35. NGUYỄN VIẾT LÃM  
Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc:                                    

Đặc tính sáng tạo trong tập thơ Tố Hữu

Nghiên cứu đặc tính sáng tạo của Tố Hữu trong tập thơ Việt Bắc là nói đến vấn đề xây dựng điển hình hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống phong phú của chúng ta hiện nay cung cấp cho những người sáng tác văn nghệ nhiều đề tài sinh động, nhiều nhân vật khác nhau trong mọi khía cạnh tình cảm, tư tưởng, tác phong. Khi diễn tả những nhân vật ấy, sự thành công chỉ có thể đạt được khi nào tác giả thấy rõ toàn diện đề tài. Do đó nhu cầu sáng tác đòi hỏi một sự hòa cảm chân thành với nhân vật và một sự trung thành tuyệt đối trong lúc giải quyết sự việc trong tác phẩm. Sự trung thành ấy đối với nghệ sĩ, cũng như đối với tác phẩm, cần thiết như không khí cần cho sự sống (Egorov: Chống chủ nghĩa chủ quan trong lý luận nghệ thuật). Ðọc tập thơ Việt Bắc rất nhiều dịp chúng ta thấy Tố Hữu đã thận trọng và trung thành trong việc sáng tạo điển hình.

Trước nhất, cần xem con người điển hình phải như thế nào, chúng ta có nên đòi hỏi trong tác phẩm một nhân vật chính diện toàn bích không? Trong thời đại còn có đấu tranh giai cấp, nhân vật, dù là chính diện, vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong bản thân. Chính phẩm chất cao nhất của nhân vật lý tưởng là sự tranh chấp cao độ giữa các mâu thuẫn nội tại của bản thân. Cho nên nhân vật điển hình chính diện vẫn còn có những nhược điểm riêng của nó. Chúng ta cũng cần phân biệt nhân vật điển hình trong hiện thực xã hội chủ nghĩa với nhân vật đặc biệt. Nếu xây dựng một nhân vật tuyệt đối không có mâu thuẫn gì, không có nhược điểm gì, nhân vật ấy sẽ tách rời thực tế cuộc sống, sẽ không làm tròn được nhiệm vụ giáo dục, lãnh đạo tư tưởng và tình cảm cho quần chúng. Vả lại, một nhân vật như thế trong thời đại hiện tại, nhất định không thể nào có được.
Con người trong tập thơ Việt Bắc luôn có sự đấu tranh diễn biến, sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đi xuống và cái đi lên.
Chị phụ nữ Bắc Giang phải đấu tranh với cảnh nhà neo bấn, con bế con bồng, với gian khổ mùa đông Việt Bắc để làm công tác.
Anh bộ đội yêu mến của chúng ta, không phải chỉ biết căm thù giết giặc, mà còn có lúc nhớ nhà, nhớ mẹ (bài “Cá nước”, “Bầm ơi”) đã đấu tranh với những phút thoáng buồn ấy để đứng lên chiến đấu.
Bà Bủ thương nhớ con bồn chồn, nhưng đã đấu tranh, biến tình thương nhớ ấy thành căm thù quân địch.

Trong tập thơ Việt Bắc Tố Hữu đã trình bày những con người chân thực biết căm thù và thương nhớ. Nhân tính rất được tôn trọng. Tác giả không gò ép bắt buộc tất cả đều phải theo một nền nếp tuyệt đối nhất trí mà xóa bỏ cá tính của từng người. Mâu thuẫn tình cảm và tư tưởng luôn luôn được cọ xát và thử thách. Cuộc đấu tranh ấy quả thực diễn ra trong xã hội, trong mỗi một chúng ta. Và cuộc đấu tranh, trong mọi trường hợp của tập thơ, cuối cùng đều thắng lợi.

Có bạn đòi hỏi người phụ nữ phá đường phải tự giác hơn, bà mẹ phải dũng cảm hơn, anh bộ đội phải quyết liệt hơn. Tôi e rằng không thể đúng với thực tế của thời đại có sự việc, dù là một thực tế đang lên, không đúng với mức độ lãnh đạo chung và cũng không đúng đường lối quần chúng trong công tác lãnh đạo cách mạng.

