CÁI TÁNH GHEN CÙNG DẬT SỰ THI VĂN BỞI NÓ MÀ RA

 

 

Cái tánh ghen là tánh chung của loài người, đàn bà đàn ông đều có cả. Trong Cựu ước Thánh kinh thường hay nói rằng : “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời ghen”. Nếu theo thuyết ấy và cũng theo cái thuyết thượng đế là cha của loài người, thì ghen là cái tánh di truyền cho cả và(*) nam nữ, vì ai nấy đều là con của thượng đế hết.

Vậy thì làm sao từ xưa đến nay, chỉ có đàn bà mang lấy cái tiếng hay ghen mà đàn ông lại không ? Câu hỏi ấy chẳng khó chi trả lời.

Ghen là cái tánh sẵn có trong người ta, song đến lúc nào có sự bất bình uất ức thì nó mới phát hiện. Đàn ông từ mấy ngàn năm nay có quyền hơn đàn bà, đã được tự do rộng rãi trong sự cưới hầu, lại có quyền giam chế nơi phòng thất, thì còn ức chi nữa mà ghen ? Phỏng sử cái chế độ nam nữ của ta từ xưa trái với câu tục ngữ hiện hành(**) mà rằng : “Gái năm phu bảy tướng, trai chính chuyên một vợ” thì chắc cái tiếng hay ghen đã đổ về đàn ông hết.

Đàn ông đã được phần hơn, lại còn đặt ra những lễ giáo để ràng buộc đàn bà. Sách nữ huấn hay là nữ giới nào cũng vậy : cũng cho ghen là tật xấu và cấm đàn bà ghen, cố đẽo gọt cái tánh trời sanh để có lợi cho đàn ông. Họ cho đàn bà không hay ghen là đàn bà hiền, có đức ; nhưng lời khen tặng ấy có chắc là đúng đâu, vì do nơi miệng đàn ông mà ra.

Tạ An là một danh nhơn đời nhà Tấn có tánh phong lưu, ưa chơi đàn hát nhà trò, sau lại muốn cưới hầu, mà vợ là Lưu thị nhứt định không cho. Bọn cháu kêu Tạ An bằng chú bằng cậu, biết ý ông ta, bèn đến thăm Lưu phu nhân, nói xa nói gần, nói đến những bài thơ Quan thơ, Chung tư, trong Kinh Thi hay lắm, các bài ấy khen bà Hậu phi không có tánh đố kỵ. Phu nhân biết chúng nói vậy là có ý biếm nhẽ mình, bèn hỏi rằng : “Ai làm ra mấy bài thơ ấy ?” Đáp rằng : “Ông Châu Công”. Phu nhân nói : “Châu Công là đàn ông, mới làm những bài đó ; giá phỏng bà Châu Công soạn Kinh Thi thì đã không nói như vậy rồi”.

Tạ An mới muốn đó thôi, chớ đã cưới hầu đâu, mà phu nhân đã trổ cái giọng chua chát ấy ra, thế mới biết rằng cái tánh ghen là tánh trời sanh vậy. Trong sách Hàn Phi Tử cũng có một câu chuyện có thể làm chứng sự ấy nữa, sách ấy chép rằng :

“Có hai vợ chồng kia đi cầu nguyện, người vợ cầu rằng : “Lạy trời cho vợ chồng tôi làm ra một trăm quan tiền”. Người chồng nói rằng : “Sao lại xin có ít thế ?” Vợ thưa rằng : “Nếu nhiều quá số ấy rồi thì anh sẽ đem mua hầu còn chi !”

Đàn bà không những ghen với người đồng loại cùng mình là đàn bà, mà lại ghen đến đàn ông nữa. Sách Tục thuyết của Thẩm Ước có chép rằng :

Tuân Giới Tử làm quan thứ sử Kinh Châu, có vợ ghen lắm, cứ ở luôn trong phòng làm việc của chồng, khi nào có khách đến thì xủ(*) màn the xuống mà ngồi ở trong. Một hôm, có quan tham quân họ Hoàn, người lịch sự trai, đến hầu Tuân có việc quan. Nói chuyện về việc quan xong rồi mà Hoàn chưa đi, lại còn ngồi tán chuyện khác nưa. Vợ Tuân ở trong màn the khoác(**) rằng : “Quan tham có biết cách làm người là thế nào không ? Hễ nói chuyện rồi thì đi chớ”. Hoàn bèn vội vàng chạy ra.

