19. NHÂN HỒNG  
Nhân dịp kỷ niệm ngày thi sĩ Mai-a-cốp-ski từ trần: Chúng ta tiếp thu di sản của nhà thơ Xô Viết vĩ đại như thế nào?

Thi sĩ Mai-a-cốp-ski, mất ngày 14-4-1930, cách đây 25 năm, là một thiên tài vĩ đại của thơ văn Liên Xô. Sta-lin đã nói "Mai-a-cốp-ski đáng là và sẽ là nhà thơ hay nhất, vĩ đại nhất của thời đại Xô Viết…"

Không phải đảng viên cộng sản, Mai-a-cốp-ski rất gắn bó tha thiết với Ðảng: "Tôi không xa Ðảng và tôi tự đặt cho tôi nhiệm vụ phải chấp hành tất cả những nghị quyết của Ðảng bôn-sê-vích, dù rằng tôi không có thẻ đảng".
Thấm nhuần ý thức phục vụ cách mạng, Mai-a-cốp-ski còn nói: "Các đồng chí tưởng tượng hình như Mai-a-cốp-ski là nhà thơ và anh ta phải ngồi hết ngày trên cái ghế thơ nhỏ bé của anh ta. Tôi chẳng cần làm nhà thơ. Tôi không phải là nhà thơ: tôi chỉ là một người dùng ngòi bút để phục vụ,- các đồng chí biết rõ đấy chứ,- phục vụ cho thời sự, cho thực tế thực sự và cho những người biểu hiện thực tế là chính quyền Xô Viết và Ðảng".

Mai-a-cốp-ski đã tham gia cách mạng ngay từ lúc còn là một thanh niên học sinh, đã bị Nga hoàng cầm tù, và rất sớm biết dùng tài mình để làm thơ phục vụ cách mạng. Trước cách mạng tháng Mười, Mai-a-cốp-ski đã là một nhà thơ tiến bộ nổi tiếng, nhưng còn chịu nhiều ảnh hưởng của văn học tư sản. Cách mạng tháng Mười thành công đã mở cho nhà thơ một tiền đồ rực rỡ. Năm 1924, bài thơ kiệt tác ca tụng Lê nin ra đời. Mai-a-cốp-ski còn sáng tác bản anh hùng ca bất hủ nhan đề 150 triệu ca tụng nhân dân Liên Xô vĩ đại và bài thơ nổi tiếng “Tốt lắm” trong đó ca tụng sự nghiệp 10 năm cách mạng và nhìn thấy tiền đồ vẻ vang của nhân dân Liên Xô, nhìn xa tưởng như đến mấy chục năm sau này nữa vẫn còn đúng.

Mai-a-cốp-ski đã từng sang Mỹ và đã thấy rõ chế độ thối tha tàn bạo của đế quốc Mỹ. Ở Mỹ về, Mai-a-cốp-ski viết một thiên phóng sự gây tác dụng làm cho "mọi người phải tìm hiểu những chỗ yếu và chỗ mạnh của Mỹ". Cũng trong dịp này, Mai-a-cốp-ski còn sáng tác bài thơ “Giấy thông hành Xô Viết” (lời Mai-a-cốp-ski) nổi tiếng là tượng trưng bằng thơ cho chủ nghĩa ái quốc.

Ðối với dân tộc Việt Nam đang ra sức xây dựng một nền văn nghệ phục vụ nhân dân, Mai-a-cốp-ski là tấm gương sáng của một nhà thơ hiểu rõ "sứ mệnh của thơ ca" và suốt đời đấu tranh để cho mọi nhà thơ hiểu rõ sứ mệnh của thơ ca.

Mỗi người làm văn nghệ Việt Nam cần suy nghĩ kỹ lời nói của Mai-a-cốp-ski: "Nhà văn cách mạng là một người góp phần vào cuộc sống bình thường hàng ngày và vào việc kiến thiết xã hội chủ nghĩa".

… "Tôi không bao giờ từ chối viết một bài thơ và đề tài [1] thời sự dù là đề tài về phú nông, về trường học, hay về những miếng da thỏ con con của mậu dịch quốc doanh".

Thơ của Mai-a-cốp-ski rất giàu tính chiến đấu, không những đối với quân thù mà cả đối với những tư tưởng, tác phong lệch lạc trong hàng ngũ cách mạng. Bài thơ của Mai-a-cốp-ski châm biếm những người cộng sản khai hội liên miên, đã được Lênin khen ngợi rằng: "về chính trị, tôi đảm bảo là hoàn toàn đúng".

Ðặc biệt năm nay kỷ niệm ngày Mai-a-cốp-ski mất giữa lúc chúng ta đang có cuộc vận động phê bình văn học trong đó có phê bình thơ Tố Hữu, chúng ta cần học tập tính chất chính trị sắc bén và tinh thần phục vụ triệt để của nhà thơ Xô Viết Mai-a-cốp-ski. Chúng ta cần hiểu rõ một nền văn nghệ tiên tiến không thể tách rời đảng tính và giai cấp tính. Ðó là tiêu chuẩn mà Mai-a-cốp-ski đã trao lại cho chúng ta để làm thước đo mọi tác phẩm văn nghệ. Tác phẩm của Mai-a-cốp-ski còn nêu cao tác dụng của thơ, văn ca ngợi cái tươi sáng của chúng ta và đập mạnh cái đen tối của quân thù, mài sắc tinh thần phê bình, tự phê bình sắc bén, và gắn chặt nghệ thuật với chính trị.

Kỷ niệm lần thứ 25 ngày Mai-a-cốp-ski mất, chúng ta hãy ra sức học tập Mai-a-cốp-ski, và thiết thực nhất lúc này là đem những bài học mà Mai-a-cốp-ski để lại cho chúng ta áp dụng đúng đắn vào những cuộc phê bình văn nghệ của chúng ta hiện nay.


Nguồn: Nhân dân, 14.4.1955
[1]Có lẽ đúng ra phải là: “về đề tài...”; có thể bản gốc in lầm (N.S.T.)