47. NGUYỄN ĐÌNH THI  
Nhà thơ lớn lên với thời đại

Nay hòa bình, kháng chiến thắng lợi, những người kháng chiến chào Việt Bắc về xuôi. Cái ý nghĩa của tất cả lời chào ấy theo tôi cũng ở mấy câu, như một nút động thứ hai của bài thơ, khi nhìn về tương lai.

Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng...

Hòa bình tới, chiến tranh đã chấm dứt, "từ thôn quê chuyển về thành thị" đời sống sẽ thay đổi, nhưng chúng ta không muốn để cho phai nhạt mất những cái quý báu mà Việt Bắc đã rèn luyện cho mỗi con người trong kháng chiến: cái đạo đức giản dị, trong sạch, cái tinh thần chiến đấu gian khổ, tự lực cánh sinh. Ngay từ lúc ấy nhà thơ đã nhìn thấy phải đấu tranh với cái mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, hưởng lạc, nó sẽ có thể nẩy ra trong lòng mỗi người, khi về giữa "nhà cao, phố đông, đèn sáng". Nhưng không, nhà cao chẳng khuất non xanh, ta về nhưng lòng ta vẫn ở với Việt Bắc. Ta nhớ bà mẹ trên nương vẫn còn cháy lưng vì nắng, ta nhớ em gái hái măng, em phải được sống một cuộc đời mới. Chỉ có phấn đấu nữa, ra sức xây dựng đất nước mới của chúng ta, cho Việt Bắc trở nên giầu có sung sướng, ta mới làm cho lòng thương nhớ Việt Bắc thành sức mạnh. Nhận ra được phương hướng đó, bản hợp tấu khi thiết tha, khi hùng tráng, khi thánh thót, khi sôi sục, đã kết thúc bằng những âm thanh trong sáng chan hòa.

Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người

Hồ Chủ tịch rời Việt Bắc để đưa dân tộc ta tới những ngày mới.


Tư tưởng phải bám chắc lấy thực tế:

Tôi đã phải trích dẫn nhiều, và nhắc lại những câu thơ mà bạn đọc đã nghe nhiều người giải thích mỗi người một cách. Và chính tôi khi trích dẫn hoặc phân tích cũng thấy rằng được mặt này thì thiếu mặt kia. Ðó là vì trong những câu thơ ấy đã có những con người, những sự việc, những tình cảm, ý nghĩ có thực của một giai đoạn lịch sử còn đang nóng hổi trong mỗi chúng ta. Khi có dấu vết sự sống, thì tác phẩm nghệ thuật cũng mang được cái dồi dào của sự sống, nó làm cho mọi phân tích đều vẫn cứ chưa nói hết được.

Nhưng tôi đã không ngại bỏ sót nhiều điểm khác mà nhằm theo dõi những bước cố gắng của Tố Hữu để làm cho thơ anh lớn lên về tư tưởng. Vì tôi nghĩ đó là một điều còn hiếm trong văn nghệ chúng ta ngày nay. Chúng ta còn ít suy nghĩ quá trong cuộc sống và trong sáng tác. Mỗi người làm nghệ thuật còn chưa nhận hết trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân. Nghệ thuật mới của chúng ta phải là nghệ thuật có những suy nghĩ sâu sắc, những tình cảm lớn lao. Phục vụ đối với người nghệ sĩ nghĩa là đem hết sức suy nghĩ, và đem hết tâm hồn vào cuộc đấu tranh của quần chúng.

Nhưng sự suy nghĩ và rung cảm của người nghệ sĩ phải luôn luôn bắt nguồn và nhào nặn trong thực tế quần chúng, nó đổi mới và phát triển không ngừng. Và rút lại đến cùng, quyết định cho sự sáng tác, chính là thực tế cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật xét đến gốc vẫn là một phản ảnh của cuộc sống. Ðiều đó không làm giảm sút giá trị suy nghĩ và rung cảm của người nghệ sĩ mà trái lại nó bảo đảm cho sự suy nghĩ và rung cảm ấy không bao giờ cạn.

Nhìn lại thơ Tố Hữu trong giai đoạn về sau, bên sự trưởng thành về tư tưởng, chúng ta cũng phải nhận thấy có một thiệt thòi rất lớn nó giới hạn sự sáng tác của nhà thơ và làm cho sự sáng tác ấy chật vật thêm rất nhiều: là nhà thơ không có nhiều điều kiện (hay là anh chưa cố gắng tạo cho mình thêm điều kiện?) sống hàng ngày giữa thực tế quần chúng, ở những nơi đấu tranh điển hình nhất, − như là ngày đầu kháng chiến. Do đó, cái phần "tươi mới", cái tính chất còn ròng ròng sự sống của thơ Tố Hữu về sau này không được như trước. Những hình ảnh đạt nhất mà anh tạo ra là những hình ảnh có tính chất so sánh và tổng quát (
Ðêm lịch sử Ðiện Biên sáng rực, v.v...), ít những hình ảnh dựng ngay lên một con người, một hành động, một phong cảnh cụ thể đang sống trước mắt chúng ta. Thơ Tố Hữu về sau thiếu cái luồng rung động trong giây phút mà còn lâu mãi của bài “Cá nước”, hay “Lượm”, thiếu cái nhuần nhụy tự nhiên của những cái đang sống, của con người đi lại, nói cười, của ngọn lúa có hạt mưa phùn rơi, của cái đêm đông có gà gáy sáng.

