27. THẨM LĂNG  
Việt Bắc và Tố Hữu

Trên báo
Văn nghệ số 65, Hoàng Yến trong bài “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?” có nêu lên vài điểm dẫn chứng: Thơ Tố Hữu qua cuốn Việt Bắc không hiện thực. Tôi cũng đồng ý với Hoàng Yến ở điểm đó, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối. Vì một nhà thơ cách mạng, − thơ mang tình cảm − tình cảm đó có lý do gì không hiện thực? Thơ của Tố Hữu được quần chúng đọc và nhớ nhiều. Ngôi sao Tố Hữu trên thi đàn hùng lắm! Vì âm hưởng của thơ Tố Hữu thuần túy, người đọc thấy thấm thía và rộn lòng. Qua thơ Tố Hữu, tình cảm đất nước, nhạc đất nước thấm vào lòng yêu nước của người đọc. Hình ảnh của đất nước ấm áp quá, khêu gợi quá để cùng thi sĩ thốt lên "Ðẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!" Phần căn bản thơ Tố Hữu nằm trong trong câu thơ đó.

Tố Hữu dựng rất nhiều hình ảnh trong thơ của mình. Dù màu sắc đậm đà hay sơ sài, những hình ảnh của Tố Hữu đều sáng sủa và in sâu!

Hình ảnh lãnh tụ Staline của thế giới tự do:

Ông Staline bên cạnh nhi đồng
Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười
………

Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bài
“Sáng tháng Năm”:

Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà!

Hình ảnh những nhà lãnh tụ đẹp hơn tranh vẽ. Lòng yêu mến Hồ Chí Minh trào lên khi tôi đọc những vần thơ trên đây.

Hình ảnh anh bộ đội:

Tay dao tay súng gạo đầy bao
Chân cứng đạp rừng gai đá sắc!

Hình ảnh chú bé linh động:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
…………..

Ở Tố Hữu còn có một điểm đặc biệt về hình ảnh: lấy tình cảm thực để dựng hình ảnh. Bài thơ “Bao giờ hết giặc” đã đưa lên được hình ảnh một bà bủ, một bà cụ bần nông nhiều con lắm cháu. Nhất là thằng út cũng lại đi "giải phóng" lâu ngày:

Bà bủ nằm ổ chuối khô
Bà bủ không ngủ bà lo bời bời
Ðêm nay tháng chạp mùng mười
Vài mươi bữa nữa Tết rồi hết năm
Bà bủ không ngủ bà nằm
Bao giờ thằng út về thăm một kỳ

Sang hình ảnh quê hương trong thơ Tố Hữu, tôi muốn trở về một vài điểm của bài thơ “Việt Bắc”:

Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao ánh nắng, dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng...

Ðẹp thay rừng Việt Bắc, "lâu đài xanh" của người Việt! Những hình ảnh ấy còn được giải ra những vần thơ địa phương tính:

Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đượm cho ai nhớ mình
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt tấm tình ngược xuôi

Hình ảnh người lao động trên sông, trên mặt ruộng với tài sản của đất nước do bàn tay lao động mình tạo ra:

Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tầu chạy bốn bề lưới giăng
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái tường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về vui luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cầy bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng 
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông [1]


L. Soubotsky có viết: "Chiến tranh kết liễu, những cuộc xây dựng bắt đầu. Tiếng nói của nhà văn lại cất lên giữa tiếng ầm ầm của xưởng máy và công trường. Giúp nhân dân gắn lại những vết thương đau, làm đằm thắm lại những rung động đã mòn mỏi. Ðó là sứ mạng cao quý của nghệ thuật…"

Qua những vần thơ trên đây và nhiều vần thơ khác Tố Hữu đã làm nhiệm vụ đó. Ðây phải chăng là câu hò tiếng hát của người phụ nữ trên cánh đồng hay đầu mũi con đò buông sông. Những hình ảnh quen thuộc xa xôi trở lại với vần thơ.

Ở cuốn
Việt Bắc người ta không tìm thấy nữa những vần thơ nóng hổi của Tố Hữu:

Gió, gió ơi, hãy làm giông làm tố
Cuốn trung liên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ôi!
Ta ngã cuốn trong dòng người cuộn thác [2]

Từ khi cuộc kháng chiến bùng nổ, mỗi một giây phút nhạc "
Muôn phương chân nện gót rầm rầm", rõ rệt và gần lại ta hơn. Ðáng phàn nàn thi sĩ không cho reo tiếp bản nhạc vĩ đại đó của cách mạng trong tám chín năm qua!

