37. VŨ ĐỨC PHÚC  
 Chung quanh tập thơ Việt Bắc:                                     

Thư bạn đọc [1]

Báo Văn nghệ, số 69, bài nói Mai-a-kốp-ski, sau khi giới thiệu ngắn về thơ Mai-a-kốp-ski, có viết một câu như sau: "Ở Việt Nam, bao giờ chúng ta mới có những bài thơ thay thế cho những bài xã luận, những bài thơ trực tiếp giải quyết những vấn đề gay go của thực tế? Bao giờ mới có những bài thơ thoát khỏi những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu?"

Câu nói đó quá khinh miệt thơ ca Việt Nam, không những rẻ rúng tất cả những thơ ca của các nhà thơ cách mạng và nhà cách mạng làm thơ, từ khi có giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng nghĩa là từ 1930 đến giờ và các nhà thơ ái quốc trước đó; câu nói đó lại miệt thị nền thơ dân tộc của ta, quẳng đi một cách khinh miệt truyền thống thơ ca hiện thực Việt Nam, xuất phát từ ca dao tiến tới những trăm, nghìn bài thơ không những của các nhà cách mạng, mà còn của những nhà thơ khác, của bao nhiêu bộ đội, dân công, công nhân, nông dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chúng ta ngưỡng mộ, thán phục những tài năng lỗi lạc của thế giới, như Mai-a-kốp-ski, chúng ta không những cần học tập hàng ngày văn học của Liên bang Xô Viết, lấy những kinh nghiệm quý báu của người anh cả làm kinh nghiệm lãnh đạo ta sáng tác, mà còn phải học tập hàng ngày những văn hào vĩ đại của thế giới, những văn hào tiến bộ. Nhưng càng ngưỡng mộ, khâm phục bao nhiêu, chúng ta càng cần phải trân trọng nâng niu những cái gì thực là Việt Nam, càng cần phải bảo vệ những hạt ngọc, dù là nhỏ bé, dù là có vết, nhưng rất quý báu của tổ tiên, cha anh ta để lại, và của chúng ta hiện nay.[2] Nếu không, thì ai là người làm hộ chúng ta việc đó. Chúng ta chưa sưu tầm vốn cũ được đầy đủ là một chuyện khác, chúng ta hiện nay còn nhiều khuyết điểm là một chuyện khác. Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội, mà đại diện chính của nó ở Việt Nam hiện nay, theo ý tôi, là thơ ca, chủ nghĩa hiện thực đó không phải chờ đến khi Lê Ðạt nói một câu thật là miệt thị như trên, mới xuất hiện. Ngay từ khi có Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, tức là cách đây 25 năm, đã có những bài thơ đi sát với nhiệm vụ chính trị, nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù, có phải toàn là "những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu" cả đâu.

Trong cuộc kháng chiến, thơ văn cách mạng, tuy rằng tiến bộ chậm, nhưng đã nảy nở và lớn mạnh từ trước tới nay chưa hề có.[3] Chỉ có một đầu óc khinh thị cao đến tột bực mới không nhìn thấy những cái đó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chỉ cần điều kiện cần thiết trước tiên là trong xã hội có một giai cấp công nhân có ý thức về nhiệm vụ lịch sử của mình lãnh đạo cách mạng, như thế là nó đã xuất hiện rồi. Trải qua 25 năm trời chiến đấu, giai cấp công nhân càng ngày càng lớn mạnh và được tín nhiệm. Ðó là điều kiện cho thơ ca cách mạng nảy nở, mà nó đã nảy nở rồi. Sao lại có thể quan niệm rằng trước một tình hình lịch sử như thế, thơ ca của ta, nghĩa là tư tưởng, tình cảm của ta kết tinh lại, toàn là "tủn mủn, nhắm nháp cuộc đời" cả.

Quan niệm trên đây của Lê Ðạt, tuy làm ta phẫn nộ nhưng cũng rất dễ hiểu. Xưa kia đã có những người chỉ biết ca tụng văn hóa ngoại quốc, còn những cái của mình, chưa in được, hay in trên giấy lèm nhèm thì quẳng đi, cho là thiếu văn minh. Ngày nay, trong hàng ngũ những người công tác văn nghệ, hoặc những người có đọc sách, cũng còn có một số tuy là rất ít, chỉ khư khư ôm lấy một số quyển sách của các nước bạn ta, còn tất cả những cái gì của ta sáng tác thì sẵn sàng bĩu môi chê cái đã. Cũng cần phải nhắc lại một chân lý ai cũng hiểu: tất cả những cái gì là nhân văn, là hiện thực, được coi là tài sản chung của nhân loại, cũng là những cái gì bám chắc lấy mảnh đất của quê hương, noi theo một cách trung thành và sáng suốt truyền thống của dân tộc.

Những kẻ khinh miệt dễ dàng những vốn liếng đã có hay đang có của dân tộc, phủ nhận những cố gắng và tiến bộ rõ rệt của thơ ca cách mạng Việt Nam, những kẻ ấy không phải là biết tôn trọng văn học tiến bộ của thế giới, không phải là biết học tập văn nghệ Liên Xô, mà họ chỉ đại diện cho một xu hướng khinh thị dân tộc "đội lốt" hiện thực xã hội chủ nghĩa mà thôi. Chính vì nó đội lốt như thế nên lại càng nguy hiểm, làm cho nhiều người hiểu nhầm, hay lạc hướng
.

Nguồn: Văn nghệ, số 71 (10.5.1955)
[1]Bức thư này của Vũ Đức Phúc đăng cùng trang với bài Bạn đọc góp ý kiến trên đây, nhưng được báo Văn nghệ cho in tách ra như một bài riêng (NST).
[2]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).
[3]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).