Người ta hay nói ghen bóng ghen gió, quả có thật. Có người vì ghen bóng ghen gió mà đến nỗi bỏ mình không tiếc. Chuyện “Bến đò ghen” chép trong sách Dậu dương tạp trở như vầy :

Về đời nhà Tấn có Đoàn Minh Quang là vợ Liêu Bá Ngọc, hay ghen. Một hôm, trước mặt vợ mình, Bá Ngọc đọc bài phú Lạc thần (bài của Tào Thực tả sự đẹp của nữ thần sông Lạc), rồi nói với vợ rằng : “Tôi mà cưới vợ được như vầy, thôi không còn ân hận gì nữa”. Nàng Minh Quang nói : “Sao chàng lại khen nàng Thủy thần mà khinh ta ? Ta chết lại không làm Thủy thần sao ?” Nàng liền trầm mình mà chết trong đêm ấy. Sau bảy hôm, cho Bá Ngọc thấy chiêm bao và nói cùng chàng rằng : “Chàng phải lòng nàng thần, nay ta cũng đã làm thần rồi !” Bá Ngọc về sau không dám qua sông nữa. Từ đó chỗ bến đò nàng trầm mình đó, người đàn bà nào bảnh mặt phải làm ra lem luốc rách rưới mới dám đi qua, nếu không thì sẽ có sóng gió nguy hiểm ; song người nào xấu xí thì được đi qua như thường. Vì vậy kêu là “bến đò ghen”.

Đến lúc cái nư(*) ghen nổi lên thì chết tới nơi cũng không sợ. Sự ấy xưa nay cũng thường thấy.

Thuở nhà Đường, công tước là Nhiệm Khôi có bà vợ ghen mà dữ, nên ông ta sợ lắm. Một ngày kia, vua Thái Tôn muốn thưởng công, ban cho ông ta hai con thị tì ; ông ta lạy tạ ơn, song thú thiệt rằng vợ nhà ghen lắm, không dám đem về. Vua bèn đòi người vợ vào cung, truyền rót một ly rượu và phán cùng bà rằng : “Đàn bà mà ghen là phạm vào tội “thất xuất”. Nếu có biết khôn mà đổi nết thì khỏi uống rượu nầy ; bằng không, thì khá uống đi”. Bà kia tâu rằng : “Thiếp chết thì chết, không bỏ ghen được, xin uống rượu”. Rồi bà bưng ly rượu mà uống cạn. Về đến nhà, bà trối mọi việc sau và quyết biệt cùng chồng con, tính bề chắc chết ; sau té ra không chết, vì rượu vua cho uống là rượu thiệt, chớ không phải rượu có dầm thuốc độc. Có người nói rằng rượu vua Thái Tôn cho vợ Nhiệm Khôi uống đó là dấm, không phải rượu, vì vậy người đời sau dùng chữ “uống dấm” để chỉ về đàn bà ghen. Trong Truyện Kiều có chữ “dấm chua”, cũng là lấy điển tích đó.

Tôi phiền cho đàn ông đã vô đạo mà lại bất tài, chi cái thứ ghen mà cũng mượn đến quyền thế đế vương để trừng trị.

Trong sách chép nhiều chuyện “vua đánh ghen”.

Đời vua Minh đế nhà Tống, có quan hữu thừa là Vinh Ngạn Viển vì cao cờ mà được gần vua. Một hôm đánh cờ với vua, vua thấy trên mặt Vinh có vít sưng, bèn hỏi cớ làm sao, thì té ra bị vợ ghen đánh. Vua nói rằng : “Ngươi có bằng lòng để ta trị nó không ?” Ngạn Viển tâu liều rằng : “Nhờ ơn bệ hạ”. Liền đêm đó, vua ban thuốc độc ép bà ấy tự tử. Cũng ông vua đó, nhơn vợ Lưu Hưu là Vương thị cũng ghen, bèn cho phép nàng hầu của Lưu chận Vương thị xuống đánh hai chục roi. Lại bắt Lưu mở một cái quán nơi cửa sau, cho Vương thị bán những chổi quét nhà, chùm kết v.v. để làm cho nhục.

Hễ cái áp lực càng nặng chừng nào thì cái phản động lực lại càng mạnh chừng nấy. Đàn ông lấy lễ giáo buộc đàn bà đừng ghen, không thấy công hiệu gì, bèn dùng đến thế lực, thậm chí thế lực của nhà vua nữa. Mà rồi có kết quả gì đâu, tức nước lở bờ, đàn bà phải dùng những thủ đoạn gớm ghê mà đối phó lại.

Đời nhà Đường, chồng bà Nghi Thành công chúa là Bùi Tốn có giấu riêng một ả tình nhân. Bà công chúa sai người bắt được, cắt mũi cắt tai, lột cả da chỗ ấy mà dán vào mặt phò mã, rồi kêu cả người nhà và liêu thuộc đến coi cho bõ ghét.