Con người được nói lên trong những bài thơ làm từ những năm 1947, 1948, 1949 thực tế lúc bấy giờ chưa phải là những con người phổ biến nhưng vì tác giả đã thấy trước được bước tiến triển của sự vật, nên đã báo hiệu một thế hệ đang thành hình trong trong những năm sau. Ðó là kết quả đấu tranh thắng lợi giữa hai chiều hướng của tư tưởng, tình cảm của thời đại.

Có bạn không đồng ý với những giọt nước mắt của bà mẹ trong tập thơ Việt Bắc, cho là đã yếu mềm, giảm sút khí thế của một dân tộc đang chiến đấu. Nhưng chính những lúc tấm lòng của các bà mẹ xót xa ấy là những lúc thử thách của tình cảm con người. Tố Hữu đã không bỏ qua những trường hợp đấu tranh đó và đã có khả năng làm cho chúng ta thông cảm với mọi nỗi đau thương của dân tộc để tăng thêm chí căm thù, đồng thời làm cho chúng ta phấn khởi khi những con người đau khổ ấy đã bước lên sáng chói thắng lợi.

Con người điển hình trong thơ Tố Hữu đầy đủ nhân tính, gần gũi với chúng ta, con người xương thịt, thực tế có sống và đang tiến mạnh. Ðó là một đặc điểm sáng tạo của Tố Hữu.

Một điểm nữa đáng chú ý trong thơ Tố Hữu là sự thắm thiết của tình cảm, văn nghệ là tiếng nói của tình cảm, trong thơ, tình cảm lại càng đọng hơn. Nhưng dân tộc ta đi từ một thời đại bị áp bức mà ra, sự đấu tranh gian khổ, luôn luôn tập trung cảnh giác đối với quân thù, đã làm cho cân não chúng ta căng thẳng. Trong giai đoạn đầu của cách mạng, thường thường thì yếu tố lý trí chiếm ưu thế trong cuộc sống đấu tranh. Tác phẩm văn nghệ phản ánh cuộc sống, trong giai đoạn này, do đó mà ít được thấy rõ vai trò của tình cảm. Tình trạng ấy đã có từ 1945 đến 1950, trong sáng tác hầu như vắng hẳn tình cảm thiên nhiên và tình cảm con người. Không phải tình cảm đã chết héo trong lòng nhân dân qua những ngày gian khổ. Nhưng vì văn nghệ sĩ chưa đi sâu vào quần chúng, chưa hòa cảm sâu sắc với cơ sở nhân dân, đã tách rời lãnh đạo và quần chúng trong sáng tác, nên tác phẩm trở nên khô khan, như cành lá xa rời gốc rễ. Vượt ra ngoài hệ thống khắc khổ ấy, Tố Hữu là người đầu tiên mạnh bạo đề cao tình cảm trong thơ. Thơ Tố Hữu có đặc tính là đậm tình và tha thiết.
Làm được như thế, không phải chỉ vì Tố Hữu bản chất là đậm tình, nhưng Tố Hữu đã kết hợp được cá tính của riêng mình và tập thể tính của quần chúng. Cảm giác đầu tiên của người đọc sau khi đọc xong một bài thơ Tố Hữu là sự rung cảm thấm thía. Ngôn ngữ trong thơ nhẹ nhàng, ý nhị như ca dao. Tiếng nói của nhà thơ ở đây thấm vào lòng người, tha thiết lắng sâu vào tâm khảm, như tiếng nói của mẹ hiền. Và mẹ hiền dạy con thì thường lại có hiệu quả hơn một người cha luôn luôn quát tháo.

Thời đại mới muôn màu muôn sắc. Các nhà thơ có trách nhiệm diễn tả thời đại theo những đặc tính sáng tạo của riêng mình. Những đặc tính ấy chẳng những không hại gì cho đường lối chung mà còn làm phong phú thêm tập thể tính. Tác phẩm nào không đáp lại nhu cầu của quần chúng, không hòa hợp được với tính chất nhân dân, nhất định không tồn tại được. Về phương diện này, tập thơ Việt Bắc đã có nhiều thành công lớn: Nó có một đặc tính sáng tạo và vẫn mang tính chất nhân dân khá sâu sắc.


Nguồn: Ðộc lập, số 98 (7.5.1955)