Cũng theo bản chất ấy, người ta chỉ tìm thấy Tố Hữu của cuốn
Việt Bắc ngồi rít hơi thuốc lào dài với anh bộ đội dưới bóng tre già, hay là đứng cạnh đồng chí pháo binh đợi giờ chiến đấu và nóng nảy thúc giục "Anh đại bác tôi chờ anh để hát!" Rồi thi sĩ có một hôm lên đường cùng anh bộ đội:

Sáng nay ra trận lên Tây Bắc
Hai đứa ta cùng đi đánh giặc

Nhưng bỗng nhiên thi sĩ rời xa anh bộ đội hiên ngang và thi sĩ Tố Hữu của ta đã biến người chiến sĩ ra một bức tượng vô cùng đẹp:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi tay vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo

Cũng chỉ vì người ta không tìm thấy nữa những vần thơ nóng hổi của thi sĩ Tố Hữu trước năm 1945 nên ông Hoàng Yến đã cay nghiệt nẩy ra ý nghĩ so sánh thơ Tố Hữu thời kỳ đầu và nay. Ông cho rằng. “Thời kỳ trước cách mạng, với nhu cầu cụ thể của nó, thơ Tố Hữu là lá cờ tiền phong hướng dẫn đấu tranh. Với thời đại kháng chiến bây giờ, với đòi hỏi lớn lao gấp bội, thơ Tố Hữu quả chưa làm được nhiệm vụ tiền phong chiến đấu như thời kỳ trước và nếu đem so sánh đối chiếu với mỗi thời đại cái tỷ lệ tương xứng ấy cho ta thấy thơ Tố Hữu ngày nay còn bé hơn thơ Tố Hữu trước kia. Bé vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa được sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức”.

Tôi đồng ý với Hoàng Yến rằng "Bàn về thơ Tố Hữu nói chung là một vấn đề lớn có nhiều mặt, nhiều phương diện và trong một bài báo ngắn không thể nói hết được ưu khuyết điểm". Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với Hoàng Yến về điểm so sánh thơ Tố Hữu qua hai thời kỳ. Theo tôi trình bày ở trên, Tố Hữu qua cuốn
Việt Bắc nặng về ca ngợi nên tình cảm hiện thực về chiến đấu thường bị lu mờ. Xét thơ Tố Hữu cần biết qua Tố Hữu. Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến là một cán bộ trăm công nghìn việc hơn là một thi sĩ với sứ mạng nghệ sĩ của mình. Chính vì giai đoạn kháng chiến đã đòi hỏi Tố Hữu như vậy. Thơ Tố Hữu sáng tác rất ít, tuy nhiên Tố Hữu đã nói lên được tình cảm quần chúng qua tác phẩm của mình. Tình cảm bài thơ “Bao giờ hết giặc” là tình cảm thật của bà bủ. Tình cảm bài thơ “Bà mẹ Việt Bắc” là tình cảm thật của đường Mé rừng. Tình cảm bài thơ “Cá nước”, “Bầm ơi!” là tình cảm thật của anh bộ đội.

Ðọc tác phẩm Tố Hữu, người ta cảm thấy như được nghe những mẩu chuyện con con rất say sưa và kích thích:

Anh kể chuyện tôi nghe
Trận chợ Ðồn chợ Rã
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả

Những tình cảm ấy nẩy nở rất thích hợp với thời đại và xã hội. Những tình cảm ấy là những tình cảm ngấm ngầm nằm trong quần chúng, chứng tỏ tư tưởng cách mạng đương ăn sâu vào quần chúng. Những tình cảm ấy là căn bản của sức chiến đấu của dân tộc ta. Nó sửa soạn cho hành động tự giác một cách toàn diện. Lẽ dĩ nhiên nó phải là những tình cảm hiện thực. Xem bài thơ “Bầm ơi” anh bộ đội nào mà chẳng thấy mình đã có đôi lần nói lên những tình cảm ấy? Bà mẹ nào mà chẳng thấy nhớ con, căm giặc và sao chẳng trở thành bà mẹ nuôi của bộ đội? Xem bài thơ “Cá nước” ai chẳng tin ở sức ta, thấy tiền đồ sáng sủa qua tiếng cười ha hả…

Theo ông Hoàng Yến, Tố Hữu chưa thổi vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại. Nhưng theo tôi Tố Hữu đã nhóm, đã khơi ngọn lửa đó để nó bốc lên rực rỡ!...
3-1955

Nguồn: Ðộc lập, số 97 (30.4.1955)



[1]Lưu ý: tác giả dẫn sai một số từ trong các câu thơ, ở đây giữ nguyên do yêu cầu tư liệu (NST).
[2]Lưu ý: Tác giả bài này dẫn thơ thiếu chính xác: “cuốn tung lên” chứ không phải “cuốn trung liên”. Ở đây giữ nguyên sai sót ở dạng bài đăng báo vì tính tư liệu của sách này. (NST)