Tôi có cảm tưởng nhiều khi nói đến chiến sĩ ngoài mặt trận, hay chị dân công trên đèo, nhà thơ phải dùng sức tưởng tượng mà bồi đắp cho những hình ảnh về thực tế mà anh đã thâu lượm được từ trước. Có lúc sự bồi đắp ấy thành công vì cái vốn cũ của nhà thơ đủ dồi dào, nhưng cũng nhiều lúc, sự bồi đắp đó đuối sức, vì thực tế đã vượt lên những trình độ mới mà không sức tưởng tượng nào có thể đuổi kịp và giúp ta biểu hiện lên được. Những khi ấy, hình ảnh trong thơ trở nên chung chung, làm cho ý của câu thơ bị phơi trần ra, không sống lên linh động được. Ví dụ như những câu tả chiến sĩ Ðiện Biên:

Chiến sĩ anh hùng
Ðầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn, v.v...

Nhưng cái ảnh hưởng rõ rệt và thiệt thòi nhất của sự thiếu thực tế đó là nhà thơ chưa sáng tác được về cải cách ruộng đất. Vì thực tế của cải cách ruộng đất là một thực tế vĩ đại và mới mẻ, nó làm cho nông thôn và người nông dân có một biến đổi về chất lượng, đang từ một thời đại lịch sử này sang một thời đại lịch sử khác, đang từ một cuộc sống kéo dài từ hàng nghìn năm sang hẳn một cuộc sống mới. Bản thân nhà thơ vốn đã không sống cuộc đời bị địa chủ áp bức bóc lột, mà bây giờ lại không được tham gia trong một phần nào vào thực tế cuộc đấu tranh của nông dân đang lật nhào giai cấp địa chủ, thì tôi nghĩ thật khó tạo ra hình ảnh gì cho sống, cho thực về cuộc đấu tranh đó. Cái vốn cũ của nhà thơ về nông thôn và nông dân, tới cuộc cải cách ruộng đất, đã bị vượt quá xa. Và thiếu thực tế ấy, thì sự suy nghĩ, tình cảm, ý thức giai cấp của nhà thơ, cũng còn thiếu hẳn một phần căn bản, và không nẩy nở đến mức có thể của nó, cũng như mũi tên còn giương trên nỏ mà chưa có đủ sức để bắn đi và chưa thật rõ đích để bắn đúng.

[Thực ra đây không thể gọi được là một khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ rằng cái ánh sáng của cuộc cải cách ruộng đất chưa soi lên thơ Tố Hữu một cách mạnh mẽ như ánh sáng của kháng chiến. có ánh sáng mới ấy thì dù làm thơ nói về đề tài gì khác, trong thơ cũng sẽ có cái gì mới hơn nữa.][1]


Con đường của thơ Tố Hữu:

Thơ Tố Hữu còn đang tiến và có những thành công làm cho chúng ta thấy được rằng nó sẽ còn tiến xa. Theo tôi nghĩ, thơ Tố Hữu chưa phải đã phản ảnh được đầy đủ cuộc kháng chiến và thời đại vĩ đại của chúng ta, có thể nói nó phản ảnh còn nhiều thiếu sót lớn nữa. Nhưng điều căn bản là con đường mà thơ Tố Hữu vạch ra đã rõ, và là con đường đúng: đó là con đường phục vụ lợi ích của quần chúng, bám chắc lấy cuộc đấu tranh của quần chúng và không lúc nào rời ánh sáng chính sách của Ðảng. Ðó là con đường đi hẳn vào thực tế, và đem hết sức suy nghĩ và tình cảm để tìm hiểu và soi sáng thực tế ấy.

Con đường tiến lên của thơ Tố Hữu sẽ do thực tế cuộc đấu tranh của dân tộc của giai cấp làm cho rõ nét, và nẩy nở thêm. Tôi chỉ có mấy ý kiến, cũng như những đề nghị còn chưa được chắc chắn, cần suy nghĩ và bàn thêm.

