11. NHÂN DÂN  
Ðẩy mạnh phong trào phê bình văn nghệ

Trong vòng hơn một tháng nay, một phong trào phê bình đã nhóm lên trong giới văn nghệ với những cuộc hội họp thảo luận về truyện
Vượt Côn đảo của Phùng Quán, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, và những bài phê bình về hai tác phẩm đó đăng trên các báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Văn Nghệ Việt Nam, Sinh hoạt văn nghệ, của quân đội và một vài báo khác. Báo Nhân dân, rất hoan nghênh phong trào phê bình văn nghệ hiện nay, vừa rồi cũng đã đăng bài của các bạn Ðức Minh, Thúc Ðạt phát biểu ý kiến về truyện Vượt Côn đảo, bài của Hoàng Yến về tập thơ Việt Bắc.

Ðó là một dấu hiệu tốt cho văn nghệ. Việc phê bình có tác dụng nâng cao lập trường, tư tưởng của anh chị em trong công tác văn nghệ, giúp anh chị em nhận rõ những ưu điểm cần phát huy, những khuynh hướng sai lầm cần sửa chữa, để tiến tới xây dựng những tác phẩm có giá trị hơn nữa về nội dung và nghệ thuật.

Cuộc phê bình truyện
Vượt Côn đảo và tập thơ Việt Bắc đã được một số khá đông anh chị em công tác văn nghệ ở thủ đô sốt sắng hưởng ứng. Ðiều đó tỏ rõ trong các buổi họp thảo luận do Hội Văn nghệ Việt Nam và Phòng Văn nghệ quân đội tổ chức, hoặc bằng những bài phê bình gửi đăng trên các báo. Nhưng muốn thu được nhiều kết quả, cuộc phê bình cần được sự hưởng ứng rộng rãi hơn nữa của giới văn nghệ, không những ở thủ đô, mà cả ở các khu, các tỉnh. Ngoài ra cuộc phê bình cũng cần được sự hướng ứng và tham gia của quần chúng. Báo Sinh hoạt văn nghệ vừa rồi đã có sáng kiến trích đăng một số thư của bộ đội nhận xét về cuốn Vượt Côn đảo. Chúng tôi thấy đó là một ưu điểm. Vì những tác phẩm văn nghệ của chúng ta ngày nay đã có một số người đọc tương đối đông đảo trong hàng ngũ bộ đội, cán bộ, học sinh, trí thức, trong nhà máy và ở nông thôn. Do đó, việc thu thập những ý kiến phê bình của quần chúng là một điều cần thiết. Mặt khác, tiếng nói phê bình của quần chúng cũng đã đặt một sự liên hệ tốt giữa người đọc và nhà văn, một sự liên hệ chỉ có thể thực hiện dưới chế độ dân chủ của chúng ta, và có tác dụng khuyến khích nhà văn trên con đường tu dưỡng và sáng tác.

Ðể mở rộng phong trào phê bình, trước hết phải phát huy tự do tư tưởng trong phê bình, mỗi người cần mạnh dạn và thành thật nói lên những ý nghĩ đối với tác phẩm đề ra phê bình. Mục đích duy nhất của sự phê bình đúng đắn là giúp đỡ nhau học tập, tiến bộ, gây một không khí phấn khởi sáng tác. Các cuộc thảo luận phê bình truyện
Vượt Côn đảo và tập thơ Việt Bắc cho thấy rằng nói chung anh chị em công tác văn nghệ có một thái độ phê bình xây dựng cần hoan nghênh. Bên cạnh đó, cũng có một vài hiện tượng phê bình cần tránh là thiếu tinh thần xây dựng, giúp đỡ. Phê bình với thái độ đả kích hoặc thiên vị cố nhiên không đúng. Nhưng nay phong trào phê bình mới chớm bắt đầu, hiện tượng e dè còn nhiều, ta cần khuyến khích làm sao để mọi người hăng hái tham gia phong trào phê bình. Còn những lệch lạc có thể xảy ra thì không đáng ngại. Và nhất là khi phong trào phê bình chưa hăng hái rộng rãi mà ta nhấn mạnh quá về thái độ phê bình, e rằng khó gây được một phong trào rộng rãi hoặc khó gây được thành phong trào.

Muốn cho công tác văn nghệ của ta tiến lên mãi, chúng ta cần nhân dịp này mở rộng phong trào phê bình, tự phê bình về một số tác phẩm. Rồi do những cuộc phê bình ấy mà đi đến những kết luận cần thiết, giúp ích cho công tác của chúng ta từ đây về sau.

Báo
Nhân dân rất hoan nghênh các bạn đọc có ý kiến phát biểu về hai tác phẩm trên. Vì hiện nay ta còn nhiều công tác lớn hơn rất quan trọng nên thì giờ và tâm sức để vào việc phê bình văn nghệ này chỉ có hạn. Cuối cùng báo Nhân dân sẽ phát biểu ý kiến của mình đối với hai tác phẩm nói trên để cùng các bạn trao đổi ý kiến [1] .

Nguồn:
Nhân dân, 10.4.1955

 [1] bài này không ký tên tác giả; có thể coi đây là một dạng xã luận, và tác giả là Ban biên tập báo
Nhân dân.