ca dao:  

Dù ai nói ngả nói nghiêng                                     

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân                                    

Dù ai rào dậu ngăn sân                                                     

Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.

 Và theo tôi một sáng tạo sâu sắc của nhà thơ chính là ở trong một câu rất giản dị:

         Lòng ta không giới tuyến

Lòng ta không giới tuyến, sự thực tưởng chừng rất giản đơn đó trong giai đoạn lịch sử hiện thời, bỗng mang một ý nghĩa sâu nặng vè chính trị và tình cảm, câu thơ tới cái thật như trong một câu phương ngôn của nhân dân.

Bài Việt Bắc chứng tỏ thơ Tố Hữu đã tới mức độ mà ta thường gọi là chín. Nhà thơ đã có cái bình tĩnh và sự suy nghĩ của người từng trải. Không phải đây là cái từng trải của tuổi sống mà thôi, trước hết đây là cái từng trải cách mạng của người đã lớn lên với quần chúng. Không phải đây là sự suy nghĩ trầm ngâm của nhà triết học xa lánh cuộc đời, mà đây là sự suy nghĩ sáng suốt, cân nhắc, của cuộc chiến đấu cách mạng. Và không phải đây là cái bình tĩnh lạnh nhạt của tro tàn, mà đây là cái bình tĩnh đầy sức mạnh và lửa cháy của người chiến sĩ đã dầy dạn, của người cán bộ biết nhìn xa, trong lòng chứa chan tình nghĩa với quần chúng.

Nhà thơ chào Việt Bắc trước khi về xuôi. Anh gọi Việt Bắc là mình, như một người yêu, hay đúng hơn, như một người bạn đời đã cùng nhau gánh vác nhiều khó nhọc, chia sẻ nhiều tình và nhất là nhiều nghĩa với nhau. Cái nghĩa ấy từ những ngày còn gian khổ nhất, mười mấy năm trước khi lực lượng cách mạng mới nhóm lên giữa rừng thiêng, những ngày chiến khu Việt Minh, miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai. Những người dân Việt Bắc cực khổ là những người trung thành nhất với cách mạng. Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son. Giữa đời sống gian khổ, cái tình nghĩa cách mạng là ấm áp nhất, nó đẹp nhất. Cái nghĩa tình từ thủa đầu cách mạng ấy càng sâu sắc hơn trong kháng chiến. Những người dân Việt Bắc sống vẫn chật vật vô cùng giữa thiên nhiên lộng lẫy mà gay gắt. Nhà thơ nhìn thấm thía vào cái anh dũng thầm lặng hàng ngày cuả quần chúng lao động.

Thương nhau chia củ sắn lùi                                    

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng                       

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng                               

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Và nụ cười thương yêu của nhà thơ bỗng gặp hình ảnh cô em gái hái măng một mình như làm sáng cả rừng núi.

Nhưng Việt Bắc gian khổ trong kháng chiến đã đổi mới, nó đã vang tiếng hát của các cơ quan, và khi giặc đến, thì đất căn cứ địa đã chiến đấu dữ dội, anh hùng, mõi ngày một lớn mạnh. Việt Bắc đã thành bộ óc, quả tim của tổ quốc. Khi Tố Hữu làm thơ về những phiên họp của chính phủ, câu thơ trang trọng và sang sảng, đầy ánh sáng của buổi trưa rực rỡ trong tâm hồn nhà thơ. Ánh sáng ấy dẫn đến một đoạn kết mà tôi cho là cái nút động của cả bài thơ khi nhìn về “mười lăm năm ấy”:

Ở đâu u ám quân thù                                         

Trông về Việt Bắc, Cụ Hồ sáng soi                                            

Ở đâu đau đớn giống nòi                                    

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền                            

Mười lăm năm ấy ai quên                                     

Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa

(Nguồn: Mấy vấn đề văn học, phê bình và tiểu luận của Nguyễn Đình Thi, in lần thứ hai, có sửa và thêm, Nxb Văn hóa (Cục Xuất bản – Bộ Văn hóa) Hà Nội, 1958, tr. 162-179.)