Tôi cảm thấy Tố Hữu cần đi vào thực tế nhiều hơn nữa. Tôi vẫn không thể quên những ngày anh ngồi bên ổ chuối của bà bủ nghe bà kể chuyện hoặc đi theo đại đội pháo binh đầu tiên của quân đội ta. Ngày nay, thực tế quần chúng đã tới một quy mô khác, và nhà thơ cũng đã ở một trình độ khác. Nhưng dù bằng cách nào, nhà thơ vẫn cần được thấy đời sống hàng ngày và cuộc đấu tranh của quần chúng ở những nơi và những mặt điển hình. Ðó vẫn là cái nguồn căn bản của tất cả mọi sáng tác.

Tôi mong nhiều sáng tác của Tố Hữu thuộc về loại kể chuyện hoặc mô tả nhân vật quần chúng, cùng một dòng với những bài thơ của anh ngày đầu kháng chiến. Vì tôi thấy những bài đó đã đánh dấu một bước chuyển căn bản trong thơ của anh. Và tôi nghĩ nhiệm vụ thứ nhất của mọi ngành nghệ thuật, kể cả thơ ca, vẫn là biểu hiện thực tế cuộc sống, biểu hiện những con người, nhất là những người lao động, là anh hùng của thời đại chúng ta. Nếu nhìn vào truyền thống thơ ca của dân tộc ta, từ những bài ca dao nói chuyện con cò đến
Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi nghĩ truyền thống lớn ấy vẫn là mô tả và biểu hiện con người và xã hội.

Trong khi biểu hiện cuộc sống, dưới ánh sáng của tư tưởng Mác - Lê-nin, tôi thấy Tố Hữu cần đi sâu hơn nữa vào cái lao động sáng tạo của con người. Trong đấu tranh gay go hàng ngày của quần chúng, luôn luôn có sáng tạo của lao động, và có tất cả những quan hệ tỉ mỉ của đời sống lao động. Có tình yêu, có vợ chồng, con cái, có bè bạn, xóm giềng, có những vất vả của con người làm ra hạt gạo, miếng vải. Biểu hiện cuộc đấu tranh của quần chúng mà thiếu những cái đó là thiếu mất một phần căn bản. Có đi sâu vào đời sống và lao động hàng ngày của quần chúng mới có thể nói thẳng với lòng người và những tư tưởng mới tới được mức thật và giản đơn, tước bỏ được mọi hoa hòe hoặc khung khổ không cần thiết.[2] Tại sao đã bao năm, chưa có một bài thơ của Tố Hữu tả tình yêu của anh chiến sĩ mà nhà thơ yêu mến hết sức?

Và tại sao chưa có một bài thơ tình yêu của Tố Hữu, hoặc những bài cho ta thấy rõ đời sống riêng của nhà thơ hơn? Gần đây, bài
“Quê mẹ” đã có một cái gì mới về phương diện ấy, nhà thơ đã thoải mái và chân thành mà kể chuyện mình, và câu chuyện riêng của đời anh đã gắn liền với vận mệnh của Huế và của mọi người. Vì khi nhà thơ biết nhìn sâu sắc và khách quan vào thực tế của bản thân thì có nhiều khía cạnh thấy được dấu vết của thời đại trong ấy.

Cuối cùng, tôi nghĩ Tố Hữu đã trả về cho chúng ta cái nguồn dân tộc và tiếng nói dân tộc trong thơ. Câu thơ của anh trong những bài như
“Việt Bắc”, hay “Quê mẹ” đã có dáng dấp câu thơ cổ điển, đồng thời nó mang sự suy nghĩ và cách nói mới của thời đại chúng ta. Nhưng câu thơ của Tố Hữu còn chưa được đều, có lẽ vì nhà thơ chưa có công phu gọt rũa hơn. Tôi mong đợi anh chú ý nâng cao tiếng nói và hình thức dân tộc hơn nữa, và làm cho hình thức ấy không đóng khung lại, mà phát triển lên. Ðến lúc thơ Việt Nam cần đón lấy những tìm tòi rất lớn hiện nay của những nhà thơ tiền tiến trên thế giới, nhất là ở các nước bạn. Và nhà thơ Việt Nam cũng đến lúc có trách nhiệm đem tiếng nói của dân tộc chúng ta góp chung vào văn nghệ quốc tế.
Tháng 7-1955

 

Nguồn: Văn nghệ, số 79 (28.7.1955)
[1] Mấy câu đặt trong ngoặc vuông này không có ở bản đăng báo Văn nghệ 1955, nhưng có trong sách Mấy vấn đề văn học, bản in 1958 (NST).
[2]Chỗ này bản đăng báo là: “tước bỏ được mọi hoa hòe hoặc khung khổ không cần thiết”; bản in sách là: “tước bỏ được mọi hoa hòe hoặc công thức” (N.S.T.)