Nhơn sự báo trả đó mà rồi kẻ đồng loại với đàn bà tức là những nàng hầu, vợ bé lại chịu nhiều điều khổ sở đáng thương lắm. Có lắm nàng hầu vì vợ lớn ghen quá mà bị đày đoạ cả đời hoặc đến nỗi bỏ mạng, thiệt là tội nghiệp.

Về đời nhà Thanh, có Thiệu Phi Phi, người Tây Hà, có nhan sắc lắm, bị La Mật là một viên quan nhỏ, đem ngàn vàng mua làm vợ bé. Lúc về đến Yên Kinh, vợ lớn ghen quá không dung được, Mật tính đem nàng gán cho người gác cửa. Nàng không nghe, bèn làm mấy bài thơ tuyệt mạng rồi tự tử. Mấy bài thơ dịch ra như vầy :

                                     I

Xa cách non sông mấy dặm khơi,

Phấn son rời rã ngán thay đời !

Tủi mình lại trách sao thân mẫu

Chỉ biết tham tiền chẳng nghĩ tôi ?

                         II

Sư tử tha hồ khoát tiếng to,

Lại đem thân thiếp gá cho đồ...

Chồng con bạc bẽo đà nên giận,

Bên gối hương trời chẳng nhớ cho !

                         III

Khêu đèn ngậm lệ rọc huê tiên,

Muôn dặm đưa thơ tỏ nỗi phiền ;

Ướm hỏi mẹ già, bà đẻ tớ :

Bán con còn có được bao tiền ?

                        IV

Ngày xưa thơ dại mộ chồng sang,

Con gái ham giàu cũng sự thường.

Nhắn nhủ chị em hàng xóm cũ,

Trâm gai quần vải chớ đa mang !

Không những hầu non vợ bé bị hành hạ đã đành, cho đến chánh người đàn ông cũng phải lâm lụy vì một người đàn bà ghen. Ông Trương Đoạn Đình, người đời nhà Thanh, có một nàng hầu yêu mà bị vợ cả cho về đi trong lúc ông đi làm quan xa, ông bèn làm bài Tá mễ dao để ngụ ý rằng :

Tôi hết phương, cùng bác khóc, xin bác cho mượn gạo một hộc. Nguyện thân sau bác làm chủ nhân tôi làm bộc ! Bác chốc chốc lại kêu, còn tôi cứ hầu hạ chăm nom cho đến đầu sói trọc !

Bác không nghe, tôi lại khấu, xin bác cho mượn gạo một đấu. Nguyện thân sau bác làm chủ nhà tôi làm chó ! Bác chốc chốc lại ô, còn tôi cứ lắc đầu ngoắt đuôi, thâu đêm canh cửa ngõ !

Bác không nghe, tôi lại van, xin bác cho mượn gạo một lon. Nguyện thân sau bác làm vợ ghen tôi làm chồng ! Bác chốc chốc lại rầy, còn tôi cứ mắt đui tai điếc, nửa chết nửa nghênh ngông”.

Trong bài dao ấy có ý thảm thiết lắm. Ban đầu mượn một hộc, rồi đến một đấu, rồi đến một lon, càng mượn càng ít lại ; ban đầu xin làm đầy tớ, rồi đến làm chó, rồi đến làm chồng, càng xin càng chịu khổ. Làm chó còn ở trước sự làm chồng của người vợ ghen, tỏ ra làm chồng của vợ ghen lại khổ hơn làm chó nữa. Nghĩ thương hại mà cũng đáng kiếp !

Lời tục hay nói : “Bởi thương lắm cho nên ghen lắm”, vậy ghen là cái để đại biểu cho ái tình. Song cái ghen ở giữa nam nữ có quyền bằng nhau thì cái ghen mới có giá trị ; chớ còn cái ghen của đàn bà bị áp chế chẳng qua một cái sức phản động đáng thương mà thôi. Kẻ làm đàn ông không biết thương, trở lại cho ghen là một ác đức, thiệt là oan quá.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.4 (23.5.1929)


 


(*)  cả và : cả thảy, tất cả (theo H. T. Paulus Của: Sđd.).

(**)  bản gốc là hiện thành, có thể in sai, ở đây tạm sửa là hiện hành.

(*) xủ: thõng xuống, ví dụ: xủ rèm: bỏ rèm xuống cho khuất (theo H.T. Paulus Của: Sđd).

(**)  khoác : có lẽ là khoát (nhà in xếp chữ theo giọng Nam kỳ thành khoác) ; nghĩa như quát ; Theo H.T. Paulus Của (sđd) : khoát nạt = la lớn tiếng, quở lớn tiếng, nộ nạt.

(*)  : cơn giận, sự giận (theo H.T. Paulus Của: Sđd).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006