41. TRƯƠNG CHÍNH  
Chung quanh tập thơ
Việt Bắc:                                        

Ý kiến của các bạn văn nghệ

L.T.S. - Tiếp theo ý kiến một số bạn đọc, chúng tôi trích đăng ý kiến của những anh chị em văn nghệ. Ban Văn của Hội Văn nghệ Việt Nam sẽ có một bản nhận định về tập thơ Việt Bắc công bố trên báo này. [1]

Có điều này ai cũng phải công nhận là cách điệu của tập
Việt Bắc khác hẳn tập Thơ xuất bản năm 1946. Trong tập Thơ 1946, tình cảm của Tố Hữu sục sôi, quằn quại, mãnh liệt, lời thơ ran nóng, hăng say, khi tức tối, uất ức thì gào thét lên, lồng lộn lên, khi vui thì điên loạn lên như trong bài “Huế tháng Tám” là bài kết thúc một giai đoạn và mở đầu một giai đoạn mới trong đời Tố Hữu, sát theo một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam.

Nhưng từ đó về sau, thơ Tố Hữu êm ả hơn, ngọt ngào hơn, trong sáng hơn. Tâm hồn Tố Hữu lắng xuống như làn sóng biển sau cơn bão táp:

Anh về cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca

hay là:

Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn

Ngay trong những bài như
“Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, cũng đột nhiên có những câu rất lắng lại:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng

Theo ý tôi thì tuy cách điệu của hai tập thơ có khác nhau, nhưng nội dung tình cảm vẫn không hề thay đổi. Ta không thể nói Tố Hữu, trước ngày giải phóng, thì cách mạng hơn, căm thù giặc hơn, giàu tinh thần chiến đấu hơn là trong thời kỳ kháng chiến.

Sở dĩ cách điệu khác nhau là hai tập thơ làm trong hai thời đại khác nhau. Tâm hồn nhà thơ cũng là tâm hồn của thời đại và thay đổi theo thời đại.

Cái thuở còn trong vòng xiềng xích, địch mạnh ta yếu, địch có nhà tù, mũi súng, lưỡi lê, mà ta chỉ có hai bàn tay không và tinh thần cách mạng, thì không có cách nào hơn là:

Giương mắt chĩa vào quân thù ác độc
Những ánh lửa xanh lè và hằn học
Hận trào lên khinh cái chết kề bên...

Và la ó, chửi mắng, gào thét, và gào thét nữa:

Tôi chỉ gào và chỉ nhớ còn tôi
Tôi cố thét, sao vẫn còn nhỏ quá!
Những tức tối, trời ơi! không thể hả,
Như một con chó dại bỗng lên cơn,
Tôi lồng lên, tôi cố thét to hơn
Ðể căm giận trút ào trong tiếng phổi
(
“Tranh đấu” - Thơ trước 1945).

Chỉ có như thế mới hả được nỗi uất hận trong lòng, mới động viên được mình và động viên được người khác. Cho nên không thấy làm lạ thơ của Tố Hữu hồi đó - "Trào lên những giòng thơ hừng hực, đỏ rực căm thù" (Hoàng Yến).

Một khi đã được giải phóng rồi, tuy còn phải kháng chiến trường kỳ gian khổ mới đến thắng lợi ngày nay, nhưng chúng ta được ngang nhiên dùng súng và đạn thật để trả lời địch, để tiêu diệt địch, không cần phải nghiến răng gào thét nữa. Nỗi uất hận phải biến thành hành động. Và ở Tố Hữu, cũng như ở tất cả những người kháng chiến, đã biến thành hành động. Hò hét bây giờ chỉ thêm ồn và có thể làm giảm mất một phần sinh lực.

Một mặt khác, chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến thiết, tương lai đã nằm trong lòng hiện tại, đỏ rực lên chứ không còn "le lói như ánh sao xa" trong câu thơ ngày nọ. Chúng ta kháng chiến gian khổ, nhưng nghĩ đến tương lai thì lại phấn khởi ngay. Cũng vì thế mà, giữa lòng kháng chiến, vẫn có những vần thơ hiền hòa, lạc quan, lành mạnh.

Cách điệu thay đổi còn là vì Tố Hữu đã chuyển từ thơ tự thuật sang thơ gợi cảm. Trừ một số bài rất ít như “Bắn”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, v.v... Tố Hữu thường ghi cảm xúc của mình, không kể lể, không diễn tả, không lý luận như hồi trước nữa. Có khi anh không nói thành lời, mà để người đọc tiếp tục cảm xúc cái cảm xúc của mình. Chính vì thơ anh gợi cảm, cho nên vai trò của người đọc trong việc thưởng thức thơ rất quan trọng. Người đọc cũng phải tích lũy được trong tâm hồn mình một số cảm xúc nào đó, một số tình ý, một số hình ảnh nào đó, nghĩa là người đọc cũng phải có một quá khứ, một lịch sử, thì mới góp được phần của mình trong việc xây dựng bài thơ. Người ta thường bảo "hương gây mùi nhớ", nhưng cùng một mùi hương, có người nhớ đến việc này, có người nhớ đến việc kia và có người không nhớ gì cả, là vì thế.

Trong tập
Việt Bắc, có nhiều câu thơ chỉ toàn là những tên đất ghép lại, mỗi tên đất đều gợi lên một sự kiện lịch sử, một kỷ niệm của cuộc kháng chiến, một tình yêu đối với non sông đất nước. Nhà thơ nhắc lại, thấy đầy đủ lắm rồi, không còn phải nói thêm. Nói thêm là thừa.

Thơ cũng có một sức mạnh gợi cảm như hội họa, như âm nhạc, như kịch tuồng. Nhưng một bài thơ không lợi dụng được thị giác như một bức họa, không lợi dụng được thính giác như một bài nhạc, không lợi dụng được thị giác và thính giác như một màn kịch. Thơ chỉ đánh được vào tình cảm. Ðó là yếu điểm [2] mà cũng là nhược điểm [3] của thơ. Nếu không nắm vững điều đó thì có thể thấy bài thơ nào cũng "bất lực", cũng chưa "sôi nổi", chưa "dựng" được cái này, cái nọ.

Một tác phẩm khi xuất bản ra mọi người đều có quyền khen hay chê, mà chính tác giả cũng muốn người ta khen và cả chê nữa. Ðành rằng khen hay chê không nhất thiết lúc nào cũng phải cho đúng. Nhưng cần phải thận trọng. Bởi vì, người ta sáng tác mà mình phê bình cũng giống như người ta hát mà mình đánh nhịp. Ðánh nhịp thì phải thành tâm và thận trọng, nếu không, mình đánh nhịp sai, thì người hát vững cũng dễ lạc điệu!


Nguồn:
Văn nghệ, số 73 (1.6.1955)
 


[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ (NST).
[2]Yếu điểm: chỗ trọng yếu (important point).
[3]Nhược điểm: chỗ thiếu sót, chỗ yếu ớt (theo Ðào Duy Anh, Hán-Việt từ điển).